Hồn. Âme.

        



      Theo người Hy-lạp xưa, hồn là phần rất cao thượng của người, và nhứt là nơi suy nghĩ. Dầu không hiệp với ý nghĩa cốt yếu của Kinh Thánh, song đã cảm động tư tưởng đời sau. Triết lý hiện nay thường dùng "hồn" như là một chữ cốt để bày tỏ sự duy nhứt và sự tổng kết của cả sự cảm biết trong người. Ấy cũng quá ý nghĩa đúng của Kinh Thánh. Ý thường dân về hồn là phần tử Chúa ban cho người, hay là cơ quan của sự sống đạo đức. Dầu một phần đúng, song ấy không đầy đủ như Tân Ước dạy. Vì cớ tưởng những ý kể trên là do Kinh Thánh, tín đồ hay có ý lẫn lộn về hồn.
       Tín đồ hãy nhớ chữ cũng có lịch sử như cá nhơn và dân tộc, nên phải cẩn thận về ý đúng của hồn kẻo bị sai lầm không hiệp với Chúa dạy. Hồn tiếng Hê-bơ-rơ là néphesh dùng trong Cựu Ước, ý chánh là "vật gì có hơi thở". Trong thế kỷ III T.C., khi dịch bản Septante từ tiếng Hê-bơ-rơ, thì lấy chữ Hy-lạp "psyché" làm chữ đồng nghĩa với néphesh. Người chép Tân Ước cũng dùng "psyché" để bày tỏ ý của nephesh trong Cựu Ước. Song khi suy xét chữ "psyché" dịch trong Tân Ước, thì thấy chữ dầu khác song ý hòa hiệp nhau; cũng như khi dịch "psyché" ra tiếng khác, có khi dùng "sự sống" hay là "hồn". Ấy vậy, vì cớ có hơn hai ý đó nên chẳng những cần nghiên cứu những câu dùng "hồn", mà cả những câu có "psyché" dịch ra nữa. Khi phân tách những khúc đó, thấy có bốn ý khác nhau mở mang cả ý về hồn: hồn là sự sống nhập vào thân thể người, là nơi cảm giác và ước ao, là bản ngã, là phần thuộc linh của người.
       I. Hồn là sự sống.--
       Trong Cựu Ước, ý cốt yếu nầy bày tỏ rõ lắm. Chúa "lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi, thì người trở nên một loài sanh linh" (Sáng-thế Ký 2:7). Trong Sáng-thế Ký 1:30, "phàm giống nào có sự sống" có thể dịch "sự sống" là "sanh linh". Chữ nephesh đó cũng dịch "sự sống" của súc vật (Châm-ngôn 12:10), và "mạng" của người (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:23). Song đến đời Tân Ước, vì đạo Ðấng Christ đến để làm trọn, nên dùng đến chữ đó (psyché) trong từ vựng giàu hơn và thuộc linh hơn của mình, chắc chữ đó đã mất một vài ý không hay trước.
       Vậy, ý cốt yếu trong nhiều câu Tân Ước là hồn chỉ về sự sống của động vật, hay là sự sống của bổn tánh xác thịt người. Ấy là sự sống như hiện nay có trong thân thể người. Bởi thế, "psyché" đã dịch "sự sống" trong Ma-thi-ơ 2:20 (theo nguyên văn), Ma-thi-ơ 6:25; 20:28; Mác 10:45. Song trong Mác 3:4, Lu-ca 6:9 chỉ có ý là sự sống. Chúa Jêsus "phó sự sống" tức là "chết" có chép trong Giăng 10:11,15,17, và cũng có "liều sự sống" (Giăng 13:37,38), "vì bạn mà phó sự sống" (Giăng 15:13); "liều thân" (Công-vụ các Sứ-đồ 15:26); "chẳng kể sự sống làm quí" (Công-vụ các Sứ-đồ 20:24). "Psyché" tức linh hồn còn ở trong người (Công-vụ các Sứ-đồ 20:10); cũng dịch là "thần" (Công-vụ các Sứ-đồ 27:10) và "ai" nữa (Công-vụ các Sứ-đồ 27:22). Ekpsychein trong Công-vụ các Sứ-đồ 5:10 dịch là tắt hơi, nghĩa đúng là "sự sống lìa khỏi xác". Cũng xem Công-vụ các Sứ-đồ 12:23 và bỏ sự sống" (I Giăng 3:16). Ngoài Khải-huyền 8:9; 12:11; 16:3, trong cả Tân Ước không có chỗ nào dùng "psyché" để chỉ về sự sống của thú vật, dầu Cựu Ước có chép nhiều. Phao-lô chỉ dùng 13 lần để chỉ về "hồn", song phần nhiều chỉ về sự sống (Rô-ma 16:4; Phi-líp 2:30; so I Cô-rinh-tô 14:7).
