Giô-sép. Josèph (Nguyện được tăng lên).

       


      I. Con thứ mười một của Gia-cốp, do Ra-chên sanh ra tại Cha-ran. Vì son sẻ hơn chị là Lê-a, nên khi Ra-chên sanh Giô-sép thì nói: "Ðức Chúa Trời đã rửa sự xấu hổ cho tôi rồi... cầu xin Chúa thêm cho tôi một con trai nữa" (Sáng thế ký 30:23,24). Lời cầu nguyện đó được Chúa nhậm lời vì sau Ra-chên sanh thêm Bên-gia-min.
       Thời niên thiếu.-- Giô-sép ở nhà với cha.
       Kinh Thánh chép tên ông lần thứ nhứt khi ông 17 tuổi (Sáng thế ký 37:2). Dường như Giô-sép ở Hếp-rôn với cha già, còn các anh đi chăn giữ bầy. Giô-sép thuật lại với cha các chuyện xấu của anh mình. Như vậy, Giô-sép dầu ít tuổi cũng tỏ ra sự can đảm giữ luân lý và lẽ phải trong cơn cám dỗ (Xuất Ê-díp-tô ký 23:2). Gia-cốp tỏ ra yêu Giô-sép hơn cả, vì may cho "một cái áo có nhiều sắc" (Sáng thế ký 37:3). Trên các mộ của Benihassan, là người Pha-lê-tin làm quan sứ giả ở xứ Ai-cập gần đồng thời đó, có hình người mặc áo giống như thế, tỏ ra là người có chức cao (so với II Sa-mu-ên 13:18); có lẽ Gia-cốp có ý lập Giô-sép làm trưởng tộc thay cho Ru-bên bởi "đã lên giường cha làm ô, làm dơ đó" (so I Sử ký 5:1; Sáng thế ký 35:22; 49:4).
       Các anh Giô-sép càng ghen ghét Giô-sép vì người có thuật lại điềm chiêm bao tỏ ra các anh mình phải phục mình, sau cũng thuật một chiêm bao khác có ý đó nữa. Ấy cũng chỉ bóng về những lời tiên tri trong Cựu Ước được ứng nghiệm, khi các quan trưởng Giu-đa chối bỏ Chúa Jêsus, vì có biết nhưng không hiểu những lời tiên tri đó chỉ về Ðấng Mê-si (Công vụ các sứ đồ 13:27). Giô-sép lại thuật chiêm bao thứ hai cho cha nghe nữa. Gia-cốp trước không đẹp lòng nhưng rồi sau giống như Ma-ri đối với Chúa Jêsus Christ ghi các lời ấy vào lòng (Sáng thế ký 37:5-11; Lu-ca 2:19,51).
       Các anh Giô-sép chăn bầy của cha tại Si-chem. Gia-cốp sai Giô-sép đến đó, Giô-sép bèn đi, cũng như Ðức Chúa Jêsus sẵn lòng vâng lời Cha, giáng thế, phó mạng sống mình mà chuộc tội (Thi Thiên 40:6,7; Giăng 10:11). Song các anh đã lìa khỏi đó, mà qua Ðô-ta-in rồi, giống như người A-rạp thường làm ngày nay để tìm đồng cỏ cho bầy. Khi Giô-sép còn xa, các anh lập mưu quyết định giết đi (so Ma-thi-ơ 21:38; 27:1). Chỉ có Ru-bên kiếm cách cứu Giô-sép, nên khuyên chớ nên làm đổ máu em. Khi Giô-sép đến gần, họ bèn lột áo nhiều sắc (Hê-bơ-rơ 10:5; Phi-líp 2:6,8), và quăng Giô-sép xuống một cái hố cạn (Sáng thế ký 37:12-24). Ðoạn, họ ngồi mà ăn (so Châm Ngôn 30:20; Giăng 18:28; Xa-cha-ri 9:11).
