Gióp. Job (Một người cũ trở lại cùng Chúa).

        



      Gióp là người thế nào? Trừ sách Gióp ra Cựu Ước chỉ có Ê-xê-chi-ên 14:13-20, và Tân Ước chỉ có Gia-cơ 5:11 nói đến. Phao-lô cũng dẫn có một lần lời Gióp 5:13 và I Cô-rinh-tô 3:19 thôi. Vì vậy, sự tích đời Gióp cũng khó nói chắc. Song coi trong sách Gióp, thấy hình như chỉ dẫn việc nước lụt (Gióp 22:15-17), chớ không dẫn đến việc Sô-đôm, việc ra khỏi xứ Ai-cập, luật pháp và thầy tế lễ. Có người nói khi ông chịu tai nạn là ở trước Áp-ra-ham. Có người lại bảo ở trước khi ra khỏi xứ Ai-cập, tức khoảng 2.000-1.800 T.C.. Ông chừng là người ngoại bang ở Út-xơ (có phải là U-xơ trong Sáng thế ký 10:23?), trong một xứ ở phía Bắc Sa mạc Arabie, giữa xứ Pha-lê-tin và sông Ơ-phơ-rát và ở vào thời kỳ người Canh-đê hay đi cướp phá.
       I. Tác giả và thời kỳ làm sách Gióp.-- Tư tưởng, hình bóng và phong tục vẽ ra trong sách Gióp là giống như một quan A-rạp viết. Vậy thì, có lẽ tác giả chính là Gióp, Phao-lô làm chứng sách nầy được soi dẫn do Chúa, khi trong I Cô-rinh-tô 3:19 trích lại lời trong sách Gióp 5:13 thì nói: "như có chép rằng". Chúa Jêsus trong Ma-thi-ơ 24:28 cũng chỉ về Gióp 39:33; so Gia-cơ 4:10; I Phi-e-rơ 5:6; với Gióp 22:29; so Rô-ma 11:34,35 với Gióp 15:8; so Giê-rê-mi 20:14,15 với Gióp 3:3; so Ê-sai 19:5 với Gióp 14:11; Thi Thiên 37: và 73:; luận về vấn đề giống như trong sách Gióp. Châm Ngôn 8: mở mang sự khôn ngoan mà Gióp mô tả trong đoạn 28:.
       Có người tưởng rằng sách Gióp dự phần vào Kinh Thánh, là vì Môi-se đang ở tạm trong xứ A-ra-bi, gần Hô-rếp, đã tìm thấy sách nầy. Môi-se thấy tính nhịn nhục và sự từng trải của Gióp có thể dạy dỗ và giục lòng dân Y-sơ-ra-ên trong cơn khó khăn họ đang chịu, nên ông thêm lời tiểu dẫn và kết luận rồi cho vào Kinh Thánh. Ví trong sách Gióp dùng danh "Giê-hô-va" nhứt là trong lời tiểu dẫn và kết luận, lại vì có danh mới tỏ ra cho Môi-se (Xuất Ê-díp-tô ký 6:3) dường như chứng thực ý đó. Có điều ta biết chắc: Gióp là người có trong lịch sử và là người đã từng trải mọi việc nói trong sách Gióp, chớ không phải truyện tích tưởng tượng hoặc bịa đặt ra, vì trong Ê-xê-chi-ên 14:14 nói về Gióp, Nô-ê và Ða-ni-ên.
       Trong sách dùng văn Hê-bơ-rơ rất hay và khéo. Lại hằng cho danh Giê-hô-va là danh Ðức Chúa Trời. Gióp sống 200 tuổi, vậy thì cũng sống lâu như các tổ phụ xưa. Gióp cũng là làm thầy tế lễ cho họ mình như thói tục thời rất cổ của các tổ phụ.
