Nói cách đúng, ấy là sự thờ một thần bởi một hình thấy được, bất cứ là hình để chỉ bóng Ðức Chúa Trời chơn thật, hay là các tà thần lập ra để thờ thay Ngài.
I. Lịch sử thờ hình tượng giữa dân Do-thái.--
Lần đầu tiên Kinh Thánh chép về sự thờ hình tượng hay tục lệ đó là khi Ra-chên ăn cắp tượng Thê-ra-phim của cha (Sáng thế ký 31:19), một chứng cớ về các tổ phụ Y-sơ-ra-ên "thuở xưa ở phía bên sông hầu việc các thần khác" (Giô-suê 24:2). La-ban nhờ các thần đó để đoán rõ ràng (Sáng thế ký 30:27), dầu không bỏ hẳn Ðức Chúa Trời của Áp-ra-ham và Na-cô mà mình cũng nhờ khi có cần (Sáng thế ký 31:53). Ấy là một đặc sắc về sự thờ hình tượng của Y-sơ-ra-ên, như dân Cút, ở Sa-ma-ri, vừa "kính sợ Ðức Giê-hô-va", vừa "dâng của lễ tại trong chùa miếu" (II Các vua 17:33). Như thế, họ lẫn lộn lòng tin đến Ðức Chúa Trời và sự tôn kính bề ngoài đối với các thần của các dân xung quanh.
Trong thời gian lâu kiều ngụ tại xứ Ai-cập, Y-sơ-ra-ên tự làm ô uế bởi các thần tượng trong xứ đó, khỏi lâu mới tẩy được vết dơ đó (Giô-suê 24:14; Ê-xê-chi-ên 20:7). Ðối với các thần tượng đó, Môi-se, sứ giả của Ðức Giê-hô-va, đến cấm thờ lạy, và có tai vạ giáng xuống trên xứ Ai-cập (Dân số ký 33:4). Thế mà, dân cứ nhớ những sự từng trải đó, nên khi Môi-se vắng mặt trên núi Si-na-i, họ cứ ước ao có một hình thấy được để thờ phượng Ðức Chúa Trời là Ðấng đã dắt đem họ ra khỏi xứ Ai-cập (Xuất Ê-díp-tô ký 32:). A-rôn nghe theo lời Y-sơ-ra-ên kêu xin, chọn hình một thần họ đã quen biết lâu: bò con. Người Ai-cập tin có thần Apis, chỉ về quyền sanh ra của cõi thiên nhiên, nhập vào hình bò con mình vậy.
Khi dựng Ðền tạm với những lễ nghi theo sau, thì Y-sơ-ra-ên được thỏa lòng về điều mình vẫn ước ao có sự tỏ ra bề ngoài của sự thờ phượng mình. Cho nên trong khi lưu lạc nơi đồng vắng, vì có nơi ngự của Ðức Giê-hô-va giữa mình, Y-sơ-ra-ên không dám bội đạo một cách tỏ tường nữa. Song chỉ trong khi phản đối với các dân tộc, Y-sơ-ra-ên dường như cứ giữ được đạo chánh. Vậy, trọn đời của Giô-suê và các trưởng lão kế tiếp, Y-sơ-ra-ên cứ trung tín với Chúa.
Nhưng đến đời sau, là đời không biết Chúa và công việc Ngài, Y-sơ-ra-ên xa cách đường các tổ phụ và sa vào bẫy của các dân ngoại bang (Các quan xét 2:). Từ đó trở đi, lịch sử Y-sơ-ra-ên chỉ là một chuỗi của những tội ác và hình phạt (Các quan xét 2:12, 14). Ðến lượt dân nào thắng Y-sơ-ra-ên, thì lập sự thờ thần tượng riêng mình trong xứ. Cho đến nay, sự thờ hình tượng là tội chung của dân sự.
