Giăng Báp Tít. Jean-Baptiste.

       



      Về việc Giăng sanh ra (nhằm năm 4 T.C.), và chịu phép cắt bì, chỉ có Lu-ca 1: chép đến. Giăng Báp Tít là dòng thầy tế lễ, cả cha lẫn mẹ, vì cha là Xa-cha-ri là thầy tế lễ về ban A-bi-gia (I Sử ký 24:10), đang giờ dâng hương, thiên sứ báo cho biết vợ là Ê-li-sa-bét thuộc chi phái A-rôn, dầu cao tuổi và son sẻ, sẽ sanh một trai khá đặt tên là Giăng. Ông sanh ra sáu tháng trước Ðức Chúa Jêsus và cũng được truyền để riêng ra như là người Na-xi-rê (Lu-ca 1:15 so Dân số ký 6:). Ông sống trong một đồng vắng ở phía Tây Biển Chết và có tâm thần quyền phép Ê-li (Lu-ca 1:17). Tại đó, ông sửa soạn để hành chức vụ lạ lùng mà Chúa đã kêu gọi. Hình dung của ông là một bài học cho kẻ đồng quốc; ông mặc áo như tiên tri thuở xưa, tức là áo dệt bằng lông lạc đà (II Các vua 1:8), thắt lưng bằng dây da. Ðồ ăn của ông cũng nhờ đồng vắng: châu chấu (Lê-vi ký 11:22), và mật ong rừng (Ma-thi-ơ 3:4; Mác 1:6; Thi Thiên 81:16). Vậy như là một nhà ẩn sĩ, ông đi ra hành chức vụ.
       1. Sự giảng dạy.-- Giăng Báp Tít ở đồng vắng, thì có lời Chúa truyền cho (Lu-ca 3:2). Lời đó chỉ tỏ ra rằng đã 300 năm nay, tiếng của tiên tri yên lặng trong dân Do-thái, nay lại có tiên tri ra đời (I Sa-mu-ên 3:1). Khi giảng, Giăng quen dùng thí dụ trong Cựu Ước (Lu-ca 3:17; A-mốt 9:9; Ê-sai 66:24; Giăng 1:23; Ê-sai 40:3; Giăng 1:29; Xuất Ê-díp-tô ký 29:28; 12:3; Ê-sai 53:7). Ông thường lấy những sự vật trước mặt mà đặt thí dụ để cảnh cáo dân chúng, khiến họ tránh nỗi nguy hiểm về tương lai.
       Xem ba sách Tin lành chép Giăng giảng đạo sáu tháng; những người ở triền sông Giô-đanh đến nghe tấp nập không ngớt (Ma-thi-ơ 3:1-12; Mác 1:1-8; Lu-ca 3:1-20). Ông không làm phép lạ gì (Giăng 10:41) song vì ra đời cách lạ, cư xử cách khắc khổ, thánh khiết, và dân sự trông đợi một Ðấng cả thể sắp hiện đến, những điều đó cũng đủ kéo người ta đến đông như thế (Ma-thi-ơ 3:5). Ông chỉ lấy nước Ðức Chúa Trời hầu gần làm luận đề (Ma-thi-ơ 3:2), răn dạy dân chúng chớ cậy mình là dòng dõi Áp-ra-ham, vì hạnh phước của Ðấng Mê-si, người ngoại bang cũng có thể được hưởng (Lu-ca 3:8; Ma-thi-ơ 3:9; coi thêm Rô-ma 4:16; 9:7; Ga-la-ti 4:28).Ông khuyên người ta nên kết trái xứng đáng với sự ăn năn. Kẻ thâu thuế và binh lính đến hỏi đạo, đều được lời dạy dỗ vừa hiệp với nghề nghiệp đương làm (Lu-ca 3:10-14). Còn các môn đồ được nhuần gội trong ơn giáo dục của ông thì nhiều lắm (Ma-thi-ơ 9:14; Lu-ca 5:33; Giăng 1:35; 3:23-25; 4:1; Công vụ các sứ đồ 18:25; 19:3). Dầu vậy, Giăng cứ khiêm nhường nói rằng mình không đáng cúi xuống mở dây giày Ðấng đến sau (Mác 1:7).