       II. Ðại ý sách Gióp.-- Ðại ý của sách nầy là thể nào hòa hiệp được: thánh đồ phải chịu đau khổ với cách Chúa cai trị thế gian theo luân lý. Nếu lúc đó có lẽ đạo về sự sống tương lai, thì dường như nhiều sự trái ngược với sự sống hiện tại đã được giải rõ, và vấn đề đó cũng được giải quyết. Những lẽ thật lớn lao nầy phải chờ đến "sự hiện ra của Chúa Jêsus Christ, Cứu Chúa của chúng ta, Ngài đã phá hủy sự chết, dùng Tin lành phô bày sự sống và sự không hề chết ra cho rõ ràng" (II Ti-mô-thê 1:10). Gióp nói rõ sẽ có sự sống lại, nhưng không phải như các Thánh đồ đời Tân Ước sau hay lấy lẽ đó làm quan hệ và làm hi vọng của mình luôn. Ngày nay ta còn cần biết thêm để cho đám mây đang che phủ sự Chúa cai trị thế gian nầy phải tan đi.
       Ý gọi thứ nhứt trong sử ký và tập thơ lạ lùng nầy là: một kẻ thù nghịch đã làm điều nầy (xem Gióp 6:23; 16:9). Bức màn che thế giới các thần bị kéo ra, và quỉ trưởng Sa-tan, kẻ kiện cáo anh em, được tỏ ra là có trực tiếp về sự đau đớn của Gióp chịu. Phải để quỉ Sa-tan làm hại hết sức để tỏ ra câu hỏi cách khinh bỉ của nó: "Gióp há kính sợ Ðức Chúa Trời luống công sao?", nghĩa là Gióp theo đạo Chúa để được lợi riêng, là sai lầm không thật (Gióp 1:9). Dẫu vì cớ quỉ Sa-tan bắt bớ thì Gióp tạm nghi ngờ nên bị mất gia đình, bạn hữu, của cải và sức khôn, nhưng sự nhịn nhục và bền đỗ cho đến cuối cùng của các Thánh đồ được tỏ ra trong lịch sử của Gióp. Dân Chúa hầu việc Ngài vì tình đối với Ngài, không phải chỉ vì mong được phần thưởng mà Ngài hay ban cho. Họ hầu việc Chúa ở trong cơn bị thử rèn quá sức mình (Sáng thế ký 15:1). Dầu không được trọn vẹn, Gióp làm hình bóng về Ðấng Christ: là Ðấng chỉ một mình Ngài chịu cực nhọc và chết rất đau thương, rất hèn hạ; và khổ hơn hết cả, là Ðức Chúa Trời giấu mặt khỏi con của Ngài; song Ðấng Christ không bao giờ có ý nghi ngờ gì cả.
       Sự đau thương của Gióp hơn hết là không phải mất gia đình, của cải và chịu đau đớn, cũng không phải vì các bạn hiểu lầm, nhưng vì Ðức Chúa Trời đã giấu mặt khỏi Gióp (Gióp 23:9). Dầu vậy, lương tâm Gióp không bảo ông là người giả hình; dầu Chúa giết đi, ông hãy còn tin Chúa (23:10-15; 13:15 so Áp-ra-ham Sáng thế ký 22:) Ba sự thử rèn của Gióp tuần tự tới:
       1. Thình lình mất hết thảy phước hạnh bề ngoài, song ông đắc thắng hơn sự cám dỗ nầy: "Tôi trần truồng lọt khỏi lòng mẹ, và tôi cũng sẽ trần truồng mà về; Ðức Giê-hô-va đã ban cho; Ðức Giê-hô-va lại cất đi; đáng ngợi khen danh Ðức Giê-hô-va!" (Gióp 1:21).
       2. Mất sức khỏe và bị bịnh đau rất gớm ghiếc, Gióp hãy còn đắc thắng: "Sự phước mà tay Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta, chúng ta lãnh lấy; còn sự tai họa mà tay Ngài giáng trên chúng ta, lại chẳng lãnh lấy sao?" (Gióp 2:10).
