Hê-bơ-rơ. Épitre aux Hébreux (Thơ).

        


      I. Chứng cớ tỏ ra thơ là thật.--
       Clément ở La-mã (thế kỷ I S.C) vẫn dùng thơ nầy nhiều và coi như có chép bằng các sách Tân Ước khác. Justin Martyz (chết 165 S.C) nhờ thơ để xưng Con Ðức Chúa Trời là "Sứ đồ" và Thiên sứ". Clément ở Alexandrie (220 S.C.), nhờ Pantaenus, (chừng giữa thế kỷ II) làm chứng là thật. Origène, Tertullien,Irénée, Caius Cyprien, Ambroise, (397 S.C.) v.v..., dầu không hiệp ý ai là trước giả, song đều làm chứng thơ là thật thuộc về Kinh Thánh.
       Trong thơ cũng có chứng cớ là thơ quan hệ nên thuộc về Kinh Thánh: vì rất rõ là lời giải nghĩa của Ðức Thánh Linh về Ngũ kinh, nhứt là sách Lê-vi, và về những lễ nghi của người Do-thái. Thơ nầy tỏ ra cả lễ nghi theo luật pháp của Cựu Ước, những của lễ, và chức việc của các thầy tế lễ đều là những hình bóng chỉ về Ðấng Christ là Của lễ lớn chuộc tội, là Thầy tế lễ thật, là Ðấng trung bảo duy nhứt giữa Ðức Chúa Trời và loài người. Ngoài thơ nầy, không có sách nào trong Kinh Thánh giúp đỡ độc giả biết rõ hơn việc hiện tại của Ðấng Christ ở trên trời. Trong thơ mô tả xưa Chúa dắt dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập, qua đồng vắng, che chở, cung cấp mọi sự cần dùng, sửa dạy, và mang họ vào xứ Ca-na-an, cũng vậy Ðấng Christ hiện nay đang nhóm dân Ngài lại, biệt ra khỏi thế gian , che chở, cung cấp, sửa dạy để sửa soạn cho vào nơi đời đời. Vậy Kinh Thánh rất cần thơ nầy để dạy Hội Thánh cách đầy đủ.
       II. Lối viết.-- Mới xem thơ nầy, thì dường như là sách luận về thần đạo chớ không phải là thơ tín. Nhưng xem đến Hê-bơ-rơ 13:22 chép xin nhận lấy những lời khuyên bảo, và Hê-bơ-rơ 13:24 chép chào thăm mọi người, thì thể lệ giống như các thơ tín khác trong Tân Ước. Trong thơ, trước giả nói đến mình, và coi những người nhận thơ đều bình đẳng hết. Nguyên văn thơ nầy bằng tiếng Hy-lạp, lời văn trôi chảy và văn chương hơn hết các sách bằng tiếng Hy-lạp trong Tân Ước. Lối luận lý giống như lối của Philon, le Juif, triết học ở Alexandrie (độ 25 T.C.-65 S.C.). Philon có ý dung hòa triết lý Hy-lạp với đạo Do-thái Cựu Ước, vậy dạy những điều chép trong Cựu Ước có hai ý: một là hình, một là bóng, hoặc ý tỏ tường, ý dấu kín, chỉ người trí thức mới hiểu được. Ấy cũng là lối chép thơ nầy: vì những lễ nghi và những sự xảy ra của dân Chúa chép trong Cựu Ước chẳng những là sự vật thật có mà cũng có những ý bóng chỉ về chức vụ và vị cách của Ðấng Christ nữa.
