Nguyên văn chữ "Hội Thánh" bằng tiếng Hy-lạp: Kuriakos, nghĩa là của hay thuộc về Chúa, và từ chữ đó có chữ Ekklésia dùng ở trong Tân Ước. Suốt cả thế giới Hy-lạp đến đời Tân Ước (so Công-vụ các Sứ-đồ 19:32,39), Ekklésia chỉ về hội đồng công dân trong thành tự do thường nhóm, khi có sứ giả "kêu gọi ra" để bàn định việc công Hy-lạp: Ek, ra ngoài, và (Kaléin, được gọi). Vậy, Ekklésia sớm trở nên một tiếng của tín đồ Ðấng Christ. Người dịch bản Septante đã dịch tiếng Hê-bơ-rơ Kahal trong Cựu Ước (hội chúng hay hội dân) ra tiếng Hy-lạp là Ekklésia. Theo ý đó, trong Tân Ước Ê-tiên mô tả Môi-se "là người trong dân hội (Ekklésia) tại nơi đồng vắng" (Công-vụ các Sứ-đồ 7:38; cũng xem Hê-bơ-rơ 2:12). Chữ Hội Thánh như có chép trong Ma-thi-ơ 18:17, đại khái chỉ về công hội người Hy-lạp, chớ không phải chỉ về Hội Thánh Ðấng Christ.
Theo Ma-thi-ơ 16:18, chính Chúa Jêsus khi chúc phước cho Phi-e-rơ tại thành Sê-sa-rê Phi-líp, đã dùng chữ Ekklésia đầu nhứt để chỉ về hội tín đồ Ðấng Christ. Sau khi Chúa Jêsus lên trời, môn đồ nhóm họp ở thành Giê-ru-sa-lem, lựa chọn Sứ đồ để bổ vào chỗ khuyết của Giu-đa (Công-vụ các Sứ-đồ 1:15). Ngày Lễ Ngũ Tuần, Ðức Thánh Linh giáng xuống trên các môn đồ đang nhóm họp tại một nơi, ai cũng được đầy dẫy Ðức Thánh Linh, và Phi-e-rơ giảng đạo, có độ 3.000 người thêm vào Hội Thánh (Công-vụ các Sứ-đồ 2:1-41). Sau đó, các người tin theo nhóm lại, ngày ngày bẻ bánh cầu nguyện, làm thành cái phép tắc liên lạc hiệp một, mỗi ngày Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội Thánh (Công-vụ các Sứ-đồ 2:42-47). Mãi đến sau khi vợ chồng A-na-nia qua đời môn đồ mới bắt đầu gọi là Hội Thánh (Công-vụ các Sứ-đồ 5:11). Về sau, Tin lành truyền đến các nơi khác, môn đồ cũng kêu như vậy (Công-vụ các Sứ-đồ 9:31;13:1; 14:23; 15:41; 16:5; 20:17).
Môn đồ ở thành Giê-ru-sa-lem thì xưng ngay là Hội Thánh ở thành Giê-ru-sa-lem (Công-vụ các Sứ-đồ 8:1). Thế rồi môn đồ ở xứ nào cũng kêu theo tên xứ đó (I Tê-sa-lô-ni-ca 1:1; Cô-lô-se 4:16, v.v.). Còn có lối Hội Thánh nhóm ở nhà môn đồ nữa (Rô-ma 16:5; I Cô-rinh-tô 16:19). Hội Thánh Giê-ru-sa-lem có Sứ đồ nghỉ chơn, nên có thế lực hơn Hội Thánh khác. Gia-cơ, Phi-e-rơ và Giăng được xưng là cột trụ của Hội Thánh (Ga-la-ti 2:9). Hễ Hội Thánh khác có vấn đề gì khó giải quyết, thì tới nơi họ để nhờ phân xử cho (Công-vụ các Sứ-đồ 15:22-29). Ðến năm 71 S.C., thành Giê-ru-sa-lem bị diệt, Hội Thánh đó cũng liền tiêu tan!
