Giếng. Puits.

        



      Hoặc gọi là cái hố. Ở Giu-đa, mưa ít (Các quan xét 1:15), người ta đào giếng để lấy nước uống. Song, nước giếng cũng thường khô cạn nên có khi xảy ra sự tranh nhau về quyền sở hữu. Vậy khi đào giếng tại Bê-e-Sê-ba, Áp-ra-ham rất cẩn thận làm lễ đặng chứng rằng mình đã đào giếng đó, nên thuộc riêng về của mình (Sáng thế ký 21:30). Y-sác tỏ ra sự nhường nhịn vì bỏ những giếng chính mình đã đào để tránh sự tranh giành (Sáng thế ký 26:18,22).
       Giô-sép bị quăng xuống giếng cạn (Sáng thế ký 37:24). Luật Môi-se là hễ đào hầm thì phải đậy nắp, kẻo có người hay súc vật sa xuống (Xuất Ê-díp-tô ký 21:33; II Sa-mu-ên 17:19). Ðược nhận giếng mà mình không đào khi vào xứ Ca-na-an là một ơn đã hứa trước bởi Chúa (Phục truyền luật lệ ký 6:11;). Có giếng thuộc về mình là một dấu chứng nhận mình tự lập (Châm Ngôn 5:15), và không dùng nước giếng thuộc về người khác là một dấu hiệu không động đến của người khác (Dân số ký 20:17-19; 21:22). Ngày nay giữa người A-rạp vẫn trọng quyền sở hữu và giếng bởi tổ tông đã truyền lại. Vậy để hiểu vì cớ nào tên giếng có quan hệ với sử ký và địa dư trong xứ Pha-lê-tin và bán đảo Arabie.
       Các giếng ở xứ Pha-lê-tin hay đục trong đá vôi, và có khi có những bậc để xuống lấy nước (Sáng thế ký 24:16). Bờ giếng hay có tường thấp và tròn xung quanh, trên tường có vết tỏ ra người ta thường dùng thùng để kéo nước. Chắc Chúa Jêsus ngồi trên một tường như thế lúc đàm đạo với người đờn ba Sa-ma-ri (Giăng 4:6), và người đờn bà trong II Sa-mu-ên 17:19 lấy cái mền trải trên miệng giếng.
       Lối lấy nước ở xứ Pha-lê-tin hơi giống ở xứ ta như sau nầy:
       1. Dùng thùng và thừng, hoặc một bầu da (Sáng thế ký 24:14,20; Giăng 4:11).
       2. Dùng bánh xe quay như ở Ba-tư. Bánh xe đó có nhiều thùng hay bình bằng đất, khi bánh quay thả thừng xuống, thì bình và thùng trống không song khi kéo lên thì đầy nước.
       3. Một lối khác với lối trước, có người ngồi đối ngang bánh xe, lấy tay kéo tai hoa và chơn đẩy để quay bánh xe cho thùng xuống múc nước lên.
       4. Một lối dùng nhiều ở xứ Ai-cập thời cổ và hiện nay đã sáng chế một trụ chốt do một cần gỗ đưa lên xuống được. Ở đầu cần gỗ nầy có một tảng đá hay một vật khác miễn là nặng, còn đầu kia có thùng hay là bầu để lấy nước. Bởi vậy, người kéo nước đứng trên bờ giếng cầm dây buộc thùng để kéo lên xuống cho nhẹ nhàng.
       Bên cạnh giếng hay có bể đá hoặc gỗ, để đựng nước cho người và vật uống. Nếu không có ống hay cống dẫn nước, thì người ta hay gánh bằng thùng hay đội bình trên đầu.
       Tiến sĩ Scofield chú thích về giếng trong Sáng thế ký 26:20 rằng:
       Các tên giếng chép trong Sáng thế ký có ý nghĩa hay, và can thiệp tới những biến động quan hệ, như:
       1. Bê-e-La-cha-roi, nghĩa là "giếng của Ðấng Hằng sống đoái xem tôi" (Sáng thế ký 16:14; 24:62; 25:11).
       2. Bê-e-sê-ba, nghĩa là giếng của lời thề hoặc giao ước (21:25-33; 22:19; 26:23-25; 46:1-5).
       3. Ê-sết, nghĩa là tranh giành (26:20). Sít-na, nghĩa là giành nhau (26:21). Ê-sết và Sít-na là hai giếng mà chính Y-sác đào. Về sau, Y-sác ở gần các giếng cũ của cha mình. Rê-hô-bốt, nghĩa là được rộng rãi hơn (26:22). Si-ba, nghĩa là lời thề (26:23).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.