Trong Xuất Ê-díp-tô Ký 25:-27:; và 30:-31: có chép về việc dựng Ðền tạm cũng gọi là Hội mạc. Chúa truyền bảo Môi-se dựng Ðền tạm nên theo kiểu mẫu Ngài đã chỉ cho ở trên núi (Xuất Ê-díp-tô Ký 25:8,9,40). Môi-se vâng lịnh làm theo (Xuất Ê-díp-tô Ký 35:-40:), và cắt cử người hầu việc (Dân-số Ký 3:25; 4:4; 7:1-9). Ðền tạm, xưng là hội mạc vì là nơi Chúa ngự xuống, hội họp và nói chuyện cùng Môi-se (Dân-số Ký 7:89).
Gần đây, có nhà phê bình nói rằng sự tích Ðền tạm thứ hai không phải Môi-se vâng mạng làm ra, song do người đời sau phỏng theo sách Ê-xê-chi-ên 40:-48: nói về Ðền tạm là nơi Chúa ngự mà biên tập ra đó (Ê-xê-chi-ên 37:27). Xét: phái thần học bây giờ luận rằng Chúa là Ðấng thánh vượt quá sự tưởng tượng của nhơn dân, song chưa có ai đến cùng Ngài được. Vậy, muốn giao tiếp cùng Chúa, người ta phải nhờ hai cách: một là đền thờ (Ê-xê-chi-ên 40:), hai là hội mạc (Xuất Ê-díp-tô Ký 25:). Cái ý dựng hội mạc là sửa soạn nơi để Chúa ngự ở thế gian khiến Chúa chí thánh ngự ở giữa vòng dân thánh sạch. Chúa phán: "Họ sẽ làm cho ta một đền thánh, và ta sẽ ở giữa họ" (Xuất Ê-díp-tô Ký 25:8).
I. Luận về thể chế hội mạc.--
Trại ngủ của chi phái Hê-bơ-rơ và của thầy tế lễ Lê-vi đều chia thành từng thứ, nên hội mạc cũng chia làm ba lớp, tức là hành lang hội mạc, nơi thánh, và nơi chí thánh. Từ ngoài đến trong chia làm từng bậc thánh sạch.
a) Hành lang hội mạc.-- (Xuất Ê-díp-tô Ký 27:9-19). Hành lang xung quanh hội mạc có hình chữ nhật, dài 100 thước (độ 50 thước Pháp), ngang 50 thước (độ 25 thước Pháp), bố vi cao 5 thước (độ 2 thước rưỡi Pháp). Cửa hành lang hướng về phía Ðông, trên có bức màn thêu hoa. Bốn bề hành lang vây màn vải gai mịn. Có 60 cây trụ và các lỗ trụ bằng đồng; đinh và nuông trụ đều bằng bạc.
b) Bàn thờ trong hành lang (Xuất Ê-díp-tô Ký 27:1-8) hoặc gọi là bàn thờ bằng đồng (Xuất Ê-díp-tô Ký 38:30), hoặc gọi là bàn thờ của lễ thiêu (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:28). Làm bằng gỗ Si-tim, hình vuông, ngoài bọc đồng. Kiểu làm theo đúng như Chúa đã chỉ cho.
c) Thùng bằng đồng để ở giữa khoảng bàn thờ và hội mạc (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:17- 21). Thùng nầy chứa nước để thầy tế lễ rửa mình, làm bằng cái gương đồng do mấy người đờn bà trước hầu việc nơi cửa hội mạc dâng cho (Xuất Ê-díp-tô Ký 38:8).
