Ðó là lễ chào nhau của nước Do-thái xưa: hoặc kẻ trên với người dưới (Sáng-thế Ký 27:26; 29:13; Ru-tơ 1:9,14; I Các-vua 19:20), hoặc người ngang hàng (Sáng-thế Ký 29:11; 45:15; II Sa-mu-ên 20:9) đều hôn nhau để tỏ tình yêu dấu. Người rất sang hôn người bình dân là tỏ ý ân điển II Sa-mu-ên 15:5; 19:39). Hôn cũng là dấu kính trọng và tòng phục; như Sa-mu-ên hôn Sau-lơ sau khi xức dầu (I Sa-mu-ên 10:1). Hôn chơn các vua để tỏ sự kính phục và lòng trung tín (Thi-thiên 2:12). Rất đỗi có kẻ thờ lạy hình tượng cũng hôn hình tượng (I Các-vua 19:18; Gióp 31:27; Ô-sê 13:2).
Trong đời Chúa Jêsus, khi khách bước chơn vào nhà thì chủ phải hôn khách (Lu-ca 7:45). Hôn cốt để tỏ tình yêu thương, vì cớ đó, ta thấy cách hành động của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt dùng cái hôn để phản Chúa Jêsus thì hèn hạ biết dường nào (Ma-thi-ơ 26:49; so Châm-ngôn 27:6).
Trong Hội Thánh đầu tiên, tín đồ thường lấy cái "hôn thánh chào nhau", nhứt là khi dự Tiệc thánh (Công-vụ các Sứ-đồ 20:37; Rô-ma 16:16; I Cô-rinh-tô 16:20; II Cô-rinh-tô 13:12; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:26; I Phi-e-rơ 5:14). Tertullien gọi là "hôn bình an" nghĩa là để tỏ tình anh em và sự hiệp một trong Ðấng Christ. Nay, Hội Thánh các nước thường làm lễ bắt tay cả.