Nghĩa là hai người ước hẹn với nhau để kết lập lời thề nguyện. Theo lệ xưa, phàm ai lập lời thề với nhau, thì mỗi người phải chích máu ở cánh tay mình, hòa ra uống chung. Ðó lấy ý rằng huyết có thể dung hòa nhau vậy. Về sau đổi dùng con hy sinh: mổ con sinh để hai bên; người ta đi qua ở giữa mà nói lời thề (Sáng thế ký 15:10-17; Giê-rê-mi 34:18-19). Lễ đó sau lại sửa đổi: chỉ đối với Chúa mà thề thôi (Sáng thế ký 26:31; Hê-bơ-rơ 6:16,17; Phục truyền luật lệ ký 27:15; II Các vua 11:4,17; 23:3). Có khi giao tay làm lễ (Châm Ngôn 6:1; 17:18; 22:26; Ê-xê-chi-ên 17:18); có khi dựng hòn đá để ghi nhớ (Sáng thế ký 31:45-53; Giô-suê 24:27), cũng có khi dùng tiệc yến làm dấu hiệu lập giao ước (Sáng thế ký 26:30; 31:54; II Sa-mu-ên 3:20); hoặc ăn muối để làm chứng về việc lập giao ước (Dân số ký 18:19; II Sử ký 13:5; Lê-vi ký 2:13), hoặc lấy huyết con sinh rảy nơi bàn thờ, tỏ ra Chúa ở bàn thờ đã chuẩn định việc đó rồi. Những người kết ước với nhau cũng cùng giữ lấy. Vả, việc đó lại làm hình bóng về sau nầy Ðấng Christ chuộc tội cho người đời mà phải đổ huyết (Hê-bơ-rơ 10:29; 13:20), và làm hình bóng về tôn chỉ đặt ra tiệc thánh (Ma-thi-ơ 26:28, Mác 14:24; Lu-ca 22:20; I Cô-rinh-tô 11:25). Kinh Thánh luận về việc lập giao ước có thể chia làm hai loại:
I. Người ta lập giao ước với nhau.--
Giống như hai nước lập điều ước (Sáng thế ký 21:27; Giô-suê 9:6; Thi Thiên 83:5; A-mốt 1:9), hoặc vua và dân lập giao ước (II Sa-mu-ên 5:3; Ða-ni-ên 9:27), hoặc bạn hữu lập lời thề hẹn (I Sa-mu-ên 18:3; Thi Thiên 55:20), hoặc nam nữ ký kết giao kèo về việc hôn nhơn (Châm Ngôn 2:17; Ma-la-chi 2:14). Có khi Kinh Thánh mượn chữ giao ước làm lời thí dụ, như Gióp 5:23 nói: "vì ông lập giao ước với đá đồng ruộng, và các thú rừng sẽ hòa thuận với ông". Gióp 31:1 nói: "Tôi đã lập giao ước với mắt tôi, vậy làm sao tôi còn dám nhìn người nữ đồng trinh?" Gióp 40:23 nói: "Nó (cá sấu) sẽ lập giao ước với ngươi, để ngươi bắt nó làm tôi mọi đời đời chớ?". Lại như Ê-sai 28:15-18 nói: "chúng ta hãy kết ước với sự chết và giao ước cùng nơi âm phủ..." Và như Ma-la-chi 3:1 nói: "Ta sai sứ giả ta, tức là thiên sứ của sự giao ước". Sứ giả đó thực do Chúa sai đến; khiến ở trong dân gian mà làm việc của Ngài.
II. Chúa và người lập giao ước với nhau.--
Ban đầu, lời Chúa phán cùng A-đam, dường như Ngài lập giao ước với A-đam (Sáng thế ký 2:16-17); rồi Ngài kết ước với Nô-ê (Sáng thế ký 6:18; 9:8-17; Ê-sai 54:9; Giê-rê-mi 33:20,25); sau Ngài kết ước với Áp-ra-ham (Sáng thế ký 15:18; 17:2-21). Ngài lại giữ vững giao ước đó với Y-sác và Gia-cốp (Xuất Ê-díp-tô ký 2:24; Thi Thiên 105:9). Chúa lại cho phép cắt bì là dấu hiệu lập giao ước (Công vụ các sứ đồ 7:8). Sau nữa, Chúa ở núi Si-na-i, lập giao ước với người Y-sơ-ra-ên (Xuất Ê-díp-tô ký 19:5; 34:10,27,28). Giao ước đó rất là trọng yếu, Ngài có lập lại ở xứ Mô-áp (Phục truyền luật lệ ký 29:1,9), văn viết vào bảng đá (Xuất Ê-díp-tô ký 34:28; Phục truyền luật lệ ký 9:9), và chép vào sách nữa (Xuất Ê-díp-tô ký 24:7; II Các vua 23:2). Bảng văn ấy chứa trong hòm giao ước (Phục truyền luật lệ ký 10:2,5; I Các vua 8:9,21; II Sử ký 5:10; Hê-bơ-rơ 9:4). Vì bản giao ước đó thật là điển chương của một nước Y-sơ-ra-ên. Chúa lập lại giao ước nhỏ hơn với người Y-sơ-ra-ên, như kết ước với Phi-nê-a (Dân số ký 25:12,13), lập ước với Ða-vít (Thi Thiên 89:3; Giê-rê-mi 33:21; II Sa-mu-ên 7:). Lại có Giô-suê, Giê-hô-gia-đa, Ê-xê-chia, Giô-sia, E-xơ-ra, là những người quản lãnh dân trước mặt Chúa, và lập giao ước với Ngài (Giô-suê 24:25; II Các vua 11:17; II Sử ký 29:10; II Các vua 23:3; E-xơ-ra 10:3).
Các tiên tri hằng nói tương lai Chúa và dân Y-sơ-ra-ên sẽ lại lập giao ước mới (Ê-sai 55:3; 59:21; 61:8; Giê-rê-mi 31:31; 32:40; 50:5; Ê-xê-chi-ên 16:60-62; 20:37; 34:25; 37:26). Và hứa Ðấng Mê-si tương lai sẽ làm Ðấng Trung bảo lập giao ước với dân (Ê-sai 42:6; 49:8). Kịp khi Chúa Jêsus giáng sanh, giao ước mới bấy giờ mới thành lập cách trọn vẹn (Giê-rê-mi 31:31). Giao ước đó là do Ðấng Christ lấy huyết Ngài mà lập với kẻ tin Ngài khiến người giữ giao ước đó được sự sống đời đời (Rô-ma 3:25; Hê-bơ-rơ 7:22; 8:6-13; 9:15).
Chữ giao ước Phao-lô luận đến là bắt đầu từ Áp-ra-ham đến Chúa Jêsus, trong khoảng đó không biết có bao nhiêu là giao ước (Rô-ma 9:4; Ê-phê-sô 2:12); song có đàng nhẹ, đàng nặng khác nhau. Còn giao ước ở núi Si-na-i mà Sứ đồ Phao-lô luận đó chẳng qua là một trong các giao ước thôi (II Cô-rinh-tô 3:6; Ga-la-ti 3:15; 4:24).
Tiến sĩ Scofield có luận về giao ước xin coi Ê-đen; A-đam; Nô-ê; Áp-ra-ham; Môi-se; Pha-lê-tin; Ða-vít; Giao ước mới.