Ha-ba-cúc. Habacuc (người được ôm ẵm).

        


      Một tiểu tiên tri đồng thời với Giê-rê-mi. Sự tích ông chỉ thấy chép ở sách Ha-ba-cúc. Lúc chép sách độ chừng vào khoảng 605-597 T.C., tức là khi Nê-bu-cát-nết-sa đánh bại Ai-cập ở Cạt-kê-mít (II Các vua 23:34; II Sử ký 35:20), và Giê-hô-gia-kim trị vì.
       Tác giả.-- Ý nghĩa tên "được ôm ẵm" chắc chỉ về tiên tri là người được ơn trước mặt Chúa. So II Các vua 4:16, các thầy thông giáo xưa tin Ha-ba-cúc là con người nữ Su-nem. Luther có viết về tác giả rằng: "Chắc là người hết lòng, nhiệt thành đối với người khác, ôm chặt trong cánh tay mình. Ha-ba-cúc làm vậy trong lời tiên tri mình: ông yên ủi và nhắc dân sự mình lên như một người bồng con trẻ khóc, yên ủi mà dỗ nín lặng, vì cám ơn Chúa, sẽ được điều tốt lành hơn trước". Câu 1:1 và Thi Thiên trong đoạn 3 đều ngụ ý nói Ha-ba-cúc là người Lê-vi. Lời chua cuối sách "phó cho quản phường nhạc khảy đờn mà hát bài nầy", dường như tỏ ra Ha-ba-cúc rất thích lấy âm nhạc riêng của mình mà đờn theo điệu bài ca mình đã viết bởi Ðức Thánh Linh cũng giống như những Ðấng tiên kiến, người Lê-vi và những người ca hát A-sáp, Hê-man và Giê-đu-thun (I Sử ký 25:1-5).
       Tài liệu.-- Ha-ba-cúc là sách thứ tám thuộc hàng tiên tri nhỏ, có thể chia làm sáu phần. Bốn phần trước là lời vấn đáp giữa Chúa và Ha-ba-cúc. Hai phần sau là vì Ha-ba-cúc được Chúa soi sáng, nên tỏ ra những lời tiên tri chắc không ngờ.
       I. 1:1-4.-- Ha-ba-cúc ở giữa hạng người mạnh tợn, ông bèn hỏi Chúa tại sao không dủ lòng thương nhậm lời kêu cầu mà ban ơn cứu giúp?
       II. 1:5-11.-- Chúa dùng điều người đời lạ lùng, kinh hãi, khó tin, để đáp lại ông tức là khiến người Canh-đê dấy lên, lấy sức mạnh mà đến chiếm giữ đất nước.
       III. 1:12-17.-- Vài câu nầy làm tiếp theo ở sau khi người Canh-đê chiếm xứ chỗ đất giáp giới với Y-sơ-ra-ên. Mắt ông thấy cái tình trạng hung dữ đó, nên ở câu 17 ông bèn hỏi Chúa, là Ðấng công bình, sao lại để làm dữ không thôi như vậy?
       IV. 2:1-4.-- Ha-ba-cúc chờ đợi mạng lịnh Chúa; Chúa soi bảo ông mới biết kết cuộc việc đó gần đến: kẻ ác sẽ bị tuyệt diệt, người công bình nhờ đức tin sẽ được sự sống.
       V. 2:5-20.-- Người Canh-đê sẽ bị hình phạt: một, vì kiêu ngạo buông lung; hai, vì tham của bất nghĩa; ba, vì rông rỡ làm việc tàn ác; bốn, vì say đắm không thẹn thuồng; năm, vì làm hình tượng tà thần.
       VI. 3:1-19.-- Phần nầy là lời cầu nguyện đặt theo lối thi ca, như là tiếng vang thuộc linh, tóm tắt những lời tiên tri trước để soi sáng dân sự Chúa. Lời cầu nguyện, cảm tạ và nhờ cậy đều là chìa khóa thuộc linh, để mở những sự mầu nhiệm hiện nay về Ðức Chúa Trời quản trị trái đất. Theo tinh thần bài thi nầy, thì dường như xô đẩy giữa sự sợ hãi và sự trông cậy; song cuối cùng đức tin thắng hơn những sự thử rèn cách vui (17-19). Ha-ba-cúc lấy những sự tỏ ra trước kia cho dân sự Ngài ở Pha-ran, Thê-man, và Biển Ðỏ mà nhờ Chúa lấy sự oai nghiêm Ngài can thiệp đến, mà giải cứu dân sự khỏi kẻ thù. Cũng vậy, tín đồ bao giờ vẫn có thể được sự vui mừng trong Chúa, là Ðấng cứu rỗi và là Ðấng mạnh sức của mình.
