1. Là con của Xê-bê-đê, anh của Giăng, ông là một trong mười hai Sứ đồ. Mẹ ông tên là Sa-lô-mê, chị em với mẹ của Ðức Chúa Jêsus (Ma-thi-ơ 27:56; Mác 15:40; 16:1). Ông lìa cha, bỏ nghề chài lưới mà theo Chúa (Mác 1:19; Ma-thi-ơ 4:21).
Ở trong mười hai Sứ đồ, tên ông thường liền với tên ông Giăng (Ma-thi-ơ 10:2; Mác 3:17; Lu-ca 6:14). Vì Chúa Jêsus không thờ trong đền riêng của mình trên núi Ga-ri-xim, người Sa-ma-ri không tiếp rước Ngài; nên Gia-cơ và Giăng muốn xin Chúa xin lửa từ trời đến thiêu họ (Lu-ca 9:53-54). Chúa thấy tánh hai anh em nóng nảy như thế, "thì đặt tên là Bô-a-nẹt, nghĩa là con trai của sấm sét" (Mác 3:17). Hai ông và Phi-e-rơ đều được Chúa đối đãi cách đặc biệt (Ma-thi-ơ 17:1; Mác 5:37; 13:3; 14:33).
Sa-lô-mê mẹ của hai con Xê-bê-đê, lấy lời hứa Chúa (Ma-thi-ơ 7:7; Lu-ca 11:9; Mác 11:24) xin Ngài cho hai con trai mình mỗi người ngồi một bên Chúa trong nước Ngài (Ma-thi-ơ 20:20-28; Mác 10:35-45), khi mười hai Sứ đồ sẽ ngồi trên ngôi xét đoán mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên. Có lẽ vì hai anh em đó có lòng ghen tương với Phi-e-rơ và Anh-rê nên mới có sự xui giục xin như thế. Ngài tỏ rõ cho hai anh em biết, sẽ phải uống chén của sự đau đớn Ngài (về Gia-cơ, xem Công vụ các sứ đồ 12:1,2; về Giăng, Khải Huyền 1:9). Song ngồi bên hữu hay bên tả Chúa "ấy là cho những người nào mà Cha ta đã sửa soạn cho". Mười Sứ đồ khác nghe chuyện nầy thì giận (Ma-thi-ơ 20:24). Sau Chúa bị đóng đinh, Gia-cơ đi với các Sứ đồ khác ở Ga-li-lê (Giăng 21:2), và ở Giê-ru-sa-lem (Công vụ các sứ đồ 1:13). Gia-cơ ở giữa những Sứ đồ đờn bà và anh em Ngài đều "bền lòng đồng một ý mà cầu nguyện" ở phòng cao, sau khi Chúa thăng thiên (Công vụ các sứ đồ 1:12-14).
Trong năm 44 S.C., vua Hê-rốtạ c-ríp-ba, là một nhà chính trị khéo và là người Do-thái nghiêm nhặt, muốn làm đẹp lòng dân sự và cẩn thận theo những lệ luật, không bỏ qua ngày nào mà không dâng của lễ đã định (Joséphus), thì "hà hiếp một vài người trong Hội Thánh". Vì nhằm ngày ăn bánh không men, Gia-cơ và Giăng đã đến thành Giê-ru-sa-lem (Công vụ các sứ đồ 12:1-3), vua nhơn dịp trước lễ đó dùng gươm giết Gia-cơ là người rất nóng tánh. Vua "dùng gươm" vì ưa theo lối người La-mã, chớ không ném đá theo lối người Do-thái phạt người dỗ dành dân sự thờ lạy cách khác.
Clément ở Alexandrie thuật lời truyền khẩu rằng: thấy kiện cáo Gia-cơ trước mặt vua, vì cớ binh vực mình là tín đồ của Ðấng Christ cách dạn dĩ, chịu cảm động đến nỗi cũng xưng mình là tín đồ ngay và xin Gia-cơ tha tội. Gia-cơ hôn người đó, và chúc rằng: "Bình an cho ngươi", rồi cả hai đều bị chém đầu. Song có lời truyền khẩu của hội La-mã nói rằng một giám mục đã tìm xương ông ở Compostella, nước Tây ban nha!
