Ha-mát. Hamath.

        



      Là thành đứng đầu ở phần trên xứ Sy-ri, trong trũng sông Oronte, cai quản trũng sông đó, là "nơi vào ranh Ha-mát" (Giô-suê 13:5) chảy đến đèo Dephne phía Nam An-ti-ốt. Trũng nầy rất dài ở giữa hai dãy núi Li-ban và Anti-Li-ban là một địa điểm cho cơ binh nào từ phía Bắc muốn xông vào xứ Y-sơ-ra-ên như đạo binh A-sy-ri hay Ba-by-lôn chẳng hạn. Phần phía Nam trũng đó là giới hạn phía bắc của xứ Y-sơ-ra-ên (Dân số ký 13:21; 34:8; Giô-suê 13:5).
       Trong đời Ða-vít, Ha-mát đã trở nên một nước tự lập, vua nước đó là Thôi-sai còn đem lễ vật dâng cho Ða-vít vì đã đánh bại cả đạo binh của Ha-đa-đê-xe (II Sa-mu-ên 8:9-11). Sau nước đó phục Sa-lô-môn, thì Sa-lô-môn xây các thành dùng làm kho tàng tại đó (II Sử ký 8:4) để tiện việc cho những thương gia qua trũng đó cất hàng xuôi ngược. Trên các bia xứ Sy-ri thuộc đời A-háp có khắc Ha-mát đồng minh với Sy-ri ở Ða-mách. Trong II Các vua 14:25, chép Giô-bô-am II khôi phục bờ cõi Y-sơ-ra-ên từ nơi giáp Ha-mát cho đến Biển Chết. Song khỏi ít lâu, A-sy-ri chinh phục Ha-mát và gọi là thành Ha-mát lớn (II Các vua 17:24; A-mốt 6:2, 14).
       Lúc Sa-lô-môn làm lễ khánh thành đền thờ, cả Y-sơ-ra-ên từ Ha-mát phía Bắc đến khe Ai-cập phía Nam nhóm họp (I Các vua 8:65). Chính từ Ha-mát, theo tiên tri A-mốt, những dân thù nghịch Y-sơ-ra-ên bắt đầu đắc thắng, ấy vì cớ tội của Y-sơ-ra-ên. Mấy thế kỷ sau, vua Antiochus Épiphaneia đặt tên Ha-mát là Épiphaneia. Ngày nay đã lấy tên cũ là Ha-mát. Tại đó, có điều đáng chú ý là những guồng nước lớn để cuốn nước sông Oronte vào vườn ruộng. Năm 1810, ông Burckhardt có tìm được bốn trụ đá trên đó có chữ mẫu (hiérolyphe) khắc nổi, và mấy nhà học giả đọc hai tên Thothmes III và Amenophis I. Có người tưởng những chữ mẫu trên bốn bia đá có liên lạc lối viết họa hình với lối viết theo các chữ cái. Có lẽ là do người Hê-tít khắc.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.