I. Căn nguyên và lịch sử.--
Ðấng Tạo hóa đã thiết lập lễ hôn nhơn từ thuở loài người mới được dựng nên. Ngài dựng nên người nam và người nữ rồi truyền lịnh rằng hôn nhơn là điều kiện tối cần để "sanh sản thêm nhiều và làm cho đầy dẫy đất" (Sáng-thế Ký 1:26,27). Lễ hôn nhơn có ảnh hưởng rất cao trọng tức là có quyền để giúp đỡ cho sự mở mang trọn vẹn trong đời sống người nam và người nữ.
Phép hôn phối là một luật lệ chung cho hết thảy những người nào không thìn mình được (I Cô-rinh-tô 7:2,5). Chỉ vì "tai vạ" hầu đến, nên Phao-lô mới khuyên người nào thìn mình được nên ở độc thân (7:26). Không cưới gả là chỉ khi nào có tiếng gọi của bổn phận (Ma-thi-ơ 19:12); nhưng sự cấm dục là một dấu hiệu của sự chối bỏ đức tin (I Ti-mô-thê 4:3). Ðối với mọi cảnh ngộ, lời khuyên nầy là chơn thành: "kẻ có vợ hãy nên như kẻ không có". (I Cô-rinh-tô 7:29).
Theo câu Sáng-thế Ký 2:24: "Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, cả hai sẽ nên một thịt", thấy có những nguyên tắc sau nầy:
1. Sự hiệp một của chồng và vợ vì cớ sanh mạng người nữ là do người nam mà ra như có chép "một thịt";
2. Sự không thể phân rẽ được bởi dây hôn nhơn, chỉ trừ tội ngoại tình hay sự chết (Ma-thi-ơ 5:32; 19:9; Rô-ma 7:3);
3. Một vợ, một chồng là luật căn bản của lễ hôn phối;
4. Về mặt xã hội vợ chồng là bình đẳng. Chữ Ish (người nam) và Isha (người nữ) có sự liên lạc đối với nhau: "kẻ giúp đỡ giống như nó" có nghĩa là kẻ giúp việc mà vừa khi trông thấy, A-đam có thể nhận biết ngay là chính mình;
5. Vợ phải tòng phục chồng, vì cớ người nữ sa ngã trước (I Cô-rinh-tô 11:8,9; I Ti-mô-thê 2:13-15);
6. Bổn phận vợ chồng đối với nhau: Chồng phải yêu thương, kính nể vợ, còn vợ phải giúp đỡ, vâng phục, có "tâm thần dịu dàng, yên lặng" để cả hai người đều chung "hưởng phước sự sống" (I Phi-e-rơ 3:1-7; I Cô-rinh-tô 14:34,35). Chính Chúa Jêsus cũng nhắc lại sự thiết lập lễ hôn nhơn (Sáng-thế Ký 2:24) một cách rành mạch trong Ma-thi-ơ 19:4,5.
II. Sự thay đổi về chủ nghĩa đa thê.--
Chủ nghĩa đa thê chỉ thịnh hành ở nơi nào số người nữ nhiều hơn người nam, như xảy đến trong các chi phái có chiến tranh. Ðiều kiện cần yếu là người chồng phải có đủ lễ cưới và của cải để cung cấp cho mỗi người vợ của mình.
Trước đời nước lụt, A-đam, Ca-in, Nô-ê cùng ba con trai, mỗi người chỉ có một vợ. Nhưng cũng có nhiều bằng chứng trong Cựu Ước, về sự đa thê, bắt đầu với Lê-méc (Sáng-thế Ký 4:19). Sự tinh sạch của phép hôn nhơn bị giảm bớt bởi cớ các con trai loài người, để cho những duyên cớ hèn hạ cai trị, tự tiện chọn vợ cho mình (Sáng-thế Ký 6:2). Sự đa thê là trái với thánh ý của Ðức Chúa Trời (Sáng-thế Ký 2:24). Áp-ra-ham cưới nhiều vợ là không khôn ngoan vì tưởng phải giúp đỡ Ðức Chúa Trời làm trọn lời hứa của Ngài (Sáng-thế Ký 16:24). Gia-cốp cưới hai vợ luôn với các con đòi nữa, Y-sác và Giô-sép chỉ có một vợ. Trong II Các-vua 4:; Thi-thiên 128:; Châm-ngôn 31: có tả vẻ bức tranh hạnh phước của gia đình một vợ một chồng.
