Giô-ên. Joel (Sách).

        


      I. Ðại ý cả sách.-- Có thể chia làm hai phần, mỗi phần có 36 câu:
       1. Ngày phán xét của Chúa hầu gần, khuyên dân hãy ăn năn tội.-- (Giô-ên 1:1-2:17). Vừa có hay sắp có một kỳ đau đớn tức là một nạn châu chấu mà trước chưa hề có vậy; bởi đó tiên tri kêu gọi dân phải trở về cùng Chúa, kiêng ăn, khóc lóc, cầu nguyện, tỉnh thức (1:1-20). Sau cứ theo ý đó, tiên tri lấy hình bóng một cơ binh với ngựa và xe cộ, khuyên dân lần nữa hãy ăn năn và cầu nguyện (2:1-17). Có lẽ trong 1: và 2: tiên tri có ý tỏ ra thật sẽ có một nạn bởi châu chấu. Có người tin như thế. Nếu vậy, thì tiên tri lợi dụng dịp tiện và hình bóng đó để khuyên dân (2:1-27).
       Hoặc có hay không, trong Kinh Thánh thường lấy châu chấu làm hình bóng về cơ binh xông vào xứ (Khải Huyền 9:3-11), và tiên tri lấy hình bóng tai nạn đó để chỉ về ngày phán xét lớn của Ðức Chúa Trời toàn năng. Ngày phán xét lớn đó hầu đến (2:1) là sự phán xét cuối cùng trước khi Ðấng Mê-si ban phước (2:28), bởi một dân lớn và mạnh (2:2), từ phía Bắc tới (2:20), trước dân đó có lửa thiêu đốt, sau có lửa cháy tiêu (2:3), trại rất lớn (2:11), và vì cớ dân đó, dân Ngài trong thành Si-ôn kêu cầu Chúa giải cứu mình khỏi tay các dân ngoại bang đó cai trị trên mình (2:17). Ý nầy rất cổ và phần nhiều người tin.
       2. Phước lành theo sau sự phán xét đó.-- (2:18-3:21). Giê-hô-va nghe tiếng kêu cầu của dân Ngài. Chính dân phá diệt dân Ngài sẽ bị hủy diệt, những ngày khó khăn qua đi, và trong xứ lại có những mùa phong phú (2:18-27); Thần Chúa sẽ được đổ trên mọi loài xác thịt (2:28-32 so Công vụ các sứ đồ 2:16-21; Rô-ma 10:13). Mọi kẻ thù của dân Ngài sẽ bị đoán phạt, nước Do-thái và thành Giê-ru-sa-lem mạnh mẽ, thạnh vượng. Trong bức tranh nầy, tóm gồm những sự phán xét của Ðức Chúa Trời trên dân ngoại và sự phán xét chung lần cuối cùng của Ngài, kết luận là lập Si-ôn đời đời vô cùng.
       Lúc làm sách.-- Sách nầy không niên hiệu và nội dung chỉ cho biết ít điều về thời giờ chép sách. Sách nói đến sự tan lạc dân Y-sơ-ra-ên giữa dân ngoại (3:2), những lời trưng dẫn chẳng phải riêng cho 10 chi phái mà thôi, song về cả các con cái của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, dân sự và cơ nghiệp của Ðức Chúa Trời; và cũng là lời tiên tri. Vậy cả sự làm phu tù của Giu-đa và thành Giê-ru-sa-lem được nói đến (3:10, song giống như tiên tri trong Phục truyền luật lệ ký 28:) và Mi-chê (3:10; 4:12). Vì tiên tri Giô-ên và dân sự đều ở trong nước Giu-đa, Si-ôn có (Giô-ên 2:1,15), đền thờ hãy còn (1:14; 2:17) vẫn hằng ngày có sự thờ phượng, dầu của lễ ăn và uống dường như đã thôi vì mùa màng bị phá hoại (Giô-ên 1:9-13 so 2:14).
