Ba chữ nầy bắt đầu thấy ở Sáng thế ký 2:4. Có lẽ lúc đặt tên cho A-đam thì Ngài liền lấy tiếng "Giê-hô-va" mà đặt tên cho mình (Xuất Ê-díp-tô ký 3:14; Thi Thiên 68:4; Ê-sai 42:8; 45:5,6; Nê-hê-mi 9:6; Giê-rê-mi 33:2). Ðấng đã dựng nên, giữ vững và cai trị cả vũ trụ tên gọi là Élohim (số nhiều, và Élôah số một; xem nguyên văn Hê-bơ-rơ Nê-hê-mi 9:17 và II Sử ký 32:15). Ðấng lập giao ước với Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, Ðấng có đủ mọi quyền lực và hy vọng cho tương lai, tên gọi El-Shaddai, tức là Ðức Chúa Trời Toàn năng (Sáng thế ký 17:1). Nhưng Ðấng của sự khải thị và ân điển, cư xử với dân sự Ngài, dẫn dắt và cứu chuộc, là Ðấng mà họ thờ phượng, tên gọi Giê-hô-va. Khi so sánh Ma-la-chi 3:6 chép về Giê-hô-va là Ðấng thành tín không hề thay đổi với Hê-bơ-rơ 13:8 chép về Chúa không hề thay đổi, thì biết Ðức Giê-hô-va là Chúa Jêsus là một. Élohim có thể làm mọi việc Ngài muốn, Giê-hô-va sẽ làm mọi việc Ngài đã hứa.
Tiếng hô đúng (prononciation) Danh Giê-hô-va nầy đã mất từ xưa, vì người Giu-đa cho Danh đó là rất tôn trọng, nên kiêng, không dám nói đến. Trong bản Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ thường dùng chữ "Ðức Chúa Trời" và chữ "Chúa" để thay vào. Coi thêm Ðức Chúa Trời và Chúa.
Giê-hô-va Di-rê, nghĩa là Ðức Giê-hô-va sẽ sắm sẵn tại đó (Sáng thế ký 22:14). Giê-hô-va cờ xí của tôi (Xuất Ê-díp-tô ký 17:15). Giê-hô-va Sa-lam, nghĩa là Ðức Giê-hô-va ban sự bình an (Các quan xét 6:24). Giê-hô-va ở đó, nghĩa là Ðức Giê-hô-va hằng ở giữa họ (Ê-xê-chi-ên 48:35). Giê-hô-va là huy hiệu của Vua làm ra sự công bình, chánh trực (Giê-rê-mi 23:6; 33:16).
Tiến sĩ Scofield có chú thích về Ðức Giê-hô-va như sau nầy:
Sáng thế ký 2:4.--
I. Ý nghĩa đầu nhứt của Giê-hô-va là "Ðấng tự hữu" (Xuất Ê-díp-tô ký 3:14 "Ta là Ðấng Tự Hữu Hằng Hữu") Nhưng "Havah" hoặc "Yahwe" là ngữ căn của Giê-hô-va cũng có nghĩa là "trở nên", tức là "được người ta quen biết", như thế chỉ về Ngài cứ ngày càng tỏ mình ra. Gồm lại mấy ý nghĩa đó, chúng ta mới được biết ý nghĩa của danh Giê-hô-va. Vậy, Ngài là "Ðấng Tự Hữu tỏ mình ra". Chính danh đó cắt nghĩa về Ngài rộng hơn, vì "Ðức Chúa Trời" (El Élah, Élôhim), chỉ về mấy đặc tánh kia của Chúa như quyền năng v.v..., hơn là chỉ về chính "Ngôi" Ngài.
