Giăng. (Tin lành) Évangile selon Saint Jean.

        



      Rất nên gọi là "Tin lành của Ðức Chúa Trời thành nhục thể", hay là Tin lành có lời chứng" của Ðức Chúa Cha, của Kinh Thánh, của các phép lạ, của Giăng Báp Tít, của Sứ đồ Giăng và của chính Chúa Jêsus. Lúc chép sách nầy, Giăng ở tại Ê-phê-sô: là hải cảng quan hệ, có Hội Thánh lớn, nhà hội của người Do-thái sốt sắng, và đền rất danh tiếng của nữ thần Ði-anh; vậy là nơi gặp gỡ của các tôn giáo khác hẳn nhau. Các lý thuyết của triết học được sự phát triển tự do và Cérinthe từ Alexandrie cũng truyền ra tà giáo Trí huệ (Gnosticisme). Cho nên, theo Clément ở Alexandrie, Các Giám mục xin Giăng bày tỏ cách sâu nhiệm hơn lẽ đạo về Thần tánh của Ðấng Christ. Bởi sự cảm động của Ðức Thánh Linh, Giăng trong sách Tin lành nầy bày tỏ lẽ thật chứng quyết phản đối với tà giáo Trí huệ, Ébionisme (phái chối Thần tánh Ðấng Christ), và Docétisme (phái thử dung hòa Trí huệ giáo với Tin lành, song chối lẽ đạo Ðấng Christ đã trở nên xác thịt).
       Hội Thánh đầu tiên đều tin rằng chính Sứ đồ Giăng đã chép sách Tin lành thứ tư nầy. Giống ba sách Tin lành khác, không có ghi tên tác giả, song ở trong và ở ngoài có chứng cớ tỏ ra Sứ đồ Giăng thật là tác giả sách nầy.
       1. Chứng cớ trong sách.-- (a) Tác giả là một trong các Sứ đồ, vì dùng "chúng ta" trong 1:14,16,18; 21:24, và có nhiều việc nhỏ mọn tả ra rõ ràng, nhứt là những sự trong đời sống Ðấng Christ cảm động các môn đồ, v.v... (1:37; 2:11,17; 4:27,54; 9:2; 11:8-16; 12:4-6,21,22; 13:23-26; 18:15; 19:26,27,35; 20:8), lại có lời chép rõ trong 21:24. (b) người chép sách nói đến "môn đồ mà Chúa Jêsus yêu" (13:23; 19:26; 20:2; 21:7,20,21), là người trong 21:24 nói là tác giả. Trừ Ma-thi-ơ, Gia-cơ là con A-phê. Si-môn Xê-lốt và hai con của Xê-bê-đê, hết cả tên các Sứ đồ khác được kể đến. Ba người trước không thuộc vòng các môn đồ thân yêu. Vậy, vì Gia-cơ, con Xê-bê-đê đã chết sớm rồi (Công vụ các sứ đồ 12:2), chỉ có một người còn lại trong vòng đó là Giăng, tác giả sách nầy. (c) Tác giả phải là một người Do-thái, ấy tỏ ra rất rõ vì thể văn Hy-lạp trong sách là theo lối tiếng Hê-bơ-rơ. (d) Tác giả tỏ ra rất thông thuộc địa dư, lịch sử, và những phong tục của người Do-thái trong thời Ðấng Christ hành chức vụ (xem 1:21,28,46; 2:6; 3:23; 4:5,27; 5:2,3; 7:40-52; 9:7; 10:22,23; 11:18; 18:28; 19:31), vả lại trong sách có chép nhiều sự thân mật về Chúa hơn ba sách Tin lành kia.
       Vậy, chứng cớ trong sách tỏ ra Giăng thật là tác giả, không phải nói gì nữa. Trong 21:20-25, dường như nói đến tên Giăng là tác giả, vì theo những lời chứng chung của Hội Thánh đầu tiên, chỉ có Sứ đồ Giăng sống lâu đủ làm cho ai cũng tưởng có lẽ ông sẽ sống đến kỳ Chúa trở lại. Ðoạn 21 là một đoạn do tác giả phụ thêm vào sách mình, vì đã có ý thôi từ cuối đoạn 20. Cuối cùng, vì lễ phép đối với Giăng Báp Tít, là người trùng tên với mình, nên Giăng 20 lần chép là Giăng bỏ chữ "Báp Tít", song trong ba sách Tin lành kia có chép Giăng Báp Tít để phân biệt Giăng Báp Tít với Giăng Sứ đồ.