       Lời tiên tri nầy không thuộc về thời kỳ sau khi dân làm phu tù, không phải giữa sự làm phu tù thứ nhứt và thành bị phá hủy, cũng không phải thời kỳ sớm hơn cả khi dân A-sy-ri xông vào xứ, vì sự phán xét không tuyên bố nghịch cùng A-sy-ri, hay Ba-by-lôn hoặc các dân thù nghịch sau, nhưng chỉ nghịch cùng những kẻ thù của Giu-đa: Ty-rơ, Si-đôn, Phi-li-tin, Ê-đôm và Ai-cập (3:4,19). Ty-rơ và Sô-đôm đã quên lời giao ước anh em (A-mốt 1:9) và đã mua những người Giu-đa làm phu tù từ người Phi-li-tin và bán cho những người Hy-lạp ở phương xa. Không có lời trưng dẫn về Sy-ri, là một dân ít làm hại dân Giu-đa trước đời A-cha (II Các vua 12:17). Trong trọn đời và sau A-cha, các tiên tri Giu-đa thường trưng dẫn về Sy-ri như là một cường quốc cừu địch (Ê-sai 7:8; 8:4,17; Giê-rê-mi 49:23-27; Xa-cha-ri 9:1). Cũng không nói đến dân A-sy-ri là dân không đến tranh chiến với Giu-đa cho đến sau đời vua A-cha cũng là dân chừng nửa thế kỷ trước đời A-cha trị vì không có hoạt đông ở phía Tây châu Á. Có trưng dẫn đến người Hy-lạp, lúc đó không có mặt tại xứ Pha-lê-tin hay là nghịch cùng Giu-đa, nhưng chỉ là một nước ở phương xa mà những người Phê-ni-xi và những người Phi-li-tin đã bán những con cái Giu-đa bị bắt làm tôi mọi, và trái với những người Sê-ba, một dân ở đầu khác trên đất, sẽ bán những phu tù bắt được của xứ Phi-li-tin và Phê-ni-xi (Giô-ên 3:1-8). Phần đông các nhà giải nghĩa Kinh Thánh hiệp nhau tin rằng lời tiên tri nầy tuyên bố trước đời vua A-cha.
       Chỗ của quyển sách nầy như là thứ hai trong các sách tiểu tiên tri chỉ bằng sự tín ngưỡng là phổ thông lúc làm Kinh Thánh, Giô-ên bắt đầu nói tiên tri, sau Ô-sê đã bắt đầu thi hành chức vụ tiên tri, và trước khi A-mốt đã bắt đầu, nghĩa là trong đời vua Ô-xia, vua Giu-đa, và trong khi Giê-rô-bô-am còn ở trên ngôi Y-sơ-ra-ên (Ô-sê 1:1; A-mốt 1:1, 7:10).
       Tiến sĩ Scofield chú thích về sách Giô-ên:
       Tiểu dẫn.-- Giô-ên tiên tri trong nước Giu-đa, chắc thi hành chức vụ mình đương khi vua Giô-ách trị vì (II Sử ký 22:-24:). Có lẽ lúc thanh niên, Giô-ên có biết tiên tri Ê-li, và chắc là đồng thời với tiên tri Ê-li-sê. Giô-ên lấy các tai vạ côn trùng, chỉ về điềm Chúa sửa phạt, để chép tiên tri về "ngày Chúa" tới (Ê-sai 2:12), là ngày Chúa đoán phạt các dân ngoại và ban phước cho dân Y-sơ-ra-ên.
       Sách Giô-ên chia làm ba phần lớn:
       Phần I. Tai vạ côn trùng 1:1-20.
             1. Lời dẫn 1-3;
             2. Xứ bị hoang phá 4-14;
             3. Tai vạ côn trùng chỉ bóng về ngày của Chúa 15-20.
       Phần II. Ngày của Chúa 2:1-3:8.
             1. Các cơ binh từ phương Bắc xông vào xứ, sắp đặt chiến tranh tại Ha-ma-ghê-đôn, 2:1-10 (Khải Huyền 16:14);
             2. Cơ binh Chúa tại Ha-ma-ghê-đôn, 2:11 (Khải Huyền 19:11-21);
             3. Những người Giu-đa trong xứ ăn năn tội 2:12-17;
             4. Chúa đáp lại:
                   a) Hứa giải cứu 18-27;
                   b) Hứa ban Ðức Thánh Linh 28-29;
             5. Những dấu hiệu trước sự tái lâm và ngày của Chúa 30-32 (xem Ê-sai 13:9,10; 21:21-23; Ê-xê-chi-ên 32:7-10; Ma-thi-ơ 24:29,30);
             6. Lập lại Y-sơ-ra-ên trong xứ 3:1 (xem Ê-sai 11:10-12; Giê-rê-mi 23:5-8; Ê-xê-chi-ên 37:21-28; Công vụ các sứ đồ 15:15-17);
             7. Sự đoán phạt các dân ngoại sau trận Ha-ma-ghê-đôn 3:2-8 (xem Ma-thi-ơ 25:32, lời chú thích).
       Phần III.-- Ôn lại 3:9-21.
             1. Ngày của Chúa 9-16;
             2. Ơn phước đầy dẫy của nước Chúa 17-21 (xem Xa-cha-ri 12:8, lời chú thích).