       Các anh Giô-sép nhìn thấy một đoàn dân Ích-ma-ên đi đến, chở hàng qua xứ Ai-cập. Giu-đa (hình bóng Giu-đa Ích-ca-ri-ốt) gợi ý bán Giô-sép cho họ giá 20 miếng bạc (Lê-vi ký 27:5; so Ma-thi-ơ 20:19; Lu-ca 18:32; 20:20). Vậy các anh tưởng đã trừ được lời tiên tri ngụ ý em mình được tôn trọng hơn mình; song Chúa dùng chính việc nầy để lập ý định của Ngài (Công vụ các sứ đồ 4:25-28; Ê-sai 28:29; Châm Ngôn 19:21). Khi Ru-bên trở lại hố, thấy Giô-sép mất rồi, thì buồn, xé áo mình (37:25-29). Sau trong xứ Ai-cập các anh làm chứng cho Giô-sép lúc trước, có tâm hồn buồn thảm (Sáng thế ký 42:21). Chắc vì Giô-sép buộc phải đi nơi xa cách cha (Sáng thế ký 43:7; 45:15,28; 41:51 so Ma-thi-ơ 27:46), nên sau vẫn hỏi thăm về cha, và sự "tưởng nhớ" đến cha là cớ mà các anh dùng để xin Giô-sép tha tội (Sáng thế ký 50:16,17). Các anh nhúng áo Giô-sép vào trong huyết của một con dê đực rồi đem về cho cha. Gia-cốp tưởng con yêu dấu của mình đã bị thú dữ cấu xé rồi, nên xé áo mình ra, để tang lâu ngày mà không chịu yên ủi (Sáng thế ký 37:31-35).
       2. Giô-sép ở tại xứ Ai-cập.--
       Những người Ma-đi-an đem Giô-sép sang Ai-cập, bán cho Phô-ti-pha, người Ai-cập, làm quan thị vệ của Pha-ra-ôn (39:1 so với 37:36). Phô-ti-pha thấy vì cớ Giô-sép Ðức Chúa Trời ban phước cho nhà mình được thạnh vượng nên vui lòng đặt Giô-sép "cai quản cửa nhà, và phó của cải mình cho" (Sáng thế ký 39:4; so với Gia-cốp trong Sáng thế ký 30:27; Thi Thiên 1:3). Vợ chủ, như phần nhiều đờn bà Ai-cập lúc đó, có tánh buông tuồng, cám dỗ Giô-sép, nhưng không được, nên đổ cho Giô-sép tội mà nàng đã cố ý làm cho Giô-sép mắc phải. Giô-sép thắng hơn sự cám dỗ là bởi biết mình thuộc về Chúa: "Thế nào tôi dám làm điều đại ác dường ấy, mà phạm tội cùng Ðức Chúa Trời sao". (Sáng thế ký 39:9 so Ma-thi-ơ 7:18; I Giăng 3:9). Trong viện bảo tàng nước Anh có một truyện cổ tích Ai-cập, nhan đề "Hai anh em", chép trên giấy bằng sậy, dường như sau lấy cốt truyện Giô-sép với vợ Phô-ti-pha mà đặt ra. Phô-ti-pha không giết Giô-sép, song bỏ tù, ấy tỏ ra ông không tin chắc được lời của vợ, và có lẽ Giô-sép là vô tội.
       Phô-ti-pha nổi giận cùng Giô-sép, bắt người hạ ngục, có lẽ Giô-sép ở đó hai năm hoặc lâu hơn. Trong nhà ngục, cũng như trong nhà Phô-ti-pha, người ta thấy Giô-sép thật hoàn toàn đáng tin cậy, ấy vì cớ Chúa ở cùng người. Chủ ngục giao hết kẻ tù trong tay Giô-sép, chẳng việc chi làm qua khỏi tay người (39:22 so Châm Ngôn 16:7). Giô-sép phải ở tù chắc là cách Chúa làm để nâng cao Giô-sép lên (Thi Thiên 105:17,18). Khỏi ít lâu, Pha-ra-ôn giận hai quan hầu là quan tửu chánh và quan thượng thiện, bỏ ngục chung với Giô-sép. Mỗi quan có một điềm chiêm bao Giô-sép giải đoán đúng cả hai. Pha-ra-ôn thưởng quan tửu chánh và chém đầu quan thượng thiện. Song quan tửu chánh quên ơn Giô-sép (A-mốt 6:6; Thi Thiên 31:12; Lu-ca 23:42).