       2. Chứng cớ ngoài sách.-- Irénée (sanh độ 115-125 S.C.), làm Giám mục tại Lyons phần chót thế kỷ thứ II, là học trò của Polycarpe, môn đồ của Sứ đồ Giăng, làm chứng rõ Giăng đã chép sách nầy tại Ê-phê-sô sau ba sách Tin lành khác đã xuất bản. Ấy là đủ chứng cớ rồi. Dầu vậy cũng có nhiều lời làm chứng nữa từ trong thời kỳ cận tiếp với kỳ các Sứ đồ. Thơ Giăng I tỏ rõ là trước giả sách Tin lành Giăng chép; Polycarpe (110 S.C.) và Papias (130-140 S.C.) đều trích thơ Giăng I, bởi đó làm chứng là do Sứ đồ Giăng. Những thơ tín của Ignace (100 S.C.) tỏ ra các Hội Thánh Tiểu A-si hồi đầu thế kỷ thứ II đều quen biết và chịu phục. Justin (150 S.C.) dùng thường trích những lời trong đó, coi như là một "kỷ niệm của các Sứ đồ", mà người ta gọi là sách Tin lành chép bởi các Sứ đồ và những người cộng tác với các Sứ đồ. Trong Hội Thánh đầu tiên, có dùng sách Tin lành thứ tư để dạy dỗ. Theo một sách Tin lành của Phi-e-rơ không đích xác mới tìm được, thì Phi-e-rơ giả mạo đó cũng dùng đến sách Tin lành Giăng với ba sách kia mà soạn. Sách Diatessaron của Ta-tien (độ 170 S.C.) là một sách tham hợp bốn sách Tin lành dùng trong Hội Thánh, khởi sự với câu đầu và tận cùng của sách Tin lành Giăng. Bởi bản thảo Syriac mà Lewis mới tìm thì biết các Hội Thánh ở xứ Sy-ri thế kỷ thứ II đều công nhận bốn sách Tin lành trong Kinh Thánh. Cuối cùng, chắc chắn rằng những người tà giáo thứ nhứt trong Hội Thánh (Gnosticisme) cũng nhận sách Tin lành thứ tư là do Giăng chép. Vậy chứng cớ ngoài sách đầy đủ tỏ ra Sứ đồ Giăng là tác giả và Hội Thánh ngay từ đời các Sứ đồ chịu phục sách Tin lành thứ tư đó.
       3. Nơi và niên hiệu chép sách.--
       Chắc Giăng không chép sách Tin lành mình cùng một nơi và niên hiệu với sách Khải Huyền, vậy thể văn khác nhau. Có chứng cớ tỏ ra Giăng chép ở Tiểu A-si (theo lời truyền khẩu tại Ê-phê-sô) trong khoảng 75-100 S.C.. Ấy cũng hiệp với cách tính giờ trong sách. Giăng không thấy cần phải giải nghĩa lời tiên tri của Chúa Jêsus rằng mình còn ở cho đến khi Chúa đến (21:22), ấy tỏ rằng Giăng chép sách mình sau khi thành Giê-ru-sa-lem bị phá hủy (70 S.C.), vì lúc đó người ta coi biến động ấy như là sự Chúa đến, tức là Chúa phán xét dân Do-thái vậy.
       Những người chống trả với Chúa Jêsus, Giăng thường gọi cách đơn sơ là người Giu-đa (1:19; 2:18; 5:10; 7:15, v.v...); những lời giải nghĩa về những lễ của người Do-thái (6:4; 7:2; 11:55; 19:31); biển Ga-li-lê được gọi là biển Ti-bê-ri-át là tên người ngoại bang dùng (6:1); và duyên cớ của lời mở đàng về Ðấng Christ và Ngôi Lời, hết thảy đều chỉ về một thời kỳ mà đạo Ðấng Christ đang đương đầu với những triết lý lúc đó tại Tiểu A-si. Ấy cũng là cắt nghĩa mục đích của sách. Vậy, Giăng dẫn lời chứng của Ðấng Christ về chính mình Ngài là Con Ðức Chúa Trời thành nhục thể và là Cứu Chúa của thế gian (20:30,31). Sách nầy tỏ ra Giăng quen biết ba sách Tin lành trước và có ý bổ cứu thêm những chỗ thiếu thốn. Ba sách đó không chép những bài giảng quan hệ của Chúa để đáp lại những lời công kích của người Giu-đa về Thần tánh Ngài; cũng không bày tỏ ra cho các môn đồ Ngài biết những sự mầu nhiệm của bổn thể Ngài và sự giao thông thuộc linh với Ngài. Giăng nhất định chép những lời Chúa Jêsus làm chứng về chính mình Ngài, nhất là vì những tà giáo đã nổi lên chối vài phương diện về Ngôi vị của Ðấng Christ. Giăng cũng thêm nhiều điều tự mình nhớ lại. Kết quả là Giăng hiến một bức tranh vẽ hoàn toàn của Chúa Thần nhân cho Hội Thánh.
