Mấy chữ "sách giao ước", đầu tiên thấy ở Xuất Ê-díp-tô ký 24:7. Ðó là muốn dân Y-sơ-ra-ên giữ theo luật pháp Chúa định vậy. Cái cớ gọi là giao ước là vì có phước Chúa hứa ở trong đó (Xuất Ê-díp-tô ký 23:20-33). Pháp luật Chúa chép đủ ở trong Xuất Ê-díp-tô ký 20:22-23:33. Chỉ có mười điều răn thì quyết không kể vào trong pháp luật. Vì pháp luật là do lần lần họp lại mà nên; còn mười điều răn thì do mạng Chúa truyền phán một lúc. Cái yếu điểm về sự nhận biết rành mạch trong sách giao ước là thế đó. Cái tổng nghĩa của sách giao ước có thể chia làm hai phần:
I. Thể lệ đại cương.--
1. Loại phán quyết.-- Ðơn từ kiện tụng ngày xưa không có pháp luật để làm bằng cớ, thường xử theo lời phán đoán trong các án cũ do miệng người truyền lại. Về sau những lời xử đoán chép vào sách, bấy giờ mới thành ra pháp luật. Những điều thấy trong sách Xuất Ê-díp-tô ký và các lời xử đoán ngày trước do miệng truyền lại vậy. Cứ xem các lời xử đoán đã có trong sách đó, thì biết tội án bấy giờ không phải là ít, có những luật lệ về các việc như nuôi tôi mọi (Xuất Ê-díp-tô ký 21:1-11), giết người (Xuất Ê-díp-tô ký 21:16-32), hãm hại súc vật (Xuất Ê-díp-tô ký 21:33-36), trộm cắp (Xuất Ê-díp-tô ký 22:1-5), đốt cháy (Xuất Ê-díp-tô ký 22:6), vay mượn (Xuất Ê-díp-tô ký 22:14-15; 25-27), hòa dụ và nằm với gái đồng trinh (Xuất Ê-díp-tô ký 22:16-17). Lại có những luật cấm văn vắn về việc mắng cha mẹ và nằm cùng con vật, v.v... (Xuất Ê-díp-tô ký 21:17; 22-19). Ðó là những điều chép cả ở trong sách giao ước vậy.
2. Loại mạng lịnh.-- Trong sách giao ước có những mạng răn về luật pháp. Phàm chỗ nào có chữ "chớ", hoặc chữ "phải" đặt trùm đầu câu, ấy tức là giọng truyền phán mạng lịnh. Còn các mạng răn thì quá nửa là luật lệ thờ phượng Chúa như truyền xây bàn thờ (Xuất Ê-díp-tô ký 20:24-26), cấm đồng cốt (Xuất Ê-díp-tô ký 22:18), đãi khách ngoại bang (Xuất Ê-díp-tô ký 22:21), cấm lộng ngôn và rủa sả (Xuất Ê-díp-tô ký 22:28), nên dâng cho Chúa những hoa quả đầu mùa và những súc vật đầu lòng (Xuất Ê-díp-tô ký 22:29-30), chớ ăn thịt bị thú xé (Xuất Ê-díp-tô ký 22:31), nên xử kiện công bằng (Xuất Ê-díp-tô ký 23:1,2,3,6,7,8), nên giữ năm Sa-bát, ngày Sa-bát và ba lễ trọng thể (Xuất Ê-díp-tô ký 23:10-12, 14-16); cúng tế chớ dâng huyết con sinh chung với men, chớ để mỡ con sinh đã tế đến sáng mai (Xuất Ê-díp-tô ký 23:18,19); ngoài Chúa chớ thờ các thần khác, cũng chớ xưng danh các thần khác (Xuất Ê-díp-tô ký 22:20; 23:13). Lại nói: ai giữ luật pháp thì sẽ được phước (Xuất Ê-díp-tô ký 23:22-23). Ðó đều là những mạng lịnh răn bảo dân chúng.
II. Thời kỳ.--
Sách giao ước thành lập vào bao giờ, nay không thể khảo cứu được nữa. Song xem nội dung ghi chép, thấy rõ dân tình, thói tục bấy giờ là mộc mạc, thật thà. Trước khi có sách giao ước, trong họ hễ có ai bị hại, thì các người trong họ đều có thể tự tiện báo thù. Ðến khi sách giao ước đã thành lập, thì phải trải qua thẩm phán mới được. Vả, ở lúc đó, nhơn dân thường gây thành từng họ hàng riêng, song còn chưa biết họp lại thành nước. Suy đó thì biết sách giao ước chừng thành lập vào lúc người Y-sơ-ra-ên đi đánh trận, tức là trước khi Chúa truyền phán mười điều răn. Coi thêm năm sách Môi-se và Xuất Ê-díp-tô ký.
