Con trai của Nun, thuộc chi phái Ép-ra-im (I Sử ký 7:27). Ông trước tên là Hô-sê, nghĩa là "người sẽ cứu", song sau khi đã do thám xứ Ca-na-an, Môi-se đặt tên là Giô-suê, tức là thêm danh tắt của Giê-hô-va, nghĩa là Giê-hô-va bởi người sẽ cứu dân Y-sơ-ra-ên (Dân số ký 13:8, 16). Ý nghĩa nầy so sánh với ý nghĩa danh Jêsus là "chính con trai... sẽ cứu" (Ma-thi-ơ 1:21), không phải là Chúa bởi con trai ấy sẽ cứu... Chữ Jêsus theo tiếng Hy-lạp là tương đối với Giô-suê theo tiếng Hê-bơ-rơ.
Giô-suê ra đời chừng lúc Môi-se trốn đến xứ Ma-đi-an. Lúc thanh niên, Giô-suê chịu khổ làm tôi mọi giữa những lò làm gạch tại xứ Ai-cập. Song lần thứ nhứt, tên Giô-suê chép trong Kinh Thánh (Xuất Ê-díp-tô ký 17:9) là lúc Môi-se bảo hãy chọn lấy chiến sĩ để chiến đấu cùng dân A-ma-léc. Vậy, Giô-suê sau biết cách cai trị là vì trước đã học tập vâng lời. Giô-suê thắng hơn A-ma-léc bắt đầu phá hủy những dân tộc đã bị Chúa đoán phạt, ấy là của cầm cho Giô-suê biết chắc sẽ chiếm được xứ Ca-na-an. Chúa bảo Môi-se hãy chép điều nầy trong sách làm kỷ niệm, và nói cho Giô-suê biết Chúa sẽ bôi sạch kỷ niệm về A-ma-léc trong thiên hạ (Xuất Ê-díp-tô ký 17:14). Từ trẻ, ông đi theo Môi-se, cùng đi với A-rôn, Na-đáp, A-bi-hu cùng 70 trưởng lão lúc Môi-se lên núi Si-na-i một mình (Xuất Ê-díp-tô ký 24:9, 13-15). Lúc Môi-se xuống lần thứ nhứt thì Giô-suê nghe dân chúng la lên, tưởng là tiếng chiến đấu, song chỉ là tiếng ca hát thờ phượng con bò vàng (Xuất Ê-díp-tô ký 32:17). Khi Môi-se dựng trại ở ngoài trại quân thì Giô-suê, "kẻ hầu trẻ của Môi-se" không ra khỏi trại (Xuất Ê-díp-tô ký 33:11). Họp lại trong nhà Chúa và giao thông với Ngài là hai điều cần yếu cho người nào muốn đi đánh trận cho Chúa.
Trong số 12 người được sai đi do thám xứ Ca-na-an, có Giô-suê làm đại biểu của chi phái Ép-ra-im, và Ca-lép, đại biểu của chi phái Giu-đa. Chỉ có hai người nầy đem tin tốt về Ca-na-an cho Y-sơ-ra-ên biết và khuyên hãy đi lên và chiếm xứ, vì có thể thắng được , ấy vì biết Chúa cùng đi với (so Thi Thiên 106:24; Dân số ký 13:8, 16; 14:). Khi Giô-suê và Ca-lép cố khuyên dân sự, thì cả hội chúng đòi ném đá hai người, nhưng sự vinh quang của Chúa thình lình hiện ra trên hội mạc; Chúa phạt mười người do thám khác chết dịch lệ. Chỉ có Giô-suê va Ca-lép được sống sót lại, "vì theo Chúa cách trung thành"; trái lại, vì cớ không vâng lời Chúa ở Ca-đe-Ba-nê-a thì hết thảy những người từ 20 tuổi sấp lên đều bị ngã chết trong sự lưu lạc 40 năm nơi đồng vắng (Dân số ký 14:26-29; 32:11-12).