       3. Sự vật lộn trong tâm trí ông, vì cớ bạn hữu nghi ngờ sự thành thực mình, mà ông tưởng không đúng, dầu dường như vì cớ đó Chúa đang thử rèn mình. Ấy là sự rất đau đớn cho linh hồn ông, vì ông nhận những ý tưởng của bạn mình: là vì cớ mắc tội lớn cho nên phải bị đau đớn như thế. Ở đây, Gióp mới thất bại! Nhưng giữa những tiếng than thở của ông, ông cứ nhờ lòng tin của mình mà nhờ cậy Ðức Chúa Trời, vì biết chắc cuối cùng Chúa sẽ kể mình là vô tội (23:10; 19:25-27). Sự sai lầm chính của ông là tự nhận mình là công bình trước mặt Chúa, đến cuối cùng ông mới bỏ hết (30:25-31; 32:1; 33:9; 9:17; 10:7; 16:17; 27:5; 29:10-17; 40:4,5; 42:5,6). Sau khi rầy, xin Chúa can thiệp (23:) để tỏ ra sự vô tội của mình, ông buồn vì thấy Chúa dường như không để ý, và vì cách lo liệu của Chúa không thể cắt nghĩa cho người ta, mà sự khôn ngoan thật là kính sợ Chúa (28:; 31:35).
       Ê-li-hu trả lời những vấn đề của Gióp chẳng những đời sau Chúa sẽ đoán xét thế gian, song hiện nay Chúa cũng cai trị mọi sự trong thế gian. Chính người công bình cũng đắc tội cần phải sửa dạy, Chúa phán với những người đó bởi sự sửa phạt; Chúa thật không phải làm thinh (16:21; 23:3; 31:35), như Gióp phàn nàn (33:14). Chúa dạy người đó sự khiêm nhường, và bởi Thiên sứ của giao ước làm trung bảo (Ê-li-hu là hình bóng về Ðấng đó 33:6,7; 23-30), thì sửa soạn các người đó được tha tội và hưởng sự sống đời đời. Khi Gióp nói Chúa là không công bình, Ê-li-hu đáp rằng: "Chúa là Ðấng vô sở bất năng (34:; 35:; 36:) nâng đỡ loài người cho sống, dầu có thể hủy đi, và Chúa cai trị khắp nơi thì loại bỏ ý không công bình trong Ngài. Khi Gióp nói cách: Chúa làm không thể biết được, Ê-li-hu đáp rằng: sự đau đớn là để dạy người ta khiêm nhường và thờ sự cao cả của Ngài. Sự đau đớn của Thánh đồ là sự công bình thương xót trá hình; bởi đó Thánh đồ được biết tội lỗi đáng gớm ghiếc là dường nào nên ăn năn về sự không nhịn nhục trong sự thử rèn đó, vì cớ có sự yêu thương của Chúa nâng đỡ mình. Vậy Thánh đồ xưng Chúa là công bình là tự lên án mình là tội nhơn, thì cuối cùng được giải cứu khỏi sự đau đớn tạm thời đó. Còn nhiều sự khó giải nghĩa nữa, song chính Ðức Chúa Trời hiện đến (Gióp 38:) cắt nghĩa mọi sự đó, và tỏ ra ý tưởng về sự yên ủi, về đức tin và Chúa là Ðấng cao cả. Chúng ta phải nhờ Chúa giải nghĩa những sự bấy giờ không thể hiểu được (Giăng 13:7). Ê-li-hu giống như thầy truyền đạo nói với trí khôn và lương tâm của Gióp. Chỉ Ðức Chúa Trời, bởi sự từng trải của người có thể đem lẽ thật vào lòng.
       III. Bố cuộc của sách Gióp.--
       Gióp 1: và 2: là lời tựa. Ðại ý gồm có một vấn đề khó giải quyết, là người lành đáng không phải chịu khốn khổ, tai nạn. Trước hết lấy lời ba bạn Gióp để mở đầu cuộc biện luận.
       Gióp 3: là Gióp tự rủa sả ngày sanh tháng đẻ của mình.