II. Nên chú ý rằng lần thứ nhứt thấy danh Giê-hô-va trong Kinh Thánh, là khi Chúa dựng nên loài người, Ðức Chúa Trời (Élohim) đã phán rằng: "Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta" (Sáng thế ký 1:26); nhưng trong Sáng thế ký 2: khi loài người phải hành động chức vụ mình mà cai trị muôn vật, ấy là Giê-hô-va Ðức Chúa Trời (Giê-hô-va Élohim) phán dạy. Thay đổi danh Ngài như thế; chỉ rõ ràng Ðức Chúa Trời nhờ danh Giê-hô-va đó để tỏ ra sự giao thiệp đặc biệt của Ngài đối với loài người. Cả Kinh Thánh chứng thực ý đó.
III. Giê-hô-va là danh đặc biệt và sự cứu chuộc của Ngài. Lúc loài người phạm tội và có cần sự cứu chuộc, ấy là Giê-hô-va Élohim đi tìm tội nhơn (Sáng thế ký 3:9-13) lại "lấy da thú kết thành áo dài" mặc lấy cho (Sáng thế ký 3:21). Ðó là hình bóng tốt đẹp về sự công bình Ngài đã sắm sẵn cho, bởi của lễ (Rô-ma 3:21-22). Khi Chúa cứu chuộc dân của giao ước (Y-sơ-ra-ên) khỏi xứ Ai-cập, ấy là lần thứ nhứt Ngài rõ ràng nhờ danh Giê-hô-va mà tỏ mình ra (Xuất Ê-díp-tô ký 3:13-17).
Luận về Giê-hô-va là Ðấng cứu chuộc, thì hãy để ý vào các đặc tánh Ngài đã hành động trong sự cứu chuộc người có tội. Các đặc tánh ấy là:
a) Ngài là thánh khiết (Lê-vi ký 11:44,45; 19:1,2; 20:26; Ha-ba-cúc 1:12,13).
b) Ngài hình phạt và ghen ghét tội lỗi (Phục truyền luật lệ ký 32:35-42; Sáng thế ký 6:5-7; Thi Thiên 11:4-6; 66:18; Xuất Ê-díp-tô ký 34:6-7).
c) Ngài yêu thương và cứu chuộc tội nhơn, nhưng vẫn cách công bình (Sáng thế ký 3:21; 8:20,21; Xuất Ê-díp-tô ký 12:12,13; Lê-vi ký 16:2,3; Ê-sai 53:5,6,10). Trong Kinh Thánh vẫn dạy ngoài của tế lễ không có sự cứu rỗi của Ngài.
IV. Về việc cứu chuộc loài người, Giê-hô-va có 7 danh kép (Noms composés) tỏ ra Ngài là Ðấng cung cấp mọi sự cần của loài người từ khi mới phạm tội cho đến khi cuối cùng. Các danh kép đó là:
a) Giê-hô-va Di-rê: "Ðức Giê-hô-va sẽ sắm sẵn" (Sáng thế ký 22:13,14), nghĩa là Ngài sẽ sắm sẵn một của lễ.
b) Giê-hô-va Ra-pha: "Ðức Giê-hô-va, Ðấng chữa bịnh cho người" (Xuất Ê-díp-tô ký 15:26). Ðây chỉ về chữa bịnh thân thể, cũng gồm lại ý sâu nhiệm hơn là chữa bịnh hồn.
c) Giê-hô-va Nissi: "Giê-hô-va cờ xí của tôi" (Xuất Ê-díp-tô ký 17:8-15). Danh nầy được giải nghĩa bởi thượng hạ văn. Quân thù nghịch là A-ma-léc, hình bóng về xác thịt; sự tranh đấu ngày đó làm hình bóng về sự tranh đấu của Thánh Linh với xác thịt (Ga-la-ti 5:17). Sự thắng trận ngày đó hết cả là nhờ Chúa giúp đỡ.
d) Giê-hô-va Sa-lam: "Giê-hô-va là sự bình an của ta", hay là "Nguyện Giê-hô-va ban sự bình an" (Các quan xét 6:24). Ðoạn nầy kể ra và giải thích gần cả chức vụ của Giê-hô-va. Giê-hô-va ghen ghét và đoán phạt tội lỗi (6:1-5) Giê-hô-va yêu thương và cứu chuộc tội nhơn (6:7-18), nhưng chỉ nhờ của tế lễ (6:19-21, cũng xem Rô-ma 5:1; Ê-phê-sô 2:14; Cô-lô-se 1:20).