       Hai năm sau, sự giải cứu Giô-sép đã đến. Pha-ra-ôn cũng nằm mơ thấy hai chiêm bao (41:1-4; 17-21): "Nầy đâu dưới sông đi lên 7 con bò mập tốt, ăn cỏ trong bưng. Rồi nầy, 7 con bò khác, xấu dạng, gầy guộc, ở dưới sông đi theo lên sau... Bảy con bò xấu dạng gầy guộc, nuốt "bảy con bò mập tốt". Vua nằm ngủ lại chiêm bao lần thứ nhì, thấy bảy gié lúa chắc tốt tươi, mọc chung trên một cộng rạ. Kế đó có bảy gié lúa khác lép và bị gió đông thổi háp, mọc theo bảy gié lúa kia. Bảy gié lúa lép nuốt "bảy gié lúa chắc". Sáng mai, Pha-ra-ôn truyền đòi các pháp sư và các tay bác sĩ đến nhưng họ không bàn được chiêm bao của vua. Quan tửu chánh nhớ lại Giô-sép đã giải điềm chiêm bao cho mình, giới thiệu người cho vua. Pha-ra-ôn sai đòi Giô-sép, họ thả ra, cạo mặt cho (lúc đó người Hê-bơ-rơ để râu, song người Ai-cập cạo đi). Giô-sép vào chầu Pha-ra-ôn. Bởi Giô-sép Pha-ra-ôn được biết ý của hai chiêm bao là: trong xứ sẽ có 7 năm được mùa, hết 7 năm đó, sẽ có 7 năm đói kém lớn (chắc vì nước sông Ni-lơ không tràn vào bờ). Ðây Giô-sép đứng đầu sử ký dân Y-sơ-ra-ên giống như Ða-ni-ên cuối đời các vua Y-sơ-ra-ên, cả hai đều ở trong triều vua ngoại bang bày tỏ sự cao thượng vô hạn của nước Chúa so với các nước thế gian (41:25-32).
       3. Giô-sép được chức thủ tướng ở xứ Ai-cập.--
       Sau đó, Giô-sép khuyên Pha-ra-ôn chọn lấy một người khôn ngoan lập lên trên cả xứ, để người đó có thể tích lấy một phần năm của thổ sản trong 7 năm được mùa mà phòng 7 năm đói kém. Hoàng đế ban cho Giô-sép chức đó, chỉ kém chức Pha-ra-ôn mà thôi, và cho các của quí ấn chứng chức đó. Pha-ra-ôn cũng đặt tên cho Giô-sép là Xa-phơ-nát-Pha-nê-ách, nghĩa là lương thực cho sống, hay là lương thực của người sống (Sáng thế ký 41:33-45a so Giăng 6:35). Pha-ra-ôn cũng đưa nàng Ách-nát, con gái thầy cả thành Ôn, cho người làm vợ, chắc có ý liên lạc quan Thủ tướng mới với hàng thượng lưu trong xứ. Tôn giáo xứ Ai-cập lúc đó dầu lẫn lộn với nhiều sự dị đoan, nhưng còn giữ nhiều sự khải thị đầu tiên: sự duy nhứt, sự đời đời và sự tự hữu của Ðức Chúa Trời vô hình. Họ lấy mặt trời làm hình bóng thấy được chỉ về Ngài: là sự thờ hình tượng đầu nhứt giống như người Sê-ba (Gióp 31:26). Chắc Giô-sép dắt đem vợ theo đạo thuần túy của mình, vì không ai ngăn trở Giô-sép làm chứng về đạo thật (Sáng thế ký 42:18), Pha-ra-ôn cũng nhận Ðức Chúa Trời của Giô-sép và Thần Ngài là Chơn Thần (41:32,38,39).
       Giống như Chúa Jêsus lúc khởi chức vụ công khai (Lu-ca 3:23), Giô-sép có 30 tuổi, khi bắt đầu hành chức đi tuần khắp xứ Ai-cập; vậy là đã ở Ai-cập 13 năm rồi. Trong 7 năm được mùa, mùa màng thật dư dật, người thâu một phần năm, như đã khuyên Pha-ra-ôn, chứa vào các kho trong thành, "đến nỗi đếm không được, vì đầy dẫy vô số" (Sáng thế ký 41:47-49). Trước bảy năm đói kém, Chúa cho ông hai con trai, ông đặt tên Hê-bơ-rơ cho con, tỏ ra vẫn nhớ Chúa của tổ phụ mình. Tên con đầu lòng là Ma-na-se, nghĩa là kẻ làm cho ta quên, chắc Giô-sép có ngụ ý là sự cực nhọc bị nuốt mất trong sự vui vẻ (Thi Thiên 90:15; Ê-sai 65:16,17; Ê-sai 61:7; 62:4; Khải Huyền 7:14-17; và theo ý thuộc linh chỉ về Hội Thánh, Thi Thiên 45:10).
