Gia-cơ. Épitre de Saint Jacques (Thơ).

        



      Tác giả tự xưng mình là Gia-cơ, tôi tớ của Ðức Chúa Trời, song không nói rõ mình là Gia-cơ nào. Nhiều người nhận Gia-cơ nầy là anh em của Chúa: vì rằng thơ nầy nếu do Gia-cơ khác làm, thì tất phải nói phân biệt rõ ràng về mình với Gia-cơ rất trứ danh. Nay tác giả chỉ nói thẳng tên mình, chính là tỏ ý khiêm nhường không muốn chú trọng về mặt có tình thân theo xác thịt với Ðức Chúa Jêsus để khỏi mang tiếng mình cậy quyền thế. Ðộc giả nên chú ý điều nầy dễ biết lắm: thơ Gia-cơ giống ý giảng dạy của Gia-cơ ở Công vụ các sứ đồ 15. Có lẽ thơ nầy chép độ 45 năm S.C.
       I. Sự quan hệ giữa thơ Gia-cơ và các sách khác trong Tân Ước.--
       Có nhiều thuyết cắt nghĩa về bao nhiêu chỗ trong thơ rất giống với các thơ khác:
       1. Chỗ rất cốt yếu là thơ nầy quan hệ với thơ Phao-lô. Những chỗ nó giống thơ La-mã như: Nghe luật pháp thì nên làm theo luật pháp (Gia-cơ 1:22; 4:11; Rô-ma 3:13); nên coi sự thử thách là có ích lợi (Gia-cơ 1:2-4; Rô-ma 5:3-5); ai đoán xét người ta, nấy sẽ bị đoán xét lại (Gia-cơ 4:11; Rô-ma 2:1; 14:4); sự tranh cạnh trong chi thể (Gia-cơ 4:1; Rô-ma 7:23). Nhưng xét lại Gia-cơ 2:17,21-24, và Rô-ma 3:28; 4:; và Ga-la-ti 2:16, thì thấy Gia-cơ và Phao-lô đều trưng dẫn Sáng thế ký 15:6 là chứng cớ; lại lấy việc Áp-ra-ham để tự bày tỏ mình. Nhưng đến lời kết thì dường như trái nhau: Gia-cơ nói người ta được xưng công bình là bởi việc làm chớ không phải bởi đức tin; Phao-lô nói người ta được xưng công bình là bởi đức tin, chớ không phải bởi việc làm. Thoạt coi, thì hai thuyết đó dường như phản đối nhau, nhưng ngẫm nghĩ kỹ thì thấy dung hiệp lẫn nhau vậy. Ðó chỉ vì chữ "tin" hai ông dùng có khác nhau thôi. Chữ "tin" của Gia-cơ là trong lòng người ta tin có Ðức Chúa Trời độc nhất (Gia-cơ 2:19). Ðó là lời mở đầu trong tin kính của người Do-thái. Lại tin rằng Ðấng Christ vì mình mà đến. Còn chữ "tin " của Phao-lô là cực đoan tin cậy Ðấng Christ vậy (Rô-ma 3:22,26). Trong bước từng trải của Phao-lô, sự tin có đủ năng lực rất lớn, làm cho thay đổi được hết các tánh chất của mình: chính ông đã mặc lấy Ðấng Christ, cùng chết, cùng sống lại với Ngài. Tánh tình Gia-cơ không thế: Gia-cơ là người lần lần tin theo và lần lần sửa đổi việc làm. Vì vậy, trong lòng ông chú trọng về việc làm là cái chứng cớ độc nhất của đức tin chơn thật.
       2. Những chỗ trong Gia-cơ giống các thơ tín khác, như: Người đời như hoa cỏ (Gia-cơ 1:10; I Phi-e-rơ 1:24), lòng yêu thương che đậy vô số tội lỗi (Gia-cơ 5:20; I Phi-e-rơ 4:8); kỵ nữa Ra-háp tiếp rước sứ giả (Gia-cơ 2:25; Hê-bơ-rơ 11:31).
       3. Những chỗ thơ Gia-cơ giống các sách Tin lành, tựu trung có điều rất cần là giống như bài giảng của Chúa ở trên núi. Ta thấy như: Ruồng trách kẻ thế (Gia-cơ 5:12; Ma-thi-ơ 5:34-37); ruồng trách kẻ chỉ nghe đạo mà không làm theo (Gia-cơ 1:22,25; Ma-thi-ơ 7:26; Giăng 13:17) Ruồng trách kẻ đoán xét người khác (Gia-cơ 4:11; Ma-thi-ơ 7:1-6); Ruồng trách kẻ theo thế gian (Gia-cơ 1:10; 2:5; Ma-thi-ơ 6:19,24; Lu-ca 6:24); luận về cầu nguyện (Gia-cơ 1:5; Ma-thi-ơ 7:7); luận về nghèo khó (Gia-cơ 2:5; Lu-ca 6:20); luận về khiêm nhường (Gia-cơ 4:10; Ma-thi-ơ 23:12); luận về cây và trái (Gia-cơ 3:12; Ma-thi-ơ 7:16).