       Ấy đủ tỏ ra Tân Ước coi "hồn" như là "sự sống". Ngoài sách Khải-huyền, ấy chỉ về sự sống người, chớ không phải sự sống thú vật. Cũng không bao giờ chỉ về Chúa hay là thiên sứ. Vậy, "psyché" theo ý thứ nhứt nầy sát nghĩa là "sự sống người".
       II. Hồn là nơi cảm giác và ước ao.--
       Theo ý thứ nhì nầy, hồn là sự sống biết ước ao, đồng lòng và cảm tình. Cựu Ước tỏ ra ý về hồn như thế vì chép có: đói (Châm-ngôn 10:3), khát (Châm-ngôn 25:25), với những cảm tình cao thượng hơn nữa. Trong Tân Ước, ý chỉ về cảm tình dùng nhiều hơn như Ma-thi-ơ 22:37 chép về hồn. Hồn là nơi "đẹp lòng" (Ma-thi-ơ 12:18), "buồn bực" (Ma-thi-ơ 26:28; Mác 14:34; Lu-ca 2:35), "kính sợ" (Công-vụ các Sứ-đồ 2:43), "chịu tin" (Công-vụ các Sứ-đồ 14:2), "mơ ước" (Khải-huyền 18:14). Về ý xấu, hồn là nơi có thể bị xui giục (Công-vụ các Sứ-đồ 14:2), bởi điều xác thịt ưa thích (I Phi-e-rơ 2:11), và bị dỗ dành bởi tội lỗi (II Phi-e-rơ 2:14). Bác sĩ Charles nói: "vì những ý xấu về hồn đó thì tiếng định nghĩa "psychikos" (chỉ về bổn tánh xác thịt, tức charnel) cũng có ý xấu" (Gia-cơ 3:15; Giu-đe 19). Thỉnh thoảng Phao-lô cũng nói về hồn là nơi cảm tình, bản quốc ngữ dịch là "l?òng" (Ê-phê-sô 6:6; Phi-líp 1:27; Cô-lô-se 3:23), và dịch là "sự sống" (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:8).
       Ấy đủ tỏ ra người chép Tân Ước coi hồn là nơi cảm tình hoặc tốt, hoặc xấu của người mà Phao-lô gọi là "thể huyết khí" (có bổn tánh và đặc sắc của loài động vật cũng chỉ chung về người nữa, xem Sáng-thế Ký 2:7. Song hồn hiệp với linh (esprit) có thể tới bực rất cao trong sự sốt sắng về đạo Chúa, cũng như trong bài ca của Ma-ri (Lu-ca 1:46,47). Trái lại, có thể có lửa cháy hừng của "sự ghen tương cay đắng" (Gia-cơ 3:14), miễn là không có Ðức Thánh Linh ngăn trở (Giu-đe 19). "Psyché", tức là tâm thần, Chúa Jêsus "bối rối" vì cớ sự buồn thảm (Giăng 12:27); hồn tín đồ ở Giê-ru-sa-lem và Phi-líp đầy sự bình an và yêu thương (Giăng 14:27; Phi-líp 4:7). Trong hồn người từng trải mọi cảm giác luôn với cả hàng cảm tình. Nói về nhạc sĩ có hồn là ý đó. Nói về "hồn" của một nước tức là chỉ về cảm giác và tình cảm chiếm phần hơn cả nước. Ấy là ý của Kinh Thánh về hồn vậy. Triết lý Hy-lạp cũng thế, nhưng Platon coi chỉ là nơi hèn hạ vì ham muốn và đa cảm. Thật ngoài sự cảm động của Ðức Thánh Linh, Kinh Thánh cũng gọi vậy. Ðối với triết lý, ý quan hệ về hồn là ở giữa các tình cảm người có sự cảm giác về "bản ngã".