       Tên con thứ nhì là Ép-ra-im, nghĩa là hưng vượng bằng hai, vì Giô-sép thấy Chúa cho mình được hưng vượng trong xứ mình bị khốn khổ (Sáng thế ký 41:50-52; so 49:22 và Giăng 15:2b).
       Ðã lâu người ta tin rằng Pha-ra-ôn đồng thời với Giô-sép là Apepi II hay Apophis (Eusebius), chắc là Pha-ra-ôn cuối cùng của "dòng các vua chăn bầy" (tức là Hyksos) vốn là người Sémites, nên vui tiếp khách là người Pha-lê-tin, song vì cớ là người ngoại quốc, thì dân Ai-cập lấy làm gớm ghiếc cả Pha-ra-ôn cùng hết thảy những kẻ chăn chiên (Sáng thế ký 46:34). Còn có người tưởng có lẽ là Osirtasin I, vua thứ II của dòng thứ XII, vì cớ có can thiệp đặc biệt với thành Ôn; cũng có tên khắc trên trụ đá rất cổ và danh tiếng trong Ai-cập. Còn có Amenemha III, Pha-ra-ôn thứ VI, của dòng vua thứ XII đó, lập nhiều cách để dẫn thủy nhập điền, như đê, hồ chức nước v.v.... Vua có truyền đào hồ Moeris để chứa nước; gần hồ có Paaneah tức là "nhà của sự sống", cũng trùng nghĩa với tên Giô-sép là Xa-phơ-nát-Pha-nê-ách. Nếu thật vậy, Giô-sép là người rất xứng đáng để giúp đỡ Pha-ra-ôn nầy làm các việc lớn đó.
       Bảy năm tốt lành qua, bảy năm đói kém thật có theo sau (Sáng thế ký 41:54-57). Sau ít lâu có lẽ hai năm. Giô-sép thâu hết tiền trong xứ Ai-cập, và trong xứ Ca-na-an, là tiền muôn dân mua lúa, và Giô-sép chứa bạc vào trong kho Pha-ra-ôn (47:13,14). Hết tiền rồi, dân sự dùng của cải mà đổi lấy lương thực. Vậy, Giô-sép được hết cả bầy vật trong xứ Ai-cập, và tới năm sau, hết cả đất ruộng, trừ ra của các thầy cả. Thế mà, Giô-sép chỉ thâu có một phần năm thổ sản dân sự nộp vào kho Pha-ra-ôn. Khi dân sự đòi lương thực, Pha-ra-ôn bảo phải đến cùng Giô-sép và làm theo lời người bảo, giống như có chép về Chúa Jêsus trong Giăng 6:45b và 2:5.