       4. Tài liệu của sách.-- Hai phần ba của sách nầy kể ra việc xảy đến trong sáu tháng cuối cùng chức vụ Chúa Jêsus, và một phần ba luận về tuần lễ cuối cùng.
       Trong lời mở đàng (1:1-18), Sứ đồ tóm tắt lẽ thật lớn lao sắp tỏ ra trong đời Ðấng Christ ấy là có một Ngôi thứ hai của Ðức Chúa Trời gọi là Ngôi Lời vì tỏ ra Ðức Chúa Trời. Ngôi Lời đó là Nguồn sự sống cho khắp cả, và sự sáng cho muôn vật, cũng đã trở nên xác thịt, đặt danh là Chúa Jêsus Christ. Vậy, ai tin thì được Chúa Jêsus tỏ ra Ðức Chúa Trời và được cứu rỗi.
       Sau đó Giăng kể lại:
       1. Những lời làm chứng mở đường về Chúa Jêsus của Giăng Báp Tít và của chính Chúa Jêsus cho các môn đồ đầu tiên Ngài (1:19-2:11).
       2. Ðấng Christ tỏ chính mình ra trong một số việc làm, và còn nữa, những lời giảng cho người mộ đạo hay là kẻ chống nghịch Ngài (2:12-12:50). Ấy gồm lại:
             a) Lời làm chứng của Ngài ngày Lễ Vượt Qua thứ nhứt trong chức vụ Ngài (2:12-25), bài làm chứng cho Ni-cô-đem (3:1-21), cùng với những lời chứng thêm của Giăng Báp Tít, (3:22-36);
             b) Ðàm luận với người đờn bà Sa-ma-ri (4:1-42);
             c) Phép lạ thứ hai ở Ga-li-lê (4:43-54);
             d) Ðấng Christ tự bênh vực trước người Do-thái về bổn thể và quyền phép Ðức Chúa Trời của Ngài (5:);
             đ) Ngài tự giới thiệu là Bánh hằng sống (6:);
             e) Ngài lại tự bênh vực trong ngày lễ Lều tạm về phép tắc và bổn thể Ðức Chúa Trời của Ngài (7:; 8:);
       g) Ngài chữa lành người mù và phán ví dụ về người chăn chiên hiền lành (9:1-10:21);
             h) Lời chứng cuối cùng của Ðấng Christ cho người Do-thái (10:22-42);
             i) Kêu La-xa-rơ sống lại và những kết quả (11:);
             k) Lời làm chứng tại Bê-tha-ni trong ngày vào Giê-ru-sa-lem cách oai nghi, và trong khi người Hy-lạp thăm viếng (12:).
       3. Ðấng Christ bày tỏ trước về chính mình Ngài sẽ chết và sống lại (13:1-21:25), ấy gồm lại:
             a) Những lời dạy dỗ môn đồ lần cuối cùng (13:-17:);
             b) Ngài bị bắt, bị lên án, và bị đóng đinh, trong đó Ngài làm chứng, nhất là trước Phi-lát, về Ngôi vị và công việc Ngài (18:; 19:);
             c) Sự sống lại của Ngài và vài lời làm chứng về sự đó (20:; 21:).