       Gióp 4:-28: là lời ba bạn bàn cãi với Gióp. Có thể chia ra làm ba phần:
             1. Gióp 4:-14:.
             2. Gióp 15:-21:.
             3. Gióp 22:-28:.
       Ở phần thứ ba, trong ba bạn có một người tên là Sô-pha, không hề nói gì. Ba bạn giữ lẽ, cho rằng người ta chịu khổ là chứng cớ mình phạm tội. Rất đỗi họ chê Gióp là đầy dẫy tội lỗi, nên đáng chịu khổ sở (Gióp 22:5-10). Lời Gióp đáp lại, có khi hoảng hốt dường như đã tuyệt vọng vậy (Gióp 14:1-12; 17:11-16), có khi lại thấy không thẹn với mình, lại dường như chưa hề tuyệt vọng vậy (Gióp 16:19; 19:25-27).
       Tóm xem ý nói, thì ra Gióp không nhận mình có tội lớn và thiếu lòng tin cậy Chúa (Gióp 29:-31:).
       Gióp tự thuật những nỗi sướng khổ, trước sau, song không nhận mình có tội lớn (Gióp 32:-37:).
       Có người trẻ tuổi tên là Ê-li-hu đứng lên cãi lẫy, bảo lời Gióp đã đành là quấy, nhưng lời ba bạn cũng không phải. Ê-li-hu cho rằng người ta phải chịu khốn khổ, hoạn nạn là do Ðức Chúa Trời dùng để dạy dỗ người ta, như cha dạy con, khiến cho biết rõ đạo Ngài (Gióp 33:19-28; 36:15-16).
       Còn Gióp 38:-42: là lời Chúa đáp cho Gióp, đại ý nói Chúa tỏ quyền năng khôn ngoan, nhơn từ, yêu thương của Ngài ra thế nào. Gióp nghe lời, giựt mình tỉnh ngộ, hết sức khiêm nhường, tự kể tội ngu tối của mình; được Chúa ban phước càng nhiều hơn trước.
       IV. Người nói trong sách Gióp.-- Ngoài Gióp ra có quỉ Sa-tan nữa: nó mường tượng nửa là thiên sứ, nửa là quỉ. Bởi Chúa giữ lời hứa, nên Sa-tan thường làm thêm khốn khổ cho người công bình để có thể tỏ ra sự vinh hiển của Chúa.
       Ba bạn của Gióp: Một là Ê-li-pha, nhà suy tưởng (Gióp 4:12-21); hai là Binh-đát người nói gì cũng theo lời dạy xưa; ba là Sô-pha, người cố chấp không chịu nhẹ dạ tin ngay.
       Còn Ê-li-hu là người trẻ tuổi, nóng tánh. Dầu có ý kiêu ngạo, nhưng chỗ Ê-li-hu luận về lẽ và việc làm của Ðức Chúa Trời, thì ba bạn Gióp đều không thể bằng.
       V. Mấy tư tưởng về Gióp.-- Giàu sang là phước của Cựu Ước; khốn khổ là phước của Tân Ước... Nhưng trong Cựu Ước, cái bút của Ðức Thánh Linh đả mô tả sự khốn khổ của Gióp nhiều hơn sự giàu sang của Sa-lô-môn (Bacon). Trong đời trước chưa có luật pháp, Chúa đã có người làm chứng cho Ngài: như Mên-chi-xê-đéc, Gióp, Giê-trô, v.v.... Gióp chỉ hiểu cách mờ mờ ý nghĩa về lời mình bởi Ðức Thánh Linh đã cảm động mà nói (I Phi-e-rơ 1:11,12). Gióp rất trông đợi sự sống lại (14:14; 19:25), so với sự mờ mờ về vấn đề đó trong các sách đứng đầu Cựu Ước, là vì Gióp đã thấy sự khải thị của Ðức Chúa Trời (38:1; 42:5).
