I. Mục đích hình phạt.--
Hình phạt là điều đáng chịu theo sự công nghĩa đòi để đền tội. Bởi vậy, Chúa có hình phạt A-đam, Ê-va-và Ca-in. Sự hình phạt không phải để làm ích cho tội nhơn, như thành Sô-đôm bị phạt vì sự gian ác không có lợi gì cho thành đó. Xử tử kẻ sát nhơn không có ý sửa lại. Vậy, sự sửa phạt và sự hình phạt khác nhau lắm. Hình phạt cũng không phải thứ nhứt để ngăn ngừa tội, dầu chánh phủ thường hình phạt để ép người ta phải vâng theo luật pháp. Luật pháp Môi-se dầu có ý hình phạt để ngăn trở người phạm tội, song ấy không phải là điều cốt yếu (Phục truyền luật lệ ký 13:11; 17:13; 19:20; 21:21). Mục đích duy nhứt của sự hình phạt ấy là vì tội lỗi đáng bị phạt. Vậy, theo luật pháp Môi-se, nhà nước phải xử và phạt tội nhơn theo sự công bình; nếu không làm thì cũng mắc tội và bị kể như đồng phạm (Lê-vi ký 20:4-5; Dân số ký 25:4, 11; Phục truyền luật lệ ký 21:8; Giô-suê 7:11-15). Dân sự phải tẩy sạch xứ Chúa khỏi máu của kẻ bị giết. Xử tử kẻ sát nhơn là sự chuộc tội cho xứ (Dân số ký 35:33-34; Phục truyền luật lệ ký 21:8).
Ðể giữ năng lực của luật pháp, thì phải phạt nặng hay nhẹ tùy theo tội. Phạt tội ăn cắp xứng đáng không phải chỉ là bồi thường của đã lấy. Ấy vì ăn cắp là phạm luật pháp nên luật pháp đòi phải phạt.
II. Hình phạt trước cơn nước lụt.--
Thuyết lý thời thái cổ của sự hình phạt là sự đền bù xứng đáng: "huyết đền huyết". Về phần lịch sử, sau sự sa ngã, sự hình phạt tội lần đầu chép trong Kinh Thánh, là trên Ca-in, người sát nhơn thứ nhứt. Trong Sáng thế ký 4:23-24; Lê-méc chứng rằng sự hình phạt đó rất nên. Trong bài chúc phước Nô-ê, Ðức Chúa Trời phán người nào làm đổ máu người thì sẽ bị báo trả bởi tay người khác, dầu là thú vật làm đổ máu cũng vậy (Sáng thế ký 9:5-6).
III. Hình phạt theo luật pháp Môi-se.-
Ðến thời kỳ Môi-se, luật pháp nói rõ kẻ sát nhơn phải bị xử tử, dầu họ đã trốn gần sừng bàn thờ Chúa tại một thành ẩn náu. Một thú vật cũng đồng bị xử như vậy.
1. Theo luật Môi-se, những tội nầy đáng bị tử hình:
a) Ðánh hay mắng cha mẹ (Xuất Ê-díp-tô ký 21:15, 17);
b) Phạm đến danh Chúa (Lê-vi ký 24:14, 16, 23);
c) Phạm ngày Sa-bát (Dân số ký 15:32-36; Xuất Ê-díp-tô ký 31:14; 35:2);
d) Ðồng cốt, bói khoa hay nói tiên tri Chúa không bảo (Xuất Ê-díp-tô ký 22:18; Lê-vi ký 20:27; Phục truyền luật lệ ký 13:5; 18:20);
đ) Tội tà dâm (Lê-vi ký 20:10; Phục truyền luật lệ ký 22:22);
e) Không trinh chánh (Phục truyền luật lệ ký 22:21, 23; Lê-vi ký 21:9);
g) Hành hung (Phục truyền luật lệ ký 22:25);
h) Loạn luân hay nằm với thú (Lê-vi ký 20:11, 14, 16; Xuất Ê-díp-tô ký 22:19);
i) Bắt cóc (Xuất Ê-díp-tô ký 21:16; Phục truyền luật lệ ký 24:7);
k) Thờ hình tượng không cứ bằng cách nào (Lê-vi ký 20:2; Phục truyền luật lệ ký 13:6, 10, 15; 17:2, 7 xem Giô-suê 7: và 22:20 với Dân số ký 25:8);
1. Làm chứng dối (Phục truyền luật lệ ký 19:16, 19).
2. Có một số lớn tội khác, một phần chép trong biểu kê nầy, mà luật pháp định phạt tội nhơn đó "bị truất khỏi vòng dân sự" (Xuất Ê-díp-tô ký 12:15; 30:33, v.v...). Có tất cả 36 hay 37 lần chép trong Ngũ kinh Môi-se bị phạt như thế. Khó quyết định ý nghĩa đầu nhứt của sự "bị truất khỏi" là gì: nhưng có thể tin rằng ấy là một án tử hình không thể tha được, song có khi có án tử hình khác tha được:
a) Bởi người phạm lập tức chuộc tội;
b) Bởi Ðấng chí cao trực tiếp can thiệp, tức là án tử hình được "chép" song có khi không thi hành.
