Hoàng đế Néron.

      


      Tân Ước không chép tên Néron song Sê-sa mà Phao-lô muốn kêu tức là Néron (Công vụ các sứ đồ 25:11; 28:19). Tại nhà Néron cũng có môn đồ Ðấng Christ (Phi-líp 4:22). Dường như chính Néron thân hành nghe xử vụ Phao-lô. Các tín đồ Ðấng Christ coi Néron là Antichrist theo lịch sử. Bossuet coi con thú thứ nhứt trong Khải Huyền 13: là La-mã và "một cái trong các cái đầu bị thương đến chết" là Néron. Có người nói Khải Huyền 17:10 nói về Néron; người thì nói con thú màu đỏ sặm là chính thể La-mã hay chính Néron, hoặc con số 666 (Khải Huyền 13:18) theo lối tính bằng tiếng Hê-bơ-rơ là ngang với Néron Kasar. Ðời sau đó, có người tin Antichrist hai lần chỗi dậy: một cho người Do-thái, còn một đối với dân ngoại là Néron.
       Néron sanh năm 37 S.C., cha mẹ đều là con nhà gia thế, song tánh nết hư xấu, nên có giống ác truyền lại cho con. Néron được Claude nhận làm con nuôi năm 50 S.C.. Mẹ Néron là Agrippine lấy sắc quyến rũ chú mình là Claude lập một chương trình hầu cho con mình được tôn làm hoàng đế. Khi Claude bị đánh thuốc độc chết, Néron cai trị 5 năm đầu rất tốt, vì có hai thầy giáo tốt rèn cặp là nhà triết học Senèque và Burros. Hai người nầy đã sắp đặt mọi việc, sửa đổi mặt xã hội, luật pháp và tài chánh, v.v.. Về sau, thấy Néron hướng về điều dữ, hai thầy giáo từ giã mà đi; Néron bèn tha hồ rông rỡ, không kiêng nễ gì, chẳng điều ác nào Néron không làm. Vì sợ Britannicus, con dòng chính của Claude được tôn lên, Néron lập mưu, khi Britannicus đang uống rượu nóng trong một bữa tiệc thì Néron pha nước lạnh có bỏ thuốc độc. Sau khi Néron say mê nàng Sabina, vợ bạn mình là Otho, vu oan cho mẹ gây ra nạn đắm tàu, truyền Agrippine phải thắt cổ tự tử. Sabina cũng bắt Senèque dời khỏi triều, cả người vợ trước của Néron là Octavia, con gái Claude nữa. Néron ly dị Octavia vì cớ son sẻ, cưới Sabina làm hoàng hậu. Octavia bị đày và sau bị chém đầu mang về cho Sabina; sau trong một cơn điên cuồng, Néron đã giết Sabina nữa.
       Tánh nết Néron rất hư xấu, có sở thích ủy mị như đờn bà, nhứt là lối rẽ tóc và tiếng nói kiêu hãnh; lỗi lớn nhứt của Néron là hay khoe khoang khác thường. Néron vốn là người hiếu sắc, buông tuồng thái quá, lại phạm tội dâm dục với người nam. Néron ưa sự xa xỉ, yếu hèn, nhát sợ nhứt là khi gần chết. Thân hình không cân đối, chơn khẳng khiu, bụng lớn; mấy năm sau Néron đầy mụn nhọt.
       Ðến năm 64 S.C., tại Circus Maximus, trong thành La-mã thình lình bốc lửa cháy, thiêu đốt đằng đẵng 6 ngày trời. Sau đó lại có một cơn hỏa tai tại đầu khác của thành bốc lên. Néron lúc đó ở Antium, người ta nói Néron kéo nhị không lo gì, nhưng sau trở về thành và mở cửa vườn cho những kẻ không nhà trú ẩn. Dân chúng tức tối, thiếu điều sanh ra biến loạn! Bởi ai nấy đều ngờ vụ cháy đó là do Néron gây nên. Néron thường phàn nàn thành La-mã xấu, và muốn có dịp tiện xây cất lại, Néron cốt thiêu đi để có chỗ xây "Tòa nhà Vàng" nguy nga của mình. Khi nghe người ta đọc câu văn Hy-lạp "Khi ta chết, xin đất nầy bị lửa cuốn lấy," thì Néron ngắt lời "đang khi ta còn sống nữa." Dầu vậy, Néron lại xoay vu cáo cho Hội Thánh nhúng tay vào việc đó! Néron cũng nói các thần giận dữ nên muốn làm cho các thần nguôi cơn thạnh nộ phải hình phạt những kẻ đáng gớm ghiếc gọi là tín đồ Ðấng Christ.
