Gờ-réc. Grèce (tức Hy-lạp).

        



      Từ Graikoi, tên xưa của một bộ lạc xứ Épirus ở nước Hy-lạp.
       I. Nước Hy-lạp.-- Ấy là một xứ nhỏ nhưng rất danh tiếng ở miền Ðông nam Âu châu. Giới hạn phía bắc xưa không chắc chắn, song có thể nói dãy núi Olympe; phía đông giáp biển Égée, phía tây giáp biển Ionienne và Adriatique, phía nam giáp Ðịa trung hải. Trong thời cổ Ðịa trung hải là nơi trung tâm điểm của thế giới văn minh, nên xứ Hy-lạp ở chính giữa thế giới đó thì được lợi lắm.
       II. Sử ký.-- Hy-lạp cổ trong các dân ngoại.
       Sử-ký thật đáng tin của nước Hy-lạp mới bắt đầu từ Hội Ðiền kinh (Jeux Olympiques) thứ nhứt (776 T.C.). Trước năm đó cũng gọi là thời cổ anh hùng (âge héroique). Sử-ký thật có lẫn lộn với lời truyền khẩu đến nỗi khó phân biệt quá! Song, chắc người Hy-lạp vốn từ bốn bộ lạc mà ra, và bốn bộ lạc đó tin mình từ một tổ tông là người Hellénique. Trong bốn bộ lạc đó, thì người Aeolians và người Acheans giữ phần lớn; có khi sử gia Homer chép dường như cả dân Hy-lạp là Acheans. Song trong Sử-ký thật thì hai bộ lạc còn lại là người Dorians và Jonians, giữ phần quan hệ hơn, và người Athénians và người Spartans từ hai bộ lạc nầy mà ra.
       Phần sớm của sử ký thật đáng tin của nước Hy-lạp (776-500 T.C.), có thể gọi là thời kỳ mỗi dân trong xứ được mở mang. Dầu mỗi dân tộc lập riêng, nhưng có liên lạc với nhau bằng một thứ tiếng chung, văn chương chung, trò chơi chung, và sự mở mang chung. Có khi cũng đồng minh nữa. Trong thời kỳ nầy có lập nền tảng của nghệ thuật kiến trúc, văn chương, và triết lý của nước Hy-lạp.
       Ðộ 500 T.C. nước Hy-lạp có đánh nhau với Ba-tư (Perse) là đế quốc rất lớn trong đời đó. Si-ru, vua nước Ba-tư, chiếm lấy Sardis kinh đô xứ Lydia, và bắt các thành Hy-lạp khác trong cõi Tiểu A-si đều phải phục mình (546 T.C.). Trong đời vua Darius, người Ba-tư đi qua Hellespont và xông vào xứ Ma-xê-đoan (510 T.C.). Song trong 5 năm (500-495 T.C.), các thành Hy-lạp ở Tiểu A-si đều dấy loạn, và người Hy-lạp bên Âu châu cũng được thắng ở cổ Marathon (490 T.C.), và sau khi bị thua ở Thermopyles, đến 480 T.C. lại được thắng ở Salamis, đến 478 T.C. cũng đắc thắng ở Plataea và Mycale. Vì có sự hợp nhất để đánh trận như vậy, nên các xứ Hy-lạp cuối cùng đều phục dưới quyền một đế quốc Athènes. Song khỏi 70 năm Sparta được đứng đầu, và sau nữa Théban được đứng đầu. Trong 338 T.C. cả nước Hy-lạp phục quyền một vua, là Phi-líp, của xứ Ma-xê-đoan, vậy cả nước Hy-lạp trở nên một phần trong đế quốc Ma-xê-đoan.
       Alexandre Le Grand nối ngôi cha mình là Phi-líp, mà bắt đầu trị vì 336 T.C.. Trong đời Alexandre và các cơ binh đi qua xứ Giu-đê để đến đánh trận với nước Ba-tư, thì xứ Giu-đê không bênh vực mình mà phục ngay. Từ thời đó ảnh hưởng và tiếng Hy-lạp mau mở mang đến nỗi tràn ra các xứ và các dân ở phía Ðông Ðịa trung hải. Sau khi nước Hy-lạp phục đế quốc La-mã, những ảnh hưởng tiếng nói, thói quen, và triết lý của người Hy-lạp cứ mở mang cho đến nỗi cảm động được tôn giáo Do-thái nữa. Sau Alexandre băng hà (323 T.C.), các quan tướng của các cơ binh chia quyền, và các xứ của đế quốc Alexandre với nhau. Trước hết nước Hy-lạp có con của Alexandre trị vì, song khỏi ít lâu vua đó và cả gia quyến đều bị giết. Năm 146 T.C. Hy-lạp trở nên một tỉnh của đế quốc La-mã. Ðến khi đế quốc La-mã chia làm hai: Tây và Ðông thì ảnh hưởng Hy-lạp cứ tấn tới mãi. Ngày hôm nay Hy-lạp độc lập lần nữa với vua của mình.