       Kết quả thì tỏ ra trong người Jêsus có Con vĩnh sanh của Ðức Chúa Trời, và bởi ngôi vị, sự dạy dỗ và việc cứu chuộc của Ngài đã bày tỏ Ðức Chúa Trời và bảo toàn sự sống đời đời cho những người tin nhận Ngài. Vậy, thánh Giăng đã bày tỏ chức vụ của Chúa Jêsus như là tóm kết sự Ðức Chúa Trời tự bày tỏ Ngài ra, và cho các tín đồ được sự sáng là sự hiểu biết lẽ thật tối cao, và cũng được sự sống là do sự hiệp một thuộc linh với Ðức Chúa Trời. Ấy đều làm sự trọn lành và sự cứu rỗi đời đời. Giăng chép: "Những việc nầy đã chép, để cho các ngươi tin rằng Ðức Chúa Jêsus là Ðấng Christ, tức là Con Ðức Chúa Trời, và để khi các ngươi tin, thì nhờ danh Ngài mà được sự sống (20:31).
       Tiến sĩ Scofield chép lời tiểu dẫn sách Giăng như sau nầy:
       Tác giả.-- Sách Tin lành thứ tư do Sứ đồ Giăng chép (Giăng 21:24). Có nhà chỉ trích lấy cớ phản đối, nhưng cũng có nhà học thức bằng họ lấy chính cớ đó quyết rằng thật Sứ đồ Giăng là tác giả.
       Niên hiệu.-- Sách chép chừng giữa 85-90 S.C.. Có lẽ 90.
       Chủ đề.-- Ấy được tỏ ra trong bài tiểu dẫn (1:1-14), và câu kết luận (20:31), là: Ngôi Lời vĩnh viễn trở nên xác thịt, là Con Ðức Chúa Trời, chính Ðức Chúa Trời là Jêsus, tức là Christ.
       1. Ðể tỏ ra Ðức Chúa Trời trong bình sinh của một người;
       2. Hầu cho ai tin cậy đến Ngài "Ðấng Christ, Con Ðức Chúa Trời" (20:31) thì được sự sống đời đời. Những lời cốt yếu trong sách là "tin" và "sự sống".
       Bố cuộc của sách Giăng.--
       Sách Giăng chia làm bảy phần:
       I. Bài tiểu dẫn.-- Ngôi Lời vĩnh viễn trở nên xác thịt trong Chúa Jêsus Christ, 1:1-14. Jêsus Christ là Ðức Chúa Trời, 1:1,2 so Hê-bơ-rơ 1:5-13; công việc trước khi thành nhục thể của Ngài, 1:3-5 so Hê-bơ-rơ 1:2; chức vụ Giăng Báp Tít 1:6-8 cũng xem câu 29-34 so Ma-thi-ơ 3:1-17; Mác 1:1-11; Lu-ca 3:1-23; Jêsus Christ là Sự Sáng thật, 1:9,10 so Giăng 8:12; 9:5; 12:46; hai hạng người: con và kẻ chẳng tin, 1:11-13 so Giăng 3:1,2; 5:11,12; thành nhục thể, 1:14 so Ma-thi-ơ 1:1-23; Lu-ca 1:30-35; Rô-ma 1:3,4.