       Khắp các xứ khác cũng bị đói, nên Gia-cốp sai các con, trừ ra Bên-gia-min, con út xuống xứ Ai-cập, đến sấp mình xuống trước mặt Giô-sép, song không nhận biết là em mình vì Giô-sép đã lớn khôn, và cách ăn ở cùng lời nói như người Ai-cập. Vậy họ vô tình làm ứng nghiệm nghĩa chiêm bao mà họ tưởng đã trừ được rồi (Công vụ các sứ đồ 4:27-28; Châm Ngôn 19:21; 21:30). Cũng vậy, khi Chúa Jêsus tái lâm, các anh em Chúa đều sẽ sấp mình trước mặt Ngài, là Ðấng được dấy lên vì đã tự hạ mình xuống (Phi-líp 2:6-11; Thi Thiên 22:22, 26-29). Chúa Jêsus biết dân Ngài trước khi họ biết Ngài (Giăng 15:16; 10:14; Ga-la-ti 4:9). Giô-sép tiếp đãi các anh như là người lạ, dùng một người thông ngôn mà nói những lời nặng với họ, và tố cáo họ là những người do thám xứ. Trong lúc họ tự binh vực, thì đã nói rõ tình cảnh của gia đình. Song họ cứ nói dối về Giô-sép rằng: "Một người đã đi mất biệt" (42:1-13). Giô-sép buộc họ sai một người trong bọn trở về nhà Gia-cốp, đem Bên-gia-min đến cùng mình, thì mới tỏ ra họ nói thật chớ không phải là thám tử. Giô-sép truyền giam họ trong ngục 3 ngày. Sau, Giô-sép bảo phải để một người trong bọn họ ở lại cho đến chứng nào có Bên-gia-min tới. Như họ đã thấy tâm hồn Giô-sép buồn thảm, lúc ở Ðô-ta-in, xin các anh làm ơn nhưng không khứng cho (Châm Ngôn 21:13), bấy giờ, chính họ gặp tai nạn thì lương tâm cắn rứt họ về tội mình đối với Giô-sép. Ấy thật là sự báo ứng rõ ràng (Dân số ký 32:23b; Ma-thi-ơ 7:2). Giô-sép không muốn báo thù, song thấy họ cần phải gặp một sự sầu thảm tạm thời nữa để khiến họ ăn năn tội thật (Ô-sê 5:15; Gióp 36:8,9). Bởi vậy, Giô-sép bắt Si-mê-ôn, truyền trói lại trước mặt họ làm của cầm đến khi em út của họ tới. Chắc bắt Si-mê-ôn vì ông là người đứng đầu trong việc áp chế mình (so Sáng thế ký 34:; 49:5,7). Ông truyền xúc lúa đầy bao và để bạc lại trong đó, thêm cho lương thực dùng dọc đường (Lu-ca 6:34,35). Các anh Giô-sép đi đến quán, thấy bạc mình tại miệng bao thì rất lấy làm sợ hãi. Về nhà Gia-cốp thấy Si-mê-ôn bị bắt giữ lại, và các con xin cho Bên-gia-min đi nữa, thì kêu than: "Các nông nỗi nầy đều đổ lại cho tao hết" (so Rô-ma 8:31). Muốn Gia-cốp cho phép Bên-gia-min đi, Ru-bên bằng lòng để hai con mình bị giết, song Gia-cốp vẫn không chịu (42:14-38).
       Cuối cùng hết lương thực, Gia-cốp mới cho Bên-gia-min sang Ai-cập song Giu-đa phải bảo lãnh đem về. Vậy, họ đem Bên-gia-min và mang tiền xuống Ai-cập ra mắt Giô-sép. Khi gặp quản gia, vì sợ nên thuật lại việc tiền bạc để lại trong bao. Quản gia yên ủi, dẫn Si-mê-ôn đến, rồi đưa hết thảy vào nhà Giô-sép, tiếp rước tử tế. Khi Giô-sép trở về, các anh em mình sấp mình xuống đất trước mặt Giô-sép, vậy làm cho ứng nghiệm điềm chiêm bao lần nữa. Giô-sép hỏi tin tức về Gia-cốp, rồi họ cúi đầu mà lạy. Giô-sép thấy Bên-gia-min, em ruột mình, cảm động, bước vội vào phòng riêng mà khóc (42:24). Ðoạn ra làm bộ yên tâm, Giô-sép truyền dọn bữa ăn. Người Ai-cập bị ô uế bởi người Hê-bơ-rơ hay giết bò ăn thịt, vì họ coi bò là một giống vật thánh, nên ngồi ăn riêng, cả Giô-sép cũng ăn riêng vì chức cao. Các anh em ngồi lớn nhỏ tùy theo thứ tự của mình, ngơ ngẩn nhìn nhau. Giô-sép sai đem mấy món đồ ăn trước mặt mình cho các anh em; nhưng phần Bên-gia-min nhiều hơn gấp năm. Họ chung vui với Giô-sép. Cách sắp đặt như thế hiệp với phong tục của xứ Ai-cập làm chứng sự tích nầy là thật, như có khắc trên các trụ đá còn lại làm di tích (43:).
