Một đại tiên tri, sanh năm sau rốt đời vua Ma-na-se, làm tiên tri đời cha con vua Giô-sia trị vì, bắt đầu từ năm 625 T.C. đến khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt, tức là năm 586 T.C. (Giê-rê-mi 1:2,3). Về sau ông bị người Giu-đa chạy trốn ép phải đi sang Ai-cập (Giê-rê-mi 43:6,7). Người ta đồn rằng Giê-rê-mi bị ném đá chết, song việc đó không có bằng cớ. Ông nói tiên tri rằng dầu dân trốn vào Ai-cập, song cuối cùng chắc cũng không tránh khỏi nạn binh đao của Nê-bu-cát-nết-sa! Kịp khi quân lính Canh-đê chiếm xứ bảo hộ nước Ai-cập, bấy giờ lời đó mới được ứng nghiệm (Giê-rê-mi 43:8-12). Từ năm 605 đến năm 538 T.C., Ba-by-lôn trở nên một nước rất mạnh, rất lớn, thật không sai mấy với lời Giê-rê-mi nói tiên tri rằng dân Giu-đa kiều ngụ ở Ba-by-lôn 70 năm (Giê-rê-mi 25:11; 29:10).
I. Nhơn phẩm Giê-rê-mi.--
Giê-rê-mi là người làng A-na-tốt. Làng nầy ở phía Ðông bắc thành Giê-ru-sa-lem độ 5 cây số, xây trên chót núi, có thể trông thấy đất núi ở Ép-ra-im và hang núi bên sông Giô-đanh. Giê-rê-mi thường nói về việc Giu-đa. Cảnh tượng ông nói hằng gợi lòng người Y-sơ-ra-ên nhớ đến nước cũ (Giê-rê-mi 4:15; 7:14,15; 12:5; 31:4-6). Tư tưởng ông khác với Ê-xê-chi-ên. Năm 626 T.C., khi được kêu gọi làm tiên tri, ông vì tuổi trẻ, sợ việc, không muốn nhận chức Chúa sai ông nói về cớ thạnh, suy, còn, mất của các nước. Khi đó, tâm trí ông còn chưa bền vững sau mới trở nên hạng người trí, dõng kiêm toàn: chẳng những miệng thuật ý chỉ của Chúa, mà chính thân ông lại làm chứng cho Chúa nữa. Vì Chúa cấm, ông không lấy vợ, cũng không có con (Giê-rê-mi 16:1-13).
Từ trước đến sau, trải hơn 40 năm, ông lấy lẽ thật ngăm vua, trách dân. Suốt đời, ông hằng bị gièm chê, thường gặp sự nguy hiểm. Khi mới được kêu gọi, ông sốt sắng dâng mình để làm việc tiên tri. Kế đó, vì thấy lời mình chưa được ứng nghiệm, ông bèn sanh lòng nghi ngờ, không muốn làm tiên tri nữa. Sau ngầm hiểu ý Chúa, lòng tin của ông mới vững vàng. Cuối cùng, ông làm trọn được nhiệm vụ tiên tri (Giê-rê-mi 8:18; 15:15-21; 17:14-18; 20:7-13; 36:32).
Xét trong thời gian ông làm tiên tri, có thể chia ra làm bốn lúc:
1. Năm 626-621 T.C..-- Khi đó tuổi ông còn trẻ, khi ông đương hàng, ông quở trách cái tội nước mình và nói trong tương lai sẽ chịu tai vạ. Giê-rê-mi 2:-6: chép những lời ông nói trong lúc đó. Song sách ông mãi hơn 20 năm sau mới làm, e rằng lời chép không khỏi có chỗ hơi khác với lời nói, mặc dầu phần nhiều thì giống nhau.