Truyện về Mi-ca chép trong Các quan xét 17:; 18: giọi một tia sáng gớm ghiếc về việc giấu kín mà cá nhân hay làm, là người dầu không bỏ hẳn Chúa bế ngoài, nhưng bề trong không nhận biết Ðức Chúa Trời là Vua độc nhất (Các quan xét 17:6), nên lẫn lộn sự thờ phượng Ngài với sự thờ hình tượng. Ðời sau, người ta thờ hình tượng cách giấu kín càng nhiều hơn. Người ta đặt hình tượng trong các sân đạp lúa, hầm ép rượu, đàng sau cửa và trụ cửa (Ê-sai 57:8; Ô-sê 9:1-2).Khi trước, để ngăn ngừa sự khuynh hướng nầy, đã có lập luật trong Phục truyền luật lệ ký 27:15. Dưới đời Sa-mu-ên làm quan xét, có tổ chức một cuộc kiêng ăn và làm lễ tẩy uế, ấy để tỏ ra trước hội chúng dân sự bỏ hẳn sự thờ hình tượng (I Sa-mu-ên 7:3-6).
Nhưng trong đời vua Sa-lô-môn, dân sự quên hết. Mỗi cung phi ngoại bang mà Sa-lô-môn cưới cũng mang theo thần tượng của xứ mình. Các thần của Am-môn, Mô-áp và Si-đôn được thờ phượng cách tỏ tường. Rô-bô-am, con một đờn bà Am-môn, cứ phạm tội rất nặng về sự thờ hình tượng của Sa-lô-môn (I Các vua 14:22-24). Trong đời Rô-bô-am, có sự chia rẽ trong quốc giáo, vì Giê-rô-bô-am còn nhớ sự thờ thần tượng Apis tại xứ Ai-cập, lập những tượng bò con tại Bê-tên và Ðan; bởi chính sách quỉ quyệt đó thì chia rẽ hai xứ Giu-đa và Y-sơ-ra-ên mãi (I Các vua 12:26-33). Những người kế tiếp theo dấu chơn của Giê-rô-bô-am cho đến A-háp cưới một công chúa Si-đôn, bị người xui giục (I Các vua 21:25), xây cất một đền và bàn thờ cho thần Ba-anh, và lập lại sự gớm ghiếc của dân A-mô-rít (I Các vua 21:26). Về phần luân lý và tổ quốc, sự thờ hình bò con so với sự thờ hình Ba-anh là tội nhẹ (I Các vua 12:28; II Các vua 10:28-31). Từ đó trở đi sự thờ Ba-anh lan tràn khắp nước phía Bắc đến nỗi kể như là đường và luật lệ các vua Y-sơ-ra-ên (II Các vua 16:3; 17:8) để phân biệt với tội của Giê-rô-bô-am. Sự chinh phục mười chi phái bởi vua Sanh-ma-na-sa là cảnh tượng cuối cùng của tấn bi kịch về sự gớm ghiếc thờ hình tượng đã có trong Y-sơ-ra-ên trãi qua 250 năm.
Công việc đầu nhứt của Ê-xê-chia khi lên ngôi là tu bổ và dẹp sạch đền thờ đã bị bỏ qua trong phần chót của đời cha mình (II Sử ký 28:24; 29:3). Sự bài trừ hình tượng cũng lan tràn cả xứ Ép-ra-im và Ma-na-se (II Sử ký 31:1), và dường như bề ngoài sự thờ hình tượng hết rồi. Nhưng sự cải cách đó chỉ là nông nổi (Ê-sai 29:13). Khi vua Giô-si-a băng, thì sự cải cách để cho dân sự thờ phượng Chúa cách tinh sạch đó cũng hết. Vậy, ngọn đèn của Ða-vít, trải qua một thời gian chỉ chiếu sáng ít, tắt đi trong bóng tối của sự làm phu tù tại Ba-by-lôn.