       III. Trước giả.--
       a) Ngoại chứng... Clément ở Alexandrie chứng rằng trước giả là Phao-lô, nói rằng: vì trong thơ, Chúa Jêsus được gọi là "Sứ đồ" cho người Hê-bơ-rơ nên Phao-lô là Sứ đồ cho dân ngoại bang không xưng mình như thế; vì người Hê-bơ-rơ có ý nghịch với mình, nên Phao-lô cẩn thận không chép tên mình (Công vụ các sứ đồ 21:28; 23:14); và vì thơ nầy vốn chép bằng tiếng Hê-bơ-rơ cho người Hê-bơ-rơ, và Lu-ca dịch ra tiếng Hy-lạp cho người Hy-lạp, bởi thế lối viết giống sách Công vụ các sứ đồ, Song Clément ở Alexandrie vẫn chứng Hê-bơ-rơ bằng tiếng Hy-lạp thật là của Phao-lô, dầu thể văn Hy-lạp đó văn chương hơn các thơ tín khác của Phao-lô, nhưng tư tưởng chắc thật của Phao-lô. Origène chứng rằng: "Các tổ phụ Hội Thánh truyền lại Phao-lô là trước giả, chắc có chứng cớ đáng tin, song chỉ Ðức Chúa Trời biết đúng là của ai".
       Trái lại, đầu thế kỷ thứ III, trong Hội Thánh Phi-châu, Tertullien chứng trước giả là Ba-na-ba: vì trong sách Công vụ các sứ đồ tỏ ra Ba-na-ba làm trung bảo giữa những tín đồ Do-thái và Phao-lô (Công vụ các sứ đồ 11:25-26), giống như thơ nầy có ý dạy lẽ đạo của Phao-lô cho người tín đồ Do-thái; và vì Ba-na-ba đã hầu việc Chúa tại La-mã (Hê-bơ-rơ 13:24). Trưởng lão Caius, đồng thời với Tertullien, chỉ nói về 13 thơ tín của Phao-lô, nếu cộng cả thơ nầy số đó là 14. Luther, Calvin và Bèze chối Phao-lô là trước giả. Luther tưởng là thơ của A-bô-lô, một tín đồ thành Alexandrie chắc biết rõ luận lý của Philon (Công vụ các sứ đồ 18:24), song trong Hội Thánh đầu tiên không có chứng cớ gì như thế.
       Các Hội Thánh đầu tiên ở Ðông-phương có Giê-ru-sa-lem làm nơi trung ương, tiếp thơ nầy trước nhứt, đều công nhận là thơ của Phao-lô, ấy theo Cyril, giám mục Hội Thánh Giê-ru-sa-lem (349 S.C). Nên chú ý Hội Thánh Alexandrie do Mác sáng lập, và Mác có ở với Phao-lô lần đầu khi bị tù tại La-mã (Cô-lô-se 4:10), có lẽ là lúc thơ nầy được chép. Có lẽ chính Mác đem thơ nầy đến Giê-ru-sa-lem, là nơi thân mẫu ở, và ghé thăm hội Cô-lô-se và từ Giê-ru-sa-lem cứ đi Alexandrie. Dầu Hội Thánh La-tinh trong mấy thế kỷ đầu tiên không công nhận trước giả là Phao-lô, song trong thế kỷ thứ IV, các giáo phụ bắt đầu chịu như thế, và đến năm 419 S.C.. Công giáo nghị hội thứ V tại thành Carthage công nhận cách trọng thể thơ Hê-bơ-rơ là một trong 14 thơ của Phao-lô.
       Phi-e-rơ (II Phi-e-rơ 3:15-16), là Sứ đồ cho những kẻ chịu phép cắt bì, khi viết cho tín đồ người Hê-bơ-rơ tan lạc ở phương Ðông, nói "cũng như Phao-lô, anh rất yêu dấu của chúng ta, đã...viết thơ cho anh em vậy" (tức tín đồ Hê-bơ-rơ). Vì thêm "ấy là điều người đã viết trong mọi bức thơ", Phi-e-rơ phân biệt thơ Hê-bơ-rơ với các thơ khác, và vì đặt vào hàng các sách khác trong Kinh Thánh, thì làm chứng trước giả là Phao-lô được Ðức Chúa Trời hà hơi vào. Ấy là một lời chứng từ lòng yêu thương rộng rãi cho kẻ trước đã quở trách mình (Ga-la-ti 2:7-14)! Sứ đồ cho kẻ chịu phép cắt bì (Phi-e-rơ) chứng cho Tin lành của Sứ đồ cho kẻ không chịu phép cắt bì (Phao-lô), vả lại Chúa dùng người thứ nhứt làm chứng cho thơ Hê-bơ-rơ như thế, ấy thật tỏ ra hiệp một hoàn toàn bởi Ðức Thánh Linh giữa những sự rất khác nhau.
