Giao thông. Communication.

        


      Về sự giao thông, tóm tắt chia ra làm ba phần:
       I. Sự giao thông giữa Ðấng Christ và Ðức Chúa Trời.--
       Coi Giăng 17:5-24, thì biết Ðấng Christ từ trước khi sáng thế, đã giao thông với Ðức Chúa Trời (Giăng 1:1-18). Ðấng Christ cùng một thể với Ðức Chúa Trời, chẳng những cùng ở với Ðức Chúa Trời, lại cũng là Ðức Chúa Trời nữa (Giăng 1:1; coi thêm Ma-thi-ơ 11:27). Vả, Ðấng Christ cũng làm việc với Ðức Chúa Cha; bởi Ngài, muôn vật được dựng nên (Giăng 1:3-10; I Cô-rinh-tô 8:6; Cô-lô-se 1:16); nhờ Ngài, muôn vật được đứng vững (Cô-lô-se 1:17; Hê-bơ-rơ 1:3). Kịp khi ngài giáng sanh làm người, Ngài cũng giao thông với Ðức Chúa Cha từng giờ, từng phút. Về sự đó, chính Ngài đã tự nói rồi (Ma-thi-ơ 11:27; Giăng 12:49-50; 14:6,10,11; 16:28,32). Chúa phán Ngài với Cha là một (Giăng 10:30-38; 12:44; 14:7-11). Thô-ma xưng Ngài là Ðức Chúa Trời; Ngài cũng lấy làm phải (Giăng 20:28,29). Quyền của Ðức Chúa Cha tức là quyền của Ngài (Ma-thi-ơ 9:2,3; Mác 2:5-7; Lu-ca 5:20,21; 7:48). Chúa sẽ bởi Cha sai Ðấng Yên ủi đến (Giăng 15:26).
       Trong bốn sách Tin lành, trừ lời Chúa ra, những chứng cớ về sự giao thông rất nhiều. Ba mươi năm, trước khi chịu lễ Báp-têm, Chúa đã giao thông với Ðức Chúa Cha rồi. Ðến khi Ngài chịu lễ Báp-têm, thì từng trời mở ra, Ðức Thánh Linh giáng lâm, có tiếng phán từ trời rằng: "Ngươi là con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta mọi đàng". (Mác 1:10,11). Hằng ngày trước khi làm việc, Chúa ắt giao thông với Ðức Chúa Cha (Mác 1:35). Ngài làm phép lạ, thì ngước lên trời mà tạ ơn (Mác 6:41; 7:34; 8:6; Giăng 6:11; 11:41). Mỗi ngày, ngài làm xong việc cũng có giao thông với Ðức Chúa Trời (Mác 6:46; Ma-thi-ơ 14:23; Lu-ca 5:16). Không giao thông không làm việc được (Mác 9:29; Giăng 5:30). Càng có việc quan trọng, càng phải giao thông (Lu-ca 3:21; 6:12,13; 9:18,28,29; 22:41; 23:46; Giăng 12:28; 17:2).
       II. Sự giao thông giữa môn đồ và Chúa.--
       Có ba thuyết:
       1. Giao thông với Ðức Chúa Cha;
       2. Giao thông với Ðức Chúa Con;
       3. Giao thông với Ðức Thánh Linh (Giăng 1:2,3; 14:16,17).
       Người xưa vì phạm tội nên cái dây giao thông với Ðức Chúa Trời bị cắt đứt! Duy Cứu Chúa trừ được cái tội làm ngăn trở đó, khiến người ta lại có thể giao thông với Ðức Chúa Trời. Phàm những người được sự giao thông đó đều có mấy tên kêu như vầy:
       Dân nước Ðức Chúa Trời (Mác 10:14-15; Giăng 3:3), hoặc môn đồ ta (Lu-ca 14:26; Giăng 8:31), hoặc bạn hữu (Giăng 15:15), hoặc anh em chị em (Mác 3:35) hoặc người biết Ngài (I Giăng 2:3), hoặc kẻ theo ta (Mác 8:34; Giăng 8:12), hoặc người được sự sống đời đời (Giăng 3:16).
       Vả, sau khi vào cửa giao thông đó, được phước rất lớn; được hằng ở trong Ðấng Christ (Giăng 15:4-8), được Ðức Thánh Linh ở cùng đời đời (Giăng 14:16-20; 16:7,13,15; I Giăng 2:20,27; 3:24; 4:13), được ăn thịt và uống huyết của Chúa Jêsus (Giăng 6:53-58), không cần lo sợ hoạn nạn và thử thách (Mác 13:18; 14:38), được sanh nhiều trái (Giăng 15:1-10). Song sự giao thông đó cần phải tập luyện (Giăng 15:15; 16:12; Mác 4:33,34).