       Sứ-ký Hy-lạp đối với Kinh Thánh.--
       Sử-ký Hy-lạp không có liên lạc mấy với Kinh Thánh. Trong Cựu Ước, người Hy-lạp được gọi theo tiếng Hê-bơ-rơ là Gia-van (Sáng thế ký 10:2). Trong Giô-ên 3:6,7 có nói đến người Hy-lạp mua con cái của Do-thái từ nơi những người Ty-rơ và Si-đôn (800 T.C.) Ê-xê-chi-ên 27:13 nói những dân ở Gia-van (Hy-lạp) buôn bán tôi mọi và đồ bằng đồng. Ða-ni-ên 8:5,21; 11:2,3 chép tiên tri về Alexandre Le Grand sẽ dấy lên là: "cái sừng lớn ở giữa hai con mắt" của con dê xồm đực và "từ phía tây đi khắp trên mặt đất mà không động đến đất" (đi qua chiếm lấy các xứ mau chóng lạ lùng thật là con "beo" ở Ða-ni-ên 7:6), và đánh chiên đực (Mê-đô Ba-tư, Ða-ni-ên 8:6). Xa-cha-ri 9:13 nói tiên tri Gia-van (Hy-lạp) trong đời vua Antiochus Épiphanes, một người kế ngôi vua Alexandre, sẽ bị thua bởi người Do-thái theo họ Maccabées, ấy vì trước mua nơi Ty-rơ các con cái của Giê-ru-sa-lem làm tôi mọi. Ê-sai 66:19 chép tiên tri về những người Do-thái cứ sống sau khi Chúa đoán phạt, sẽ được Chúa sai đến để rao truyền sự vinh hiển ngài cho các nước, tức là Gia-van, v.v....
       Trong Tân Ước phải cẩn thận phân biệt người Hy-lạp với người Hê-lê-nít. Người Hy-lạp chỉ về một người sanh trưởng tại xứ đó hay là chỉ chung về dân ngoại (Rô-ma 10:12; 2:9-10). Người Hê-lê-nít là người Do-thái ở ngoại quốc, là người hay nói tiếng Hy-lạp, trái với những người Do-thái sanh trưởng trong xứ Do-thái là người Hê-bơ-rơ ở xứ Pha-lê-tin hay nói tiếng thánh tức là tiếng Hê-bơ-rơ ở xứ Pha-lê-tin hoặc ở xứ khác. Như vậy, Phao-lô dầu là người sanh tại Tạt-sơ là một thành Hy-lạp, cũng tự nhận mình là người Hê-bơ-rơ, con của người Hê-bơ-rơ (Phi-líp 3:5; II Cô-rinh-tô 11:12), Hội Thánh thứ nhứt tại Giê-ru-sa-lem gồm có hai hạng tín đồ Do-thái: là người Hê-bơ-rơ và người Hê-lê-nít. Nên có những người đờn bà góa Hê-lê-nít phàn nàn vì không được nuôi dưỡng hằng ngày. Xem tên bảy người được chọn ra để sửa lại việc đó đều là người Hê-lê-nít cả (Công vụ các sứ đồ 6:1-6; cũng xem 9:29; 7:58; 6:9-14). Trong Công vụ các sứ đồ 11:20 người Hy-lạp và người ngoại bang, mới được nhập vào Hội Thánh, thì chỉ về một cuộc cải cách trong Hội Thánh. Khi Hội Thánh Giê-ru-sa-lem nghe tin mới đó, thì sai Ba-na-ba đến Hội Thánh An-ti-ốt, về sau đến thành Tạt-sơ hiệp tác với Phao-lô mà Chúa đã gọi đặc biệt đi giảng đạo cho các dân ngoại (Công vụ các sứ đồ 9:29).
       IV. Tiếng nói.-- Việc rất quan hệ của nước Hy-lạp đối đạo Tin lành là cống hiến tiếng nói. Khi vua Alexandre băng (323 T.C.), tiếng Hy-lạp bắt đầu tràn ra, và đến khi Chúa giáng sanh đã được phổ thông khắp cả thế giới văn minh. Vì cớ tiếng Hy-lạp rất dễ dịch ra tiếng khác, rất dễ dùng để đặt ra những danh từ mới về khoa thần học, rất dễ cắt nghĩa những ý tứ dùng từng chữ hơi khác nhau, nên tiếng đó rất tiện dụng để đồn ra đạo cứu rỗi trong các dân ngoại trên thế gian. Vậy các Sứ đồ của Chúa hay dùng tiếng Hy-lạp mà giảng. Nguyên văn Tân Ước, có lẽ trừ ra sách Ma-thi-ơ chép toàn bằng tiếng Hy-lạp. Tiếng đó là tiếng của người Hê-lê-nít dùng không phải là tiếng văn chương (langue classique) nhưng là tiếng thực hành (langue populaire). Ấy thật để tỏ ra đạo Tin lành không phải là điều người Hy-lạp biết trước, nhưng chỉ là những tư tưởng và thổ âm của người Hê-bơ-rơ được giải bày ra bằng tiếng Hy-lạp. Ðấng soi dẫn cho người ta chép Kinh Thánh muốn cho hết thảy mọi người được cứu mà thôi.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.