       b) Nội chứng.-- Trong thơ có chứng cớ giúp đỡ sự tin Phao-lô là trước giả. Ðạo Ðấng Christ trổi hơn đạo Do-thái như hình rõ hơn bóng, ấy là cách Phao-lô ưa dùng để bàn luận. Nên so thơ Hê-bơ-rơ với II Cô-rinh-tô 3:6-18; Ga-la-ti 3:23-25; 4:1-9; 21-31. Trong những khúc đó, thấy trước giả lấy nghĩa bóng giảng luận, dầu lúc đó nhà triết học Philon ở Alexadrie hay lạm dụng, nhưng bởi Chúa dắt dẫn, thì được dùng cách chính đáng.
       Trong thơ Hê-bơ-rơ, Con Ðức Chúa Trời được mô tả là "hình bóng về bổn thể Ngài", so Hê-bơ-rơ 1:3 với các thơ của Phao-lô: Phi-líp 2:6; Cô-lô-se 1:15-20; vì cớ nhơn loại nên Chúa hạ mình xuống, Hê-bơ-rơ 2:9 so với II Cô-rinh-tô 8:9; Phi-líp 2:7, 8; cuối cùng Chúa được tôn cao, Hê-bơ-rơ 2:8; 10:13; 12:2 so với I Cô-rinh-tô 15:25-27; Ngài là Ðấng trung bảo, Hê-bơ-rơ 8:6 so với Ga-la-ti 3:19-20; I Ti-mô-thê 2:5; Chúa làm của lễ chuộc tội được tỏ trước bởi những lễ nghi của đạo Do-thái, Hê-bơ-rơ 7:10; so với Rô-ma 13:22-26; I Cô-rinh-tô 5:7. Hê-bơ-rơ 13:20 chép "Ðức Chúa Trời bình an", ấy là một danh từ Phao-lô ưa dùng, xem Rô-ma 15:33; 16:20; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23. "Dùng sự ban cho của Ðức Thánh Linh mà Ngài...phát ra", Hê-bơ-rơ 13:20, hơi giống I Cô-rinh-tô 12:4. "Người công bình...cậy đức tin...", Hê-bơ-rơ 10:38; 11:7 so với Rô-ma 1:17; 4:22; 5:1; Ga-la-ti 3:11; Phi-líp 3:9. "Lời của Ðức Chúa Trời là...sắc hơn gươm..." Hê-bơ-rơ 4:12 so với Ê-phê-sô 6:17. Tín đồ chưa từng trải giống "anh em cần ăn sữa", tức là những điều sơ học, tín đồ sâu nhiệm giống kẻ thành nhơn cần đồ ăn đặc Hê-bơ-rơ 5:12, 13; 6:1 so với I Cô-rinh-tô 3:1-2; 14:20; Ga-la-ti 4:9; Ê-phê-sô 4:13. Tín đồ "nhờ huyết Ðức Chúa Jêsus được dạn dĩ vào nơi rất thánh", (Hê-bơ-rơ 10:19 so với Rô-ma 5:2; Ê-phê-sô 2:18; 3:12). Những sự đau đớn của tín đồ như "cơn chiến trận", Hê-bơ-rơ 10:32 so với Phi-líp 1:30; Cô-lô-se 2:1. Ðời sống tín đồ giống một "cuộc chạy đua", Hê-bơ-rơ 12:1 so với I Cô-rinh-tô 9:24; Phi-líp 3:12, 14. Lễ nghi đạo Do-thái là "sự thờ phượng", Hê-bơ-rơ 9:1-6 so với Rô-ma 9:4. "Tôi mọi" là lúc chưa được khỏi vòng tội lỗi và sự sợ chết, Hê-bơ-rơ 2:15 so với Ga-la-ti 5:1. Một đặc sắc của Phao-lô là ưa dùng "vả", và "lại" mà chú thích từ Cựu Ước như Hê-bơ-rơ 1:5; 2:12-13 so với Rô-ma 15:9-12; Hê-bơ-rơ 2:8 so với I Cô-rinh-tô 15:27; Hê-bơ-rơ 10:30 so với Rô-ma 12:19.