2. Năm 621 T.C.đến năm 608 T.C..-- Vua Giô-sia sửa đổi việc nước. Bấy giờ Giê-rê-mi đã bỏ được ý nghĩ lầm quấy, trong lòng trấn tỉnh lần lần, im hơi, lặng tiếng hằng 12 năm. Vì ông cho rằng lần cải cách đó chỉ do ý vua, chớ không phải là ý chung của dân. Vả các tai vạ ông nói tiên tri còn chưa ứng nghiệm, mà việc lành ông thấy rõ còn là giả dối, hư không. Vì vậy, lòng ông còn có chỗ ngờ, nên mới im lặng, không nói để tỏ ra rằng muốn sửa trị việc nước nhà mà ý mình không thành thực, thì không có thể cứu được nước đâu. Vậy phải thường ghi tạc pháp luật Chúa vào lòng mới được (Giê-rê-mi 31:33).
3. Năm 608 đến năm 604 T.C..-- Giê-rê-mi đã đến thời kỳ lão luyện, từng trải. Khi vua Giô-sia chết trận, ông muốn làm chứng về việc ngày trước trừ bỏ hình tượng mà thờ kính Chúa đều là giả dối không thật, nên không thể không lại đem lời Chúa mà dạy bảo. Những lời ông nói chép ở Giê-rê-mi 7:1-8:3; bảo dân chớ cậy thành Giê-ru-sa-lem có đền thờ, vì Chúa sẽ bãi bỏ như Si-lô vậy (Giê-rê-mi 7:4-14). Dân chúng bèn bắt ông, định khép vào tội chết. Nhưng các quan trưởng cho ông là tiên tri, nên cứu khỏi chết (Giê-rê-mi 26:). Từ Giê-rê-mi 7:-12: quá nửa là lời bấy giờ ông nói. Từ Giê-rê-mi 14:-20: là phần thêm vào sau lúc Giê-hô-gia-kim đốt sách (Giê-rê-mi 36:27-32). Lúc đó Giê-rê-mi tin vững, không ngờ, làm nổi trọng trách mà Chúa giao phó, nói tiên tri về lẽ thạnh, suy, nên, hư của các nước.
4. Năm 604 đến năm 586 T.C..-- Lúc thành Giê-ru-sa-lem phải chịu cực khổ trong hồi mạt thế. Giê-rê-mi, tâm trí yên tĩnh, mới rõ hết ý chỉ của Chúa. Giê-rê-mi 30:-33: làm vào khoảng đó. Phần sách nầy vốn đặt riêng làm một quyển, có thể gọi là tập kỷ lục chép lời yên ủi. Giê-rê-mi dầu mục kích cái cảnh thành tan, nước mất, vua bị bắt cầm tù, dân bị tù, song lòng ông vẫn không sợ. Vì Chúa phán bảo rằng: "Những ngày đến bấy giờ ta sẽ đem những kẻ bị phu tù của dân Y-sơ-ra-ên và dân Giu-đa trở về...Ta sẽ khiến chúng nó trở về trong đất mà ta đã ban cho tổ phụ chúng nó, và chúng sẽ được đất ấy làm sản nghiệp" (Giê-rê-mi 30:3). Tổng cương lời yên ủi đó tức là Giê-rê-mi 31:31-34 nói về lập giao ước mới. Kinh Thánh Cựu Ước không có chỗ nào hơn chỗ đó. Chúa Jêsus nhờ đó lập ra lễ Tiệc Thánh (Lu-ca 22:20), và cũng là cội gốc đạo cứu thế (Hê-bơ-rơ 10:14-18).
II. Sách Giê-rê-mi.-- Sách nầy quá nửa là tiên tri Giê-rê-mi và thơ ký Ba-rúc làm chung (Giê-rê-mi 36:). Nguyên tắc chẳng qua chỉ là một quyển sách nhỏ chép trong Giê-rê-mi 2:-12:. Vì bị Giê-hô-gia-kim đốt mất, nên làm lại lần sau nhiều hơn lần trước. Sách nầy đặt tên là tập ghi chép tai vạ. Ngoài đó ra, lại có những lời Giê-rê-mi diễn giảng ở sau, và có lời Ba-rúc thuật về việc Giê-rê-mi, cũng có phần do người nào làm ra nữa. Trải qua nhiều tay, có tăng thêm và sửa đổi nhiều. Dầu gọi chung là sách Giê-rê-mi, song người khác chắp vá thêm vào cũng không phải là ít. Sách nầy có thể chia làm 7 phần lớn:
I. Phần ghi chép tai vạ do Giê-rê-mi miệng thuật, Ba-rúc cầm bút chép. Coi Giê-rê-mi 1:-20:; 25: thấy đều như thế cả. Trong khoảng Giê-rê-mi 46:-51: có vài câu lẫn ở trong đó. Trừ Giê-rê-mi 9:23-10:16 là lời bổ lục ra, có thể chia tập ghi chép tai vạ nầy ra hai cuốn: trước và sau.