Tân Ước có vài chỗ nói Hội Thánh và nước thiên đàng hiệp một mà không chia. Lại có vài chỗ nói Hội Thánh ở thế gian còn kém xa sự tốt đẹp của nước thiên đàng. Nhưng, nên chia Hội Thánh làm hai phương diện: Hội Thánh địa phương và Hội Thánh vô hình. Hội Thánh địa phương là Hội Thánh ở khắp thế gian (Cô-lô-se 1:24; I Ti-mô-thê 3:5,15); tựu trung có nhiều giáo hữu đáng chỉ trích. Hội Thánh vô hình là Hội Thánh không vết, không nhăn...thánh sạch không chỗ trách được ở trước mặt Ngài (Ê-phê-sô 5:27), được chép tên vào sách Ðức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 12:23). Hội Thánh nầy sẽ xét đoán thế gian (I Cô-rinh-tô 6:2).
Vậy, có thể quyết định rằng: Hội Thánh là một đoàn thể tín đồ hiệp một bởi Ðức Thánh Linh, có đức tin chung, sự yêu thương chung và hy vọng chung, mà Ðấng Christ làm đầu (I Cô-rinh-tô 12:). Về Hội Thánh vô hình, Tân Ước chép: là "nhà của Ðức Chúa Trời" (Ma-thi-ơ 16:18; I Cô-rinh-tô 3:10-15; Ê-phê-sô 2:19-22); là thân thể của Ðấng Christ mà chính Chúa làm đầu (Rô-ma 12:5; I Cô-rinh-tô 6:15; 12:12; Ê-phê-sô 1:23, v.v.); là vợ mới (Ê-phê-sô 5:25,32; Khải-huyền 19:7); là nhà thuộc linh được xây bằng những đá sống (Ê-phê-sô 2:22; I Cô-rinh-tô 3:16; I Phi-e-rơ 2:5).
I. Chế độ Hội Thánh.--
Ðời các Sứ đồ, chế độ Hội Thánh không định rõ; chỉ có quyền của Sứ đồ là lớn hơn hết. Ngoài người có chức phận ra, còn có các thứ ơn của Ðức Thánh Linh ban cho (I Cô-rinh-tô 12:4-11). Về sau, Hội Thánh mở mang, các nơi có nhà hội, lựa chọn cắt đặt người có chức phận bây giờ mới có chế độ đặt ra chấp sự, trưởng lão và Giám mục, v.v.. Song trong Tân Ước không đặt rõ điều lệ lặt vặt về việc cai trị Hội Thánh thế nào. Duy Phao-lô có hai lần nói đến các yếu nhơn đứng đầu Hội Thánh, nghiễm nhiên như cái biểu trật tự vậy: một lần ở I Cô-rinh-tô 12:28; một lần ở Ê-phê-sô 4:11.
Xem xét hai cái biểu đó, thì biết người có quyền thứ nhứt phải là Sứ đồ. Nên chú ý, số Sứ đồ Ðấng Christ vẫn là 12, vì chức phận Sứ đồ đó không phải do người phong cho được đâu, song phải do Chúa kêu gọi cách đặc biệt (Ga-la-ti 1:1; Ê-phê-sô 4:11; I Cô-rinh-tô 12:28) và phải là người chính mắt thấy Chúa sống lại (Công-vụ các Sứ-đồ 1:22). Song, chữ Sứ đồ cũng có một ý rộng hơn chỉ về những người Hội Thánh cử đi, như nói về Phao-lô và Ba-na-ba (Công-vụ các Sứ-đồ 14:14), Gia-cơ, anh em Chúa (Ga-la-ti 1:19), An-trô-ni-cơ và Giu-ni-a (Rô-ma 16:7), cũng xem (II Cô-rinh-tô 8:23 và Phi-líp 2:25). Vậy, nên Sứ đồ không thể thường nhóm lại một chỗ, song đi lưu hành các nước, chia đường giảng đạo, như Phi-e-rơ, Giăng, Gia-cơ thì đi Giu-đa truyền đạo; Phao-lô, Ba-na-ba thì đến cùng dân ngoại bang, và cũng trông coi Hội Thánh các nơi nữa.
