Giăng. Jean (Giê-hô-va tỏ lòng nhơn từ).

       



      Trong Tân Ước, trừ Giăng Báp Tít ra, có ba người tên là Giăng:
       I. Một người trong nhà thầy tế lễ cả thượng phẩm An-ne, tại thành Giê-ru-sa-lem, dự phần vào việc tra xét Phi-e-rơ và Giăng về phép lạ chữa lành người què chơn (Công vụ các sứ đồ 4:6). Chính ông là Rabbi Johanan ben Jaccai, hành chức 40 năm trước khi đền thờ bị hủy phá, và làm chủ tọa tòa công luận lớn, sau khi đã dời đi Jabne.
       II. Tên Hê-bơ-rơ của người chép sách Tin lành Mác (Công vụ các sứ đồ 12:12,25; 13:5,13; 15:37). Coi thêm Mác.
       III. Con Xê-bê-đê, em Gia-cơ, là Sứ đồ trẻ tuổi nhất của Chúa. Cha của Giăng làm nghề chài, có tiếng tốt, nhà có lẽ ở thành Bết-sai-đa trên bờ biển Ga-li-lê (Giăng 1:44; Lu-ca 5:9,10). Mẹ ông có lẽ là Sa-lô-mê, tức một trong những người đờn bà ở Ga-li-lê theo hầu việc Chúa Jêsus (Mác 15:40,41; Lu-ca 8:3), mà là ngang hàng chị em với mẹ Chúa Jêsus (Ma-thi-ơ 27:56; Mác 15:40; 16:1; Lu-ca 23:55; Giăng 19:25).
       Sách Giăng 1:40 chép hai người nghe Giăng Báp Tít làm chứng về Ðấng Christ, tức thì đi theo sau Ngài: một người là Anh-rê, còn một người chừng là Giăng. Vậy biết Giăng, là một trong những người đầu tiên theo Chúa Jêsus. Nay đọc Ma-thi-ơ 4:18-22; Mác 1:16-20 chép lời Chúa kêu gọi bốn người chài, thì thấy hai sách giống nhau. Hai người trong số đó tức là Gia-cơ và Giăng đương cùng cha mình vá lưới vậy. Cứ như truyện đánh cá chép trong Lu-ca 5:1-11, thì Phi-e-rơ dường như là người đóng vai trọng yếu; Gia-cơ và Giăng chẳng qua được nói đến vì là bạn của Si-môn; còn Anh-rê thì tuyệt không nói đến một lời nào. Dầu vậy, nay không cần bàn sự chỉ tỏ trực tiếp hay gián tiếp đó, ta chỉ biết rằng Giăng, khi đương làm nghề chài, quả thực được Chúa Jêsus kêu gọi, bèn bỏ nghề cũ, mà làm kẻ đánh lưới người. Lúc đó chắc là sau khi mới nghe đạo và một chút trước khi được lập làm Sứ-đồ.
       Trong mười hai Sứ đồ, chỗ nào cũng có tên Giăng trong những người đứng hàng đầu (Ma-thi-ơ 10:2; Mác 3:17; Lu-ca 6:14). Ông thật là một trong ba người thân mật của Chúa Jêsus. Giăng thường đi cùng với Chúa, như đến nhà Giai-ru (Mác 5:37; Lu-ca 8:51), lên núi hóa hình (Ma-thi-ơ 17:1; Mác 9:2; Lu-ca 9:28), đi cầu nguyện ở vườn Ghết-sê-ma-nê (Ma-thi-ơ 26:37; Mác 14:33). Tánh nết Giăng giống như Gia-cơ, nên Chúa Jêsus cùng đặt tên cho hai người là Bô-a-nẹt, nghĩa là con trai của sấm sét (Mác 3:17). Ðó chứng tỏ hai người đều là người khí phách hăng hái, lòng dạ sốt sắng vậy. Thử coi: khi đến một làng ở thành Sa-ma-ri, không được người làng tiếp nhận, Giăng phừng phừng nổi giận, muốn xin lửa từ trời thiêu đốt họ (Lu-ca 9:54). Ông cầu Chúa Jêsus ban cho ngôi cao, Chúa bèn hỏi gặng ông rằng có thể chịu được mọi nỗi khó khăn, khổ sở, sẵn lòng uống cạn chén Chúa, cùng chịu lễ báp-têm với Chúa bằng lửa không? Ông trả lời cách mạnh mẽ rằng "được"! (Ê-sai 58:1; Giê-rê-mi 23:29; Ma-thi-ơ 20:22; Mác 10:35; Lu-ca 12:49,50). Khi Giăng thấy có người lấy danh Chúa mà trừ quỉ, song người đó không theo Chúa, Giăng bèn thưa Chúa Jêsus ngăn cấm đi (Mác 9:38; Lu-ca 9:49). Ðó đều tỏ ra tánh Giăng và Gia-cơ vốn có thái độ cứng rắn và nóng nảy (cũng xem I Giăng 2:18-22; II Giăng 7:11; III Giăng 9,10).