Cuốn trước, Giê-rê-mi 2:-12: là sách bị vua đốt mất. Giê-rê-mi 36:2-25 lại có thể chia làm đôi: nửa trên, Giê-rê-mi 2:-6:, làm trước khi vua Giô-sia sửa đổi việc nước, song trong đó e có chỗ lầm lẫn, như Giê-rê-mi 3:6-18 đáng phải ở vào trước hoặc sau đoạn 2 và đoạn 3. Nửa dưới, Giê-rê-mi 7:-12: làm nhằm năm 608 T.C..
Cuốn sau, Giê-rê-mi 1:; 14:-20: có lẽ Giê-rê-mi 25: cũng ở trong đó, là những lời thêm vào cuốn trước, song cùng một ý (Giê-rê-mi 36:32).
2. Phần luận về kẻ chăn dân, chịu phán xét (Giê-rê-mi 21:11-23).
3. Phần luận về Giê-rê-mi, như Giê-rê-mi 13:; 24:; 27:-29:; 35:; đều nói về việc từ năm 600 đến năm 543 T.C..
4. Phần chép lời yên ủi (Giê-rê-mi 30:-33:). Nhưng trong đó, từ Giê-rê-mi 32:16-33:26, ngờ rằng do người đời sau phụ thêm vào.
5. Phần Ba-rúc chép về việc Giê-rê-mi. Giê-rê-mi 21:1-10; 26:; 34:; 37:-39: chép về những việc trước khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy phá. Giê-rê-mi 40:-44: chép sau khi thành Giê-ru-sa-lem bị phá, Giê-rê-mi 45: là lời của Ba-rúc, song chỗ đó e có sự lầm lộn!
6. Phần nói tiên tri về các nước (Giê-rê-mi 46:-51:). E rằng có chỗ do người sau làm ra, chớ không phải hết thảy là lời tiên tri Giê-rê-mi.
7. Phần tổng bạt về cuốn trước. Xét kỹ Giê-rê-mi 52: thấy tương tợ với II Các vua 24:18-25:30; chừng đó là của E-xơ-ra thêm vào.
Những điều thuật trên đây chẳng qua là nói đại khái. Trong sách còn có vài câu chưa biết cội gốc ra sao, như Giê-rê-mi 9:23-26. Lại có những chỗ do người sau phụ thêm vào, như Giê-rê-mi 50:-52:; 10:1-16; 33:14-26.
Lời tiểu dẫn sách Giê-rê-mi của bác sĩ Scofield:
Giê-rê-mi khởi sự chức vụ mình trong năm thứ XIII đời vua Giô-sia, độ 60 năm sau khi Ê-sai qua đời. Trong kỳ hành chức vụ đầu tiên, Giê-rê-mi đồng thời với Sô-phô-ni và Ha-ba-cúc; chức vụ sau đồng thời với Ða-ni-ên. Khỏi ít lâu sau khi vua Giô-sia chết, nước Giu-đa bị tàn phá và dân sự bị đày qua Ba-by-lôn. Giê-rê-mi cứ ở trong xứ giúp đỡ dân còn sót lại đáng thương (II Các vua 24:14) cho đến khi họ bị đày qua xứ Ai-cập. Giê-rê-mi theo họ và chết tại đó đầu khoảng 70 năm bị lưu đày. Giê-rê-mi nói tiên tri trước và đang khi dân Do-thái bị đày đi. Thế th?ì Giê-rê-mi liên hiệp với các tiên tri trước khi dân bị đày với Ê-xê-chi-ên và Ða-ni-ên, tiên tri đang khi dân bị đày.