       Suốt cả sách, Ha-ba-cúc lo rất nhiều để tỏ ra bổn tánh công bình của Ðức Chúa Trời, vì dường như người Canh-đê dùng sự tàn bạo mà được đắc thắng thì trái lẽ. Ðại ý cả sách Ha-ba-cúc giải quyết vấn đề nầy.
       Phao-lô trưng dẫn Ha-ba-cúc 1:5 để răn dạy người Giu-đa tại An-ti-ốt, xứ Bi-si-đi (Công vụ các sứ đồ 13:41). Ba lần ông dẫn 2:4 "người công bình thì sống bởi đức tin mình", một lẽ thật cốt yếu suốt cả Kinh Thánh bắt đầu từ Áp-ram (Sáng thế ký 15:16):
       1. Rô-ma 1:17 chú trọng chữ "công bình" tức là công bình của Ðức Chúa Trời và sự xưng công bình là gì;
       2. Ga-la-ti 3:11, chú trọng chữ "đức tin" tức là cơ quan để được xưng công bình;
       3. Hê-bơ-rơ 10:38 chú trọng chữ "sống" là sự sống lưu xuất bởi được xưng công bình.
       Tiến sĩ Scofield viết tiểu dẫn của Ha-ba-cúc như sau nầy:
       Dường như Ha-ba-cúc hành chức tiên tri trong những năm chót của vua Giô-si-a (637-606 T.C.). Về chính tiên tri không có chép gì cả. Bổn tánh Ðức Giê-hô-va tỏ ra cho Ha-ba-cúc bằng những lời lẽ thuộc linh nhứt. Trong các tiên tri, duy ông lo rất nhiều thà nên coi sự thánh khiết của Ðức Giê-hô-va được tỏ ra là phải lẽ hơn lo dân Y-sơ-ra-ên khỏi bị sửa phạt. Sách nầy được chép khi dân sắp bị làm phu tù, Ha-ba-cúc là lời chứng của Ðức Chúa Trời về chính Ngài nghịch với sự thờ hình tượng và vạn vật hữu thần giáo.
       Có thể chia sách làm năm phần:
       I. Ha-ba-cúc khó giải quyết vì có tội lỗi Y-sơ-ra-ên và sự nín lặng của Chúa, 1:1-4 so Phục truyền luật lệ ký 28:64-67; theo lịch sử lúc nầy Giê-hô-va nhịn nhục vì vua Giô-si-a ăn năn (II Các vua 22:18-20).
       II. Giê-hô-va đáp lại vấn đề tiên tri khó giải quyết, 1:5-11.
       III. Ðược trả lời rồi, tiên tri làm chứng cho Giê-hô-va, 1:12-17; song cứ tỉnh thức chờ Chúa đáp lời nữa, 2:1.
       IV. Ðang khi tiên tri tỉnh thức thì Chúa trả lời bằng "sự hiện thấy", 2:2-20.
       V. Hết thảy tận cùng bằng Thi Thiên cao siêu về Nước trong Ha-ba-cúc 3:.
       Coi cả sách, thấy Ha-ba-cúc hỏi và trả lời vấn đề: Ðức Chúa Trời để người ta làm ác như thế, có xứng hiệp với bổn tánh Ngài chăng. Tiên tri tưởng vì Chúa là thánh khiết, nên không có thể cứ chịu sự gian ác của Y-sơ-ra-ên. Chúa đáp rằng Ngài sẽ khiến người Canh-đê xông hãm (1:6), và dân Y-sơ-ra-ên phải tan lạc khắp thế gian (2:5). Nhưng Giê-hô-va không phải giận mà thôi; "Ngài lấy sự nhơn từ làm vui thích" (Mi-chê 7:18), và thêm vào câu đáp lại cho tiên tri những lời hứa lớn lao, 1:5; 2:3, 4, 14, 20.
       Ðoạn 1:5.-- Câu nầy dự chỉ về Y-sơ-ra-ên "tản lạc giữa các dân" (Phục truyền luật lệ ký 28:64-67). Trong khi Y-sơ-ra-ên bị tản lạc như thế thì Ðức Giê-hô-va sẽ "làm ra một việc" mà Y-sơ-ra-ên "không tin". Công vụ các sứ đồ 13:37-41 giải nghĩa lời dự ngôn về công việc cứu chuộc của Ðấng Christ. Phao-lô dẫn việc nầy cho những người Giu-đa tan lạc tại nhà Hội Thánh An-ti-ốt thật đáng chú ý.