       II. Lời chứng của Giăng Báp Tít.-- 1:15-34, so Ma-thi-ơ 3:1-17; Mác 1:1-11; Lu-ca 3:1-18.
       III. Chức vụ Ðấng Christ trước thiên hạ.-- 1:35-12:50. Các môn đồ thứ nhứt của Chúa 1:35-51; Ðám cưới tại Ca-na; phép lạ thứ nhứt 2:1-12; Lễ Vượt Qua thứ nhứt, câu 13,23 so Giăng 6:4; 11:55. Sự dọn sạch đền thờ lần thứ nhứt, so Ma-thi-ơ 21:12,13; Mác 11:12,13; Mác 11:15-17; Lu-ca 19:45,46; Jêsus và Ni-cô-đem: sự tái sanh, 3:1-21; Lời chứng cuối cùng của Giăng Báp Tít, 3:22-30; Giăng Báp Tít nói rõ về Jêsus Christ, 3:31-36; Jêsus đi đến Ga-li-lê, 4:1-5; Chúa Jêsus và người đờn bà Sa-ma-ri, 4:6-13; Ðức Thánh Linh ngự trong người, 4:14-39 so Giăng 7:37-39, Jêsus và dân thành Sa-ma-ri, 4:40-45; Chúa chữa lành con trai quan thị vệ, 4:46-54; Ngày lễ (Ngũ tuần?):ao Bê-tết-đa, và kẻ bại được chữa, 5:1-27; hai sự sống lại, 5:28-32 so 5:25-29; Giăng 6:39,40; Gióp 19:25; I Cô-rinh-tô 15:52; bốn sự làm chứng về Jêsus: (a) Giăng Báp Tít, 5:33-35, (b) Công việc, 5:36, (c) Ðức Cha, 5:37-38 so Ma-thi-ơ 3:17, (d) Kinh Thánh, 5:39-47 so Lu-ca 24:27, 44-46; Chúa hóa bánh cho 5.000 người ăn, 6:1-14 so Ma-thi-ơ 14:13-21; Mác 6:32-44; Lu-ca 9:10-17; Jêsus đi bộ trên mặt biển, 6:15-21 so Ma-thi-ơ 14:22-36; Mác 6:45-56; bài giảng về bánh hằng sống 6:22-59; lấy lẽ đạo thử môn đồ, 6:60-66 so Ma-thi-ơ 8:19-22; 10:36; Phi-e-rơ tỏ đức tin mình, 6:67-71 so Ma-thi-ơ 16:13-20; Mác 8:27-30; Lu-ca 9:18-21, anh em Chúa khuyên Ngài đi dự lễ Lều tạm, 7:1-9 so Lu-ca 9:51-62; bỏ Ga-li-lê lần cuối cùng, 7:10-13; Jêsus tại lễ Lều tạm, 7:14-36; lời tiên tri lớn về sự nhận Ðức Thánh Linh và được quyền phép, 7:37-39 so Công vụ các sứ đồ 2:2-4 và Giăng 4:14; dư luận chia ra, 7:40-53; Ðờn bà tà dâm, 8:1-11. Bài giảng sau lễ: Jêsus là sự Sáng soi thế gian, 8:12-59 so Giăng 1:9. Người mù từ thuở sanh ra được chữa lành, 9:1-41; Bài về người chăn hiền lành, 10:1-21 so Thi Thiên 23:; Hê-bơ-rơ 13:20; I Phi-e-rơ 5:4; Jêsus xưng mình là Ðức Chúa Trời, 10:22-39 so Giăng 14:9; 20:28,29; Jêsus đến nơi trước đã chịu lễ báp-têm, 10:41-42 so Ma-thi-ơ 3:1,13,17; La-xa-rơ được sống lại, 11:1-44; Các bạn Ma-ri tại Bê-tha-ni tin Chúa, 11:45,46 so Lu-ca 10:38-43; Giăng 12:1-7. Người Pha-ri-si lập mưu giết Jêsus, 11:47-57; Tại Bê-tha-ni, Ma-ri lấy dầu thơm xức chơn Ngài 12:1-11 so Ma-thi-ơ 26:6-13; Mác 14:3-9; Lu-ca 7:37,38; Jêsus vào Giê-ru-sa-lem cách trọng thể, 12:12-19 so Ma-thi-ơ 21:4-9; Mác 11:7-10; Lu-ca 19:35-38; Mấy người Hy-lạp xin ra mắt Jêsus, 12:20-22; Jêsus đáp lại, 12:23-50.
       IV. Chức vụ riêng Ðấng Christ với môn đồ, 13:1-17:26. Lễ Vượt Qua sau cùng, 13:1 so Ma-thi-ơ 26:7-30; Mác 14:17-26; Lu-ca 22:14-39; Chúa rửa chơn các môn đồ, 13:2-20; Chúa nói trước về kẻ phản Ngài, 13:21-35 so Ma-thi-ơ 26:20-25; Mác 14:17-21; Lu-ca 22:21-22; Chúa nói trước về Phi-e-rơ sẽ chối Ngài, 13:36-38 so Ma-thi-ơ 26:33-35; Mác 14:29-31; Lu-ca 20:33-34. Những lời trong phòng Lễ Vượt Qua: Chúa nói trước sẽ trở lại đem các môn đồ đi với Ngài 14:1-6 so I Tê-sa-lô-ni-ca 4:14-17; Jêsus và Cha là một 14:7-12; lời hứa mới là đặc ơn trong sự cầu nguyện, 14:13-15; lời hứa ban Ðức Thánh Linh, 14:16-26; Chúa để lại sự bình an, 14:27-31. Những lời phán đang khi đến vườn: Gốc nho và nhánh, 15:1-14; sự thân thiết mới, 15:15-17; tín đồ và thế gian , 15:18-25, tín đồ và Ðức Thánh Linh, 15:26-27; Chúa dự báo tín đồ về sự bắt bớ, 16:1-6 so Ma-thi-ơ 24:9-10; Lu-ca 21:16-19. Ba công việc Ðức Thánh Linh đối với thế gian, 16:7-11; lẽ thật mới được bày tỏ bởi Ðức Thánh Linh 16:12-15; Chúa phán trước về sự chết, sự sống lại, và sự tái lâm, 16:16-33; bài cầu thay dài cuối cùng của Chúa, 17:1-26.