       Giô-ên 1:4.-- Có người tưởng sâu keo, cào cào, v.v... chỉ là một loài côn trùng có hình thù khác nhau bởi có sự thay đổi trong thời gian lớn lên. Tùy theo phương pháp, Ðức Thánh Linh thường dùng về tiên tri, điều cốt yếu là tỏ ra một sự xảy ra trong xứ, có ý thuộc linh, nên lấy sự đó để chép tiên tri có ý rộng (xem Ê-sai 7:1-14, ở đó lấy sự vô tín của vua A-cha mà chép tiên tri về dân Sy-ri xông vào xứ). Vậy trong sách Giô-ên 1:13,14 tỏ ra tai vạ côn trùng có ý thuộc linh, và nhờ tai vạ đó để chép tiên tri về ngày của Chúa, ngày nay chưa được ứng nghiệm (Ê-sai 2:12). Lời tiên tri đó còn được mở mang hơn trong Giô-ên 2:, ở đó để lại cào cào mà mô tả ngày tương lai của Chúa.
       Cả bức tranh nầy thuộc về thời cuối cùng của thời đại nầy, là "thời đại của dân ngoại" (Lu-ca 21:24; Khải Huyền 16:14); mô tả trận chiến tranh tại Ha-ma-ghê-đôn (Khải Huyền 16:14; 19:11-21); mô tả sự nhóm Y-sơ-ra-ên lại (Rô-ma 11:26, lời chú thích) và mô tả nước đầy dẫy ơn phước. Một sự lạ là Giô-ên (836 T.C.), tiên tri đứng đầu trong thời chép các sách tiên tri nhỏ, có chép rất nhiều tóm kết hết thảy lời tiên tri có chép.
       Thứ tự các biến động là:
             1. Các cường quốc ngoại bang từ phương Bắc, ở dưới quyền "Con thú và tiên tri giả" xông vào xứ Pha-lê-tin (Giô-suê 2:1-10; "Ha-ma-ghê-đôn" (Khải Huyền 16:14);
             2. Cơ binh của Chúa và sự phá hủy đạo binh xâm lấn (Giô-ên 2:11; Khải Huyền 19:11-21);
             3. Dân Giu-đa trong xứ ăn năn (Giô-ên 2:12-17: Phục truyền luật lệ ký 30:1-9, lời chú thích);
             4. Chúa đáp lại (Giô-ên 2:18-27);
             5. Ðức Thánh Linh được đổ ra trong "những ngày sau rốt" (Giô-ên 2:28,29);
             6. Chúa Jêsus lấy sự vinh hiển mà tái lâm, để lập nước Ngài (Giô-ên 2:30,32; Công vụ các sứ đồ 15:15-17), bởi sự nhóm lại dân Giu-đa và sự phán xét các dân ngoại (Giô-ên 3:1-16);
             7. Phước lành đầy dẫy luôn của nước Chúa (Giô-ên 3:17-21; Xa-cha-ri 14:1-21; Ma-thi-ơ 25:32, lời chú thích).
       Giô-ên 2:11.-- từ đầu đến 2:10 mô tả cơ binh xâm lấn; trong câu 11 mô tả cơ binh Chúa. Khải Huyền 19:11-18 cũng mô tả cơ binh Chúa. Chúa lấy lời hứa cứu rỗi của Ngài mà kêu gọi dân Giu-đa ăn năn (2:12-17). Trong 2:18-20, thấy Chúa giải cứu (câu 20, xem Ha-ma-ghê-đôn, Khải Huyền 16:14), và ơn phước của nước trong câu 21-27. Trong câu 28,29, hứa đổ Thần Chúa ra, và 30-32 chép những dấu hiệu của vũ trụ trước ngày Chúa. Xem Khải Huyền 29:11-21, lời chú thích.
       Giô-ên 2:28.-- So với Công vụ các sứ đồ 2:17, thấy chữ "sau đó" trong Giô-ên 2:28 có ý nghĩa là "những ngày sau rốt", và đã ứng nghiệm một phần và còn đang ứng nghiệm trong "những ngày sau rốt", là bắt đầu từ khi Ðấng Christ giáng sanh (Hê-bơ-rơ 1:2), nhưng sự ứng nghiệm lớn hơn phải chờ đến "những ngày sau rốt" như quan thiệp với Y-sơ-ra-ên. "Những ngày sau rốt" như quan thiệp với Hội Thánh, bắt đầu từ khi Ðấng Christ giáng sanh, nhưng có lời trưng dẫn đặc biệt về thời kỳ suy đồi và sự bội đạo cuối cùng thời đại nay (II Ti-mô-thê 3:1; 4:4). "Những ngày sau rốt" như quan thiệp với dân Y-sơ-ra-ên, là những ngày Y-sơ-ra-ên được tôn lên và được phước, cũng đồng nghĩa với thời kỳ quốc độ (Ê-sai 2:2-4; Mi-chê 4:1-7).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.