       Ngày hôm sau, khi họ trở về, Giô-sép sai người quản gia đuổi theo, và bắt Bên-gia-min lại, vì khám thấy trong bao của em út cái chén bạc mà chính Giô-sép trước đã bảo người quản gia bỏ vào. Vậy, Bên-gia-min bị bắt, song Giu-đa tỏ lòng đại lượng xin làm tôi mọi thay cho em út mình, để cha giả khỏi phải đau lòng xuống âm phủ. Chén bói khoa nghĩa là nhìn xuống nước đựng trong chén, soi mặt mình như trong gương mà bói, thường dùng trong xứ Ai-cập. Sông Ni-lơ là "cái chén của xứ Ai-cập", và chén bói chỉ bóng về sông đó. Giô-sép không phải là người trọn vẹn; vì trá hình cách quá đáng và dường như dùng phép bói khoa mà trước mình đã chối không chịu thử nghiệm những sự đó, ngoài sự khải thị của Chúa (Sáng thế ký 44: và xem 41:16).
       Ý tưởng của Giô-sép về cha già yếu mình đang yêu thương, lo lắng thì cảm động, Giô-sép đến nỗi phải tỏ thật cho các anh em mình biết mình là ai. Giô-sép khóc lớn tiếng và "các anh em bối rối" vì dường như có ma của người trước họ đã giết, đứng trước mặt họ. Song Giô-sép mời "các anh em hãy lại gần tôi" (so Ma-thi-ơ 14:26-29; và tiên tri về Chúa sẽ yên ủi thành Si-ôn, Ê-sai 40:2; 61:2,3). Giô-sép yên ủi anh em, bảo đừng sầu não và đừng tiếc chi về điều đã bán mình sang Ai-cập: vì để gìn giữ sự sống các anh em nên Chúa sai mình đến Ai-cập trước cả (xem Công vụ các sứ đồ 3:12-18; 4:27,28). Ông ôm lấy các anh em khuyên mau trở về cùng cha, báo tin cho cha hay, Chúa đã đặt mình làm Chúa cả xứ Ai-cập, nên hãy xuống xứ Ai-cập tại Gô-sen vì còn có 5 năm đói kém nữa. Pha-ra-ôn và triều đình vui tiếp rước Gia-cốp cùng cả gia đình (45:; 46:).
       4. Gia-cốp và cả gia đình xuống xứ Ai-cập.
       Gia-cốp và cả nhà ở xứ Gô-sen, còn Giô-sép cai trị trên xứ. Tại đây, Gia-cốp kiều ngụ 17 năm, hưởng thọ được 147 tuổi (47:28). Khi gần qua đời, Gia-cốp cho Giô-sép một phần trên các anh em mình, chắc là kể cả phần đất ở Si-chem, là nơi sau làm mộ của mình (so Giăng 4:5). Dầu Giô-sép có quyền trưởng nam, vì trước Gia-cốp đã đặt người thay cho Ru-bên, nhưng không được phép vào gia phổ như vậy, vì Giu-đa trổi hơn anh em mình, và bởi người mà ra vua Ða-vít (I Sử ký 5:1,2).
       Quyền trưởng nam được hưởng cơ nghiệp gấp đôi (Phục truyền luật lệ ký 21:15-17), vậy Gia-cốp cho hai con của Giô-sép là Ma-na-se và Ép-ra-im, chứng rằng Giô-sép có quyền trưởng nam. Lời chúc phước của Gia-cốp cho Giô-sép tỏ rõ Giô-sép đã "Kết quả giữa sự khốn khổ" và phước lành cha chúc cho Giô-sép "vượt lần lên các phước lành của tổ phụ cha cho đến các chót núi đời đời". Khi Gia-cốp chết, Giô-sép biểu mấy người thầy thuốc xông cho xác cha mình thuốc thơm và đem về an táng ở xứ Ca-na-an trong hang Mặc-bê-la, nơi có mồ mả của các tổ phụ.
       Khi cha chết rồi, các anh Giô-sép, vì có tánh hẹp hòi và giả dối, tưởng Giô-sép sẽ "ghen ghét và trả thù việc ác của mình", nhưng Giô-sép bỏ qua sự báo thù vì ấy là thuộc về Chúa (Rô-ma 12:19), và yên ủi các anh mình. Giô-sép sống 110 năm, 93 năm ở xứ Ai-cập, thấy các con trai của Ép-ra-im và Ma-na-se, chúng được nâng niu trên đầu gối của Giô-sép và khi hấp hối, ông bảo các con thề sẽ đem hài cốt mình về xứ Chúa hứa, ấy tỏ ra việc cuối cùng của đức tin ông (Hê-bơ-rơ 11:22), là đức tin đã dẫn dắt ông trọn đời. Giống như cha, xác ông cũng được xông thuốc thơm và liệm trong quan tài của xứ Ai-cập (50:26). Về sau Môi-se là người giữ lời thề quyết của các tổ phụ, dời xác Giô-sép đến cơ nghiệp người tại Si-chem, trong phần đất của Ép-ra-im, dòng dõi người (Xuất Ê-díp-tô ký 13:19; Giô-suê 24:32; Công vụ các sứ đồ 7:16).