Thứ nhì đến người làm tiên tri. Nhờ Ðức Thánh Linh soi sáng, tiên tri khuyên răn người, yên ủi tín đồ, làm nền tảng của Hội Thánh (Ê-phê-sô 2:20; 3:5), song không có quyền cai quản Hội Thánh. Chức phận tiên tri nầy, đờn bà cũng có thể làm được (I Cô-rinh-tô 11:5; Công-vụ các Sứ-đồ 21:9).
Trong hai biểu trật tự kể trên, Phao-lô không hề nói đến những chức Giám mục, trưởng lão và chấp sự. Nhưng Tân Ước có vài chỗ nói đến (Công-vụ các Sứ-đồ 6:3-6; 11:30; 14:23; 15:6,22; 20:17; 21:19; Gia-cơ 5:14; I Phi-e-rơ 5:1; Rô-ma 16:1; Phi-líp 1:1). Phao-lô luận về tư cách người làm giám mục, chấp sự và trưởng lão phải nên thế nào (I Ti-mô-thê 3:4,6; 5:17; Tít 1:5,7).
Chế độ Hội Thánh có ba yếu tố lớn:
1. Chấp sự.-- Bảy người mà các Sứ đồ lựa cử đó (Công-vụ các Sứ-đồ 6:) tức nay gọi là chấp sự. Bảy người đó chuyên giữ việc chu cấp cho những người nghèo nàn, góa bụa. Năm 63 S.C. Hội Thánh Phi-líp đã có hai chức giám mục và chấp sự rồi.
2. Trưởng lão.-- Thành Giê-ru-sa-lem vốn có trưởng lão. Năm 44 S.C., các trưởng lão đã thâu nhận số tiền do Phao-lô và Ba-na-ba quyên được. Về sau, đại hội nhóm lại, cũng có trưởng lão đến dự (Công-vụ các Sứ-đồ 11:30; 15:6). Phao-lô lập trưởng lão trong các Hội Thánh (Tít 1:5).
3. Giám mục.-- Theo nguyên văn, giám mục (Épiskopos) và trưởng lão (Presbuteros) vốn là hai chữ. Trong Tân Ước, hai chữ đó là ngang nhau, như trưởng lão Ê-phê-sô cũng được kêu là "kẻ coi sóc" (Công-vụ các Sứ-đồ 20:28) tức là giám mục vậy. Ti- mô-thê lập giám mục cùng chấp sự; Tít đặt trưởng lão và chấp sự Phao-lô bảo Tít về tư cách trưởng lão nên thế nào; lại bảo Ti-mô-thê về tư cách giám mục nữa. Ðối với hai chức đó, Phao-lô không phân biệt chi.
II. Hội Thánh hiệp một.--
Tân Ước có hai chỗ nói đến danh từ "hiệp một": "gìn giữ sự hiệp một của Ðức Thánh Linh" (Ê-phê-sô 4:3); "chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin" (Ê-phê-sô 4:13). Còn nói Hội Thánh hiệp một thì có nhiều chỗ. Nầy, Hội Thánh là thân thể Ðấng Christ nên hiệp một mà không nên chia rẽ. Xưa, Hội Thánh Cô-rinh-tô có sự tranh giành, Phao-lô gởi thơ quở trách họ (I Cô-rinh-tô 1:10; 11:18; 12:25). Song chỉ thấy nói Hội Thánh có sự tranh giành, chớ chưa thấy nói chia ra làm nhiều Hội Thánh như hội Trưởng lão, hội Báp-têm, hội Giám lý ngày nay đâu.