Sau Môi-se, chế độ đa thê còn thực hành ít hay nhiều bởi những người giàu có như Ghê-đê-ôn, Ên-ca-na, Sau-lơ, Ða-vít, Sa-lô-môn v.v., trong dòng dõi Y-sa-ca (I Sử ký 7:4) giữa các phái trung lưu (I Sa-mu-ên 1:1). Những sự bất tiện của chế độ đa thê có chép trong Kinh Thánh là sự ghen tương của các vợ Áp-ra-ham và Ên-ca-na (Sáng-thế Ký 16:6; I Sa-mu-ên 1:6). Các vua cũng được cảnh cáo không nên kén nhiều phi tần (Phục-truyền Luật-lệ Ký 17:17; so Sáng-thế Ký 29:31; 30:).
Sau khi từ Ba-by-lôn trở về, phép hôn nhơn một vợ, một chồng dường như thịnh hành hơn cả các đời trước: quả thật trải qua thời kỳ nầy không thấy nói đến sự đa thê trong Kinh Thánh, hết thảy các phép giao được phép chỉ là có một vợ (Ma-thi-ơ 18:25; Lu-ca 1:5; Công-vụ các Sứ-đồ 5:1). Dầu vậy, chế độ đa thê vẫn còn. Hê-rốt có 9 vợ một lúc. Người ta lạm dụng sự ly dị. Justin Martyr quở trách những người Do-thái trong đời mình có "bốn hay năm" vợ, vì họ "muốn lấy bao nhiêu cũng được". Cho đến chừng 1.000 S.C., mới thật hết và nghiêm cấm được giữa người Do-thái. Chỉ những người Do-thái trong các xứ Hồi giáo còn giữ hủ tục đó.
Sự khác nhau giữa vợ lẽ và vợ cả là do ở sự sanh đẻ của vợ cả, hơn nữa có địa vị cao hơn, và luôn ở phía sau lưng có người trong gia đình binh vực. Một người tôi mọi không được làm vợ lẽ nếu vợ cả không cho phép (Sáng-thế Ký 16:2).
Kinh Thánh chỉ dạy nên lấy một vợ, một chồng (Thi-thiên 128:3; Châm-ngôn 5:18; 18:22; 19:14; 31:10-29; Truyền đạo 9:9). Quan niệm chung rất bất bình đối với những trưởng lão hoặc nữ chấp sự lấy nhiều vợ hay nhiều chồng. Muốn có sự hòa thuận và ích lợi. Phao-lô khuyên người muốn được chức đó chỉ nên cưới một vợ, một chồng thôi (I Ti-mô-thê 3:2; câu 9; Lu-ca 2:36,37; I Cô-rinh-tô 7:40), và cho phép người vợ góa trẻ được cải giá (I Ti-mô-thê 5:14). Chúa chúng ta cùng các Sứ đồ dùng những cách nầy để cho hôn nhơn được công bằng và thánh sạch:
1. Chứng quyết sự thiết lập lễ hôn nhơn xưa như là nền tảng mà mọi luật lệ phải lập trên đó (Ma-thi-ơ 19:4,5).
2. Hạn chế sự ly dị chỉ trong cớ ngoại tình mà thôi, và cấm cưới người nào bị để hoặc cưới cách không xứng đáng (Ma-thi-ơ 5:32; 19:9; Rô-ma 7:3; I Cô-rinh-tô 7:10,11).
3. Bởi sự khuyên nên giữ cho tinh thần chung được thánh sạch (Hê-bơ-rơ 13:4), và nhứt là lấy luật lên án tội tà dâm mà trong Hội Thánh có một số dường như đã phạm mà tưởng không hề gì (Công-vụ các Sứ-đồ 15:20).
III. Lệ cấm về việc hôn nhơn.--
Ðiều kiện hôn nhơn theo luật pháp chỉ có thể quyết định nhờ lệ ngăn cấm của một xứ đặt để trên dân sự. Trong dân Hê-bơ-rơ lệ cấm đó chia làm hai:
1. Lệ cấm giữa người Y-sơ-ra-ên và người ngoại bang.--
Cấm lấy người ngoại bang là căn cứ trên một tình cảm độc quyền tự nhiên, vì đó là một sợi dây kết chặt mối liên lạc của một đoàn thể, và để có sức riêng thắng hơn tình hình bối rối của một xã hội. Coi Sáng-thế Ký 24:; 28:; Dân-số Ký 12:1; Các Quan-xét 14:3 thì biết tại cớ sao người Y-sơ-ra-ên không thích kết hôn với người ngoại bang (Coi thêm Sáng-thế Ký 26:34,35; 27:46; Lê-vi Ký 24:10). Dầu có ai kết hôn với người ngoại bang thì hoặc vì cớ bất đắc dĩ, như Giô-sép vậy (Sáng-thế Ký 41:45), hoặc vì sự tình cờ như vua Ða-vít và vua Sa-lô-môn (II Sa-mu-ên 3:3; I Các-vua 3:1; 11:1). Riêng luật Môi-se cấm người Y-sơ-ra-ên lấy dân xứ Ca-na-an, e họ dẫn dân Chúa đến sự thờ hình tượng (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:16; Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:3,4). Vậy nên E-xơ-ra và Nê-hê-mi rất không đẹp lòng về người Y-sơ-ra-ên kết hôn cùng người ngoại bang (E-xơ-ra 9:; 10:; Nê-hê-mi 10:30; 13:23).