       Cho đến lúc nầy, chính phủ La-mã vẫn thỏa thuận với đạo Ðấng Christ vì đạo chưa trổi lên để khiến dân tình bối rối, hoặc người La-mã lẫn lộn đạo Ðấng Christ với Do-thái giáo. Phao-lô đạt thơ cho các tín đồ tại Kinh thành (Rô-ma 13:1) nói "mọi người phải vâng phục các đấng cầm quyền trên mình," rất trọng chính thể La-mã coi là quyền lực tốt lành trong xã hội, bởi khi Phao-lô bị giam lỏng cũng vẫn tiến hành việc truyền đạo. Song chẳng bao lâu có lẽ vì cớ cuộc xử án Phao-lô (63 S.C.) làm cho người Do-thái giáo thêm lòng ghen ghét, hoặc vì số người theo đạo Ðấng Christ rất đông thành một đoàn thể chống với tinh thần La-mã, dường như có sự nguy hiểm. Lại thêm nàng Sabina có nhập Do-thái giáo, rất có ảnh hưởng trên Néron, hết lòng bênh vực người Do-thái. Khi dân sự tìm các người thiêu đốt thành để báo thù, thì người Do-thái rất vui nhơn dịp tiện đặt những tín đồ Ðấng Christ ra trước, và Sabina thêm sự xui giục Néron nữa. Thành thử Hội Thánh gặp nạn bắt bớ rất thảm: có kẻ bị cuốn vào da thú rừng cho chó xé, kẻ thì bị đóng đinh trên thập tự, kẻ bị đốt làm đuốc chiếu sáng ban đêm, v.v., những cảnh khốn khổ đó chẳng ích gì cho dân sự, chỉ làm thỏa lòng độc dữ của Néron. Cơn bắt bớ nầy chỉ nguyên ở thành La-mã trong thời gian ngắn vào năm 68 S.C..
       Bấy giờ, vì đạo Ðấng Christ lìa khỏi Do-thái giáo thì đối với chính phủ La-mã trở nên một cấm giáo (religio illicita). Hết thảy các tội ác đều đổ cho các tín giáo, nói tóm một lời "bị cả loài người ghét bỏ." Dầu không bị dân sự quyết lòng đổ cho tội thiêu đốt thành, song vì cớ những hành vi có vẻ độc nhứt, các tín đồ rút mình khỏi những phận sự trong đế quốc và những điều bại hoại luân lý, ấy làm cho tín đồ dưới mắt người La-mã trở nên kẻ thù nghịch. Vậy, đạo Ðấng Christ trở nên một tội ác và bị những nhà cầm quyền bài trừ từ đó.
       Năm 65 S.C., quốc hội đã nghị quyết kép Néron vào tội đáng bị lấy roi đánh chết. Chưa tới kỳ hành hình, một người an ủi hỏi Néron trong khi bối rối, lời của Virgile: "Như vậy, chết có khốn nạn không?" Néron không đủ can đảm tự tử hoặc tìm một người đâm mình, thì nói: "Ta há không có bạn hoặc kẻ thù hay sao?" Néron sửa soạn tự tử song rất hèn nhát, nói: "Tội nghiệp thay! một nghệ sĩ tài giỏi như ta phải chết thế!" Néron để kề gươm vào cuống họng và Epaphrodites, thơ ký Néron, đâm người chết. Một thầy đội chạy lại làm bộ tiếp cứu, song lời cuối cùng của Néron là: "Chậm quá, nầy là trung tín." Néron hưởng thọ 31 tuổi, trị vì 14 năm, chết năm 68 S.C.. Sử ký chép "Néron là người thứ nhứt giết các tín đồ Ðấng Christ tại La-mã, và ra lịnh hầu cho khắp các tỉnh La-mã đều bắt bớ tín giáo như thế."

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.