Ít lâu trước khi Môi-se qua đời, Chúa bảo phải chọn Giô-suê, là người có Thần cảm động, mà đặt tay trên mình người, để người lãnh chức thay Môi-se đứng đầu trên dân sự. Vậy đủ biết Giô-suê dầu có ơn Chúa bề trong rồi, song cần phép bề ngoài tức là đặt tay để làm dấu cho dân sự (Dân số ký 27:18-23; Công vụ các sứ đồ 9:1-18; 10:41-44). Giô-suê còn kém Môi-se, vì phải ra mắt Ê-lê-a-sa, thầy tế lễ, mà nhờ U-rim để cầu hỏi Chúa, trái lại Môi-se, giao thông trực tiếp với Chúa (Dân số ký 27:21). Khi Giô-suê không cầu hỏi ý Chúa về dân Ga-ba-ôn, thì phải bị mắc lừa (Giô-suê 9:22). Rồi Môi-se dẫn Giô-suê đến trước mặt Ê-lê-a-sa và cả hội chúng, đặt tay trên người, và truyền lịnh cho như Chúa phán. Trong Phục truyền luật lệ ký 31:14-23, có chép về lễ phong chức cho Giô-suê, và chính Chúa hiện ra nơi trại, trong một trụ mây mà làm chứng cho (so Dân số ký 11:25; 12:5). Lúc Môi-se chép bài ca để dạy dân Y-sơ-ra-ên về sự bội đạo, thì Chúa ra lịnh cho Giô-suê rằng: "Hãy vững lòng bền chí, vì ngươi sẽ đưa dân Y-sơ-ra-ên vào trong xứ mà ta đã thề ban cho chúng nó: còn ta, ta sẽ ở cùng ngươi" (Phục truyền luật lệ ký 31:22-23).
Giê-hô-va truyền lịnh cho Giô-suê lần nữa (Giô-suê 1:1-9), khuyên hãy bền lòng, bền chí, chớ xây qua bên hữu hoặc bên tả và hứa cho Giô-suê được thạnh vượng bất cứ ở nơi nào, vì Ngài vẫn ở cùng, Chúa làm nhiều phép lạ, và ban cho Y-sơ-ra-ên cả xứ đã thề ban cho tổ phụ; những lời Chúa phán thảy đều ứng nghiệm hết (21:43-45). Dân sự tôn kính Giô-suê như Môi-se, và trong đời Giô-suê dân Y-sơ-ra-ên rất cần mục đích mà Chúa đã đặt trước mặt dân đó (11:15; 24:31). Tại Si-tim, Giô-suê sai người đi do thám Giê-ri-cô, đi qua sông Giô-đanh, đóng trại tại Ghinh-ganh, làm phép cắt bì cho dân sự (ấy là làm dấu dân sự biệt mình riêng ra thánh cho Chúa) thì mới xứng đáng hầu việc Ngài (Giô-suê 10:40; Các quan xét 5:31), giữ Lễ Vượt Qua chính ngày dân sự ăn thổ sản của xứ... vì sáng mai ma na hết, và bởi tướng đạo binh Chúa được biết chắc chắn Giê-ri-cô sẽ sập đổ, và Chúa sẽ đánh những kẻ thù Y-sơ-ra-ên (Giô-suê 5:13-15; 6:2-5; so Ma-thi-ơ 26:53; Xuất Ê-díp-tô ký 23:20-23; Khải Huyền 19:11-14). Chúa bảo: "Hãy lột giày khỏi chơn ngươi", chứng rằng tướng đạo binh đó là Ðức Chúa Trời của tổ phụ đã hiện ra cùng Môi-se (Xuất Ê-díp-tô ký 3:5-6). Bởi phép lạ của Chúa, tường thành Giê-ri-cô sập đổ. Sự thất bại của A-hi, vì cớ tội tham lam của A-can, dạy dỗ dân Y-sơ-ra-ên phải vâng theo ý thánh Chúa mới được đắc thắng. A-hi đã bị chiếm cứ. Giô-suê lập bàn thờ cho Chúa trên núi Ê-banh và khắc trên đá một bản luật pháp mà đọc hết trước mặt cả hội chúng Y-sơ-ra-ên (8:).
Vì không cầu hỏi ý Chúa, Giô-suê bị gạt mà kết ước với dân Ga-ba-ôn; song vì danh dự phải giữ lời thề lỡ đó (Thi Thiên 15:4; Phục truyền luật lệ ký 5:2; so II Sa-mu-ên 21:2-6 v.v...). Vì cớ đó năm vua đồng minh đánh nhau với Y-sơ-ra-ên song Chúa ở cùng và làm hai phép lạ: khiến mưa đá từ trời rớt xuống giết nhiều người hơn là gươm của Y-sơ-ra-ên, và cho mặt trời dừng lại giữa trời (so II Các vua 20:11). Nên chú ý, phép lạ thứ hai, tùy theo Giô-suê 10:12, không phải là ở khắp cả, nhưng chỉ ở trong địa phương Ga-ba-ôn, trên trũng A-gia-lôn mà thôi. Có lẽ vì lời cầu nguyện của Giô-suê, Chúa làm cho trời quang, và mặt trời phản chiếu sau khi đã lặn xuống dưới chơn trời, như người ta nói ở cù lao Sicile thỉnh thoảng có, và trong miền bắc cực cùng Nam cực nữa. Có chép mặt trăng luôn với mặt trời ngừng lại, phải chăng tỏ ý rằng địa cầy nầy xoay trên trụ mình, nên khi mặt trời dừng lại thì mặt trăng cũng vậy? Ha-ba-cúc 3:10-11 cũng có nói đến nữa. Ba chữ "không vội lặn" (10:13b) tỏ ra mặt trời lặn cách từ từ chớ không phải là bỗng chốc.