       Tác giả cùng ở với Chúa từ bé, hằng nghe Ngài dạy dỗ, nên mới quen thuộc lời Ngài như vậy.
       II. Thơ Gia-cơ phát minh những lề lối của đạo Ðấng Christ.--
       Trong thơ ít chỗ nói thẳng về đạo Ðấng Christ, duy có hai nơi xưng tên Ðấng Christ (Gia-cơ 1:1; 2:1). Nhưng chẳng có lời nào nói về sự Ngài chết và sống lại, về gương tốt của Ngài, nào là nhịn nhục (Gia-cơ 5:10,11; I Phi-e-rơ 2:21), nào là cầu nguyện (Gia-cơ 5:17; Hê-bơ-rơ 5:7). Vì vậy, có người nói thơ nầy há chẳng phải là sách của Giu-đa rồi bị người tin đạo Ðấng Christ thay đổi lại. Song xét kỹ thơ nầy thì biết những ý nói về đạo Ðấng Christ thật cũng không phải là ít, như nói "anh em yêu dấu" (Gia-cơ 1:16,19; 2:5), "sanh chúng ta" (Gia-cơ 1:18), "Nước Ngài" (Gia-cơ 2:5), "phạm thượng đến danh tốt" (Gia-cơ 2:7), "luật pháp về sự tự do" (Gia-cơ 1:25; 2:8), "nhịn nhục cho tới kỳ Chúa đến" (Gia-cơ 5:7-8). Ðó là điều tâm tư riêng của đạo Ðấng Christ vậy. Song cái đại ý của thơ Gia-cơ phần nhiều mượn thuyết từ người Do-thái mà phát minh về đạo Chúa; đó vì thơ nầy viết nhằm lúc giáo hội đạo Do-thái mới tổ chức. Những giọng nói như "nơi hội" (Gia-cơ 2:2), "các trưởng lão Hội Thánh" (Gia-cơ 5:14), "xức dầu" (Gia-cơ 5:14) và sự quan thiệp giữa bịnh và tội (Gia-cơ 5:15), và xưng là "Chúa các cơ binh" (Gia-cơ 5:4), đều xứng đáng với tánh tình Gia-cơ và hiệp với thơ nầy chúc bình an cho mười hai chi phái ở tản lạc (Gia-cơ 1:1). Vì Gia-cơ đến cuối cùng vẫn là người Do-thái nghiêm trang cẩn thận, nổi tiếng trong số người giữ luật pháp (Công vụ các sứ đồ 21:20).
       III. Lối văn và ý dạy dỗ của thơ Gia-cơ.--
       Trong thơ dẫn chứng phần nhiều lấy ở Cựu Ước. Giọng nói có vẻ oai nghiêm của Châm Ngôn và các sách tiên tri, như bảo thế gian là bọn tà dâm (Gia-cơ 4:4). Cựu Ước xưng Y-sơ-ra-ên là Tân phụ của Ðức Giê-hô-va, xưng kẻ bội nghịch là dâm phụ. Suốt thơ có giọng răn dạy và quở trách, thường bắt chước Chúa Jêsus dùng nhiều sự vật mà làm ví dụ, lại hằng viết theo lối thi ca (Gia-cơ 1:17). Lối văn vừa hoạt bát, vừa ngừng lại cách thình lình. Nhưng có khi cũng không rõ ràng và có rất nhiều chữ đặc biệt. Trong thơ có 70 chữ mà các chỗ khác trong Tân Ước không có. Thứ tự cũng không rành; nên chúng ta muốn chia cương, đặt mục thơ nầy cũng không phải là dễ.
       Ðề mục trọng yếu là nỗi nguy hiểm của tiền của, của lời nói, của sự bội nghịch đạo chánh, của sự yêu thế gian, và sự quí báu của lòng tin thật, của cầu nguyện, của khôn ngoan. Theo ý chính thơ nầy mà luận, thực hành tốt hơn nói suông. Trong thơ chú trọng về luân lý của Ðấng Christ và về tánh tình của kẻ thờ lạy giả thần, khiến người ta biết rằng rất cần làm việc hiệp với đạo Chúa. Những hành vi đó tức là đạo Ðấng Christ vậy.