       Tiến sĩ Scofield viết bài tiểu dẫn về sách Gióp như sau nầy:
       Sách Gióp chép theo lối văn thơ thảm kịch. Có lẽ là sách cổ nhất của Kinh Thánh và chắc đã chép trước khi Chúa ban luật pháp. Trong Gióp có bàn luận nhiều về tội lỗi, về chính sách Chúa cai trị và lo liệu, về loài người quan thiệp với Chúa. Nếu lúc đó đã có luật pháp thì tất nhiên nói đến, chớ chẳng tránh khỏi được. Gióp là người thật đã có (Ê-xê-chi-ên 14:20; Gia-cơ 5:11), và các việc chép đó cũng là có thật. Sách nầy soi sáng cách lạ trên thế giới triết lý và trí thức của đời các tổ phụ xưa, thật đã mở mang biết bao! Vấn đề sách nầy là: Sao người tin Chúa phải chịu khốn khổ?
       Sách Gióp chia làm 7 phần:
       I. Bài tiểu dẫn 1:1-2:8.
       II. Gióp và vợ mình 2:9,10.
       III. Gióp và ba người bạn 2:11-31:40.
       IV. Gióp và Ê-li-hu 32:1-37:24.
       V. Giê-hô-va và Gióp 38:1-41:34.
       VI. Gióp đáp lại lần cuối cùng 42:1-6.
       VII. Bài kết luận 42:7-17.
       Tiến sĩ Scofield nói về ba bạn Gióp:
       Gióp 2:1.-- Ê-li-pha là người độc đoán về tôn giáo, nhờ một sự từng trải mầu nhiệm lạ kỳ riêng của mình mà quyết đoán (4:12-16). Một thần có hề đi qua trước mặt Gióp sao? Các lông tóc của thịt Gióp có hề xửng lên sao? Nếu không thì Gióp nên khiêm nhường lắng tai nghe một người khôn hơn biết bao như Ê-li-pha, cắt nghĩa các cớ sao Gióp phải chịu khốn khổ thế! Ê-li-pha (và các bạn khác) nói nhiều lẽ thật, có khi nói cách hùng hồn; nhưng vẫn cứng cỏi, hung dữ, là người độc đoán, vì cớ một sự từng trải riêng đòi ai nấy phải phục nghe.
       Gióp 8:1.-- Binh-đát là người độc đoán về tôn giáo một cách cạn cợt, nhờ lời truyền khẩu (xem 8:8-10), sự khôn ngoan và những câu tin kính mà người ta thường dùng đến, bắt buộc ai nấy cũng phải phục nghe. Trong các bài của ông, có nhiều như thế. Những lẽ tầm thường của Binh-đát là thật, song ai cũng biết (8:1,2; 18:2; 25:), cũng không soi sáng gì trên vấn đề như Gióp có.
       Gióp 11:1.-- Sô-pha là người độc đoán về tôn giáo, tưởng mình hiểu thấu mọi sự về Ðức Chúa Trời; Chúa sẽ hành động thế nào, vì cớ nào, và mọi ý tưởng Chúa thế nào. Về các thứ độc đoán, thứ nầy rất là bất kính, và rất ít hợp lý.
       Gióp 32:1.-- Dầu khác nhau một chút, nhưng Ê-li-pha, Binh-đát, và Sô-pha đều có một ý về vấn đề: Cớ sao Gióp phải chịu khốn khổ như thế. Họ quyết rằng Gióp là người giả hình; dầu bề ngoài đạo đức, nhưng Gióp thật là gian ác. Nếu không như thế, theo ý kiến của ba bạn về Chúa, Gióp đương chịu khốn khổ thì không công bình. Dầu là chính Gióp chịu đau đớn, nhưng không chịu tố cáo sự công bình Chúa như thế, và có đủ lý để binh vực mình. Trước mặt Chúa, Gióp tự xưng là tội nhơn, không thể tự giúp, phải bó tay chịu, "chẳng có người nào phân xử nữa" (9:). Về sau đức tin ông được thưởng bởi một sự khải thị về một Ðấng cứu chuộc sẽ đến, và về sự sống lại. Song Ê-li-pha, Binh-đát và Sô-pha cũng là tội nhơn trước mặt Chúa, dầu vậy nhưng không bị sầu não. Gióp chống lại những thuyết của ba bạn mình rằng: mình phạm tội cách kín đáo nghịch cùng tánh hạnh chung. Dầu vậy, vấn đề rất khó: sao người công bình bị sầu não chưa giải quyết được. Vấn đề ấy mới được giải quyết trong đoạn cuối cùng.