3. Hình phạt có hai cách: thứ nhứt, tử hình; thứ nhì phạt nhẹ hơn.
I. Tử hình.--
A. Về tử hình, luật pháp truyền như sau nầy:
a) Ném đá là cách thường (Xuất Ê-díp-tô ký 17:4; Lu-ca 20:6; Giăng 10:31; Công vụ các sứ đồ 14:5). Về tội thờ hình tượng, với mấy tội khác nữa, những người làm chứng, ít nhứt phải có hai người, buộc phải ném đá thứ nhứt (Phục truyền luật lệ ký 13:9; Công vụ các sứ đồ 7:58).
b) Treo trên trụ hình (Dân số ký 25:4; Phục truyền luật lệ ký 21:22; II Sa-mu-ên 21:6, 9).
c). Thiêu đốt là tử hình về tội không trinh chánh trước đời Môi-se (Sáng thế ký 38:24). Theo luật pháp là để hình phạt con gái của thầy tế lễ (Lê-vi ký 21:9).
d) Tử hình bởi gươm hay giáo (Xuất Ê-díp-tô ký 19:13; 32:27; Dân số ký 25:7); và nhiều lần xảy ra trong đời các vua và sau khi từ Ba-by-lôn về (I Các vua 2:25, 34; 19:1; II Sử ký 21:4, v.v...).
đ) Thắt cổ là tử hình rất thường và rất nhẹ tùy theo các thầy Rabbi, nghĩa là đem dầm tội nhơn vào trong đất sét hay bùn, lấy một khăn quấn quanh cổ và thắt chặt lại.
B. Ngoài ra tử hình thường, còn có tử hình khác nữa, từ ngoại quốc đem vào hoặc bất thường:
a) Ðóng đinh trên thập tự (xem bài đó).
b) Nhận chìm dưới nước là tử hình không phải theo luật pháp, song theo phong tục La-mã, mà giáo phụ Jérôme viết cũng thi hành giữa người Giu-đa.
c) Cưa xả làm đôi hay chà nát dưới gậy sắc (II Sa-mu-ên 12:31; có lẽ Châm Ngôn 20:26; Hê-bơ-rơ 11:37).
d) Giã trong cối hay đánh đòn đến chết, như nói đến trong Châm Ngôn 27:22, nhưng không phải theo luật.
đ) Xô ngã từ trên cao, như họ muốn xử với Chúa tại Na-xa-rét, và như đã làm về phần các phu tù từ Ê-đôm, và thánh Gia-cơ đã bị xô ngã từ "nóc" đền thờ. Các tội nhơn bị luật pháp xử tử thì bị chôn ngoài cửa thành, và người ta chất trên mộ người một đống đá (Giô-suê 7:25-26; II Sa-mu-ên 18:17; Giê-rê-mi 22:19).
II. Về hình phạt nhẹ.-- Giữa người Giu-đa điều cốt yếu vốn là:
a) Ðền bù, "mắt đền mắt", v.v... (Xuất Ê-díp-tô ký 21:24-25).
b) Bồi thường giống như trả lại, hay là tương tự; trả tiền vì đã làm mất thì giờ hay là quyền (Xuất Ê-díp-tô ký 21:18-36; Lê-vi ký 24:18-21; Phục truyền luật lệ ký 19:20). Tội nói vu phạm đến danh giá người vợ thì phải trả 100 siếc lơ cho cha mẹ, và tội nhơn bị đánh đòn (Phục truyền luật lệ ký 22:18-19).
c) Ðánh đòn, không quá 40 roi (Phục truyền luật lệ ký 25:3); bởi đó người Giu-đa cẩn thận không đánh quá số 39 (II Cô-rinh-tô 11:24).
d) Ðánh bằng chông gai chép trong Các quan xét 8:16; Cùm, chép trong Giê-rê-mi 20:2; chặt chơn tay (Các quan xét 1:6 xem II Sa-mu-ên 4:12); nhổ râu (Ê-sai 1:6); đời sau, bỏ tù, tịch thâu tài sản, hay là bị đày (E-xơ-ra 7:26; Giê-rê-mi 37:15; 38:6; Công vụ các sứ đồ 4:3; 5:18; 12:4).