       IV. Nơi chép thơ.-- Lúc chép thơ trước giả ở trong tù (13:3, 19), và "vì anh em đã thương xót kẻ bị tù" (10:34), dường trước đã bị tù ở xứ Pha-lê-tin. Lời chào thăm, thay mặt "các Thánh đồ ở xứ Ý-đại-lợi" tỏ ra thơ chép tại thành La-mã (13:24). Dầu đầu thơ không có lời tự giới thiệu như thường, nhưng vì chép: "Anh em chúng ta là Ti-mô-thê đã được thả ra, nếu người sớm đến", trước giả "sẽ cùng người đi thăm anh em", thì hiệp với ý Phao-lô là tác giả (13:23).
       V. Gởi cho ai và niên hiệu.-- Vì không có một Hội Thánh toàn là tín đồ Do-thái, nên tác giả không gởi thư cho các bậc cầm quyền, song cho những tín đồ Do-thái thuộc về các Hội Thánh xứ Pha-lê-tin và xứ lân cận, là các hội tại thành Giê-ru-sa-lem, xứ Giu-đê, và thành A-léc-xan-tri phần nhiều là tín đồ Do-thái. Nhờ A-léc-xan-tri mà các Hội Thánh khác được biết thơ nầy. Theo chứng cớ trong thơ, thơ nầy trước hết đạt cho hội Giê-ru-sa-lem. Tác giả gọi người Hê-bơ-rơ là "dân Ðức Chúa Trời" (4:9; 11:25), là "dòng dõi của Áp-ra-ham" (2:16), là cây ô-li-ve nguyên mà tín đồ ngoại bang được tháp vào (Rô-ma 11:16-24). Song những Hê-bơ-rơ đó có cần từ Giê-ru-sa-lem dưới đất mà ra, và phải hiểu đã tới "thành Giê-ru-sa-lem trên trời" (12:18-23; 13:13).
       Thơ nầy gởi cho cả đoàn thể, chớ không phải cho cá nhân. Những người nhận thơ nầy đều quen biết những sự thờ phượng tại đền thờ, quen những sự biện luận về Cựu Ước (có 32 lần trích Cựu Ước, gồm lại 16 chỗ trích Thi Thiên), và quen triết lý Philon tại Alexandrie. Trong số đó có người đã lấy của cải mình cung cấp cho những kẻ khốn cùng (6:10; 10:34; so Rô-ma 15:26; Công vụ các sứ đồ 2:45; 4:34; 11:29). Có phải 13:7 chỉ về Giám mục hội Giê-ru-sa-lem là Gia-cơ đã tuận đạo không (62 S.C.)? Phao-lô bị tù lần thứ nhứt tại La-mã cho đến 63 S.C., có lẽ là chép thơ nầy ít lâu trước khi được thả ra. Chắc là chép trước khi Giê-ru-sa-lem bị phá hủy (70 S.C.), vì trong thơ nói rõ sự thờ phượng tại đền thờ vẫn còn (13:10; 8:4; 9:6-7). Tác giả khuyên họ phải phục, nhớ, và vâng lời "những người dắt dẫn mình" (13:7, 17, 24), vậy khỏi trái phép với Phi-e-rơ là Sứ đồ cho những kẻ chịu phép cắt bì, và với giám mục Giê-ru-sa-lem kế tiếp Gia-cơ, nếu lúc đó Gia-cơ thật đã về với Chúa.