       Tiến sĩ Scofield cũng chú thích về Ê-li-hu:
       Gióp 32:2.-- Về vấn đề sao người công bình phải chịu khốn khổ, Ê-li-hu có ý chính đáng và thuộc linh hơn Ê-li-pha, Binh-đát và Sô-pha, là vì tư tưởng của ông về Chúa cao thượng vô hạn. Dầu ba bạn kia công nhận trong việc làm của Ðức Chúa Trời là Ðấng oai nghi, cao thượng, nhưng dường như trong lòng tưởng Ngài đối với loài người là tiểu tâm nghiêm nhặt. Người nào chỉ bề ngoài có tôn giáo và luân lý, vẫn có ý kiến rất sai lầm như thế. Ðức Chúa Trời của họ vẫn là Chúa tiểu tâm. Ê-li-hu vẽ ra thật Ðức Chúa Trời là Ðấng cao thượng và chính trực. Phải chú ý đến cuối cùng, Chúa không kể Ê-li-hu chung với ba bạn kia (so Gióp 42:7). Dầu vậy, Ê-li-hu là người độc đoán, và vì hay nói một cách tự quyết, thì làm hư bài khuyên của mình (32:8,9; 33:3). Chúa trách Ê-li-hu vì "dùng các lời không trí thức mà làm cho mờ ám các mưu định" (38:2). Lời trách đó chính là lời trách Ê-li-hu đã đổ trên Gióp (34:35; 35:16). Lại nữa, dầu Ê-li-hu cứ trách Gióp, nhưng trong bài Chúa phán không có trách Gióp chút nào.
       Tiến sĩ Scofield chú thích về lời Chúa.
       Gióp 38:1.-- Kết quả của lời Chúa phán là Gióp cảm biết Chúa có mặt (Gióp 42:5). Ðến nay đã bàn luận về Ðức Chúa Trời, nhưng họ tưởng Ngài vắng mặt. Nay Gióp và Chúa đối mặt nhau! Nên để ý Gióp không đáp lại Ê-li-hu. Dầu Ê-li-hu đã đoán xét Gióp một cách nghiêm nhặt, nhưng lời người nói về Chúa là chính đáng, đến nỗi Gióp phải nín lặng. Có thể giải rộng Gióp 38:1, là: "Thì Giê-hô-va" đáp lại cho (hay là: thay cho) Gióp".
       Tiến sĩ Scofield chú thích lời giải quyết vấn đề của Gióp:
       Gióp 42:6.-- Ðây, vấn đề mà sách Gióp bàn luận cách sâu nhiệm được giải quyết. Dẫn đến trước mặt Chúa, Gióp mới được tự biết mình. Gióp chẳng phải là người giả hình đâu, song là người đạo đức có đức tin vững vàng mà mọi nỗi khốn khổ không rung động được; dầu vậy, Gióp còn tự xưng mình là công bình và thiếu sự khiêm nhường. Ðoạn 29: đủ tỏ rõ như thế. Nhưng trước mặt Chúa, Gióp dường như cảm thấy trước sự từng trải của Phao-lô (Phi-líp 3:4-9), và vấn đề đó được giải quyết: Người công bình chịu khốn khổ hầu cho được tự lập và biết tự xét mình. Các nỗi khốn khổ đó là chẳng phải để phạt tội, nhưng để sửa dạy và làm thánh sạch. Sách Gióp giải thích cách kỳ diệu lẽ thật dạy dỗ trong I Cô-rinh-tô 11:31,32 và Hê-bơ-rơ 2:7-11. Quí nhứt là ai tự biết và tự xét mình như thế, nấy sẽ được dẫn đến sự kết quả nhiều hơn (Gióp 42:7-17; Giăng 15:2). So Giô-suê 5:13,14; Ê-xê-chi-ên 1:28; 2:1-3; Ða-ni-ên 10:5-11; và Khải Huyền 1:17-19).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.