Dầu Y-sơ-ra-ên gặp sự khó, nhưng không đủ sức để bỏ khuynh hướng thờ hình tượng khỏi lòng, nên khi từ Ba-by-lôn về, sự khó thứ nhứt mà E-xơ-ra phải chiến đấu là có nhiều người Giu-đa đã cưới vợ ngoại bang, và theo sự gớm ghiếc họ (E-xơ-ra 9:). Khi Alexandre chinh phục tại A-si, thì ảnh hưởng Hy-lạp tràn ra nhiều, trước hết sự thờ hình tượng của người Hy-lạp được phép trong xứ Giu-đa, sau dân sự cũng thờ lạy nữa. Song khi Antiochus Épiphane (174-164 T.C.) thử lập sự thờ hình tượng Hy-lạp tại đó thì bị Mattathias hết sức chống trả. Sau sự lập các nhà hội (synagogues) là có giữ tinh sạch sự thờ phượng của người Giu-đa sau khi bị phu tù, và còn cớ khác là vì người Giu-đa khi ở xứ Ba-tư rất ghét những hình tượng trong xứ đó.
II. Các vật dụng của sự thờ hình tượng.-- Trong tôn giáo cổ của dòng giống Sem (Sémitique), theo sự tương tự với loài người, thần cũng có giống đực và cái: một làm đại biểu cho cõi thiên nhiên chủ động, một làm đại biểu cho cõi thiên nhiên thụ động; trước là nguồn của sự sống thuộc linh, sau là nguồn của sự sống thuộc thể. Thời cổ, mặt trời và mặt trăng được chọn làm hình bóng của quyền phổ thông ấy, sự thờ các tinh tú chẳng những là cổ nhứt mà cũng là phổ thông. Sự thờ đó khởi từ đồng bằng xứ Canh-đê, truyền qua xứ Ai-cập, Hy-lạp, Sy-the và cũng qua Mễ-tây-cơ và Tích-lan nữa (so Phục truyền luật lệ ký 4:19; 17:13; Gióp 31:26-28).Có lẽ những người Y-sơ-ra-ên học bài đầu tiên về sự thờ mặt trời từ người Ai-cập, vì theo tôn giáo xứ đó, Osiris, là mặt trời, chiếm một địa vị quan hệ. Những người Phê-ni-xi cũng thờ mặt trời mà gọi là "Chúa của Trời". Người Am-môn lấy danh Mô-lóc và Minh-côm, và người Mô-áp lấy danh là Chemosh đặt cho mặt trời mà thờ. Người Sy-ri cũng lấy danh Ha-đát mà thờ. Thần Bel hay là Belus của người A-sy-ri cũng là một cách khác để gọi Ba-anh. Các vua sau cùng của dân Giu-đa giống như người Ba-tư, cũng dâng những ngựa và xe cộ cho thần mặt trời (II Các vua 23:11). Mặt trăng, người Phê-ni-xi thờ lạy gọi là thần Át-tạt-tê hay Baaltis, đại biểu của quyền cõi thiên nhiên thụ động, như Ba-anh là đại biểu của quyền cõi thiên nhiên chủ động thì người Hê-bơ-rơ gọi là Ách-ta-rốt cũng là nữ thần của người Si-đôn. Sự thờ hình tượng đó sớm có giữa vòng các hình tượng của dân Y-sơ-ra-ên.
Trong thời kỳ các vua sau, những hành tinh hay mười hai cung Hoàng đạo, sau mặt trời và mặt trăng, cũng giữ phần trong sự thờ lạy của dân sự (II Các vua 23:5). Sự thờ thú vật, như Giê-rô-bô-am thờ bò con vàng, đã có nói ở trên. Dầu A-cha-xia cầu thần Ba-anh-Xê-bụt, thần con ruồi của Éc-rôn (II Các vua 1:3), đời người ta cũng thờ con rắn bằng đồng (II Các vua 18:4), nhưng không có bằng cớ chắc chắn người Y-sơ-ra-ên có dự phần về sự thờ thần Ða-gôn, thần cá của người Phi-li-tin. Về sự thờ những người anh hùng không có di tích gì giữa dòng dõi Sem. Sự thờ các cây cối có giữa người Hê-bơ-rơ. Cây thông tại Mam-rê, dưới gốc Áp-ra-ham lập một bàn thờ (Sáng thế ký 12:7; 13:18), cây me của Áp-ra-ham trồng tại Bê-e-sê-ba (Sáng thế ký 21:33), cũng có liên lạc mật thiết với sự thờ lạy của các tổ phụ. Những núi và các nơi cao được chọn để dâng của lễ và xông hương cho các thần tượng (I Các vua 11:7; 14:23); những vườn và những rừng rậm cũng kéo đông người đến thờ lạy (II Các vua 16:4; Ê-sai 1:29; Ô-sê 4:13). Cơ binh trên trời cũng được thờ trên các nóc nhà (II Các vua 23:12; Giê-rê-mi 19:13; 32:29; Sô-phô-ni 1:5).