       Giăng tức là người được gọi là "môn đồ dựa vào ngực Ðức Chúa Jêsus, tức là người mà Ngài yêu" trong bữa ăn chiều cuối cùng (Giăng 13:23). Giăng tức là "một môn đồ khác" theo sau Ngài, vào trong sân thầy cả thượng phẩm khi Chúa Jêsus bị bắt (Giăng 18:15). Giăng tức là người đứng bên cây thập tự, nhận lời trối về việc săn sóc mẹ Chúa Jêsus, khi Ngài bị treo (Giăng 19:26,27). Giăng tức là người cùng với Phi-e-rơ đồng đến mộ Chúa Jêsus, song đến trước vì tình yêu mến nóng nảy dường như mọc thêm cánh, thấy và tin Chúa Jêsus đã sống lại (Giăng 20:2-8). Giăng tức là người đầu tiên nhận biết Chúa Jêsus khi Ngài hiện ra gần biển Ti-bê-ri-át, ấy vì có tánh thuộc linh sâu nhiệm hơn (Giăng 21:7). Giăng tức là người mà Phi-e-rơ có hỏi Chúa về tương lai (Giăng 21:21), ấy vì Phi-e-rơ yêu Giăng cách khắng khít.
       Trong các sách Tin lành, có một chỗ nói Giăng kèm với Phi-e-rơ, tức là lúc Chúa Jêsus sai họ dọn Lễ Vượt Qua (Lu-ca 22:8). Còn sách Công-vụ thì có ba chỗ như thế: 
             (1) Chữa lành người què chơn ở cửa Ðẹp (Công vụ các sứ đồ 3:4); 
             (2) làm chứng về Chúa Jêsus ở chỗ đông người (Công vụ các sứ đồ 4:1-22); 
             (3) đến Sa-ma-ri cầu nguyện cho các môn đồ mới để được nhận lấy Ðức Thánh Linh (Công vụ các sứ đồ 8:17), là nơi trước Giăng muốn khiến sấm sét giáng trên họ! Sau khi Ê-tiên tử vì đạo, chỉ Giăng và các Sứ đồ khác cứ ở lại Giê-ru-sa-lem, còn các người khác thì đi tản lạc (Công vụ các sứ đồ 8:1). Tánh Giăng và Phi-e-rơ không giống nhau, tài năng mỗi người một khác; song đều có thể đồng lòng, họp sức để gây dựng nền tảng của Hội Thánh; nên Phao-lô xưng Gia-cơ, Sê-pha và Giăng là cây trụ của Hội Thánh Giê-ru-sa-lem (Ga-la-ti 2:9), khi Phao-lô đến đó lần thứ hai và đã tin Chúa rồi; Hê-rốt dùng gươm giết Gia-cơ, là anh của Giăng (Công vụ các sứ đồ 12:2). Giăng cũng dự phần trong giáo hội nghị đầu tiên tại Giê-ru-sa-lem quyết định không cần phải làm phép cắt bì cho người tín đồ ngoại bang (Công vụ các sứ đồ 15:16).
       Không có chép bài giảng nào của Giăng, trước sau toàn là Phi-e-rơ nói cả. Vì Giăng hay suy gẫm, và giao thông với Chúa, nên bổn tánh nóng như lửa, (Xem Lu-ca 9:54), dầu tánh ấy vẫn còn, nhưng đổi ra thanh sạch, và trong quãng đời sau cùng của ông, khi ông chép các sách, thì tỏ ra sự yên lặng bình tịnh. Nếu ông có vợ, chắc Phao-lô đã nói đến trong I Cô-rinh-tô 9:5. Trong đời Domitien, hoàng đế La-mã (độ 95 S.C), Giăng bị đày ra đảo Bát-mô làm phu mỏ (Khải Huyền 1:9,11) "Tôi là Giăng, là anh em và bạn của các anh em về hoạn nạn, về sự nhịn nhục trong Ðức Chúa Jêsus, tôi đã ở trong đảo gọi là Bát-mô, vì cớ lời Ðức Chúa Trời, và chứng của Chúa Jêsus". Bảy Hội Thánh tại Tiểu A-si đều ở dưới quyền ông coi sóc. Trong sách Công-vụ, thơ Ê-phê-sô và thơ Ti-mô-thê đều chép về Phao-lô hầu việc Chúa tại Ê-phê-sô, song không nói Giăng ở đó. Khi Phao-lô lần cuối cùng đến thành Giê-ru-sa-lem, Giăng không có mặt ở đó chừng năm 60 S.C.. Chắc ông đã bỏ Giê-ru-sa-lem lâu rồi, song mới lần thứ nhứt ăn ở tại Ê-phê-sô sau khi Phao-lô tử vì đạo năm 66 S.C., vì lần thứ hai khi hoàng đế Nerva lên ngôi, ông được tha từ Bát-mô trở về.