       VI. Mục đích chép thơ.-- Vì lúc đó bị bắt bớ, những tín đồ Do-thái khởi sự tưởng rằng: vì theo đạo Ðấng Christ thì mất hết phước từ đạo Do-thái. Những tín đồ đó vẫn cứ coi các lễ nghi của đạo Do-thái về bàn thờ, thầy tế lễ, v.v..., dường như là hình, chứ không hiểu những lễ nghi bề ngoài đó chỉ là bóng, còn hình là Ðấng Christ. Ðứng trong địa vị nguy hiểm đó, những tín đồ Do-thái bị cám dỗ coi thường những ơn của đạo Ðấng Christ, và trở lại theo đạo Do-thái. Vậy mục đích thơ nầy là cho những người Do-thái biết đạo Ðấng Christ trổi hơn đạo Do-thái là thể nào, ấy vì trong Ðấng Christ, ý bóng của những lễ nghi bề ngoài và tạm thời của đạo Do-thái đã được ứng nghiệm rồi. Bởi thế, không cần giữ những lễ nghi đó nữa.
       Nên chú ý xét lối trước giả đối với những tín đồ Do-thái đó:
       1. Trước hết cho họ biết sự vinh hiển của vị cách và sự cao trọng của công vụ Chúa Jêsus;
       2. Tỏ ra họ không mất hết song đã được lại hết (xem "chúng ta có" trong 4:14; 6:19 (giữ); 8:1; 10:34; 13:10, 14 (tìm); và đạo Ðấng Christ trổi hơn đạo Do-thái);
       3. Sau tỏ ra họ chưa chịu bắt bớ nặng bằng những người khác. Coleridge nói: thơ La-mã chứng rất cần đạo Ðấng Christ, còn thơ Hê-bơ-rơ chứng sự trổi hơn của đạo Ðấng Christ, ấy vì không phải khinh dễ đạo cũ, song vì đạo mới làm trọn đạo cũ. Ðạo cũ có sự tốt, nhưng đạo mới có sự "tốt hơn". Thơ nầy được gọi là "sách Tin lành thứ năm" vì bốn sách Tin lành trước chép về việc Chúa dưới đất và thơ nầy chép về việc Chúa trên trời.
       VII. Tài liệu của thơ.-- Thơ có thể chia làm hai phần lớn:
       I. Phần luận lý.-- 1: đến 10:18. Sự vinh hiển về Ngôi vị và Công việc của Ðấng Christ.
       Phần lớn nầy chia làm năm phần:
       1. Chúa Jêsus cao trọng hơn các tiên tri, 1:1-3.
             a) Dầu các tiên tri cao trọng, song Con Ðức Chúa Trời cao trọng hơn: vì Ðức Chúa Trời "dùng" các tiên tri phán dạy, song "đến ngày sau rốt" Ngài phán "bởi" Con Ngài là Chúa Jêsus.
             b) Xin chú ý chữ "ngồi" trong câu 3. Ấy là một đặc sắc của tiếng Hê-bơ-rơ chỉ về công việc đã hoàn toàn song rồi.
       2. Chúa Jêsus cao trọng hơn các thiên sứ, 1:4-2:18.
             a) Thiên sứ là các vị cao trọng, song Chúa Jêsus cao trọng hơn, vì là: Con Ðức Chúa Trời; sanh bởi Ðức Chúa Trời; và Ðức Chúa Trời chưa hề phán cùng thiên sứ như phán cùng Chúa Jêsus: "Hỡi Ðức Chúa Trời, Ngôi Chúa còn mãi".
             b) "Chúa lấy dầu vui mừng xức cho, khiến Chúa trổi hơn kẻ đồng loại mình" câu 9, chứng rằng Chúa chẳng những là "Người từng trải sự buồn bực" (Ê-sai 53:3), nhưng cũng là "Người từng trải sự vui mừng" (Thi Thiên 45:7).