Sự hiện thấy của Giê-rê-mi gồm lại: thời dân làm phu tù tại Ba-by-lôn; thời dân hết hạn 70 năm trở về; thời tan lạc qua các nước thế gian, thời thu lại cuối cùng, thời Ðấng Mê-si trị vì; ngày phán xét các quyền thế ngoại bang, và dân sót lại.
Sách tiên tri có sáu phần lớn:
I. Từ lúc tiên tri được kêu gọi cho đến lúc gởi lời khuyên các phu tù đầu tiên 1:1-29:32.
II. Các lời tiên tri và những biến động không chép theo thứ tự của lịch sử, 30:1-36:32.
III. Từ khi vua Sê-đê-kia lên ngôi cho đến vua bị bắt làm phu tù, 37:1-39:18.
IV. Các lời tiên tri Giê-rê-mi đã nói trong xứ sau khi dân Giu-đa bị đày đi lần cuối cùng, 40:1-42:22.
V. Giê-rê-mi trong xứ Ai-cập, 43:1-44:30.
VI. Mấy lời tiên tri tạp nhạp, 45:1-52:34.
Tiến sĩ cũng chú thích về:
Giê-rê-mi 2:1.-- Giê-hô-va, nhờ Giê-rê-mi quở trách và sửa dạy dân Giu-đa lần thứ nhứt, có ba ý:
1. Ngài nhắc cho dân sự nhớ những ngày mà Y-sơ-ra-ên được hạnh phước và giải cứu 2:1-7;
2. Ngài trách móc họ đã lìa bỏ Ngài, 2:13.
3. Ngài tố cáo họ đã chọn các thần khác vô quyền, 2:10-12; 26:28. Ta nên kể mọi lời quở trách nầy như là bài giảng bởi Chúa soi dẫn, nói ra cho dân sự về sau chép (so Giê-rê-mi 36:1-32).
Giê-rê-mi 3:6.-- Ý thông thường của bài quở trách dân Giu-đa lần thứ hai là:
1. Tố cáo dân Giu-đa vì thấy dân Y-sơ-ra-ên (nước phía Bắc, II Các vua 17:1-18) bị Chúa sửa phạt song không có ích cho mình, 3:6-10;
2. Cảnh cáo dân Giu-đa cũng sắp bị sửa phạt như thế (câu 15-17);
3. Lời khuyên cảm động gọi dân trở về cùng Ðức Giê-hô-va, 3:12-14; và,
4. Lời hứa về dân cuối cùng sẽ trở về xứ mình và được phước hạnh, 3:16-18.
Giê-rê-mi 7:1.-- Ðại ý của sứ mạng phán ở nơi cửa nhà Ðức Giê-hô-va, giống như lời phán thứ nhứt và thứ hai, là quở trách, răn dạy và khuyên bảo. Song sứ mạng nầy đạt cho những người trong dân Giu-đa còn bề ngoài cứ thờ phượng Chúa; ấy là một sứ mạng cho phần Giu-đa còn giữ đạo, 7:2,9,10; 8:10,11.
Giê-rê-mi 4:23. So Sáng thế ký 1:2. "Vô hình và trống không" mô tả trái đất bị hủy phá vì Chúa đoán phạt (4:24-26; Ê-sai 24:1), lật đổ trật tự đầu tiên của Sáng thế ký 1:1.
Giê-rê-mi 11:1.-- Như mấy sứ mạng trước, bài nầy quở trách, răn dạy và khuyên bảo, song vì cớ phạm đến giao ước Pha-lê-tin (xem lời chua Phục truyền luật lệ ký 28:1-30:1-9). Y-sơ-ra-ên và Giu-đa bị làm phu tù tại xứ A-sy-ri và Ba-by-lôn là kết quả của sự răn dạy nầy (Phục truyền luật lệ ký 28:63-68).
Giê-rê-mi 14:1.-- Ý nghĩa về tai nạn hạn hán lúc đó là quan hệ lắm. Ấy là một dấu nói trước trong lời giao ước Pha-lê-tin (Phục truyền luật lệ ký 28:23,24), và một phần đã được ứng nghiệm trong đời vua A-háp (I Các vua 17:1 v.v...). Dầu sau dấu đó có một thời gian lâu, nước Y-sơ-ra-ên bị bắt làm phu tù bởi người A-si-ri, ấy nên là một sự răn dạy trọng thể cho nước Giu-đa.