       Giô-sép, từ giữa các tổ phụ chép trong Kinh Thánh, đứng riêng ra, vì là một người làm gương mẫu hầu trọn vẹn như Ðấng Christ sau xuống thế gian bày tỏ cách hoàn toàn. Giô-sép biết quyết định điều phải, song dễ chịu những cảnh ngộ, biết làm trọn nghĩa vụ, hay lấy lòng rộng rãi xét nghiêm nhặt nhưng công bình; biết tự trị trong thuận cảnh, hoặc nghịch cảnh; bền lòng, bền trí, song dễ thấu hiểu và động lòng thương xót; có nết na, có hiếu thảo và trổi hơn hết là vẫn giữ lòng tin cậy Ðức Chúa Trời trong cả đời sống lạ lùng của mình. Không có tên Giô-sép chép trong Kinh Thánh là người làm hình bóng của Ðấng Christ như mấy người khác, song không ai làm thí dụ về đời sống và công việc của Cứu Chúa trọn vẹn hơn! Ông giải cứu những người đã mưu phản và chối bỏ mình; ông tự hạ mình xuống để được đem lên, ông tha tội cho những người cố ý giết mình, và ai nấy phải đến cùng ông như đến với Cứu Chúa xin cứu giúp để khỏi chết.
       Tiến sĩ Scofield chú thích về Giô-sép:
       Sáng thế ký 37:2.-- Dầu trong Kinh Thánh, không chép Giô-sép là hình bóng về Ðấng Christ, thế mà các truyện tương tự nhiều lắm đến nỗi ta có thể nói không phải tình cờ mà có được. Ấy là:
             1. Cả hai đều được cha yêu thương đặc biệt (Sáng thế ký 37:3; Ma-thi-ơ 3:17; Giăng 3:35; 5:20);
             2. Cả hai bị anh em mình ghen ghét (Sáng thế ký 37:4; Giăng 15:25);
             3. Cả hai bị anh em chối bỏ dầu có cớ được tôn trọng hơn (Sáng thế ký 37:8; Ma-thi-ơ 21:37-39; Giăng 15:24,25);
             4. Anh em của cả hai đều lập mưu giết đi (Sáng thế ký 37:18; Ma-thi-ơ 26:3,4);
             5. Anh em Giô-sép hình như đã giết người cũng như Ðấng Christ bị dân Do-thái thật giết đi (Sáng thế ký 37:24; Ma-thi-ơ 27:35-37);
             6. Mỗi người đã trở nên phước hạnh ở giữa dân ngoại và kiếm được vợ dân ngoại (Sáng thế ký 41:1-45; Công vụ các sứ đồ 15:14; Ê-phê-sô 5:25-32);
             7. Như Giô-sép khiến anh em hòa thuận với mình và sau tôn lên, thì Ðấng Christ cũng sẽ làm vậy với anh em mình là dân Do-thái (Sáng thế ký 45:1-15; Phục truyền luật lệ ký 30:1-10; Ô-sê 2:14-18; Rô-ma 11:1,15,25,26).
       II. Là chồng bà Ma-ri, mẹ Chúa Jêsus (Ma-thi-ơ 1:1-16). Gia-phổ Ðấng Christ trong Lu-ca 3:23-28 chép ba lần tên nầy, trái lại gia phổ trong Ma-thi-ơ 1:1-17 chỉ chép có một lần: vậy có thể biết Lu-ca chép gia-phổ Giô-sép từ Na-than, con Ða-vít, song Ma-thi-ơ lại chép từ Sa-lô-môn, là tên các người trong hoàng tộc.