Theo Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:3, dân Am-môn và dân Mô-áp bị cấm hẳn không được vào hội của dân Chúa, ấy như một bức tường ngăn cách không cho phép kết hôn với các dân đó, đối với người nữ Y-sơ-ra-ên lấy người nam dân Mô-áp thì hoàn toàn bị ngăn trở; nhưng cho phép người nam Y-sơ-ra-ên cưới người nữ Mô-áp, như Mạc-lôn cưới Ru-tơ. Phép giao với người Ê-đôm và người Ai-cập thì giảm phần chặt chẽ, một người nam trong hai nước đó có quyền kết hôn khi được nhận làm công dân cho đến đời thứ III bởi theo giáo Giu-đa (Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:7,8). Như vậy, có ba bậc cấm: với người Ca-na-an thì cả nam lẫn nữ đều không nên phối hiệp, cũng hoàn toàn cấm người nữ Y-sơ-ra-ên kết hôn với người nam dân Am-môn và Mô-áp, tạm thời cấm người nam dân Ê-đôm và Ai-cập không được cưới người nữ Y-sơ-ra-ên. Phép giao với người nữ trong hai dân tộc Ê-đôm và Ai-cập kể là hợp pháp. Con cái do các phép giao bất chính giữa người Y-sơ-ra-ên và người ngoại bang gọi bằng tên riêng là Mamzêr ("con hoang" Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:2).
Trong đời Tân Ước, Phao-lô khuyên tín đồ nên kết hôn với nhau (I Cô-rinh-tô 7:39; I Cô-rinh-tô 7:12; 9:5). Xét ra ý Phao-lô không hề cấm kết hôn với người ngoại bang nào đã tin đạo Tin lành.
2. Lệ cấm kết hôn giữa người Y-sơ-ra-ên với người nữ chung một hội dân.-- Trong đời các tổ phụ, phong tục nơi quê hương của Áp-ra-ham không cấm người nam lấy em gái cùng cha khác mẹ (Sáng-thế Ký 20:12; 29:26. Coi thêm II Sa-mu-ên 13:13; Ê-xê-chi-ên 22:11); hoặc lấy cháu gái làm vợ như Na-cô (Sáng-thế Ký 11:29), hoặc lấy cô làm vợ như Am-ram (Xuất Ê-díp-tô Ký 6:20); hoặc lấy em vợ làm vợ như Gia-cốp (Sáng-thế Ký 29:26). Biết rõ thói đó là không tốt, Môi-se vẫn muốn cải cách cho tốt hơn, ngặt vì thói cũ đã ăn sâu trong óc người ta, nên không thể chốc lát bài trừ ngay được. Môi-se vâng mạng Chúa, đặt lệ ngăn cấm việc kết hôn với người "trong vòng bà con", Khúc sách quan hệ nhứt là Lê-vi Ký 18:6-18 trước hết cấm chung cuộc hôn nhơn với người ruột thịt của mình, hai là cấm phối hiệp cùng mẹ, kế mẫu, chị em, chị em cùng cha khác mẹ, bất cứ sanh tại nhà hay nơi xa, cháu gái, hoặc nội hoặc ngoại, bác gái, dâu, chị dâu, cháu gái nội hoặc ngoại v.v..
Thầy tế lễ chỉ nên cưới người nữ đồng trinh (Lê-vi Ký 21:13,14). Các con gái có quyền hưởng cơ nghiệp chỉ nên lấy con trai cùng chi phái hầu cho tài sản không thuộc về chi phái khác.