II. Luận về cách tổ chức hội mạc.-- Hội mạc là màn trại có thể dời đi, và là chỗ Ðấng Chí tôn trên trời ngự xuống mà Kinh Thánh gọi là Ðền tạm. Cách tổ chức như vầy:
a) Ðồ rất cần yếu là cái màn thêu. Chúa phán dựng đền tạm nên làm mười bức màn (Xuất Ê-díp-tô Ký 26:1) bằng vải gai mịn, chỉ tím, đỏ điều và đỏ sặm. Màn đó là chỗ ở của Ðức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên ngự xuống thế gian. Trên màn có thêu hình Chê-ru-bin để tỏ ra là chỗ ở của Chúa.
b) Ngoài màn thêu, có ba lớp màn che (Xuất Ê-díp-tô Ký 26:7-14). Cũng do Chúa truyền làm. Lớp màn thứ nhứt bằng lông dê dùng làm bong che trên đền tạm. Lớp màn thứ hai bằng da chiên đực nhuộm đỏ. Lớp màn thứ ba bằng da cá nược ở Biển Ðỏ.
c) Ván vách Ðền tạm (Xuất Ê-díp-tô Ký 26:15-30). Từ câu 15-17 đoạn sách nầy có những chữ chuyên môn đến nay khó biết đích được ý nghĩa. Dịch là ván có người tưởng dịch đúng hơn là cột. Vì trong hội mạc có cột, mỗi cột đều bọc vàng. Ba mặt Nam, Tây, Bắc có cột, hình vuông, đứng thành hàng. Mặt Ðông không cột. Ðầu cột phủ màn thêu, làm nơi Chúa ngự. Chẳng những trên chót màn có thêu hình Chê-ru-bin , mà cả hai bên cạnh cũng có nữa.
d) Màn trong (Xuất Ê-díp-tô Ký 26:31-35). Hội mạc chia làm hai gian, cũng dùng bức màn thêu bằng vải gai mịn, chỉ ba sắc để ngăn cách ra. Gian lớn ngoài màn gọi là nơi thánh, Gian nhỏ trong màn gọi là nơi chí thánh. Nơi chí thánh làm thành hình vuông, tức là triều yết Ðấng Chí tôn vậy.
đ) Bức màn của hội mạc (Xuất Ê-díp-tô Ký 26:36). Dệt bằng chỉ năm màu, màm nầy cốt để ngăn cách trong ngoài, nhưng không kỹ bằng màn trong. Ðó tỏ ra không phải là đồ bày ở nơi Chúa ngự.
III. Luận về đồ dùng ở Ðền tạm.--
a) Bàn để bánh trần thiết (Xuất Ê-díp-tô Ký 25:23-30; 37:10-16). Bàn nầy đóng bằng gỗ Si-tim, bọc vàng ròng, để ở phía Bắc nơi thánh, trên bàn bày dĩa, chén, ly và chậu bằng vàng ròng, chậu để đựng bánh trần thiết, dĩa để đựng nhủ hương (Lê-vi Ký 24:7), chén và ly đều để đựng rượu.
b) Chơn đèn (Xuất Ê-díp-tô Ký 25:31-40; 37:17-24). Làm bằng vàng ròng, chơn đèn đặt ở phía Nam nơi thánh, đối ngang với cái bàn (Xuất Ê-díp-tô Ký 26:35; 40:24). Cái bầu và cái hoa của đèn cũng đều làm bằng vàng giát.
c) Bàn thờ xông hương (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:1-10; 37:25-28). Ðóng bằng gỗ Si-tim bọc vàng, bàn thờ xông hương nầy đặt trước bức màn trong nơi thánh. Sớm hôm, xông hương ở trên bàn thờ (Xuất Ê-díp-tô Ký 40:26,27).
IV. Luận về đồ dùng ở nơi chí thánh.-- Trong nơi chí thánh có hai món đồ gồm lại làm một, nhưng mỗi món đồ dùng một khác, tức là hòm bảng chứng và nắp thi ân (Xuất Ê-díp-tô Ký 25:10-22; 37:1-9).
a) Hòm bảng chứng lại gọi là hòm giao ước, vì trong có chứa bảng luật pháp của Chúa, tỏ ra dấu hiệu Chúa lập giao ước với dân Ngài (Xuất Ê-díp-tô Ký 25:16; 31:18; Dân-số Ký 14:44). Lại vì hòm bảng chứng để ở hội mạc, nên cũng kêu hội mạc là đền tạm chứng cớ (Xuất Ê-díp-tô Ký 38:21; Dân-số Ký 9:15).