1. Sự dạy dỗ của Ðấng Christ.--
a) Luận về gương sáng của Ðấng Christ.-- Ngài thường quở trách sự hủ bại của giáo hội Giu-đa. Nhưng Ngài vẫn dặn môn đồ cứ ở với Hội Thánh, cẩn thận giữ theo đạo Ngài (Ma-thi-ơ 23:3): gặp ngày Sa bát thì thân đến nhà hội thờ phượng Chúa, gặp ngày lễ trọng thể thì hãy giữ với mọi người.
b) Luận về sự dạy dỗ của Ðấng Christ.-- Ngài dựng Hội Thánh Ngài ở trên thế gian để làm đại biểu cho nước thiên đàng (Ma-thi-ơ 16:18,19). Nước Ðức Chúa Trời là một, nên Hội Thánh cũng phải là một. Người Hội Thánh đã hiệp một với Ðấng Christ, thì cũng phải hiệp một với nhau. Vì đã là một người chăn, thì tất thành một bầy và thuộc về một chuồng (Giăng 10:16). Còn có nhiều thí dụ để bày tỏ ý hiệp một, nào xây nên trên một hòn đá (Ma-thi-ơ 16:18), nào một vườn nho (Ma-thi-ơ 20:1-16), nào cái lưới (Ma-thi-ơ 13:47,48), nào đoàn đón chàng rể (Ma-thi-ơ 25:1-13), nào mời khách đến dự một tiệc (Lu-ca 14:15-24), nào mất một trong một trăm con chiên hay mất một trong mười đồng bạc thì cũng cố tìm (Lu-ca 15:4-8). Ðại loại những thí dụ như vậy đều có ý đó cả. Hội Thánh đã ở giữa Chúa Cha và Chúa Con, cố nhiên nên hiệp một. Ðấng Christ cầu xin Cha khiến Hội Thánh hiệp một: đó là sự cầu xin đặc biệt của Ngài. Người ta thấy vẻ môn đồ hiệp một thì ắt sanh lòng tin mà trở lại cùng Chúa (Giăng 17:11, 21-23). Nếu chỉ chuộng sự hiệp một về hình thức, thì cũng không được hoàn toàn.
2. Sự dạy dỗ của Sứ đồ.--
Xưa môn đồ đồng lòng hiệp lại một nơi Ðức Thánh Linh giáng xuống, nên mọi người tin Chúa đều hội hiệp lại, một lòng, một chí góp của và đồ vật để dùng chung (Công-vụ các Sứ-đồ 2:1,44; 4:32). Cái ý chứa trong các thơ tín là thánh đồ vì Ðức Chúa Trời mà gây dựng một Hội Thánh (Rô-ma 1:7; I Phi-e-rơ 1:1). Trong một tỉnh dầu có nhiều Hội Thánh, nhưng vẫn thuộc về một Hội Thánh như xứ Ga-la-ti có nhiều Hội Thánh (Ga-la-ti 1:2), xứ A-si có bảy Hội Thánh (Khải-huyền 1:4), nhưng đều hiệp một cả. Phao-lô nói: "Vì chỉ có một cái bánh, chúng ta dầu nhiều, cũng chỉ một thân thể; bởi chưng chúng ta đều có phần chung trong một cái bánh" (I Cô-rinh-tô 10:17). Nầy, tín đồ đã chịu lễ báp-têm cùng một Thánh Linh, thì thảy đều phải là một Hội Thánh (I Cô-rinh-tô 12:4-27). Môn đồ nên ràng buộc nhau bằng dây hòa bình, chăm giữ sự hiệp một của Ðức Thánh Linh (Ê-phê-sô 4:3-6). Chúng ta cùng một đức tin đó, nhận biết Con Ðức Chúa Trời, được thành người là toàn nhờ sự liên lạc của Ðấng Christ lần lần lớn lên và gây dựng trong sự yêu thương (Ê-phê-sô 4:13-16). Ðầu của thân thể đó là Ðấng Christ (Cô-lô-se 1:18,24; 2:19). Dân ngoại bang nhờ Tin lành được cùng làm một thể với người Giu-đa (Ê-phê-sô 3:6). Phàm người chịu lễ báp-têm đếu mặc lấy Ðấng Christ. Không cứ hạng người nào, ở trong Ðấng Christ, đều là một cả (Ga-la-ti 3:27,28). Chúa ban cho người ta được đồng lòng ở với nhau theo Chúa Jêsus Christ để anh em lấy một lòng, một miệng mà ngợi khen Ðức Chúa Trời (Rô-ma 15:5,6). Hội Thánh quyết không nên