       Phải cần theo ba phương pháp nầy:
       1. Cầu nguyện (Ma-thi-ơ 6:6; 7:7,8; 26:41; Lu-ca 6:28);
       2. Giữ lễ Tiệc Thánh để kỷ niệm Chúa (I Cô-rinh-tô 10:16; Lu-ca 22:19,20).
       3. Cùng Chúa chịu khổ (Mác 10:38,39; Cô-lô-se 1:24; Phi-líp 3:10).
       III. Sự giao thông giữa các môn đồ với nhau.--
       Coi I Giăng 1:1,2,3,7 đủ biết môn đồ đã đồng tâm với Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con, thì ai nấy cũng phải đồng tâm với nhau, Chúa phán: "Nơi nào có hai ba người nhơn danh Ta nhóm nhau lại, thì Ta ở giữa họ" (Ma-thi-ơ 18:20). Vì Cứu Chúa rất muốn môn đồ hiệp lại làm một (Giăng 10:16; 17:11,21) Bởi vậy, môn đồ nên hầu việc lẫn nhau (Ma-thi-ơ 10:43-45), tha thứ lẫn nhau (Ma-thi-ơ 6:14; Lu-ca 17:3,4), yêu thương lẫn nhau (Giăng 13:34; 15:12) như các chi thể liên lạc làm một (I Cô-rinh-tô 12:12-27), cùng hưởng bánh của Ðấng Christ (I Cô-rinh-tô 10:16,17).
       Tiến sĩ Scofield giải luận về sự giao thông trong Nhã Ca 2:14 rằng:
       Trong câu 14 nầy, lối sắp đặt ý thật là hay. Thứ nhứt, ta thấy tân phụ nhờ Ðấng Christ là người thế nào: như "chim bò câu ta". Tân phụ tự mình thật kém; song nhờ Chúa được không tì vít, không chỗ trách được" (Phi-líp 2:15), ấy chính bổn tánh chim bò câu. Thứ nhì, nơi yên ổn của Tân phụ: "trong hốc đá", dường như ẩn mình trong các thương tích của Ðấng Christ (Cô-lô-se 3:3). Thứ ba, ơn riêng của tân phụ: "tại chốn đụt của nơi hê hẩm", nguyên văn cũng có ý là dùng cái hang bí quyết để có ơn riêng vào trong sự hiện diện của Chúa, là Tân lang (Ê-phê-sô 2:18; Cô-lô-se 3:1; Hê-bơ-rơ 10:19-22). Thứ tư, lối vào: Tân phụ phải đến gần trước khi nói, "Hãy tỏ cho ta xem mặt mũi mình" rồi "cho ta nghe tiếng mình". Cuối cùng, bấy giờ tân phụ đã đến gần và nói rồi, thì Tân lang khuyên cách êm dịu: "Hãy bắt cho chúng tôi những con chồn", v.v....
       Tiến sĩ Scofield lại lấy Thi Thiên 51; dạy:
       Thiên 51 nầy, với những bước nối tiếp trong đó, phải làm mẫu mực luôn về sự từng trải của một tín đồ đã phạm tội lại được giao thông với Chúa cách trọn vẹn để hầu việc Ngài. Những bước đó là: 1) Chúa đoán xét tội lỗi cách đầy đủ (câu 1-6); 2) nhờ huyết được tha và tẩy sạch (câu 7, phần a); 3) được tinh sạch (câu 7 phần b đến câu 10). So với Giăng 13:4-10; Ê-phê-sô 5:26; I Giăng 1:9; 4) bởi Ðức Thánh Linh đầy dẫy, được sự vui mừng và quyền phép (câu 11,12); 5) hầu việc (câu 13) 6) thờ phượng (câu 14-17); 7) tín đồ được bổ lại thì giao thông với Chúa, không phải vì mình, song về ơn phước của Si-ôn. Về phần trước giả. Thiên nầy là đường lối của Ða-vít sau khi phạm tội với Bát-sê-ba, để được lại sự giao thông với Chúa. Về thời đại, ấy cũng là đường lối của Y-sơ-ra-ên được trở về cùng Chúa (Phục truyền luật lệ ký 30:1-10).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.