       Giô-sép là người Na-xa-rét, dòng dõi nhà Ða-vít (Lu-ca 2:4), làm nghề thợ mộc (Ma-thi-ơ 13:55). Ông là người thế nào, Kinh Thánh không chép nhiều, nhưng xưng ông là người công nghĩa (Ma-thi-ơ 1:19), làm theo luật pháp kính giữ ngày lễ (Lu-ca 2:21-24,41,42). Ðối với Chúa Jêsus, ông hết lòng nuôi dạy (Lu-ca 2:33,41,48; Ma-thi-ơ 13:55; Giăng 1:45; 6:42). Từ khi Chúa Jêsus được 12 tuổi trở đi sách Tin lành không chép về ông nữa (Lu-ca 2:41-51). Chắc ông đã qua đời trước khi Chúa Jêsus đi truyền đạo nên đến khi Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá, Ngài chỉ nói thương nhớ mẹ, chớ không nói đến cha nuôi mình (Giăng 19:27).
       Kinh Thánh chép ít nhưng đủ biết Giô-sép là người đơn sơ, ngay thẳng, chịu khổ, kính sợ Chúa, và giàu lòng thương xót. Người nghiêm nhặt theo luật pháp và phong tục của dân Do-thái, song vẫn sẵn lòng vâng phục luật lớn hơn của Thần Chúa. Vì hay lo về sự sanh hoạt, Giô-sép dường như khó hiểu những sự mầu nhiềm của Chúa và ý nghĩa đời đời của những sự mình biết (Lu-ca 2:50), nhưng ông đáp lời ngay khi ông biết Chúa trực tiếp kêu gọi mình (Ma-thi-ơ 1:24). Vốn là người "công nghĩa" sự nhơn từ tự nhiên trong lòng Giô-sép thắng hơn sự phán đoán bề ngoài của người, và cảm bởi Thần Chúa, lòng nhơn từ đó trở nên lòng yêu thương nồng nàn và bền vững (Ma-thi-ơ 1:24). Vậy, Giô-sép hết lòng hòa hiệp với Ma-ri, dầu người lân cận có thể nói vu, và hết lòng hy sinh khi bỏ mọi sự mà trốn sang Ai-cập để cứu con trẻ là Jêsus, đều tỏ ra Giô-sép là người xứng đáng nhận lấy trách nhiệm lớn mà Cha đời đời giao lại cho mình.
       Về Giô-sép cũng có chép trong hai sách Apocryphe, lại càng ngày càng có nhiều lời truyền khẩu hơn, song không đáng tin.
       III. Người thành A-ri-ma-thê, có lẽ ở phía Tây bắc thành Giê-ru-sa-lem, giàu có (Ma-thi-ơ 27:57), là nghị viên tòa công luận có danh vọng (Mác 15:43; Lu-ca 23:50), là người chánh trực công bình... trông đợi nước Ðức Chúa Trời (Lu-ca 23:50; Mác 15:43) là môn đồ của Chúa Jêsus (Ma-thi-ơ 27:57; Giăng 19:38) cách kín giấu "vì sợ dân Giu-đa" (Giăng 19:38), song cứ ngay thẳng với Chúa vì cớ vắng mặt lúc tòa công luận họp lại mà xử Chúa Jêsus (so Lu-ca 23:51; Mác 14:64). Sự chết của Chúa tỉnh thức ông can đảm tỏ ra lòng tin Chúa thật nên đến xin Phi-lát cho hạ xác Chúa xuống khỏi thập tự mà đem chôn trong cái huyệt mới của mình. Có Ni-cô-đem giúp đỡ ông làm việc nầy (Ma-thi-ơ 27:57-61; Mác 15:42-47; Lu-ca 23:50-53; Giăng 19:38-42). Ấy làm trọn lời tiên tri Ê-sai 53:9.
       IV. Là môn đồ Chúa Jêsus, Giô-sép nầy tức là Ba-na-ba, cũng gọi là Giúc-tu. Ông là một trong những người được lựa (Công vụ các sứ đồ 1:23).
       Còn 7 người nữa cũng trùng tên là Giô-sép, nay không cần kể ra cho hết (xem Dân số ký 13:7; I Sử ký 25:2,9; E-xơ-ra 10:42; Nê-hê-mi 12:15; Lu-ca 3:24,25,30). Còn có tên Giô-sép anh em của Chúa Jêsus (xem Giô-sê).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.