Giao ước mới.--
Lược giải:
1. Giao ước mới "hay hơn" giao ước Môi-se, không phải về luân lý, nhưng về sự trọn vẹn (Hê-bơ-rơ 7:19; Rô-ma 8:3,4).
2. Lập trên lời hứa "tốt hơn" (vì không có điều kiện). Trong giao ước Môi-se, Ðức Chúa Trời phán: "Nếu các ngươi..." (Xuất Ê-díp-tô ký 19:5); trong Giao ước Mới, Chúa phán: "Ta sẽ" (Hê-bơ-rơ 8:10,12).
3. Dưới Giao ước Môi-se, sự vâng lời là bởi lòng và trí tình nguyện (8:10).
4. Giao ước Mới bảo đảm chính Chúa hiện đến cùng mỗi một tín đồ (8:11).
5. Chúa bỏ quên hết tội lỗi (8:12; Hê-bơ-rơ 10:17; so Hê-bơ-rơ 10:3);
6. Lập trên một việc cứu chuộc đã trọn rồi (Ma-thi-ơ 26:27-28; I Cô-rinh-tô 11:25; Hê-bơ-rơ 9:11,12,18-23);
7. Và bảo đảm dân Y-sơ-ra-ên vẫn còn lại, về sau sẽ trở lại cùng Chúa, và nhận ơn phước (Giê-rê-mi 31:31-40; cũng xem "Nước" (Cựu Ước) và II Sa-mu-ên 7:8-17). Giao ước Mới nầy là Giao ước thứ tám, vậy có nói về sự sống lại và sự đầy trọn đời đời.
I. Tóm tắt tám Giao ước.--
1. Giao ước Ê-đen (Sáng thế ký 1:26-28, xem Ê-đen) cai trị đời vô tội của loài người.
2. Giao ước A-đam (Sáng thế ký 3:14-19; xem A-đam) cai trị đời tội lỗi của loài người và hứa một Ðấng Cứu chuộc.
3. Giao ước Nô-ê (Sáng thế ký 9:1; xem Nô-ê) lập trên lẽ cốt yếu về chính thể loài người.
4. Giao ước Áp-ra-ham, (Sáng thế ký 15:18; xem Áp-ra-ham) lập dân tộc Y-sơ-ra-ên và làm vững vàng, với mấy điều phụ thêm, lời hứa với A-đam về sự cứu chuộc.
5. Giao ước Môi-se (Xuất Ê-díp-tô ký 19:25; xem Môi-se) đoán phạt mọi người, "vì mọi người đều đã phạm tội".
6. Giao ước Pha-lê-tin (Phục truyền luật lệ ký 28:-30:3, xem Pha-lê-tin) bảo đảm dân Y-sơ-ra-ên được bổ lại cuối cùng và sẽ trở lại cùng Chúa.
7. Giao ước Ða-vít (II Sa-mu-ên 7:8-17, xem Ða-vít) lập họ hàng với Ða-vít được còn lại đời đời (đã được trọn trong Ðấng Christ, Ma-thi-ơ 1:1; Lu-ca 1:31-33; Rô-ma 1:3), và lập nước Ða-vít cai trị dân Y-sơ-ra-ên và cả thế gian; sẽ được ứng nghiệm trong và bởi Ðấng Christ (II Sa-mu-ên 7:8-17; Xa-cha-ri 12:8; Lu-ca 1:31-33; Công vụ các sứ đồ 15:14-17; I Cô-rinh-tô 15:24).
8. Giao ước Mới nhờ sự Ðấng Christ dâng mình làm của lễ, và bảo đảm phước lành đời đời, tùy theo Giao ước Áp-ra-ham (Ga-la-ti 3:13-29), cho hết thảy mọi người tin. Ấy không có điều kiện gì, và vì cớ trách nhiệm lập Giao ước đó không giao lại cho loài người, thì chắc chắn không đổi được.
II. Xem bài: "Sự quan hệ của Ðấng Christ với tám giao ước" trong bài 11 về Ðấng Christ của Tiến sĩ Scofield.