       3. Chúa Jêsus cao trọng hơn Môi-se, 3:1-19.
             a) Môi-se cao trọng biết bao! Song Chúa Jêsus cao trọng hơn. Môi-se là "kẻ tôi tớ" trung tín, song Chúa Jêsus là một Con trung tín quản trị nhà Chúa.
             b) Ấy là một thực sự cảm động nhiều trên người Do-thái thời bấy giờ, cũng như thời nầy nữa.
       4. Chúa Jêsus cao trọng hơn Giô-suê, 4:1-13.
             a) Giô-suê là người cầm đầu lớn song vẫn khuyết điểm. Chúa Jêsus lớn hơn, vì chỉ có một mình Ngài có thể ban cho và dẫn đến sự yên nghỉ thật.
             b) Có phải "Lời của Ðức Chúa Trời" trong câu 12 là Chúa Jêsus không? Chắc Chúa là "Ngôi Lời" của Ðức Chúa Trời, và là Ðấng hằng sống, toàn năng, khôn ngoan, thông sáng, biết rõ hết mọi sự.
       5. Chúa Jêsus cao trọng hơn A-rôn, 4:14-10:18. A-rôn và những thầy tế lễ kế tiếp đều cao trọng, song Chúa Jêsus cao trọng hơn vì:
             a) Ngài vô tội, song các thầy tế lễ đó mắc tội, 4:15.
             b) Ngài là thầy tế lễ theo ban cao hơn A-rôn, 5:6.
             c) Ngài là "Ðấng đi trước chúng ta", song A-rôn chẳng hề như vậy, 6:20.
             d) Áp-ra-ham công nhận Mên-chi-xê-đéc "tôn trọng là dường nào", 7:4.
             đ) Ban Mên-chi-xê-đéc là đời đời, 7:16-17.
             e) A-rôn làm những lễ chỉ bóng, Chúa Jêsus làm hình, 8:1-5.
             g) Chúa Jêsus "là Ðấng trung bảo của giao ước tốt hơn", 8:6-13.
             h) Chúa Jêsus hành chức trong nơi thánh tốt hơn, 9:1-25.
             i) Chúa Jêsus hành chức và dâng một của lễ tốt hơn, 9:25-28,
       II. Phần khuyên bảo, 10:19-13:25.-- Vì cớ đời sống và công việc Chúa, chúng ta nên cư xử thế nào?
       Như người Truyền đạo khôn ngoan, trước giả không đợi cuối thơ mới khuyên bảo, song mấy lần nhắc luôn sự dạy dỗ, như trong 2:1-4; 3:7-19; 6:1-12. Nhưng sự khuyên bảo chính thức bắt đầu từ 10:19, và thấy có nhắc lại chữ "chúng ta hãy" nhiều lần.
       Chúng ta:
       1. Hãy tấn tới (nguyên văn: như nhờ dòng nước dâng lên mà đem đi), 6:1;
       2. Hãy đến gần, 10:19-22;
       3. Hãy cầm giữ, 10:23;
       4. Hãy coi sóc nhau, 10:24-25;
       5. Hãy vững vàng, 10:26-11:;
       6. Hãy quăng hết gánh nặng, 12:1;
       7. Hãy nhịn nhục theo đòi cuộc chạy đua, 12:1-2;
       8. Hãy chịu sự đối nghịch, 12:3-29;
       9. Hãy hằng yêu thương anh em, 13:1-4;
       10. Hãy lấy điều mình có làm đủ, 13:5;
       11. Hãy ra ngoài trại quân, 13:12-13;
       12. Hãy dâng tế lễ bằng lời ngợi khen, 13:15.
       Khi đọc thơ nầy nên suy xét những chữ chép nhiều lần như sau nầy:
             a) "trọn" (2:10; 5:9, 14; 7:11, 19, 28; 9:9, 11; 10:14; 11:40; 12:2 "cuối cùng" nguyên văn là Ðấng làm trọn).
             b) "trời" (1:10; 3:1; 4:14; 6:4; 7:26; 8:1, 5; 9:23-24; 10:34 "vì biết mình có của cải" có bản thêm "trên trời", 11:16; 12:22, 23, 25, 26).
             c) "đời đời" (1:8; 5:6, 9; 6:20; 7:17, 21, 24, 28; 9:12, 14, 15; 13:8, 20, 21).
             d) "ngồi" (1:3; 8:1; 10:11-12; 12:2).