       2:2.-- "... hầu cho người đương chạy đọc được" nên đọc "hầu cho người đọc chạy được" tức là như sứ giả của "sự hiện thấy" so Xa-cha-ri 2:4-5.
       2:3.-- Khi tiên tri đang rình xem, thì Chúa đáp lại bằng sự hiện thấy (2:2-20). Có ba điều được tỏ ra:
       1. Ðức Giê-hô-va lấy luân lý mà đoán xét những sự ác của Y-sơ-ra-ên tan lạc (2:5-13; 15-19).
       2. Ý định tương lai của Chúa là "sự nhận biết vinh quang Ðức Giê-hô-va sẽ đầy dẫy khắp đất như nước đầy tràn biển" (câu 14). Sự khải thị nầy còn chờ Chúa lấy vinh hiển trở lại được tỏ ra:
       a) bởi khúc Ê-sai 11:9-12; và
       b) bởi dẫn 2:3 trong Hê-bơ-rơ 10:37-38 "nó" trở nên "Ðấng" và chỉ về Chúa tái lâm. Lúc đó, sau sự "hiện thấy" nầy đã ứng nghiệm, thì "sự nhận biết vinh quang Ðức Giê-hô-va...sẽ đầy dẫy khắp đất...".
       3. Nhưng trong khi chờ Chúa tái lâm "người công bình sống bởi đức tin mình". Lời Tin lành lớn lao đó cũng áp dụng cho người Giu-đa và người ngoại bang trong Rô-ma 1:17; cho người ngoại bang trong Ga-la-ti 3:11-14; và cho người Hê-bơ-rơ, trong Hê-bơ-rơ 10:38. Ðầu nầy mở đường cho sự sống bởi đức tin mà thôi, chẳng những cho người ngoại bang có thể được cứu rỗi trong khi Y-sơ-ra-ên tan lạc giữa các dân (Ha-ba-cúc 1:5; Ga-la-ti 3:11-14), nhưng cũng cho dân sót lại của Y-sơ-ra-ên có thể tin Chúa đang khi cả dân cứ đui mù mà không tin (Rô-ma 11:1-5), không có chức tế lễ hay đền thờ, nên không thể giữ mạng lịnh của luật pháp. Giê-hô-va là Ðấng như thế! Khi Chúa theo khuôn phép cai trị thì dân Y-sơ-ra-ên Ngài xưa bị phạt đuổi ra khỏi xứ và họ cứ đui mù về luật pháp (II Cô-rinh-tô 3:12-15); song theo sự thương xót của giao ước, thì mỗi một người Giu-đa có thể nhờ đức tin đơn sơ như Áp-ra-ham mà được cứu (Sáng thế ký 15:6; Rô-ma 4:1-5). Nhưng ấy không phải là bỏ giao ước Pha-lê-tin (Phục truyền luật lệ ký 30:1-9) và Ða-vít (II Sa-mu-ên 7:8-16) vì "vinh quang Ðức Giê-hô-va sẽ đầy dẫy khắp đất" (câu 14), và Ðức Giê-hô-va "sẽ ở trong đền thánh của Ngài" lần nữa (câu 20 so Rô-ma 11:25-27).
       2:4.-- So Ê-sai 11:9 thì biết khi nào "khắp đất đầy dẫy vinh quang Chúa". Ấy là khi Nhánh Công bình mà Ða-vít đã lập nước Ngài (xem bài Nước và II Sa-mu-ên 7:9; Xa-cha-ri 12:8; cũng xem Lu-ca 1:31-33; I Cô-rinh-tô 15:28).Câu 14 nầy thêm ý vào Ê-sai 11:9. Trong Ê-sai chép "thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết Ðức Giê-hô-va". Ấy đang được ứng nghiệm ngày nay; song Ha-ba-cúc 2:14 chép "sự nhận biết vinh quang Ðức Giê-hô-va sẽ đầy dẫy khắp đất", ấy không được thật như vậy trước khi Chúa lấy sự vinh hiển đến cách tỏ tường (Ma-thi-ơ 24:30; 25:31; Lu-ca 9:26; II Tê-sa-lô-ni-ca 1:7; 2:8; Giu-đe 14). Sự Chúa hóa hình trên núi chỉ trước về việc đó (Lu-ca 9:26-29).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.