Nghĩa nguyên gốc tên nầy là "cắt đi" tức là "giết đi".
Theo sách Khải Huyền 16:16, thì Ha-ma-ghê-đôn là chỗ đất mà con rồng đứng đầu với các tà thần vời nhóm các vua khắp thế gian để chiến tranh với Ðức Chúa Trời toàn năng "trong ngày lớn" của Ngài. Có lẽ cũng là Mê-ghi-đô trong Cựu Ước (Các quan xét 5:19; Giô-suê 17:11). Vì theo nguyên văn, thì tiếng gọi hai tên đó gần như nhau. Vả, đời xưa ở Mê-ghi-đô thường có cuộc chiến tranh, nhiều người bị giết; nên Kinh Thánh dẫn tên đất đó để chỉ về Chúa sẽ hủy diệt quân nghịch Ngài khi đến với các thánh đồ (II Các vua 9:27; 23:29; II Sử ký 35:22; Xa-cha-ri 12:11).
Tiến sĩ Scofield chú thích về Ha-ma-ghê-đôn như sau nầy:
Ha-ma-ghê-đôn là một núi và trũng xưa gọi là Mê-ghi-đô ở phía Tây sông Giô-đanh trên đồng bằng Gít-rê-ên, là nơi đã định trước cho cuộc chiến tranh lớn giữa Ðấng Christ và Antichrist . Lúc đó Chúa sẽ lấy vinh hiển mà đến, để giải cứu dân sót lại người Do-thái đang bị vây bởi cường quốc ngoại bang dưới quyền Con Thú và Tiên tri giả (Khải Huyền 16:13-16; Xa-cha-ri 12:1-9). Dường như các cơ binh vây thành mà Ê-sai 10:28-32 mô tả, lấy làm sợ vì các dấu hiệu tỏ ra Chúa đến (Ma-thi-ơ 24:29-30), nên rút lui đến Mê-ghi-đô, sau những sự Xa-cha-ri 14:2 chép sẽ xảy ra. Tại đó, các cơ binh bắt đầu bị hủy diệt, và ở xứ Mô-áp trên đồng bằng Y-đu-mê mới tận diệt (Ê-sai 63:1-6). Chiến trận nầy là sự xảy ra thứ nhứt trong "Ngày của Ðức Giê-hô-va Vạn quân (Ê-sai 2:12), và làm cho ứng nghiệm lời tiên tri trong Ða-ni-ên 2:34 về "Hòn đá chẳng phải bởi tay đục ra, đến đập vào bàn chơn bằng sắt và đất sét của tượng và làm cho tan nát".