II. Là con của A-phê, và là một tín đồ của Chúa (Ma-thi-ơ 10:3; Mác 3:18; Lu-ca 6:15; Công vụ các sứ đồ 1:13). Không có gì chắc chắn nữa về Gia-cơ nầy, song có người tin rằng Gia-cơ chép ở Ma-thi-ơ 27:56; Mác 15:40; 16:1; Lu-ca 24:10 cũng là Gia-cơ đó. Bởi đó có thấy tên khác là Gia-cơ nhỏ (Mác 15:40). Có lẽ vì thân ông bé nhỏ, nên mới kêu như vậy để phân biệt với Gia-cơ, con của Xê-bê-đê, người ta lại tưởng mẹ ông tên là Ma-ri (Mác 16:1) và em ông là Josèphe (Ma-thi-ơ 27:56). Theo Mác 2:14, Lê-vi (Sứ đồ Ma-thi-ơ) cũng là anh em của Gia-cơ nầy. Cứ xem Giăng 19:25, có thể nói Ma-ri vợ Cơ-lê-ô-ba là chị của mẹ Ngài và mẹ của Gia-cơ nữa. Vì cớ đó, có người tưởng rằng Gia-cơ nầy với Giô-sép, Si-môn, Giu-đe là "anh em của Ngài" (Ma-thi-ơ 13:55). Song le, mọi sự đó dường như không chắc chắn mà thật không hiệp với Kinh Thánh.
III. Gia-cơ, anh em của Chúa (Ma-thi-ơ 13:55; Mác 6:3; Ga-la-ti 1:19; 2:9). Có người nói ông là con do Giô-sép và Ma-ri sanh ra; có người bảo là anh em họ của Chúa. (Có thể coi gồm cả Ma-thi-ơ 12:46; 13:55; Mác 3:31; 6:3; Lu-ca 8:19; Giăng 2:12). Khi Chúa Jêsus ở thế gian, Gia-cơ và các anh em khác của Ngài đều chưa tin Chúa (Giăng 7:3-5). Nhưng đến sau khi Chúa sống lại, họ đều nhìn nhận Ngài cả (Công vụ các sứ đồ 1:14; 12:17). Ðó vì Chúa hiện ra cho Gia-cơ một cách đặc biệt (I Cô-rinh-tô 15:7). Về sau, Gia-cơ lên ngôi cao, làm đầu Hội Thánh Giê-ru-sa-lem. Trong cuộc đại hội nghị, những ý kiến của Gia-cơ chủ trương đều được toàn thể tán thành (Công vụ các sứ đồ 15:4-34). Vả, ông cùng Phi-e-rơ và Giăng đều được tôn như cột trụ của Hội Thánh (Ga-la-ti 2:9). Trong thơ Gia-cơ, ông xưng mình là tôi tớ của Chúa Jêsus Christ (Gia-cơ 1:1), chớ không xưng là em Ngài. Vậy biết ông có lòng khiêm nhường, không khoe khoang.
Ngoài Clément ở Alexandrie, cũng thế kỷ thứ II sau Chúa, có một người Giu-đa là tín đồ Ðấng Christ, tên là Hégésippe viết nhiều về Gia-cơ. Ông ấy viết Gia-cơ không uống rượu, không cạo mặt, không mặc quần áo len, chỉ vải gai mà thôi, để có thể vào nơi thánh. Gia-cơ là người Na-xi-rê, thật khổ hạnh và nghiêm nhặt, theo sự công bình bởi luật lệ, nên người Do-thái coi ông như có đủ tư cách là thầy tế lễ. Cho nên khi Gia-cơ trở nên một người tín đồ Ðấng Christ, thì có ảnh hưởng lớn với những tín đồ vốn là người Do-thái, họ hay gọi ông là "người công nghĩa", và bởi đó rất xứng đáng đứng đầu Hội Thánh Giê-ru-sa-lem. Vậy, ông có dặn bảo Phao-lô trong những sự không quan hệ mấy, nên cứ theo lễ nghi và luật lệ đã định (Công vụ các sứ đồ 21:18-25), dầu cuối cùng tỏ ra thật bất tiện.
Cứ theo Hégésippe chép, Gia-cơ vì thường quì cầu nguyện cho mọi người, nên da đầu gối dày cứng như da lạc đà. Sau bị các thầy thông giáo và người Pha-ri-si tàn hại, vì không chịu khuyên dân chúng đừng theo Ðức Chúa Jêsus. Vả, vì tưởng trong thơ tín ông nói tiên tri về "mười hai chi phái ở tản lạc" (Gia-cơ 1:1), họ đẩy Gia-cơ từ trên nóc đền thờ lăn xuống, song không chết; ông cứ cầu thay cho họ rằng: "Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết mình làm điều gì". Họ lại lấy đá ném ông, dầu có một thầy tế lễ kia bảo rằng: "Thôi đi, người công nghĩa đang cầu thay cho anh em!" Cuối cùng họ lấy chầy phiếu vải đánh ông; dầu vậy, ông cứ cầu nguyện cho đến chết ở đó.
Nếu thơ Hê-bơ-rơ 13:7 có nói đến sự tử vì đạo của Gia-cơ, thì chắc ông chết năm 62 S.C.. Nhưng Hégésippe nói rằng Gia-cơ bị tử vì đạo năm 69 S.C. tức là một năm trước khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy phá.
VI. Gia-cơ, cha của Sứ đồ Giu-đe (Lu-ca 6:16). Có người nói Gia-cơ nầy cùng là một với Gia-cơ, anh của tác giả thơ Giu-đe.