       2. Lễ Báp-têm.-- Giăng lấy lễ Báp-têm làm dấu hiệu, chỉ tỏ rằng vào nước Ðức Chúa Trời phải nên lìa xa tội lỗi, nên kêu là "lễ Báp-têm ăn năn, cho được tha tội" (Mác 1:4). Cái ý nghĩa lễ Báp-têm của ông còn sâu sắc hơn những mạng lịnh của xác thịt, như lễ ăn uống rửa sạch, v.v... (Hê-bơ-rơ 9:10), và tương tự lời tiên tri dạy rửa sạch lòng (Ê-sai 1:16; Ê-xê-chi-ên 36:25; Xa-cha-ri 13:1): có ý chứng rằng người ta được phân biệt khỏi tội để đợi Ðấng Cứu thế đến tha tội. Chúa Jêsus khi chịu lễ Báp-têm không hề xưng tội (Ma-thi-ơ 3:6; Mác 1:5), tỏ ra Ngài tự bỏ mình, làm công việc của Ðấng Mê-si, cũng làm trọn việc công bình của Luật pháp (Ma-thi-ơ 3:15). Giăng thấy Ðức Thánh Linh giáng trên đầu Ngài (Giăng 1:32), biết Ngài sẽ làm lễ Báp-têm bằng Ðức Thánh Linh, mình chẳng qua chỉ là kẻ dọn đường cho Chúa thôi (Mác 1:8). Coi thêm bài Báp-têm.
       3. Ðạo đức.-- Giăng, khi thấy Chúa chịu lễ Báp-têm, biết trách nhiệm mình chẳng những ra đồn việc Ðấng Mê-si giáng lâm, mà lại sửa soạn đường lối, chỉ Chúa cho mọi người biết. Kịp đến khi bị tù rồi, lúc bấy giờ Giăng mới sanh lòng ngờ (Giăng 1:29; Ma-thi-ơ 11:3). Song cuối cùng Giăng cứ làm chứng cho Chúa, bền lòng, quở trách cách can đảm Hê-rốt về tội tà dâm (Ma-thi-ơ 14:4). Giăng thấy người ta đến cùng Ngài (Giăng 3:29), mà ông không đem lòng ghen ghét, trái lại chứng rằng "Ngài phải dấy lên, ta phải hạ xuống" (Giăng 3:30, thì đủ biết ông là người đạo đức cao thượng, rất khiêm nhường vậy. Cho nên Chúa khen ông: "không ai được tôn trọng hơn Giăng Báp Tít... là Ê-li, là Ðấng phải đến (Ma-thi-ơ 11:11,14; Coi thêm Ma-la-chi 4:5), "là người làm chứng cho lẽ thật" (Giăng 5:33).
       4. Ðịa vị.-- Ba sách Tin lành chép Hê-rốt Antipas bắt Giăng bỏ tù tại đồn lũy Machaerus trên bờ phía Ðông Biển Chết, sau để đẹp lòng con gái Hê-rô-đia thì vua truyền chém Giăng trong ngục. Việc đó tỏ ra Giăng thật là người phi thường, là bực đại tiên tri. Có người tưởng rằng Giăng bị giết ít lâu trước lễ Vượt qua thứ ba kể từ ngày Chúa Jêsus bắt đầu hành chức vụ. Sau Hê-rốt nghe nói về Chúa Jêsus làm phép lạ, ngờ rằng Ngài là Giăng Báp Tít từ kẻ chết sống lại (Mác 6:14; Ma-thi-ơ 14:1,2; Lu-ca 9:7). Tiếng tăm Giăng lừng lẫy giữa vòng người Do-thái, thầy tế lễ cả không dám tự tiện hủy diệt đi (Ma-thi-ơ 21:26; Mác 11:32; Lu-ca 20:6). Sau khi hóa hình, Chúa cũng nói về Giăng chịu khổ nhiều (Mác 9:13). Bởi vậy chứng tỏ rằng địa vị ông thật tôn quí. Ê-li trước được cất lên trời trong xe lửa và ngựa lửa (II Các vua 2:11), song Giăng chết như một tội nhơn, vì người dọn đường Chúa phải giống Chúa mình.