b) Nắp thi ân, lại có tên khác là nắp chuộc tội (propitiation). Làm bằng vàng ròng, để ở trên hòm giao ước; hai đầu nắp đều có hình chê-ru-bin phủ cách đối nhau và cúi nhìn xuống, giữa khoảng hai chê-ru-bin tức là nơi Chúa ngự xuống phán cùng Môi-se. Như trên đã luận về nội dung hội mạc, từ hành lang vào nơi chí thánh, cứ một tầng lại thánh sạch hơn tầng đã qua. Chỗ đặt hòm giao ước là nơi trọng yếu hơn hết, chỉ thầy tế lễ thượng phẩm mới vào được. Vả, một năm chỉ có một lần rảy huyết trên nắp chuộc tội (Lê-vi Ký 16:14; Hê-bơ-rơ 9:7).
V. Luận về ban đầu và cuối cùng hội mạc.-- Ngày mồng một tháng giêng, năm thứ II sau khi ra khỏi xứ Ai-cập (theo Ussher 1.490 năm T.C.), đến Si-na-i, Môi-se vâng lời Chúa dựng hội mạc (Xuất Ê-díp-tô Ký 40:1-11,17; Dân-số Ký 7:) và làm lễ khánh thành. Trong 40 năm, dân Y-sơ-ra-ên lưu lạc trong đồng vắng (chắc hơn 37 năm ở quanh Ca-đe), thì đi đâu cũng mang hội mạc theo. Ban ngày có trụ mây, ban đêm có trụ lửa ở trên hội mạc tỏ ra có sự hiện diện Chúa. Hội mạc bao giờ cũng để chính giữa trại quân, có trại của các thầy tế lễ và của người Lê-vi sắp đặt có thứ tự ở xung quanh, cách xa hơn cũng có trại của các chi phái khác chia làm bốn khu lớn. Vì cớ sự ghen tương giữa các chi phái, nên khi tới xứ Ca-na-an, thì trước hết đặt hội mạc tại Ghinh-ganh (Giô-suê 4:19; 10:43); sau thì dựng ở Si-lô, trải qua lâu năm (Giô-suê 18:1; I Sa-mu-ên 1:3). Vì cớ bị người Phi-li-tin cướp lấy hòm giao ước thì hội mạc mất vinh quang và giá trị (Thi-thiên 78:60). Trong đời Sau-lơ, hội mạc đặt tại Nóp (so I Sa-mu-ên 21:1 với Mác 2:26). Phần lớn trong đời trị vì của Ða-vít, và đến lúc Sa-lô-môn xây cất đền thờ, hội mạc vẫn ở nơi cao tại Ga-ba-ôn (I Sử ký 21:29). Khi Ða-vít thỉnh hòm giao ước về thì để trong nhà A-mi-na-đáp, sau dời đến nhà Ô-bết-Ê-đôm (II Sa-mu-ên 6:1-17; I Sử ký 13:; 15:). Coi I Sử ký 21:29 thì biết hòm giao ước lìa hội mạc lâu ngày rồi. Hội mạc vẫn ở Ga-ba-ôn, còn hòm giao ước thì ở trong hội mạc mà Ða-vít dựng tại Si-ôn (II Sử ký 1:3,4,13; 5:2,5).
Vậy trong Cựu Ước, có chép về ba hội mạc thánh: hội mạc có trước khi Môi-se theo mạng lịnh Chúa; hai là hội mạc Môi-se làm ở Si-na-i theo kiểu Chúa chỉ cho trên núi, ba là hội mạc Ða-vít dựng cho hòm giao ước tại Giê-ru-sa-lem, còn hội mạc cũ vẫn ở Ga-ba-ôn.
Khi Sa-lô-môn xây đền thờ tại Giê-ru-sa-lem thì theo kiểu hội mạc, song kích thước thì to gấp hai. Rồi vua lấy hội mạc ở Ga-ba-ôn với các khí dụng thánh đem lên Giê-ru-sa-lem để ở trong đền thờ, ấy dường như giữ làm kỷ niệm thánh (I Các-vua 8:3,4). Vậy, sau hơn 200 năm không còn hội mạc nữa.
