Giô-na, (Sách). Livre de Jonas.

        


      Trước giả và niên hiệu.-- Dầu không nói trong sách, phần nhiều học giả thần đạo tin Giô-na là trước giả, vì ngoài Giô-na không ai có thể chép lại hay thuật lại những chi tiết nhỏ mọn như đã chép trong sách nầy. Có ít lời bằng tiếng A-ra-mê-ên xen vào trong nguyên văn Hê-bơ-rơ, người đã tự hỏi trong đời vua Giê-rô-bô-am II đã mượn dùng những tiếng đó trong tiếng Hê-bơ-rơ chưa? Chắc trong thời kỳ đó, về phần chính trị và thương mãi, hai nước đó có giao thiệp với nhau nên tiên tri xứ Sa-ma-ri có dùng vài lời như thế không phải là một sự lạ. Có người lấy làm lạ vì sách nầy được kể vào Kinh Thánh, bởi vì tiên tri đó chỉ can thiệp đến Ni-ni-ve là một thành ngoại đạo, và không có nói đến Y-sơ-ra-ên giống như các sách tiên tri khác. Song sự lạ đó là một cớ sách nầy được soi dẫn bởi Chúa và đáng vào Kinh Thánh, vì một thành nghe lời khuyên và ăn năn ngay, thật đáng làm gương sáng cho dân Chúa không chịu ăn năn dầu đã có nhiều tiên tri khuyên vậy.
       Lúc chép sách nầy có lẽ là trước hay sau ít lâu khi vua Giê-rô-bô-am II qua đời (II Các vua 14:25), đồng thời với tiên tri A-mốt (A-mốt 1:1), và trước khi Tiếc-la-Phi-lê-se bắt đầu trị vì nước A-sy-ri (745 T.C.). Trong sách 4 lần chép lúc đó Ni-ni-ve là một thành lớn (1:1; 3:2,3; 4:11). Chắc lúc chép sách, tiên tri đã cao tuổi.
       Ðại ý của sách.-- Mục đích là:
             1. Cảm động dân Y-sơ-ra-ên phải động lòng thương xót đến dân ngoại nhiều hơn, và
             2. Phải bằng lòng hy sinh giảng đạo Chúa cho thế giới ngoại bang.
       Một vài sự dạy dỗ.-- Trong Kinh Thánh chỉ có tiên tri Giô-na giấu kín sứ mạng của chức vụ mình, dầu mấy tiên tri khác mới bắt đầu có ý lo ngại (Ê-sai 6:5; Giê-rê-mi 1:6,17; Xuất Ê-díp-tô ký 4:10). Giô-na rất ao ước thành Ni-ni-ve bị phá hủy và diệt lập tức giống Sô-đôm như thế để làm gương đáng sợ mà răn dạy tỉnh thức dân Y-sơ-ra-ên ăn năn, không còn cứng cõi nữa. Trước kia, lời khuyên của tiên tri không được kết quả gì! Giô-na trốn đi để lánh khỏi mặt Chúa, thật là dại, như có chép trong Thi Thiên 139:7-10; Sáng thế ký 3:8-10; Giê-rê-mi 23:24. Song "lánh khỏi mặt Chúa" không được, chắc Giô-na có ý bỏ chức vụ mình trong sự hiện diện của Ðấng vô sở bất tại ở xứ thánh. Nên chú ý, trong sách thấy Chúa sắm sửa bốn điều: cá lớn, dây dưa, con sâu, gió cháy. Ấy đủ cắt nghĩa những phép lạ trong sách là bởi Chúa toàn năng đã làm.
       Dường như Ô-sê hiểu ý nghĩa tiên tri về Giô-na ở trong bụng cá lớn ba ngày, vì chép trong 6:2: "Trong hai ngày, Ngài sẽ khiến chúng ta tỉnh lại, ngày thứ ba, Ngài sẽ dựng chúng ta dậy, chúng ta sẽ sống trước mặt Ngài". Ấy là hình bóng về phần quốc gia và chính trị của dân Y-sơ-ra-ên, dầu bây giờ vì cớ tội đã suy đồi đến nỗi như chết, song sẽ được sống lại. Có nghĩa bóng xa hơn nữa, chỉ về Ðấng Mê-si khỏi ba ngày sẽ sống lại làm trái đầu mùa của sự sống lại (Giăng 2:19; I Cô-rinh-tô 15:4; Ê-sai 26:19; Ê-xê-chi-ên 37:1-14; I Cô-rinh-tô 15:22,23; Ða-ni-ên 12:2).
       Cá lớn sắm sẵn nuốt tiên tri song cũng để bảo tồn mạng sống, thật chứng về sự thương xót vô hạn của Ngài. Giô-na làm hình bóng cho Ni-ni-ve và Y-sơ-ra-ên về sự chết theo tội và sự sống lại theo sự ăn năn. Cũng chỉ về Ðấng Christ chết cho tội lỗi và được sống lại bởi Thần Chúa (Ma-thi-ơ 12:40). Về bài cầu nguyện trong bụng cá Giô-na chứng rằng: "Tôi đã bị ném khỏi trước mặt Ngài" (Giô-na 2:5), là sự hình phạt rất khổ của mình. Ấy vì sự Giô-na muốn lúc trốn đi! Vua Ê-xê-chia lúc viết bài xa tụng cũng tỏ ý tưởng như thế (Ê-sai 38:17).