IV. Thể lệ đặc biệt về việc lập tự.--
Chỉ có một điều ngoại trừ đặc biệt (Phục-truyền Luật-lệ Ký 25:5-9), là luật pháp chép hễ ai chết không con, thì người em nên lấy vợ của anh để lấy "con đầu lòng sanh ra làm kẻ nối danh cho người anh chết, hầu cho danh người ấy chớ tuyệt khỏi Y-sơ-ra-ên" Luật nầy gọi là "Lévirat", từ chữ La-tinh Levir là anh rễ. Có một thí dụ về việc nầy là trong đời các tổ phụ, Ô-nan cưới vợ góa của Ê-rơ, anh mình (Sáng-thế Ký 38:8). Phép hôn nầy không riêng cho người Giu-đa, song trong nhiều nơi ở phương Ðông nhứt là xứ A-rạp có thực hành.
V. Chế độ hôn nhơn và lễ cưới.--
Trước hết, có lễ đính hôn không phải tự chàng rể chủ trương, song giao cho một người trong gia đình, hoặc một người bạn thân mà chàng rể chọn vào việc đó. Cũng có khi cha mẹ hỏi con gái xem có ưng thuận không (Sáng-thế Ký 24:58), nhưng dường như đã vâng theo ý định sẵn của cha hay các anh lớn rồi (Sáng-thế Ký 24:51; 34:11). Khi có lễ đính ước nầy giao trọn quyền trong tay người bạn. Khi cô dâu ưng thuận rồi, thì có lễ định thân cử hành theo luật, do một người bạn hoặc một người mà chàng rễ đã sắp đặt chủ trương, có mặt cha mẹ cô dâu nữa; lễ đó chứng quyết bằng một lời nguyện ước, sau đó có lễ cưới cho cô dâu. Như người Si-chem bằng lòng nộp "lễ cưới lớn, và sính nghi cao" (Sáng-thế Ký 34:12). -- lễ cưới là cho cô dâu, còn sính nghi là cho gia đình. Nếu sính lễ không xứng hiệp với địa vị cô dâu, thì một người nghèo không thể cưới một người vợ giàu (I Sa-mu-ên 18:23). Công việc hứa gả cử hành bằng một tiệc, trong đó người Giu-đa kim thời thường có lệ đeo nhẫn vào tay cô dâu. Có mấy người hết sức luận về nhẫn chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 35:22; Ê-sai 3:21 là những nhẫn cưới, nhưng không có bằng chứng hiển nhiên. Dầu vậy, người Hê-bơ-rơ cũng công nhận nhẫn là một dấu hiệu về sự trung tín (Sáng-thế Ký 41:42), và sự được tiếp nhận vào trong gia đình (Lu-ca 15:32). Giữa lễ hứa gả với phép giao có một khoảng thời gian chừng mười bữa trong đời các tổ phụ (Sáng-thế Ký 24:55), trọn một năm về phần gái đồng trinh còn một tháng về phần gái góa trong đời sau. Trọn thời kỳ nầy, nàng dâu chọn lựa sống giữa các bạn, và sự giao thiệp với chàng rể sắp cưới là do một người bạn chọn vào mục đích đó làm trung gian được gọi là "bạn chàng rể" (Giăng 3:29). Nàng thật được coi như là vợ của người chồng chưa cưới. Vậy, nếu có sự thất tiết thì nàng bị xử tử (Phục-truyền Luật-lệ Ký 22:23,24), người chồng có quyền lìa bỏ nàng (Ma-thi-ơ 1:19; Phục-truyền Luật-lệ Ký 24:1).
Nay, chúng ta đến chỗ đáng chú ý hơn cả, là chính lễ cưới, không có lễ nghi nhứt định về việc nầy. Có lẽ, thật có sự ưng thuận phép giao theo luật bởi một lời thề nguyện cặp theo (so Ê-xê-chi-ên 16:8; Ma-la-chi 2:14), nhứt là trong danh từ "giao ước của Ðức Chúa Trời" (Châm-ngôn 2:17) chỉ về dây hôn phối, và có lời chúc phước nữa (Sáng-thế Ký 24:60; Ru-tơ 4:11,12). Nhưng yếu tố của lễ hôn nhơn là việc rước dâu từ nhà cha mẹ nàng đến nhà chàng rể hoặc nhà cha mẹ chồng. Chàng rể sửa soạn trong ngày đó, mặc áo lễ và nhứt là "diện mão hoa trên đầu mình" (Ê-sai 61:10), cũng xức "các thứ hương của con buôn" (Nhã-ca 3:6). Ngày trước hôm làm lễ cưới, cô dâu sửa soạn tắm mình. Kinh Thánh chép rất ít về sự đó dường như ít đáng chú ý (Ru-tơ 3:3; Ê-xê-chi-ên 23:40; Ê-phê-sô 5:26,27). Trong bộ y phục của nàng dâu, có cái lúp đáng để ý hơn cả. Ấy là một cái áo nhẹ rất rộng, không những che mặt thôi, song cũng che toàn thân nữa (Sáng-thế Ký 24:65; so 38:14,15). Ấy là một hình bóng về sự tòng phục chồng (I Cô-rinh-tô 11:10). Nàng cũng thắt một đai lưng gọi là Kishshurim mà không cô dâu nào quên được (Giê-rê-mi 2:32). Ðầu nàng cũng trang sức bằng xâu chuỗi, ấy cũng là một sự đặc biệt nữa.