       III. Hồn là bản ngã.--
       Do ý hồn là sự sống và nơi cảm giác. Tân, Cựu Ước bày tỏ hồn cũng chỉ về bản ngã, tức là "tôi" (chính mình người); ấy là một lối tỏ ra nhơn cách của người. Thứ nhứt, vì tin sự sống ở mỗi linh hồn là bởi Ðức Thánh Linh của Ðấng Tạo hóa hà hơi vào, nên người ta tưởng hồn là đời sống của bản ngã. Bởi thế, chẳng những phân biệt người với những loài bất động, song cũng phân biệt một người với các người khác. Sau Kinh Thánh dần dần coi hồn như là bản ngã, và nói "hồn" người chỉ về chính người có sự sống. Thứ nhì, bởi sự ham muốn, cảm giác và tình cảm trong người, thì người nhận biết mình đang sống. Bởi thế, người bắt đầu lấy chữ "hồn" để tỏ ý sơ lược về nhân cách người. Vậy, hồn gồm lại hai ý "sống" và "cảm biết", nên trong nhiều câu Kinh Thánh, hồn chỉ về một người sống, riêng, tự biết, có nhơn cách. Trong Tân Ước có ý nầy, vì khi so lời Chúa phán, thấy Ma-thi-ơ 16:26 và Mác 8:36 có chép "linh hồn", nhưng Lu-ca 9:25 có chép "chính mình". Vậy, mất hồn là mất chính mình. "Linh hồn ơi" (Lu-ca 12:19) chỉ về chính mình. "Chúng tôi" (Giăng 10:24) theo nguyên văn là hồn chúng ta. "Ba ngàn người" (Công-vụ các Sứ-đồ 2:41) theo nguyên văn là ba ngàn hồn. "Hễ ai" (Công-vụ các Sứ-đồ 3:23) là mỗi hồn; "tám người" (I Phi-e-rơ 3:20) là tám mạng sống. "Linh hồn người ta" (Khải-huyền 18:13) là mạng sống.
       Phao-lô cũng dùng chữ "hồn" có ý đó nữa, như trong Rô-ma 2:9; 13:1 "mọi người" tức là mọi hồn. Cũng xem II Cô-rinh-tô 1:23 so với II Cô-rinh-tô 12:15, thì thấy linh hồn bằng nhau với người. Bác sĩ Hort viết: từ ý về hồn trong Sáng-thế Ký 1:20; 2:7 mở mang đến nỗi có khi có thể nói mình thay vì hồn, thì ý nghĩa càng rõ hơn...Hồn như nơi trung tâm, vì bởi đó mọi sự về người hiệp làm một, là những sự về bản ngã của người vẫn còn lại. Như Ðấng Christ tỏ ra sự cao thượng của người là nhơn cách, thì hồn trong Tân Ước bày tỏ hồn trong người có thể lên bực cao thượng hơn trong đời thuộc linh.