       Giô-na được cứu khỏi mồ mả, được thoát chết là một dấu hiệu về tia sáng hy vọng được cứu khỏi tội (Lu-ca 11:30). Chúa cũng lấy mà răn dạy người Pha-ri-si (Ma-thi-ơ 12:39), Số 40 chỉ về sự đoán phạt tội lỗi, như dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng 40 năm. Chúa ban cho dân thành Ni-ni-ve hai ơn thương xót: ăn năn ngay, được tha tội ngay. Theo ý Giô-na, Ni-ni-ve bị phá diệt thì bảo lãnh sự bình an của Y-sơ-ra-ên. Song ý Chúa lại khác, vì dân Ni-ni-ve ăn năn là sự dạy dỗ cho dân Y-sơ-ra-ên. Hy vọng cho kẻ ăn năn, không cứ phạm tội nặng dường nào; sự đoán phạt cho người cứng lòng không ăn năn, không cứ người trong giai cấp nào, ấy là sự Chúa dạy về Ni-ni-ve (Ma-thi-ơ 12:41).
       Vì Giô-na cảm thấy khó chịu khi Chúa tỏ lòng thương xót dân ngoại như thế, Chúa yên ủi và sắm sẵn dây dưa để che phủ tiên tri bởi bóng mát. Giô-na thấy vậy lấy làm "rất vui". Song có một con sâu nhỏ đủ làm hại dây dưa lớn đó, cũng như một nhỏ có thể phá hoại sự vui lớn nhứt (Nhã Ca 2:15). Khi Chúa hỏi: Ngươi nổi giận vì cớ dây nầy có nên không? Giô-na đáp nên giận lắm. Trong hai câu cuối sách, Chúa tóm lại đại ý của sách, Chúa rất thương xót dân ngoại; Y-sơ-ra-ên cũng vậy.
       Tiến sĩ Scofield chú thích Giô-na:
       Lời tựa.-- Chính Chúa Jêsus đảm nhiệm Giô-na, người có thật trong lịch sử (Ma-thi-ơ 12:39-41), cũng công nhận Giô-na được bảo tồn trong bụng cá lớn là "dấu lạ" hay là hình bóng về Ðấng Christ bị chôn và được sống lại. Cả hai là phép lạ, và cả hai đều đáng tin. II Các vua 14:25 chép một lời tiên tri của Giô-na đã được ứng nghiệm. Chính Giô-na là người câu nệ tôn giáo Giu-đa, không chịu làm chứng cho thành ngoại bang, và tức giận vì Chúa đã xá miễn thành ấy. Giô-na làm hình bóng về dân Y-sơ-ra-ên ở ngoài xứ mình làm mối bối rối cho các dân ngoại, nhưng cứ làm chứng cho, bị dân ngoại đuổi ra nhưng cứ bảo tồn bởi phép lạ của Chúa; đến kỳ tai nạn rất thảm thiết hầu đến, sẽ kêu cầu Giê-hô-va Cứu Chúa và được giải cứu, rồi trở nên những người truyền đạo cho các dân ngoại (Xa-cha-ri 8:7-23). Giô-na làm hình bóng về Ðấng Christ là Ðấng Cha sai đến, được sống lại từ trong kẻ chết, và đem sự cứu rỗi đến cho dân ngoại.
       Sách Giô-na chia ra như sau nầy:
       Giô-na được sai đi lần thứ nhứt 1:1,2; tiên tri lánh khỏi mặt Chúa, cơn bão lớn 1:3-11; cá lớn nuốt tiên tri 1:12-2:1; lời cầu nguyện của tiên tri, Chúa đáp lời, 2:2-11; Chúa sai tiên tri lần thứ nhì, tiên tri vâng lời, Ni-ni-ve ăn năn 3:1-10; tiên tri không bằng lòng, dây dưa che phủ, 4:1-11.
       Giô-na 1:17.-- Chẳng có phép lạ nào trong Kinh Thánh đã gây ra biết bao mối vô tín. Vấn đề cốt yếu chẳng phải là kẻ nghi ngờ phép lạ nầy, nhưng là kẻ nghi ngờ Chúa Jêsus Christ (Ma-thi-ơ 12:39,40). Khoa học, "ngụy xưng là khoa học" (I Ti-mô-thê 6:20), vì không nhận biết rằng khoa học chỉ lo về những sự bề ngoài của một loài đã vấp ngã và một trái đất đã bị rủa sả (Sáng thế ký 3:17-19), nên không chịu nhận có phép lạ. Ðối với đức tin, và đối với khoa học chơn thật, phép lạ là sự nên trông đợi bởi lòng yêu thương của Chúa để giúp ích trong một vũ trụ hỗn độn, cả về phần xác thịt và luân lý (Rô-ma 8:19-23).
       Giô-na 4:8.-- So với I Các vua 19:4-8. Nếu coi sách Giô-na như là bài dạy dỗ cách hầu việc Chúa, thì ta thấy Giô-na là một đầy tớ:
             1. Không vâng lời (Giô-na 1:1-11);
             2. Chịu khốn khổ 1:12-2:1;
             3. Cầu nguyện 2:2-10;
             4. Ðược giải cứu 2:11;
             5. Ðược sai đi lần nữa 3:1-3;
             6. Ðược quyền năng 3:4-10;
             7. Bối rối và nhọc nhằn, song Chúa không bỏ 4:1-11.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.