đ) Giê-hô-va Ra-ah: "Giê-hô-va là Ðấng chăn giữ tôi" (Thi Thiên 23:). Trong Thi Thiên 22: Giê-hô-va nhờ huyết chảy trên thập tự mà làm hòa thuận. Trong Thi Thiên 23: Giê-hô-va chăn giữ chiên Ngài đang ở trong thế gian. Về việc đó, có ba phạm vi:
1. Ngài là Ðấng chăn chiên "hiền lành" phó sự sống vì chiên mình (Giăng 10:11), cho nên là "cái cửa", ai vào sẽ được cứu (Giăng 10:9). Ấy chỉ về Thi Thiên 22:.
2. Ngài là Ðấng chăn chiên "Lớn", được "đem ra khỏi từ kẻ chết" (Hê-bơ-rơ 13:20), để giữ gìn và làm trọn lành chiên Ngài. Ấy chỉ về Thi Thiên 23:
3. Ngài là Ðấng chăn chiên "làm đầu" các kẻ chăn chiên (I Phi-e-rơ 5:4), mà sẽ đến cách vinh hiển, lấy mão triều thiên để thưởng cho các kẻ chăn chiên trung tín. Ấy chỉ về Thi Thiên 24:.
e) Giê-hô-va Tsidkenu: "Giê-hô-va là sự công bình của chúng ta" (Giê-rê-mi 23:6). Ðây lời tiên tri chỉ về dân Y-sơ-ra-ên sau sẽ về nước mình và trở lại cùng Chúa. Bấy giờ, Y-sơ-ra-ên sẽ xưng Ngài là "Giê-hô-va Tsidkenu" "Giê-hô-va, sự công bình ta".
g) Giê-hô-va Shammah: "Giê-hô-va ở đó" (Ê-xê-chi-ên 48:35). Danh nầy chỉ về sự hiện diện của Giê-hô-va với dân Ngài luôn (Xem Xuất Ê-díp-tô ký 33:14-15; I Sử ký 16:27,33; Thi Thiên 16:11; 97:5; Ma-thi-ơ 28:20; Hê-bơ-rơ 13:5).
V. Giê-hô-va cũng là danh đặc biệt của Chúa về việc lập giao ước với Y-sơ-ra-ên (Xuất Ê-díp-tô ký 19:3; 20:1,2; Giê-rê-mi 31:31-34).
VI. Giê-hô-va Ðức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ là Giê-hô-va Élohim) là Danh kép thứ nhứt của Chúa. Danh đó dùng đặc biệt:
1. Về Chúa đối với loài người:
a) Ðấng tạo hóa (Sáng thế ký 2:7-15);
b) Ðấng dạy dỗ cai trị tánh hạnh loài người (Sáng thế ký 2:16,17);
c) Ðấng lập các lễ nghi cai trị sự giao thiệp của loài người trên đất (Sáng thế ký 2:18-24; 3:16-19; 22-24);
d) Ðấng cứu chuộc loài người (Sáng thế ký 3:8-15,21).
2. Về Chúa đối với Y-sơ-ra-ên (Sáng thế ký 24:7; 28:13; Xuất Ê-díp-tô ký 3:15,18; 4:5; 5:1; v.v...; Phục truyền luật lệ ký 1:11,21; 4:1; 6:3; 12:1 v.v...; Giô-suê 7:13,19,20; 10:40,42; Các quan xét 2:12; I Sa-mu-ên 2:30; I Các vua 1:48; II Các vua 9:6; 10:31; I Sử ký 22:19; II Sử ký 1:9; E-xơ-ra 1:3; Ê-sai 21:17).