Hòa-thuận. Réconciliation.

        


      Người ta vì theo xác thịt, làm mọi điều dữ, lìa xa Ðức Chúa Trời, trở nên thù nghịch cùng Ngài (Cô-lô-se 1:21; Rô-ma 5:10; 8:7). Vậy trong các thơ tín, Phao-lô khuyên người ta nên hòa thuận lại với Chúa (Ê-phê-sô 2:16; Cô-lô-se 1:20-22).
       Trong Rô-ma 5:10-11 nên chú ý: "được hòa thuận với Ngài" đó thật đúng ý nghĩa là Ðức Chúa Trời hòa thuận với chúng ta, vì thấy tín đồ tin Con Một Ngài đền tội trên cây thập tự cho mình, thì Ngài bỏ qua cơn thạnh nộ của Ngài. Cũng như trong I Sa-mu-ên 29:4, người Phi-li-tin nói về Ða-vít rằng: "Hắn làm thế nào cho được hòa thuận cùng chủ mình? (Sau-lơ)". Không phải sự thạnh nộ của Ða-vít, sau là sự thạnh nộ của Sau-lơ nghịch cùng Ða-vít. Vậy, ý nghĩa là người Phi-li-tin sợ Ða-vít dùng dịp tiện đó để đẹp lòng Sau-lơ hầu người bỏ sự thạnh nộ nghịch cùng mình. Ma-thi-ơ 5:24 "Giảng hòa với anh em" thật đúng ý là: mua chuộc lòng anh em để anh em đó nguôi giận mà hòa với mình. Cũng vậy, Ðức Chúa Trời "đã làm cho chúng ta nhờ Ðấng Christ mà được hòa thuận lại với Ngài" (II Cô-rinh-tô 5:18-19), tức là Ngài bồi bổ chúng ta bằng ơn Ngài, vì của lễ chuộc tội của Chúa Jêsus đã làm phu phỉ sự công nghĩa thay cho chúng ta.
       Theo luật pháp, địa vị tín đồ khác với trước, vốn có tội thì tín đồ ở dưới sự thạnh nộ của Ðức Chúa Trời, nhưng nhờ của lễ chuộc tội của Ðấng Christ, thì Ðức Chúa Trời bỏ sự thạnh nộ đó mà làm hòa với tín đồ. Nên chú ý, chớ không phải của lễ đó thay đổi bổn tánh Ðức Chúa Trời và khiến Ngài yêu người. Của lễ đó là bởi Ðức Chúa Trời do lòng yêu thương đã sắm sẵn (Rô-ma 8:32); chớ không phải là duyên cớ của sự yêu thương đó. Huyết của Ðấng Christ là giá chuộc tội mà chính Ðức Chúa Trời đã trả để cho sự thương xót và sự công bình Ngài hòa hiệp nhau. Như thế, hai đặc sắc của Ðấng chẳng hề thay đổi đó vẫn còn lại đời đời. Ðức Chúa Trời đã lập Chúa Jêsus Christ "làm của lễ chuộc tội", như II Cô-rinh-tô 5:19 cắt nghĩa: "Chẳng kể tội lỗi cho loài người ", bởi thế làm thỏa sự công bình Ngài và sự ghen ghét công bình nghịch cùng tội lỗi nữa (Rô-ma 3:24-26; Thi Thiên 7:11; Ê-sai 12:1).
       Ðức Chúa Trời khi sai Con Một Ngài giáng thế chuộc tội đã đi bước thứ nhứt để lập sự hòa thuận. Bấy giờ, loài người phải đi bước thứ nhì. Loài người, không phải là Chúa, phải từ bỏ sự phản nghịch cùng Chúa để được hòa thuận với Ngài (Rô-ma 5:10-11). Khi Phao-lô khuyên người: "Hãy hòa thuận lại với Ðức Chúa Trời" (II Cô-rinh-tô 5:20), có ý là người phải nhận lấy sự hòa thuận bởi Ðức Chúa Jêsus mà Ðức Chúa Trời đã sắm sẵn rồi; như Hê-bơ-rơ 2:17 chép rằng: Chúa Jêsus đã "trở nên thầy tế lễ thượng phẩm..." "để đền tội cho chúng dân". Vậy của lễ chuộc tội Ðấng Christ thật từ lòng yêu thương của Ðức Chúa Trời mà ra. Bởi đó, tội nhơn có thể cầu rằng: "Lạy Ðức Chúa Trời xin thương xót lấy tôi" (nguyên văn: Hastheti, xin thi ân cho tôi được hòa với, (so Hê-bơ-rơ 9:5; Rô-ma 3:25). Ha-lê-lu-gia! Chúa Jêsus Ðấng vô tội (I Phi-e-rơ 2:22-23) đã làm sạch sự gian ác cho mọi người (Ða-ni-ên 9:24; Thi Thiên 32:1).
       Béveridge luận: "Loài người chịu đau đớn được, song không thể làm thỏa nguyện; Ðức Chúa Trời có thể làm thỏa nguyện, song không chịu đau đớn được, Ðấng Christ vì vừa là Ðức Chúa Trời vừa là người, chịu đau đớn được cũng có thể làm thỏa nguyện được. Vậy, Ðấng Christ đã chịu đau đớn cho loài người và làm thỏa nguyện cho Ðức Chúa Trời. Ấy vì Ðấng Christ đã mặc lấy bổn tánh tội lỗi của tôi trên Ngài, bởi đó làm thỏa sự công bình Chúa về tội lỗi, cho nên tôi được ơn hòa với Chúa là Ðấng Chí cao".

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.