Giô-suê ở miền nam xứ Ca-na-an, chinh phục từ Ca-đe-Ba-nê-a đến Ga-xa (10:41), rồi đến Gia-bin cùng các vua đồng minh ở các nước miền Bắc tại Mê-rôm (11:8), từ phía núi trụi mọc lên phía Sê-i-rơ cho đến Ba-anh-Gát (11:17), trong trũng Li-ban tại chơn núi Hẹt-môn cho đến tận "Si-đôn lớn" (thời đó Ty-rơ kém Si-đôn, sau trong đời Sa-mu-ên và các vua mới lớn hơn). Dân Y-sơ-ra-ên có khi không muốn tận diệt, nhưng mạng lịnh Chúa là phải tuyệt diệt dân Ca-na-an (Giô-suê 10:40). Giống như cơn động đất và ôn dịch, dân Y-sơ-ra-ên chỉ là những người Chúa dùng, chớ không phải tự mình tham đổ máu, bị bắt buộc phải trừ diệt tội thờ hình tượng mà Chúa ghen ghét, và cũng tự học đòi ghen ghét tội đó nữa. Trong thời gian 500 năm qua. Ðức Chúa Trời đã cố nhịn nhục chịu các dân tộc mắc tội đó. Sự tin kính của Mên-chi-xê-đéc và sự đoán phạt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ cũng không dẫn các dân tộc đó đến sự ăn năn. Bây giờ mới là lúc "tội lỗi được đầy dẫy" (so Sáng thế ký 15:16). Vậy trong 6 năm, 6 nước và 31 vua, kể cả giống người giềnh giàng là A-na-kim đều ngã trước mặt Giô-suê. Sự tuyệt diệt đó thật là "một công việc thương xót cho các dân tộc cả trái đất".
Kế đó, Giô-suê đã già, cùng với thầy tế lễ Ê-li-a-sa và các trưởng lão phân chia xứ cho các chi phái (Giô-suê 14:1; 17:4). Người ta chia cho ông Thim-nát-Sê-rách trong núi Ép-ra-im là thành Giô-suê xin (19:50). Ðây tỏ ra lòng vị tha lạ lùng của Giô-suê vì có thể xin phần tốt nhứt nhưng Giô-suê chỉ lấy phần còn sót lại. Hội chúng Y-sơ-ra-ên lập hội mạc Chúa tại Si-lô (18:1). Sáu thành ẩn náu được chỉ ra, có 48 thành cất cho người Lê-vi, hai chi phái và phân nửa chi phái trở về bên kia sông Giô-đanh (20:; 21:; 22:). Sự trễ nải về sự không vâng lời Chúa của Y-sơ-ra-ên ngăn trở Giô-suê làm trọn công việc của mình (18:3), sau sanh ra những trái xấu như chép trong sách Các quan xét.
Sau khi được hòa bình trong xứ, Giô-suê đã già, gọi các quan trưởng Y-sơ-ra-ên họp lại, và nhờ sự từng trải của mình về lời Chúa hứa giúp, và các phước lành nếu không bội đạo, khuyên dân sự "hãy vững lòng gìn giữ luật pháp" (23:6), như Chúa đã bảo chính mình khi trước (1:7). Lần nữa, ông nhóm họp các chi phái với các trưởng lão ở tại Si-chem, là nơi Áp-ram lãnh lời hứa thứ nhứt của Chúa sau khi đến xứ Ca-na-an (Sáng thế ký 12:6-7); là nơi Gia-cốp ở Mê-sô-bô-ra-mi trở về mà dời những hình tượng đi (Sáng thế ký 23:19; 25:2-4), cũng như bây giờ, Giô-suê khuyên dân Y-sơ-ra-ên lập giao ước buộc mình phải bỏ mọi hình tượng (Giô-suê 24:). Tại đây cũng chôn hài cốt của Giô-sép (Giô-suê 24:32).