       Tiến sĩ Scofield chú thích về Giăng Báp Tít như sau nầy:
       Ma-thi-ơ 17:11.-- So Ma-thi-ơ 11:14; Mác 9:11,12,13; Lu-ca 1:17; Ma-la-chi 3:1; 4:5,6. Các câu nầy phải suy xét chung với nhau.
       1. Ðấng Christ nói quyết về lời tiên tri trong Ma-la-chi 4:5,6, đã ứng nghiệm và còn ứng nghiệm: "Thật Ê-li phải đến mà sửa lại mọi việc". Ở đây cũng như trong Ma-la-chi, lời tiên tri đã được ứng nghiệm về Giăng Báp Tít và lời tiên tri còn phải được ứng nghiệm về Ê-li, cả hai đều phải phân biệt.
       2. Song Giăng Báp Tít đã đến rồi và hành chức vụ hoàn toàn trong thần và quyền Ê-li sau sẽ làm (Lu-ca 1:17) đến nỗi về ý nghĩa phác họa và hình bóng có thể nói rằng: "Ê-li đã đến rồi". So Ma-thi-ơ 10:40; Phi-lê-môn 12,17, ở đó cũng tỏ ý giống nhau, dầu vẫn phân biệt riêng ra từng người.
       Ma-la-chi 3:1.-- "Nầy ta sai sứ giả ta, người sẽ dọn đường trước mặt ta" chỉ về Giăng Báp Tít (Ma-thi-ơ 11:10. Mác 1:2; Lu-ca 7:27), còn "và Chúa mà các ngươi tìm kiếm..." không có trích mà chép trong Tân Ước. Lý cớ rất rõ ràng: trừ ra Ðấng Christ giáng thế, thì phần thứ hai còn phải chờ được ứng nghiệm (Ha-ba-cúc 2:20). Ma-la-chi 3:2-5 nói về sự phán xét, không phải ân điển. Ma-la-chi chung với các tiên tri Cựu Ước; thấy cả hai sự giáng lâm của Ðấng Mê-si như gặp nhau tại phía chơn trời, song không thấy thời gian ở giữa như mô tả trong Ma-thi-ơ 13: sau khi vua đã bị bỏ (Ma-thi-ơ 13:16,17). Thời kỳ của Hội Thánh trong sự hiện thấy của Ma-la-chi cũng không thấy (Ê-phê-sô 3:3-6; Cô-lô-se 1:25-27). "Sứ giả ta" (3:1) chỉ về Giăng Báp Tít; "thiên sứ của sự giao ước" chỉ về Ðấng Christ trong cả hai sự giáng lâm, song can thiệp đặc biệt với những biến động xảy ra khi Chúa tái lâm.
       Ma-thi-ơ 11:11.-- Về địa vị thì tôn trọng hơn, chớ không phải về tánh nết. Giăng Báp-tít về tánh nết cũng tôn trọng bằng những người nào sanh ra bởi người nữ, nhưng ông chỉ dự báo về "nước thiên đàng" sắp tới. Lúc đó nước thiên đàng không đến vì bị chối bỏ, và Giăng cũng bị họ giết; vả lại khỏi ít lâu, Vua cũng bị đóng đinh trên cây thập tự. Ðến khi nước thiên đàng được lập lên trong cõi vinh hiển, bấy giờ người nhỏ nhứt trong đó cũng sẽ được đầy dẫy quyền phép và vinh hiển (xem "Nước" Tân Ước Lu-ca 1:31-33; I Cô-rinh-tô 15:24). Thật ra, đây không nói về nước thiên đàng, nhưng luận về nước của Ðấng Mê-si (xem lời chú thích về Ma-thi-ơ 3:2 và 6:33).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.