VI. Nghĩa bóng về hội mạc.-- Dầu hội mạc có trước để làm mẫu cho các đền thờ, song thật ra, chỉ có cái màn còn lại trong các đền đó. Nhưng Tân Ước lấy hội mạc hơn là đền thờ để làm nền của nhiều sự dạy dỗ. Như trong thơ Hê-bơ-rơ chép trong đoạn 9: và 10: về hội mạc hơn là về đền thờ theo sau.
Nói cách chung, hội mạc là hình bóng về nơi ngự của Ðức Chúa Trời giữa dân Ngài (Xuất Ê-díp-tô Ký 25:8 so I Các-vua 8:27), là một ý tưởng bởi các hình ảnh càng ngày càng hoàn toàn hơn, đến nỗi được trọn vẹn trong Ngôi Lời thành nhục thể "Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa (Hy-lạp: làm đền tạm giữa) chúng ta" (Giăng 1:14; so II Cô-rinh-tô 5:1), tức là nói chung cả Hội Thánh (II Cô-rinh-tô 6:16), hay riêng cá nhơn tín đồ (I Cô-rinh-tô 6:19), cuối cùng trong sự vinh hiển đời đời (Khải-huyền 2:13). Nói đúng hơn trong thơ Hê-bơ-rơ, đền tạm với nơi thánh và nơi chí thánh chỉ về phạm vi hoạt động của chức vụ Ðấng Christ ở dưới đất và ở trên trời. Cựu Ước chỉ là bóng của thể chất đời đời, là sự chỉ định tôn chỉ chân chính (Hê-bơ-rơ 8:5; 10:1). Ðấng Christ hành chức vụ trong đền tạm bởi Chúa dựng lên, không phải bởi một người nào (Hê-bơ-rơ 8:2). Ngài là thầy tế lễ thượng phẩm của "đền tạm lớn hơn và trọn vẹn hơn" (Hê-bơ-rơ 9:11). "Ðấng Christ chẳng phải vào nơi thánh bởi tay người ta làm ra, theo kiểu mẫu nơi thánh thật, bèn là chính trong trời, để bây giờ chúng ta hiện ra trước mặt Ðức Chúa Trời" (Hê-bơ-rơ 9:24).
Ai cũng phải công nhận dầu Phao-lô không chép rõ về ý bóng của hội mạc, song có chép về "(thùng) rửa về sự lai sanh" (Tít 3:5), và về Ðấng Christ, là "Ðấng vì chúng ta phó chính mình Ngài cho Ðức Chúa Trời làm của dâng và của tế lễ, như một thức hương có mùi thơm" (Ê-phê-sô 5:2). Các tác giả ba sách Tin lành tham hợp nói về cái màn xé hai ra từ trên chí dưới (Ma-thi-ơ 27:51; Mác 15:38; Lu-ca 23:45), tỏ ra ý bóng đó đã cảm động mình nhiều và bởi đó Chúa làm chứng về việc khác thường đó. Con đường vào nơi chí thánh, như tác giả thơ Hê-bơ-rơ chép, nay đã được tỏ ra (Hê-bơ-rơ 9:8; 10:19,20).
Hội mạc bày tỏ sự mầu nhiệm độc nhứt của Chúa, dựng ở giữa trại Y-sơ-ra-ên bày tỏ Chúa đã lập giao ước với dân đó và dân đó coi Chúa là trung tâm trong tôn giáo vậy. Hội mạc và đồ dùng làm theo thước tất định sẵn, đều có ý sâu xa ở đó. Nơi chí thánh làm hình vuông, dựng ngay thẳng, bề dài, bề rộng, bề cao đều bằng nhau. Ðó tỏ ra Chúa là Ðấng trọn vẹn, ngay thẳng. Khải-huyền 21:16 chép về thành Giê-ru-sa-lem mới cũng ý đó. Còn cái lẽ hội mạc dựng ở trong trại tỏ ra sự thanh sạch của Chúa là thể nào thì chẳng ai lường biết được cả.