       IV. Hồn là phần thuộc linh của người.--
       Ba ý về hồn kể trên, dọn đường cho ý càng cao thượng hơn nữa. Phần hèn hạ của người thường ham muốn và tư dục, song phần cao thượng là thuộc linh và không hề chết. Vì muốn người lo về sự cứu hồn mình, nên Chúa Jêsus thường khuyên phải nhờ Ngài mà khỏi phần hèn hạ để cho phần cao thượng dấy lên. Vậy Chúa bảo: "ai muốn cứu sự sống (psyché:hồn) mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mà mất sự sống (hồn) thì sẽ được lại. Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình thì có ích gì? Vậy thì người lấy chi mà đổi linh hồn mình lại" (Ma-thi-ơ 16:25,26; Mác 8:35-37; Lu-ca 9:24,25). Khi Chúa phán xong Ma-thi-ơ 11:29; "linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ", thì không nói đến về phần xác song về phần hồn. Chúa lại chứng rằng hồn là phần thuộc linh không hề chết của người, khi trong Ma-thi-ơ 10:28 so sánh sự sống với thân thể: "Ðừng sợ kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn". Trái lại, người nào tưởng có thể nhờ ăn uống mà vui vẻ để cho hồn được no nê thật dại biết bao! Nếu không lo đến phần cao thượng của hồn mình, người đó phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa (Lu-ca 12:19).
       Xem Công-vụ các Sứ-đồ 14:22 ("vững lòng": -- hồn); Công-vụ các Sứ-đồ 15:24 ("biến loạn lòng": -- hồn), đủ cho biết Tân Ước dùng chữ hồn cách thuộc linh"; Cũng thế, Hê-bơ-rơ 6:19 chép "cái neo của linh hồn"; Hê-bơ-rơ 10:39, "Kẻ giữ đức tin cho linh hồn được cứu rỗi"; Hê-bơ-rơ 12:3, "hầu cho khỏi bị mỏi mệt sờn lòng (hồn)": Gia-cơ 5:20 "lẽ thật...cứu linh hồn người khỏi sự chết"; I Phi-e-rơ 1:9, "phần thưởng về đức tin anh em là sự cứu rỗi linh hồn mình"; I Phi-e-rơ 1:22, "anh em đã vâng theo lẽ thật làm sạch lòng (hồn) mình", và cũng xem I Phi-e-rơ 2:11; 2:25; 4:19; II Phi-e-rơ 2:8; 2:11, v.v.. Trong III Giăng câu 2, tác giả cầu Chúa cho Gai-út "được thịnh vượng về phần linh hồn". Vậy, trong Tân Ước thấy linh hồn được cứu bởi lời Chúa và đức tin, v.v... Trái lại, hồn cũng gặp những sự nguy hiểm thuộc linh bởi tội lỗi, tình dục, v.v. Ðấng Christ là Ðấng Chăn chiên và là Giám mục của linh hồn. Hồn là phần người cứ sống sau khi chết, thân thể chỉ là nhà ở tạm thời.
       Phao-lô chép ít về hồn, ấy vì chép nhiều về tâm thần. Khi chép về hồn, phần nhiều có ý thuộc linh cao thượng (II Cô-rinh-tô 12:15; Phi-líp 1:27; Ê-phê-sô 6:6; Cô-lô-se 3:23). Song trong Gia-cơ và Giu-đe có liên lạc hồn với ý xấu. Phao-lô trong I Cô-rinh-tô 2:14 chép về "người có tánh xác thịt (psychikos, tức chỉ về phần hồn) không nhận được sự thuộc về Thánh Linh của Ðức Chúa Trời", và so với thể "thuộc linh" thì người có tánh xác thịt yếu, nhục và hư nát (I Cô-rinh-tô 15:42-44). Vậy, trong I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23, Phao-lô cầu xin Chúa rằng: "Nguyền xin tâm thần, linh hồn và thân thể của anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, khi Ðức Chúa Jêsus Christ chúng ta đến!"
       Phỏng theo "Psychology of the New Testament" của M.S. Fletcher,
       B. Litt (OXON)

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.