Giê-rê-mi 15:11.-- Giê-rê-mi đứng thay mặt dân còn sót lại, là dân khác hẳn với phần nhiều không tin trong dân sự. Vì đã phạm tội, dân còn sót lại phải cùng dự phần về sự làm phu tù hầu đến (15:13), những khi Chúa đoán phạt dân sự, thì ấy chỉ là sửa dạy dân còn sót lại đó được tinh sạch, và lãnh một lời hứa riêng (15:11). Câu 15-18 là dân còn sót lại đáp lời câu 11-14. Còn hai đặc sắc vẫn chỉ rõ dân sót lại tin Chúa, trung tín với Chúa, và biệt riêng mình ra khỏi kẻ nhạo báng lời đó (15:16,17 so Khải Huyền 3:8-10).
Giê-rê-mi 16:1.-- từ 16:1 đến 17:18 giải nghĩa dấu về tiên tri không lấy vợ. Ấy vì cả xã hội nước Giu-đa sắp bị lật đổ và cất khỏi xứ. Song nên chú ý lời hứa 16:14-16; Giê-rê-mi 17:7,8.
Giê-rê-mi 18:1.-- Y-sơ-ra-ên (cả hai nước) giống như một bình hư trong tay người thợ gốm, là chìa khóa để giải nghĩa tiên tri nầy. Song Chúa "lấy mà nắn cái bình khác, tùy ý Ngài muốn làm" (18:4).
Giê-rê-mi 23:3.-- Mấy câu trong 30:3-10 tỏ ra lúc cuối cùng, thể nào Chúa sẽ đem dân bị phu tù về, sau khi đã chịu tai nạn không xiết kể, có can thiệp với sự hiện đến của Nhánh Công bình nhà Ða-vít (23:5), cũng gọi là Giê-hô-va-Tsidkenu (23:6). Sự Chúa đem dân bị phu tù về nầy, không nên lẫn lộn với một số ít dân Giu-đa còn sót lại trở về trong xứ E-xơ-ra, Nê-hê-mi, và Xô-rô-ba-bên hết 70 năm (Giê-rê-mi 29:10). Khi Ðấng Christ, Nhánh Công bình nhà Ða-vít giáng sanh (Lu-ca 1:31-33), Ngài chưa "làm sự chánh trực công bình trên đất (23:5); Trái lại phải đội mão gai trên đầu, và bị đóng đinh trên thập tự. Quốc dân Y-sơ-ra-ên cũng chưa được lập lại, hay xưng là: Ðức Giê-hô-va, sự công bình chúng ta" (so Rô-ma 10:3). Lời tiên tri nầy còn phải được ứng nghiệm (Công vụ các sứ đồ 15:14-17).
Giê-rê-mi 25:11.-- So Lê-vi ký 26:33-35; II Sử ký 36:21; Ða-ni-ên 9:2. Có thể kể 70 năm bắt đầu từ lúc dân nước Giu-đa bị đày qua Ba-by-lôn lần thứ nhứt (II Các vua 24:10-15), theo thánh điển Éponym A-sy-ri ấy là 604 T.C., hoặc theo Ussher ấy là 606 T.C., hay là lần bị đày cuối cùng (II Các vua 25:; II Sử ký 36:17-20; Giê-rê-mi 39:8-10), ấy là theo Éponym 586 T.C. hoặc theo Ussher ấy là 588 T.C.. Nếu theo ý thứ nhứt trong khoảng 70 năm nối đến 534 T.C. (Éponym) hoặc 536 T.C. (Ussher), khi vua Si-ru ra sắc chỉ cho dân về xứ mình (E-xơ-ra 1:1-3). Nếu theo ý thứ hai, mãn 70 năm, là 516 T.C. (Éponym), lúc cất xong đền lại. Xét sách Ða-ni-ên 9:25, dường như ý thứ hai đúng hơn.
