Hình phạt đời đời. Châtiment Éternel.

        



      I. Mấy sự nhận biết trước.--
       Theo các nguyên bản, Kinh Thánh quốc ngữ dịch chữ "aiônios" bằng tiếng Hy-lạp là "đời đời". Trong bài nầy, trước nên nhận biết Kinh Thánh dạy sau khi thân thể chết, linh hồn vẫn sống; đời sau có sự báo trả và phán xét tội lỗi, và người không được cứu trong đời nầy, phải chịu đau đớn vì tội lỗi mình. Vậy, chỉ cần tóm tắt lại như sau nầy:
       1. Vẫn sống sau khi chết. Chỉ cần hai câu trong Tân Ước làm chứng: Ma-thi-ơ 10:28 "Ðừng sợ kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn; nhưng thà sợ Ðấng làm cho mất được linh hồn và thân thể trong địa ngục" (géhenne): và thứ nhì về người giàu và La-xa-rơ (Lu-ca 16:19-31): sau khi chết thiên sứ đem La-xa-rơ để vào lòng Áp-ra-ham, và người giàu ở nơi âm phủ (Hadès) bị đau đớn. Cả lẽ đạo về sự phán xét đời sau trong Tân Ước nhờ thực sự nầy: người vẫn sống sau khi chết.
       2. Báo trả tội lỗi đời sau là một điểm cốt yếu trong sự dạy dỗ của Tân Ước. Cả lẽ đạo về ngày phán xét trong Tân Ước cũng nhờ điểm cốt yếu nầy. Các câu Kinh Thánh nầy chứng rõ không cãi được (Ê-sai 3:10-11; Ma-thi-ơ 11:22, 24; 12:41;42; Rô-ma 2:5-12; II Cô-rinh-tô 5:10; Ga-la-ti 6:7-8, v.v...).
       3. Ðời sau tội nhơn cảm biết sự hình phạt đau đớn của tội mình, ấy đã tỏ rõ trong hai khúc trên. Song ấy không quyết định sự đau đớn thế nào, được bao lâu, song đánh đổ ý về thân thể chết thì tiêu diệt không còn nữa, hay là sự phá diệt đó theo ngay sau sự chết hay là sự phán xét.
       Khi đã quyết định những lẽ kể trên là thật thì còn một vấn đề nầy: có phải thời đau đớn vì tội là vĩnh viễn hay là có kỳ cuối cùng? Về người không ăn năn trong đời nầy thì theo Kinh Thánh dạy, sự hình phạt người đó là vô cùng.
       II. Kinh Thánh dạy thế nào?
       1. Cựu Ước không nói rõ về sự hình phạt đời đời, song chép nhiều về phần thưởng, hình phạt đời nay. Dầu vậy, có mấy câu nói đến: Thi Thiên 49:14-15; 73:18-19; so Ê-sai 24:21-22; 66:24, v.v... Tấn sĩ Charles tưởng: "Âm phủ (Scheol) là nơi hình phạt kẻ ác". Nếu vậy, không gợi ý ai thoát khỏi nơi đó được. Trong Ða-ni-ên 12:2. có chép: "Nhiều kẻ ngủ trong bụi đất sẽ thức dậy..., kẻ thì để chịu sự xấu hổ nhơ nhuốc đời đời". Trong thế kỷ trước Chúa giáng sanh, thế giới văn chương người Giu-đa thì coi "Sheol" (âm phủ) như là nơi hình phạt đời đời sau rốt tức là địa ngục.
       2. Trong Tân Ước, Chúa Jêsus và các Sứ đồ chép rất rõ sự hình phạt đời sau là chắc chắn, nghiêm nhặt, và vô cùng.
       a) " Ðời đời".-- Chữ "đời đời" (aiônios), nhiều lần chép chung với sự hình phạt tội, hay là chung với lửa chỉ bóng về sự đó. Hai câu chứng rõ là Ma-thi-ơ 25:41, 46; "lửa đời đời", và "hình phạt đời đời" (kolasis aiônios). Còn có (Ma-thi-ơ 18:8; Giu-đe 7; so Khải Huyền 14:11; 19:3; 20:10). Trong II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9 có chép "bị hình phạt hư mất đời đời". Nguyên văn đời đời đó cũng một cội rễ với aidios trong Giu-đe 6 chỉ về hình phạt các thiên sứ sa ngã.
       Về đời đời, dầu có người muốn nói chỉ là một thời gian có cuối cùng, nhưng không còn cách nào khác hơn là chỉ về ý vô cùng, vô tận như Chúa phán trong Giăng 10:28-29: "Ta ban sự sống đời đời... chẳng chết mất bao giờ". Cứ xem Ma-thi-ơ 25:46, theo sự giải nghĩa đúng chỉ có ý đời đời vô cùng đó thôi!