       V. Ðấng Christ dâng mình làm của lễ, 18:1-19:42. Chúa đến vườn Ghết-sê-ma-nê, 18:1 so Ma-thi-ơ 26:36; Mác 14:32; Chúa bị nộp và bị bắt, 18:2-11 so Ma-thi-ơ 26:47-56; Mác 14:43-50; Lu-ca 22:47-53; Chúa Jêsus trước mặt thầy cả thượng phẩm An-ne, 18:12-14 so Ma-thi-ơ 26:57-68; Ma-thi-ơ 14:53-65; Lu-ca 22:66-71; Phi-e-rơ chối Chúa, 18:15-18 so câu 25-27; Ma-thi-ơ 26:69-75; Mác 14:66-72; Lu-ca 22:54-62; Chúa còn ở trước mặt An-ne va Cai-phe, 18:19-27; Chúa bị dẫn đến trước mặt Phi-lát, 18:28-38 so Ma-thi-ơ 27:1-14; Mác 15:1-5; Lu-ca 23:1-7,13,16; Chúa bị lên án: Ba-ra-ba được tha, 18:39,40 so Ma-thi-ơ 27:15-26, Mác 15:6-15; Lu-ca 23:18-25; Chúa phải đội mão gai, 19:1-3 so Ma-thi-ơ 27:27-30; Mác 15:16-20; Phi-lát đem Chúa trước mặt dân chúng, 19:4-13; Các nhà cầm quyền Giu-đa chối bỏ Vua lần cuối cùng, 19:14-15; Chúa Jêsus Christ bị đóng đinh, 19:16-30 so Ma-thi-ơ 27:33-54; Mác 15:22-39; Lu-ca 23:33-47; "Không đánh gãy ống chơn Ngài", 19:31-37; Sự chôn Chúa, 19:38-42 so Ma-thi-ơ 27:57-60; Mác 15:43-47; Lu-ca 23:50-56.
       VI. Ðấng Christ tỏ mình trong sự sống lại, 20:1-31. Sự sống lại của Chúa Jêsus Christ, 20:1-10 so Ma-thi-ơ 28:1-10; Mác 16:1-14; Lu-ca 24:1-43; Jêsus hiện đến cùng Ma-ri Ma-đơ-len, 20:11-18; Chúa hiện đến cùng các môn đồ, Thô-ma vắng mặt, 20:19-23 so Lu-ca 24:36-49; Chúa hiện đến cùng các môn đồ, Thô-ma có mặt, 20:24-29.
       Kết luận: tại sao Giăng chép sách nầy, 20:30,31.
       VII. Phần phụ thêm: Ðấng Christ làm Chủ đời sống và chức việc của chúng ta, 21:1-25, "Nếu ta muốn". Ðấng Christ phục sanh là Chủ của chức việc ta, 21:1,2;
             a) Chức vụ theo ý riêng, cậy nơi người 21:3,4;
             b) Chức vụ theo ý riêng bị thử rèn, không có kết quả, 21:5;
             c) Chức vụ theo ý Chúa chỉ, được kết quả, 21:6-11;
             d) Chúa là đầy đủ cho sự nhu cầu của đầy tớ Ngài, 21:12-14 so Lu-ca 22:35; Phi-líp 4:19;
             đ) Chỉ có một cớ chính đáng hầu việc 21:15-17 so II Cô-rinh-tô 5:14; Khải Huyền 2:4,5;
             e) Chúa định giờ và cách đầy tớ Ngài phải chết, 21:18,19;
             g) Nếu Chúa tái lâm, đầy tớ Ngài còn sống không chết, 21:20-25 so I Cô-rinh-tô 15:51,52; I Tê-sa-lô-ni-ca 4:14-18.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.