             đ) "một lần" (7:27; 9:12, 26, 27, 28; 10:2, 10).
             e) Ý "tốt hơn" (1:4; 6:9; 7:7, 19, 22; 8:6; 9:23; 10:34; 11:35, 40; 12:24).
       Tiến sĩ Scofield viết tiểu dẫn thơ Hê-bơ-rơ nầy:
       Trước giả.-- Từ thời Hội Thánh đầu tiên, vẫn có sự bàn luận về ai là trước giả thơ nầy. Trong thơ không nói ai chép, song theo II Phi-e-rơ 3:15, dường như Phao-lô là trước giả. Cũng xem Hê-bơ-rơ 13:23. Hết thảy hiệp ý rằng, hoặc Phao-lô hay người khác chép, tư tưởng vẫn thuộc Phao-lô. Cách sắp đặt thơ chắc theo lối Phao-lô hay giảng trong những nhà hội. Trong Kinh Thánh, không có sách nào tự chứng rõ hơn thật được Chúa soi dẫn như thơ nầy.
       Niên hiệu.-- Theo chứng cớ trong thơ, thì rõ Hê-bơ-rơ được chép trước khi đền thờ bị phá (70 S.C), xem 10:11.
       Ðại ý.-- Phần lẽ đạo bày tỏ mục đích của thơ, thơ có hai ý:
       1. Làm cho tín đồ Do-thái được biết vì Ðấng Christ đã đến làm trọn cả mục đích của luật pháp, nên đạo Do-thái kể như không cần nữa; và
       2. Phần khuyên bảo tỏ ra trước giả có thấy sự nguy hiểm của những tín đồ Do-thái, hoặc trở lại đạo Do-thái, hoặc coi đạo Ðấng Christ dường như chỉ là một phần của đạo Do-thái. Theo sách Công vụ các sứ đồ thì rõ những tín đồ mạnh mẽ tại xứ Pha-lê-tin hay lẫn lộn đạo Do-thái với đạo Ðấng Christ cách lạ (xem Công vụ các sứ đồ 21:18-24), và bẫy đó cám dỗ đặc biệt những người xưng mình là tín đồ giữa người Do-thái bị tan lạc.
       Lời chìa khóa là "tốt hơn". Thơ Hê-bơ-rơ so sánh những sự tốt của đạo Do-thái với sự tốt hơn của đạo Ðấng Christ. Ðấng Christ là "tốt hơn" các thiên sứ Môi-se, Giô-suê, A-rôn; và Giao ước mới tốt hơn giao ước Môi-se. Trong thơ, về Hội Thánh chỉ chép về sự biệt mình theo Chúa 13:13. Vì lo về những lẽ đạo tín đồ Ðấng Christ, nên trước giả thấy cần răn bảo những người tự xưng mình là tín đồ hãy tỉnh thức.
       Thơ Hê-bơ-rơ chia làm sáu phần lớn, song có năm khúc riêng để răn bảo:
       I. Sự cứu rỗi lớn, 1:1-2:18 (2:1-4 lời răn riêng).
       II. Sự yên nghỉ của Chúa, 3:1-4:16 (hết cả là lời răn riêng).
       III. Thầy Tế lễ thượng phẩm lớn của ta, 5:1-8:6 (5:11-6:12 lời răn riêng).
       IV. Giao ước mới và nơi thánh trên trời, 8:7-10:39 (10:26-39 lời răn riêng).
       V. Sự trổi hơn của đường đức tin, 11:1-40.
       VI. Sự thờ phượng là lối bước đi của người tín đồ kiêm chức tế lễ, 12:1-13:25 (12:3-17 lời răn riêng).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.