       Phao-lô đã thấy trước trong miền Ê-phê-sô sẽ có tà giáo trí huệ (Gnosticisme: nghĩa là một phái triết lý của tôn giáo khoe khoang là có sự hiểu biết hoàn toàn và trổi hơn hết về bổn thể và đặc sắc của Ðức Chúa Trời). Như có chép trong Công vụ các sứ đồ 20:29: "Tôi biết sau khi tôi đi, sẽ có muông sói dữ tợn xen vào trong vòng anh em...nói lời hung ác dấy lên, rán sức dỗ môn đồ theo họ" So với (I Ti-mô-thê 1:6,7,19,20; 4:1-7; II Ti-mô-thê 1:13,15; 2:6-18; 3:; Tít 1:9,16). Những tà giáo đó lúc bấy giờ mới có mầm, sau Giăng trong sách Tin lành và ba thơ tín phản đối (Giăng 1:; I Giăng 4:1; 2:18-22; II Giăng 7,9-11; III Giăng 9,10). Giọng văn của Giăng tỏ cách suy gẫm và yên tịnh, trái với lối viết của Phao-lô tỏ cách lý luận và nóng nảy. Ông quở trách nặng Ði-ô-trép thì hiệp với sự sốt sắng ông tỏ nghịch cùng tà giáo, trong truyện của giáo phụ Polycarpe kể lại: Một ngày kia, Giăng vào trong nhà tắm công cộng ở Ê-phê-sô, nghe nói có Cérinthe (đứng đầu phái Gnosticisme) cũng ở đó, lập tức bỏ ra đi, e rằng nhà đó sập xuống vì kẻ thù nghịch đạo thật ở trong. Theo ý Giăng, không có thể đứng trung lập giữa Ðấng Christ và Antichrist.
       Còn có nhiều lời truyền khẩu khác nữa về thánh Giăng. Clément ở Alexandrie thuật lại về Giăng là mục sư hay săn sóc rất cẩn thận. Giăng có giao một thanh niên ở Ê-phê-sô, có vẻ cao thượng, cho một Giám mục kia. Giám mục dạy dỗ và sau làm lễ báp-têm cho người đó. Khỏi ít lâu Giăng trở về nói với Giám mục: "Hãy trả lại của cầm mà tôi và Cứu Chúa đã giao cho trước hội chúng". Giám mục khóc lóc mà xưng rằng: "Người đó đã chết...chết về đạo đức...làm kẻ cướp". Giăng đáp lời: "Tôi giao linh hồn của em tôi cho một tay canh giữ thế nào!" Giăng vội đến sào huyệt của tên cướp. Lính canh bắt Giăng đến trước chủ tướng. Viên nầy, chính là người thanh niên đó, chạy trốn, song Giăng nói: "Sao con chạy trốn trước mặt cha, một người già yếu không có khí giới? Con còn có một hy vọng để sống. Cha sẽ trình lại với Ðấng Christ về con, nếu cần, cha vui chết thay con". Giăng không chịu bỏ cho đến khi đã giải cứu thanh niên đó khỏi tội và được hòa thuận với Ðấng Christ. Lại có lời truyền khẩu nói khi dân La-mã bắt bớ Hội Thánh, Giăng bị quăng vào vạc dầu, song không thiệt hại gì, vì Chúa cứu thoát. Dầu Tertullien chép truyện nầy, nhưng có người tưởng không đúng, vì trong La-mã chẳng hề có hình phạt như vậy. Jérôme cũng kể lại truyện tỏ ra lòng yêu thương đặc biệt của thánh Giăng. Khi Giăng đã cao tuổi, già yếu không có thể đi đến nhóm họp, những người trai trẻ hay khiêng đến nhà hội, ông chỉ nói mấy lời nầy: "Hỡi các con cái bé mọn, hãy yêu thương nhau". Khi ai hỏi sao cứ lập lại câu đó, thì ông đáp rằng: "Vì ấy là điều răn Chúa, và nếu làm được điều đó, thì đã đầy đủ rồi".
       Lịch sử Giăng đã thuật ở trên rồi, nay xin tóm tắt vài lời: khi mới là Sứ đồ, Giăng thật sốt sắng, chịu phấn đấu, có lòng yêu thương nóng nảy, nên thường vượt ra ngoài khuôn khổ. Vì hằng ngày nghe lời phán và thấy việc làm của Chúa, lần lần Giăng được un đúc, uốn nắn, trở nên một Sứ đồ thuộc linh sâu nhiệm. Tư tưởng và tình cảm của Giăng trở nên giống in với Chúa đến nỗi lối viết phản chiếu đúng với những bài sâu nhiệm, thuộc linh đặc biệt của Chúa Jêsus, mà chỉ một mình Giăng chép thôi. Ông sống trong một thế giới vô hình, thuộc linh hơn là sống trong một thế giới hoạt động. Ông đáng gọi là "Thánh Giăng" vì thấu hiểu vinh quang của Ngôi Lời đời đời, Con độc sanh của Cha trở nên xác thịt; vậy để phản đối với phái trí huệ (Gnosticisme) chối những lẽ thật đó. Thật Giăng như chim phụng hoàng bay cao, không chớp mắt nhìn vào mặt trời, là một trong bốn Sê-ra-phin.
       Polycarpe, Papias và Ignace đều là môn đệ của Giăng. Irénée, môn đệ của Polycarpe, viết rằng Giăng cứ ở tại Ê-phê-sô cho đến khi qua đời trong đời hoàng đế Trajan, hưởng thọ độ 100 tuổi.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.