II. Sự hình phạt tội thờ hình tượng.--
Nếu một mục đích của Hê-bơ-rơ mà dạy dỗ sự hiệp nhất của Ðức Chúa Trời, thì cũng cần phải trừ diệt sự thờ hình tượng. Giê-hô-va Ðức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, là Quốc trưởng, Ngài là Chúa kiêm chức Vua của dân sự đó, đã giải cứu họ khỏi sự tôi mọi, nên họ đã tình nguyện thề trung tín với Ngài. Vì cớ đó, sự thờ hình tượng là một tội đối với quốc gia (I Sa-mu-ên 15:23) là một tội ác nặng nhứt đối với chính trị và vua. Sự thờ hình tượng của các dân ngoại chỉ kể là sự gớm ghiếc trước mặt Ðức Chúa Trời cần phải báo trả, nhưng tội đó của người Y-sơ-ra-ên kể là càng trọng hơn và phạm tới luân lý nữa. Ấy vì theo ngôn ngữ bóng của các tiên tri, sự thông công giữa Chúa và dân Ngài như một dây hôn nhơn ràng buộc (Ê-sai 54:5; Giê-rê-mi 3:14); vậy sự thờ những tà thần (Lê-vi ký 20:26) trở nên tội lớn nhứt trong xã hội (Ô-sê 2:; Giê-rê-mi 3:; v.v...). Ðiều răn thứ nhứt và thứ hai ban ra để chống trả với sự thờ hình tượng bất cứ cách nào. "Kẻ nào tế các thần khác hơn một mình Ðức Chúa Trời sẽ bị tiêu diệt" (Xuất Ê-díp-tô ký 22:20); người thân thiết nhứt không những phải tố cáo mà phải mang tội nhơn đến để bị hình phạt (Phục truyền luật lệ ký 13:2-10). Ít nhứt phải có hai người làm chứng, những người đó phải ném đá trước hết (Phục truyền luật lệ ký 17:2-5). Thử cám dỗ một người nào phạm tội đó cũng bị hình phạt như vậy (Phục truyền luật lệ ký 13:6-10).
IV. Sự thờ hình tượng trong đời Tân Ước.--
Trong thời nầy, cần phải khuyên bảo những tín đồ Hội Thánh ăn ở giữa người ngoại đạo nên cẩn thận khỏi dự phần về sự thờ hình tượng. Vậy, Công giáo hội nghị tại Giê-ru-sa-lem khuyên tín đồ không nên ăn thịt cúng thần tượng (Công vụ các sứ đồ 15:29). Phao-lô cũng khuyên như thế, song giải nghĩa rằng làm vậy để khỏi gây nên sự vấp phạm cho tín đồ yếu đuối (I Cô-rinh-tô 8:4-13). Khi tín đồ vào nhà nào, người ta dọn thịt cho ăn có lẽ đã cúng thần tượng, thì đừng hỏi gì vì cớ lương tâm; song nếu co ai cho biết thịt đó đã cúng thần tượng thì tốt hơn là không ăn. Về thức ăn mua ở chợ đem về nhà thì cũng theo luật đó (I Cô-rinh-tô 10:18-33).