mượn danh người ta mà chia phe đảng. Nếu như vậy là bắt chước lối làm của thế gian (I Cô-rinh-tô 1:13; 3:3,4). Phải nên tránh xa kẻ gây hiềm khích (Rô-ma 16:17). Sau khi đã khuyên bảo kẻ gây bè đảng một hai lần rồi, thì nên lánh họ đi (Tít 3:10). Tin lành Ðấng Christ là khiến môn đồ nên đồng một lòng đứng vững đồng tâm chiến đấu vì đạo Ngài (Phi-líp 1:27). Phàm các môn đồ nên đồng một lòng yêu thương, đồng một ý nghĩ chớ gây phe đảng, chớ tìm sự vẻ vang hư ảo, phải có một tâm tình như Ðấng Christ (Phi-líp 2:2-5). Ðây trở lên là lời dạy dỗ của Phao-lô, Phi-e-rơ thì nói Hội Thánh cũng như một nhà, Hội Thánh là một thầy tế lễ thánh, là nước nên thánh, là dân được lựa cách đặc biệt (I Phi-e-rơ 2:5,9). Giăng cũng nói: "Chúng tôi lấy điều đã thấy, đã nghe mà truyền cho anh em, hầu cho anh em cũng được giao thông với chúng tôi. Vả, chúng tôi vẫn được giao thông với Chúa Cha, và với Con Ngài là Chúa Jêsus Christ" (I Giăng 1:3). Lại nói về sự môn đồ hiệp một: "Chớ yêu mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật" (I Giăng 3:18). Trong sách Khải-huyền có nói về khuyết điểm của bảy Hội Thánh xứ A-si, nhưng chỉ khuyên các giáo hữu nên giữ lấy đạo thật thôi, chớ không nói sẽ lập một Hội Thánh khác (Khải-huyền 2:24,25).
Xem suốt Tân Ước, luận về Hội Thánh hiệp một, có thể chia làm ba ý:
a) Sự hiệp một về phần cội gốc. Nghĩa là Hội Thánh là toàn thể người được sanh lại, được lập nên bởi ý chỉ Chúa. ví bằng chia rẽ nhau thì không phải là ý Ngài.
b) Sự hiệp một về mặt ngoài. Hội Thánh đã có sự sống của Chúa ở trong, ví như một thân thể, một linh hồn, nên cũng hiệp làm một vậy.
c) Sự hiệp một bằng cách đồng lòng và đồng một đức tin. Về việc nhỏ nhặt, dầu tin tưởng có khi khác nhau, nhưng đối với việc trọng yếu thì ai nấy cũng tin như một cả. Trong Hội Thánh ngày nay ví bằng có sự rối loạn cũng không nên bảo là lỗi của Hội Thánh đó, rồi lại lập Hội Thánh khác để gây mối tranh luận. Vì nguyên nhơn rối loạn đó, cả Hội Thánh cũ và Hội Thánh mới lập sau đều phải chịu trách nhiệm hết. Ðối với những người đã lập Hội Thánh mới đó nay đã qua đời rồi, ta không cần nói đến nữa, song chỉ hết lòng mong cho mọi Hội Thánh lại thực hành được sự hiệp một để khôi phục lấy cái vẻ tốt đẹp của buổi ban đầu.
III. Hội Thánh tự lập, tự trị--
1. Sự tự lập, tự trị của Giáo hội đời Cựu Ước. Từ khi Giáo hội Giu-đa tổ chức lập lên, hễ ai là người Giu-đa đều là giáo hữu cả. Sự chi dùng trong Hội đó cũng nhiều lắm, như cung cấp cho các thầy tế lễ và người Lê-vi, ngày ngày dâng chiên bò làm của lễ trong Ðền thờ, và phí tổn về việc dựng hội mạc ở đồng vắng (Xuất Ê-díp-tô Ký 35:; 36:) đều do nhơn dân quyên nộp cả. Ngoài đó ra còn cung cấp cho các tiên tri, cứu giúp mọi người nghèo khó, dâng trái đầu mùa và nộp một phần mười nữa (Lê-vi Ký 27:30-33; Dân-số Ký 18:21-24; Phục-truyền Luật-lệ Ký 14:22-29). Vì các giáo hữu bấy giờ cho Hội Thánh là có quan hệ mật thiết với mình, nên Hội Thánh mới tự trị, tự lập được.
