Con của Nô-ê ra đời khi cha độ 500 tuổi (Sáng thế ký 10:21,32 và coi thêm Nô-ê). Môi-se hơn 3.000 năm về trước chép gia phổ trong Sáng thế ký 10; là Sử-ký cổ nhứt và đáng tin hơn hết trong sử ký về loài người tản lạc thế nào. Bởi bảy con trai của Gia-phết (Sáng thế ký 10:2; I Sử ký 1:5) sanh ra những dân bạch chủng trên thế gian: từ Gôme có Arméniens (Cymri hay là Celtes); từ Ma-gốc có Lydiens); từ Ma-đai có Mèdes (Aryens) từ Gia-van có Ioniens (Grecs-Italiens); từ Tu-banh có Tibérani (không còn nữa); từ Mê-siếc có Moschi (không còn nữa), và từ Ti-ra chắc có Teutons. Trong thời kỳ Kinh Thánh Sáng thế ký 9:27 và 10:5 đã được ứng nghiệm rồi vì dòng dõi Gia-phết "tràn ra các cù lao (bờ cõi của các dân ngoại bang)" nghĩa là từ xứ Mê-sô-bô-ta-mi và xứ Sy-ri đi phía Bắc và đi phía Tây mọi xứ trên bờ biển Ðịa trung hải và trong cõi Tiểu A-si. Ngày nay đã tràn ra cả châu Âu, Mỹ, Úc nữa. Vậy bởi sự cảm động Chúa, Môi-se xưa chép những sự mà ngày nay khoa học về gốc tích các dân tộc (Ethnologie) mới bày ra.
Hồi nước lụt, Gia-phết ở trong tàu có vợ rồi, song chưa có con (Sáng thế ký 7:7; và I Phi-e-rơ 3:20). Sau, khi Nô-ê say rượu, Gia-phết biết giữ thể diện cho cha, nên được cha chúc phước riêng cho. Chúa nghe lời cầu của Nô-ê cho Gia-phết (Sáng thế ký 9:27): "mở rộng đất cho Gia-phết" -- Xét việc người Hy-lạp và người La-mã, dòng dõi Gia-phết, chinh phục các đất rộng lớn chung quanh bờ Ðịa trung hải; "Ca-na-an phải làm tôi" xem sử ký và cảnh ngộ dòng dõi Ca-na-an (con của Cham) là các dân hắc chủng thì rõ, "cho Gia-phết ở trại Sem": dầu Gia-phết tràn ra nhiều ở xứ Sem, nhưng vẫn kém Sem: vì phải nhờ Sem (dân Y-sơ-ra-ên) để được biết về chơn thần, và vì "bởi dân Y-sơ-ra-ên sanh ra Ðấng Christ" (Rô-ma 9:5). Như thế, dòng dõi Gia-phết là tín đồ của "Ðức Chúa Trời Sem" (Sáng thế ký 9:26), về sự sống thuộc linh phải "ở nơi trại Sem" (Ê-sai 60:3,5). Những lời tiên tri nầy sẽ được ứng nghiệm trọn vẹn hơn, là khi dân Y-sơ-ra-ên sẽ đứng đầu trong mọi dân tộc mà đến Giê-ru-sa-lem để thờ phượng Vua của các vua (Giê-rê-mi 3:17).