       b) Những tiếng đồng nghĩa.-- Dầu có người phản đối hay lấy sự chết, sự hủy diệt, sự chết thứ hai, v.v..., để binh vực ý riêng mình: "aiônios" chỉ về một thời gian có cuối cùng, song khi suy xét những tiếng đồng nghĩa với đời đời trong Tân Ước, như là: "lửa chẳng hề tắt", "sâu bọ chẳng hề chết" (Ma-thi-ơ 3:12; Mác 9:43-48 so Ma-thi-ơ 13:42, 50), thì bất đắt dĩ phải tin "aiônios" đó chỉ có ý đời đời vô cùng. Giăng 3:36 quyết định như thế: "...Ai không chịu tin Con,...cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời vẫn ở trên người đó". Cũng xem Khải Huyền 22:10. Ðấng Christ răn dạy rất chắc chắn về: "bị liệng ra chốn tối tăm ở ngoài" (Ma-thi-ơ 8:12; 22:13); "Cửa đóng lại...Ta không biết các ngươi đâu" (Ma-thi-ơ 25:10, 12 so 7:23), cũng như các thơ tín nữa (Hê-bơ-rơ 2:3; 6:6, 8; 10:27, 31; 12:25, 29). Chúa Jêsus phán: "Ai nói phạm đến Ðức Thánh Linh, thì dầu đời nầy hay đời sau cũng sẽ chẳng được tha" (Ma-thi-ơ 12:32) và Mác 3:28-29 thêm: "phải mắc tội đời đời". Người giàu trong âm phủ (Hadès) thấy có một vực sâu không qua lại được (Lu-ca 16:26). Sự rất kinh khiếp của các câu nầy là không có ý gì tỏ ra sự hình phạt đời đời đó là hữu hạn;
       c) Sự phán xét cuối cùng.-- Về sự nầy, Tân Ước dạy dỗ hai điều rất rõ:
       1. Ấy nhờ những việc làm trong thời hiện tại (Ma-thi-ơ 25:31-46; II Cô-rinh-tô 5:10; Khải Huyền 20:12);
       2. Là sự phán xét quyết định không hề thay đổi. Cả Kinh Thánh không dạy khác.
       III. Mấy lý thuyết phản đối.--
       Có người nói sự hình phạt đời đời là trái với sự công bình và thương xót của Ðức Chúa Trời. Chắc Ðấng yêu thương không đành lòng để vô số người không tin bị phạt như thế. Nên họ thử hết sức phản đối với lẽ thật nầy, và nêu lên mấy lý thuyết sau đây:
       1. Cuối cùng hết thảy được cứu.--
       Origène (185-254 S.C.) và Schleiermacher thế kỷ thứ XIX và mấy phái ngày nay dạy như thế. Song lý thuyết nầy không phải từ Kinh Thánh mà ra, nhưng từ lòng muốn và trông cậy của người mà có. Họ hay nhờ câu "đến kỳ muôn vật đổi mới" trong Ma-thi-ơ 19:28 và Công vụ các sứ đồ 3:21, song bỏ quên Công vụ các sứ đồ 3:23, "Hễ ai không nghe... sẽ bị truất khỏi..." Dầu Ðấng Christ phán: "sẽ kéo mọi người đến cùng Ngài" Giăng 12:32), song cũng phán rõ rằng khi Ngài đến sẽ đoán phạt nặng (Ma-thi-ơ 7:23; 25:41). Họ lấy I Cô-rinh-tô 15:21, 28 và Ê-phê-sô 1:10 chứng rằng cuối cùng muôn vật sẽ phục Ngài. Song khi xét kỹ, biết ý của Phao-lô không dạy cuối cùng muôn vật được cứu hay bị hủy diệt.
       2. Bị tiêu diệt không còn.-- Theo lý thuyết nầy, người cứ cứng cỏi không ăn năn thì cuối cùng sẽ bị tiêu diệt. Có vài ý khác nhau: một là khi người chết thì bị tiêu diệt không còn nữa. Song cả Kinh Thánh dạy rằng linh hồn còn sống sau khi người chết. Hai là khi người chết rồi, thì cảm biết sự đau đớn trong một thời dài hay ngắn (theo ý White), song ấy khó hiệp với sự giải nghĩa họ về sự chết, sự tiêu diệt, và sự chết mất, vì Kinh Thánh dạy những sự đó là phần người vô tín trong ngày phán xét.
       3. Ðời sau còn dịp tiện tin Chúa.--
       Nên chú ý hai phái kể trên, muốn tránh sự khó giải nghĩa về lý thuyết riêng mình, thì dạy đời sau sẽ có sự giảng đạo cho linh hồn được cứu. Trái với Kinh Thánh, vì theo lý thuyết nầy phần lớn việc truyền ơn cứu rỗi sẽ dành cho đời sau. Ngoài I Phi-e-rơ 3:19-20, Ðấng Christ "giảng cho các linh hồn bị tù", là những người vô tín chết trong đời Nô-ê, thì không có câu Kinh Thánh nào dạy về lý thuyết nầy.
       IV. Sự hình phạt đó thế nào?
       Sự rất quan hệ cho tín đồ là phải biết chắc mình đã "vào cửa hẹp" để khỏi sự hình phạt đời đời, vì Kinh Thánh không phải để làm thỏa nguyện những sự tò mò vô ích (Lu-ca 13:23-24).
       1. Song Kinh Thánh có mở hé màn về sự mầu nhiệm của sự hình phạt đời đời. Tấn sĩ Maurice tóm tắt lại: "Hình phạt đời đời là sự cách xa Chúa vì không biết đức tánh Ðức Chúa Trời là sự yêu thương và không biết Chúa Jêsus Christ là Ðấng tỏ sự yêu thương đó, cũng như nói sự sống đời đời là nhìn biết Ðức Chúa Trời và Chúa Jêsus Christ". Hình phạt đầu nhứt của tội là như thế. Lửa sâu bọ, lằn đòn nói theo cách loài người để tỏ ra sự hình phạt đó đau đớn dường nào.
       2. Có sự hình phạt nặng hay nhẹ cho người vô tín, cũng như chép: "bị đòn nhiều" hay "bị đòn ít" (Lu-ca 12:47-48); mà Ma-thi-ơ 11:20-24 cũng có người không tin sẽ chịu đoán phạt nhẹ hơn. Cũng xem Ê-xê-chi-ên 16:48, 49, 53, 55, 61.
-James Orr.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.