Giê-rê-mi 25:29.-- Lời tiên tri tôn trọng nầy không phải chỉ về sự xâm chiếm của Nê-bu-cát-nết-sa mà thôi. Nếu Ðức Giê-hô-va không tiếc thành riêng của Ngài, chắc các dân ngoại bang không có thể tưởng rằng sẽ khỏi sự đoán phạt. Lời tiên tri nầy chỉ về sự cuối cùng của thời đại nầy. (Xem Ê-sai 2:10-22; Khải Huyền 19:11-21; 16:14).
Giê-rê-mi 30:1.-- Giê-rê-mi chép các đoạn 30:26:, chắc không theo thứ tự năm tháng nào. Mấy lần nói đến niên hiệu (như trong 32:1; 33:1; 34:1,8; 35:1) song chỉ về việc qua rồi. Giê-rê-mi lại bắt đầu bài ký thuật với 37:1. Mấy đoạn 33:-36: nầy tóm tắt lại lời tiên tri về quốc dân Y-sơ-ra-ên, nhứt là có quan hệ với các ngày sau rốt, là ngày của Chúa, và với thời đại của Chúa theo sau. Nhưng những lời tiên tri đó cũng lẫn lộn với lịch sử và thời đại của Giê-rê-mi.
Giê-rê-mi 30:2.-- Ta nên phân biệt ba "văn thư" mà Giê-rê-mi chép:
1. 30:1-31:40 là lời tiên tri nói cách chung, có lẽ nói sớm hơn hết.
2. 1:1-36:23 là "văn thư" mà Giê-hô-gia-kim đã đốt đi.
3. Các sách bị đốt đi đã chép lại (36:27), chắc là sách chúng ta có đây.
Giê-rê-mi 32:9.-- Ðám ruộng đó đương bị đạo binh Ba-by-lôn chiếm cứ; dầu vậy Giê-rê-mi mua mà:
1. Làm dấu chứng rằng Giê-rê-mi tin chắc lời tiên tri mình nói về dân Giu-đa được về, sẽ được ứng nghiệm (32:15);
2. Làm dấu chỉ cho dân Giu-đa biết mình sẽ được về.
Giê-rê-mi 37:11.-- có kể ra năm tình hình mà Giê-rê-mi từng trải khi bị tù:
1. Giê-rê-mi bị bắt nơi cửa và bị bỏ vào ngục vì lời cáo gian: "Ngươi là kẻ hàng đầu người Canh-đê" (Giê-rê-mi 37:11-15);
2. Giê-rê-mi được tha khỏi ngục nhưng bị ép phải ở trong hành lang của ngục;
3. Giê-rê-mi bị bỏ vào hố của Manh-ki-gia, và bị lút dưới bùn (Giê-rê-mi 38:1-6);
4. Giê-rê-mi lại được tha khỏi ngục bùn và giữ trong hành lang tù (Giê-rê-mi 38:13-28) cho đến khi thành bị chiếm lấy;
5. Giê-rê-mi bị xiềng, bị Nê-bu-xa-a-đan thị vệ đem khỏi thành, và cuối cùng được thả ra ở Ra-ma (Giê-rê-mi 40:1-4).
Giê-rê-mi 39:7.-- Ðây khởi sự "các kỳ dân ngoại"; dấu hiệu kỳ đó là thành Giê-ru-sa-lem "bị dân ngoại giày đạp" tức là dân ngoại cầm quyền cai trị. Thật đã có như thế, từ thời Nê-bu-cát-nết-sa cho đến ngày nay. Xem Lu-ca 21:24; Khải Huyền 16:14 "Kỳ dân ngoại".
Giê-rê-mi 46:1.-- Nên phân biệt mấy lời tiên tri nghịch cùng các dân ngoại được ứng nghiệm hai cách gần và xa. Trong 46: sự hiện thấy gần chỉ về nước Ai-cập bị dân Ba-by-lôn xâm chiếm; song 46:27,28 chỉ xa đến sự đoán phạt các dân ngoại, sau trận Ha-ma-ghê-đôn (Khải Huyền 16:14; 19:17) và sự giải cứu dân Y-sơ-ra-ên (xem "Y-sơ-ra-ên" Sáng thế ký 12:2,3; Rô-ma 11:26). Giê-rê-mi 50:4-7 cũng chỉ về những ngày sau rốt đó.