I. Cha của Si-môn Phi-e-rơ (Ma-thi-ơ 16:17; Giăng 1:42; 21:15).
II. a) Tùy theo II Các vua 14:25-27, Giô-na là con trai A-mi-tai ở tại Gát-hê-phe trong bờ cõi Sa-bu-lôn (Giô-na 1:1; Giô-suê 19:13), một tiên tri và tôi tớ Chúa trong nước Y-sơ-ra-ên, Bởi miệng Giô-na, Chúa phán tiên tri, hứa sẽ giải cứu dân Y-sơ-ra-ên và lập lại bờ cõi cũ. Vì thế, đủ biết Giô-na hành chức vụ tiên tri trong những năm đầu của đời Giê-rô-bô-am II hoặc đời vua trước. Giô-na nói tiên tri dân Y-sơ-ra-ên đắc thắng như thế, chắc được danh tiếng lớn lắm.
b) Trong Giô-na 1:2, Chúa bảo Giô-na hãy đến thành Ni-ni-ve ở phía Ðông khuyên dân đó ăn năn, song ông trốn đi Ta-rê-si ở phía Tây. Xuống tàu, giữa biển gặp cơn bão lớn ngăn trở, theo lời Giô-na xin thì họ quăng ông xuống biển. Có một con cá lớn Chúa sắm sẵn nuốt Giô-na, và ông sống trong bụng cá đó ba ngày. Thật là trường Thần đạo rất lạ, vì ở đó Giô-na suy gẫm về tội của mình không vâng phục Chúa, ăn năn cầu nguyện cùng Chúa, thì Ngài phán với con cá lớn mửa Giô-na trên đất khô. Quyền Ðấng Toàn năng lạ lùng thay!
Chúa lại bảo, Giô-na vâng lời, đến Ni-ni-ve, rao giảng: "Còn 40 ngày nữa Ni-ni-ve sẽ bị đổ xuống". Dân đó ăn năn ngay Chúa không phạt nữa. Giô-na rất không đẹp lòng, vì là người Do-thái rất ái quốc, nên ước ao Chúa phá diệt dân Ni-ni-ve là dân ngăm đe nước Y-sơ-ra-ên (so Lu-ca 9:51-56). Giô-na tưởng Chúa thương xót quá lẽ một dân ngoại đạo đang hà hiếp dân mình. Bởi sự dạy dỗ của cái chòi, Giô-na mới học biết dân ngoại trước mặt Chúa có giá trị là dường nào.
Sự từng trải của Giô-na nhắc lại ý nghĩa của tên ông là chim bò câu. Trong Sáng thế ký 8:8,9, Nô-ê thả một chim bò câu ra. Nó bay đi bay lại, song cuối cùng vì không tìm được chỗ đậu để nghỉ, nên phải trở vào tàu với Nô-ê. Ấy thật đúng như Giô-na trốn đi khỏi mặt Chúa, không được yên tâm, nên phải ăn năn, trở về cùng Chúa. Cũng làm thí dụ về lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên bỏ Chúa, bị tan lạc, cuối cùng sẽ trở về thờ Chúa.
Ngày nay trong thế giới trí thức, có người hay coi sách Giô-na như là một tiểu thuyết, là một ví dụ nghĩa bóng. Họ dám so sánh truyện ngụ ngôn của người Hy-lạp xưa với sự từng trải lạ lùng của Giô-na. Ấy là nói Hercule khi cứu Hesione, quăng mình xuống biển vào hàm một quái vật, và ở trong bụng vật đó ba ngày. Chắc ngụ ngôn đó do sự tích thật của Giô-na mà đặt ra! Nếu sự tích của Giô-na không có thật, sao trước giả dám lấy sự xấu hổ của tội loạn nghịch và tính hẹp hòi mà đổ lại trên một tiên tri có danh tiếng là chơn thật và trung tín? Có một Mục sư viết rằng: "Ai viết như thế rất không xứng đáng, vì nói xấu một đầy tớ Chúa, và chắc không đẹp lòng Chúa nữa". Người Giu-đa xưa nay vẫn coi Sách Giô-na là lịch sử thật đã xảy ra.
c) Chúa Jêsus làm chứng về sự thực hữu, số phận lạ lùng, và chức vụ tiên tri của Giô-na, hai lần Chúa phán về dấu lạ của tiên tri Giô-na (Ma-thi-ơ 12:38-41; Lu-ca 11:29-32; Ma-thi-ơ 16:4). Chúa phán về Giô-na trong bụng cá ba ngày là giống như Chúa gần phải ở trong lòng trái đất ba ngày, và lấy sự ăn năn của dân thành Ni-ni-ve như là một sự quở trách những người không tin trong đời Ngài. Vậy, Chúa phán cả hai phép lạ, một là phép lạ xác thịt: Giô-na được bảo tồn trong bụng cá ba ngày, hai là phép lạ tinh thần: dân thành Ni-ni-ve ăn năn tội ngay; lại không tỏ ý chút nào coi sự tích Giô-na như một truyện tiểu thuyết có nghĩa bóng. Giô-na chép cách trung tín về sự trái nghịch và sự hình phạt của chính mình như thế, thật tỏ ra mình là con xứng đáng của A-mi-tai (nghĩa là chơn thật).