       IV. Sứ mạng của thơ trong thời đại nầy.--
       Có tín đồ hay nói về sự thánh khiết song là giả hình; hay làm chứng về sự yêu thương trọn vẹn song không ăn ở hòa thuận với nhau, hay nói nhiều về đạo mà không làm ơn cho ai. Gia-cơ chép thơ nầy cho những người như thế. Chắc không yên ủi mấy, song dạy nhiều! Tín đồ nào lấy những sự nói ở trên làm đủ, song kém về sự từ bỏ mình và sự thờ Chúa, khi nhờ Ðức Thánh Linh mà suy xét thơ nầy, sẽ thấy ở trong có thuốc chữa bịnh thuộc linh mình.
       Ngày nay có nhiều vấn đề cải cách xã hội thật quan hệ lắm. Các tiên tri đời Cựu Ước là người cải cách xã hội; trong Tân Ước, Gia-cơ như thế. Gia-cơ dạy dỗ nhiều về những sự cốt yếu nên thi hành trong xã hội: sự làm phước thật, cách đối đãi của chủ và tôi tớ, và đối với những người lân cận. Nếu cả Hội Thánh thật học tập những lẽ cốt yếu chép trong thơ đó, thì có sự phục hưng ngay. Ấy vì cớ làm chứng rằng tôn giáo Ðấng Christ đáng vâng theo và thi hành, và loài người thật có yêu thương nhau trong sự thờ Chúa.
       Tiến sĩ Scofield có bài tựa về thơ Gia-cơ như sau nầy:
       Tác giả.-- Gia-cơ, gọi là "người công nghĩa", mà Phao-lô nói đến với Sê-pha và Giăng đều là người "được tôn như cột trụ" trong Hội Thánh Giê-ru-sa-lem (Ga-la-ti 2:9). Về phần thuộc linh, Gia-cơ dường như là một người nghiêm nhặt, sốt sắng theo luật pháp và các nghi lễ của đạo Do-thái (Công vụ các sứ đồ 21:18-24).
       Niên hiệu.-- Theo lời truyền khẩu, Gia-cơ chết vì đạo năm 62 S.C., song trong thơ ông không chép về những sự dạy dỗ mới về Hội Thánh và những lẽ đạo đặc biệt về ân điển được chép bởi Sứ đồ Phao-lô. Cũng không chép về những sự biện luận về sự can thiệp tín đồ ngoại bang với luật pháp Môi-se có biểu quyết tại hội nghị thứ nhứt mà Gia-cơ cai trị (Công vụ các sứ đồ 15:). Như thế, ta biết thơ nầy chép sớm, chắc là "thơ thứ nhứt chép cho tín đồ Ðấng Christ".
       Ðại ý.-- Bởi "đạt cho mười hai chi phái ở tản lạc" (Gia-cơ 1:1), ta hiểu không phải cả người Do-thái, song chỉ những tín đồ vốn là người Do-thái ở tản lạc. Hội Thánh mới lập có những tín đồ như thế (Công vụ các sứ đồ 2:5-11), và Gia-cơ dường như không bỏ Giê-ru-sa-lem cứ ở đó, chắc thấy mình như Mục sư riêng có trách nhiệm đặc biệt với các con chiên bị tản lạc đó. Các tín đồ nguyên là người Do-thái đó cứ họp lại trong các nhà hội (Synagogue), hay là gọi các hội mình bằng tên đó (Gia-cơ 2:2 "hội" nguyên văn Hy-lạp là (Synagogue)). Nhờ Gia-cơ 2:1-8, ta thấy tín đồ người Do-thái cứ giữ những tòa công luận để xứng đáng những việc bất bình giữa mình. Vậy, thơ nầy rất là sơ lược. Nếu tưởng Gia-cơ 2:14-26 là bài phản đối lẽ đạo của Phao-lô về sự được xưng công bình thì thật vô lý. Khi ấy, hai thơ Ga-la-ti và La-mã chưa chép.
       Vậy, đại ý của Gia-cơ là "tôn giáo" (nguyên văn Hy-lạp: Threskeia, "việc bề ngoài của tôn giáo") để bày tỏ và làm chứng cớ của đức tin. Ông không lấy việc làm phản đối với đức tin, song đức tin hay sanh ra việc làm. Lối chép của Gia-cơ giống như những sách chép về sự khôn ngoan trong Cựu Ước.
       Có thể chia thơ ra làm năm phần: 
             (1) Thử đức tin, 1:1; 2:26. 
             (2) Bởi cái lưỡi thử đức tin thực hữu, 3:1-18. 
             (3) Quở trách những sự hướng về thế gian, 4:1-17. 
             (4) Răn dạy người giàu, 5:1-6. 
             (5) Lời khuyên, 5:7-20.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.