2. Sự tự trị, tự lập của Hội Thánh đời Tân Ước. Sau ngày Lễ Ngũ Tuần, Hội Thánh còn chưa tổ chức, của cải, đồ vật đều dùng chung cả, chớ không phân biệt của ai (Công-vụ các Sứ-đồ 4:32). Nhưng Chúa Jêsus có phán về cách dùng chung không thể giữ được thường mãi: "Người làm công đáng được tiền lương mình" (Lu-ca 10:7). Lời đó tức là chỉ về Hội Thánh đời sau tự mình nên cung cấp sự tiêu dùng cho người truyền đạo. Phao-lô đi giảng đạo, dầu vẫn may trại để nuôi mình, song có nói: "Ai rao giảng Tin lành thì được nuôi mình bởi Tin lành" (I Cô-rinh-tô 9:14). Lại nói: "Kẻ nào mà người ta dạy đạo cho, phải lấy trong hết thảy của cải mình mà chia cho người dạy đó" (Ga-la-ti 6:6).
Vậy, người làm giáo hữu nên quyên tiền giúp mục sư tiêu dùng và các món chi phí nầy khác. Phao-lô khuyên giáo hữu thành Cô-rinh-tô: "Cứ ngày đầu tuần lễ, mỗi một người trong anh em khá tùy sức mình chắc lót được bao nhiêu thì để dành tại nhà mình, hầu cho khỏi đợi khi tôi đến rồi mới góp" (I Cô-rinh-tô 16:2). Vả, ngoài sự cung cấp cho mục sư tiêu dùng ra, người tín đồ Ðấng Christ cũng nên cứu giúp kẻ nghèo khó (Rô-ma 15:26; Ga-la-ti 2:10), thương xót người côi cút, góa bụa (Công-vụ các Sứ-đồ 6:1; I Ti-mô-thê 5:16). Cứ xét Tân Ước thì biết Hội Thánh bấy giờ dầu không được đông giáo hữu và còn nghèo về tài chánh, song cũng tự lập được cả, chớ không cần nhờ hội khác giúp đỡ.
III. Ðuổi khỏi Hội Thánh.--
Trong Cựu Ước, việc nầy thực hành sớm hơn hết, là ở vào đời E-xơ-ra (E-xơ-ra 10:8). Vì phần nhiều người Do-thái trở về nước cũ đều cưới con gái ngoại bang làm vợ. E-xơ-ra buộc phải ra lịnh bắt họ ly dị, hễ ai không tuân theo thì liền truất ra khỏi hội chúng. Trong đời Chúa Jêsus, người Do-thái đã có sự đuổi khỏi nhà hội rồi.
Trong sách Tin lành, có vài chỗ chép đến việc đó, như Giăng 9:22; 12:42; 16:2; Lu-ca 6:22. Chúa cũng thường luận về việc ấy (Ma-thi-ơ 18:15-17). Phao-lô nói anh em nào phạm tội thì nên phó cho quỉ Sa-tan. Thế không phải muốn tuyệt diệt họ đâu, song thực muốn họ hối cải mà cứu lấy linh hồn họ (I Cô-rinh-tô 5:5). Chính ông đã giao hai người thất tín cho quỉ Sa-tan (I Ti-mô-thê 1:20). Ông lại nói ở II Tê-sa-lô-ni-ca 3:14,15 rằng: "Ví bằng có ai không tuân theo lời chúng tôi nói trong thơ nầy, thì hãy ghi lấy, chớ giao thông với họ, hầu cho họ nhơn đó biết xấu hổ". Cũng giống ý đó (II Giăng 10), Giăng có quở trách một người lên mình bậy bạ, đuổi ra khỏi Hội Thánh người muốn tiếp rước anh em (III Giăng 9,10).