Giô-suê, con trai Nun, tôi tớ Ðức Giê-hô-va, qua đời, tuổi được 110, cai trị dân 26 năm, và được chôn trong địa phận tại Thim-nát-Sê-rách ở trên núi Ép-ra-im (24:29-30). Trong bài Giô-suê từ giã Y-sơ-ra-ên sự tin kính của người được bày tỏ rất rõ (24:1-28). Chúa hứa ban xứ Ca-na-an cho Áp-ra-ham chẳng phải vì công đức riêng, nhưng vì ân điển Ngài. Các tổ phụ và cha Áp-ra-ham "đã hầu việc các thần khác" (24:2-14; Sáng thế ký 31:3, 19, 34), song Giê-hô-va, bởi phép lạ đã dắt Y-sơ-ra-ên vào xứ hứa đó, vậy Y-sơ-ra-ên phải bỏ các thần đã phục sự tại Ai-cập (Lê-vi ký 17:7; Ê-xê-chi-ên 20:19; Giô-suê 24:14). Nếu nhứt định không vâng lời mà tự dẫn đến chỗ hư mất, thì "hãy chọn ai mà mình muốn phục sự...; nhưng ta và nhà ta sẽ phục sự Ðức Giê-hô-va" (24:15). Cũng xem (Sáng thế ký 18:19; Ru-tơ 1:15-16; I Các vua 18:21; Giăng 6:67; Lu-ca 10:42). Khi dân sự cậy mình, hứa sẽ trung tín với Chúa (như Phi-e-rơ trong Lu-ca 22:33), Giô-suê đáp rằng: "Các ngươi không đủ sức phục sự Ðức Giê-hô-va thánh", nếu không "cất các thần ngoại bang trong lòng các ngươi đi" (có thể dịch 24:23 như vậy vì lúc đó họ không có các hình tượng bằng gỗ hoặc đá, v.v...). Cũng xem Phục truyền luật lệ ký 6:5-6; Ma-thi-ơ 6:24. Giữ hình tượng trong lòng ngăn trở hầu việc Chúa cách trung tín vì Chúa là Ðấng kỵ tà (Xuất Ê-díp-tô ký 20:5; Ê-xê-chi-ên 20:39). Dân sự quyết định phục sự Chúa nên Giô-suê lập giao ước giữa Chúa với họ, chép trong sách luật pháp Chúa, và dựng tại đó một hòn đá lớn gần nơi thánh của Ðức Chúa Trời để làm chứng. Vì cớ gương sáng của Giô-suê, Y-sơ-ra-ên phục sự Chúa trọn lúc sanh tiền của Giô-suê và các trưởng lão nữa.
Giô-suê là một chiến sĩ lớn rất tôn kính Chúa. Dường như chỉ mắc hai lỗi: có lòng ghen tương không phải cho mình, song cho Môi-se (Dân số ký 11:28-29; so Giăng 3:26; Lu-ca 9:49; Công vụ các sứ đồ 15:8-9; 11:17), và không tìm cầu Chúa trước khi kết ước với dân Ga-ba-ôn nên bị gạt (Giô-suê 9:). Giô-suê bởi sự vâng lời hồi thanh niên thì học tập cai trị lúc cao tuổi, và vẫn tỏ lòng tin cậy Chúa và thờ phượng Tướng của đạo binh Chúa, có lòng rộng rãi, can đảm, ái quốc.
Tiến sĩ Scofield có chú thích về Giô-suê:
Giô-suê 1:1.-- Giô-suê (Hê-bơ-rơ: Giê-hô-sê, tức là Giê-hô-va Cứu Chúa làm hình bóng về Ðấng Christ, là "quan tướng của sự cứu rỗi ta" (Hê-bơ-rơ 2:10-11). Mấy điểm yếu rất quan hệ là:
1. Ngài đến sau Môi-se (Giăng 1:17; Rô-ma 8:3-4; 10:4-5; Hê-bơ-rơ 7:18-19; Ga-la-ti 3:23-25).
2. Ngài dẫn dắt ta được thắng trận (Rô-ma 8:37; II Cô-rinh-tô 1:10; 2:14).
3. Ngài là Ðấng cầu thay của ta khi bại trận (Giô-suê 7:5-9; I Giăng 2:1).
4. Ngài chia phần cho ta (Ê-phê-sô 1:11, 14; 4:8-11).
II. Người Bết-sê-mết. Khi con bò kéo hòm giao ước từ Phi-li-tin về, dừng lại ở đồng ruộng của người nầy (I Sa-mu-ên 6:14).
III. Quan cai thành Giê-ru-sa-lem, đời Giô-si-a, vua Giu-đa (II Các vua 23:8).
IV. Thầy tế lễ cả cùng xây đền thờ với Xô-rô-ba-bên, Giô-suê nầy cũng gọi là Giê-hô sua (A-ghê 1:1-2:4; Xa-cha-ri 3:;6:). Cũng xem bài Giê-sua.