Nếu cô dâu là gái đồng trinh thì bỏ tóc xòa xuống, nàng mặc áo trắng (Khải-huyền 19:8) thêu dệt bằng chỉ kim tuyến (Thi-thiên 45:13,14), và xức thuốc thơm (Thi-thiên 45:8). Nàng cũng đeo đồ nữ trang (Ê-sai 49:18; 61:10; Khải-huyền 21:2). Giờ đến, thường thường rất muộn trong buổi tối, chàng rể ra khỏi nhà riêng, có các bạn phụ rể đi theo (Các Quan-xét 14:11; Ma-thi-ơ 9:15) có đoàn âm nhạc và kẻ ca hát dẫn đầu (Sáng-thế Ký 31:27; Giê-rê-mi 7:34; 16:9) và theo sau có người cầm đuốc (Ma-thi-ơ 25:7; so Giê-rê-mi 25:10; Khải-huyền 18:23 "ánh sáng đèn"). Khi họ tới nhà gái, cô dâu cùng các người phụ dâu hồi hộp chờ đợi (Ma-thi-ơ 25:6). Chàng rể dẫn cả hai họ về nhà riêng hoặc nhà cha mẹ chàng với hết thảy mọi cách tỏ sự vui mừng. Ðang khi trở về, họ đi chung với đám người nữ, bạn nàng dâu, thì cả dân sự nơi chàng ở ùa ra xem đám cưới (Nhã-ca 3:11).
Tới nhà, có một tiệc sửa soạn cho hết thảy bạn bè và người lân cận được mời đến (Sáng-thế Ký 29:22; Ma-thi-ơ 22:1-10; Lu-ca 14:8; Giăng 2:2). Có những bài ca tụng lễ hôn nhơn hát lên, bởi đó có câu "các nữ đồng trinh không có ai hát nghinh thú" (Thi-thiên 78:63). Những ngày vui vẻ kéo dài chừng 7 ngày, tới 14 ngày cũng có (Các Quan-xét 14:12). Các khách đều được chủ nhân đưa cho áo lễ (Ma-thi-ơ 22:11), có những câu đố cho thêm vui (Các Quan-xét 14:12), và nhiều trò chơi khác. Lúc nầy, chàng rể vào trực tiếp nói chuyện với cô dâu, và sự vui mừng của các bạn chàng được "trọn vẹn" khi nghe tiếng chàng (Giăng 3:29). Chàng coi vợ như một bằng chứng thỏa mãn của sự thành công trong công việc mình. Công việc sau cùng của lễ nầy là đưa cô dâu vào phòng huê chúc (Các Quan-xét 15:1; Giô-ên 2:16), đây có ghế dài sắm sẵn (Thi-thiên 19:5; Giô-ên 2:16). Cô dâu hoàn toàn che lúp cho nên vì cớ ấy Gia-cốp mới có thể lầm lộn được.
Một người mới cưới vợ được miễn đi lính, được miễn làm công việc chung để có thể không rời khỏi nhà trong một hạn là một năm (Phục-truyền Luật-lệ Ký 24:5). Ðặc ân nầy cũng ban cho người nào hứa gả
VI. Ðịa vị vợ chồng trong gia đình và xã hội.--
Trước hết chúng ta xem xét địa vị của người nữ. Có nhiều câu nói người nữ, hoặc có chồng hay chưa có, khi ra ngoài để mặt trần, không che lúp (Sáng-thế Ký 12:14; 24:16,65; 29:11; I Sa-mu-ên 1:13). Ðờn bà thường không được phép dự vào việc quan hệ, song có vài nữ tiên tri được dự phần vào công việc có ích chung, như Mi-ri-am, Ðê-bô-ra; Hun-đa. An-ne (Xuất Ê-díp-tô Ký 15:20; I Sa-mu-ên 18:6,7), cả A-bi-ga-in nữa (I Sa-mu-ên 25:14-25). Nếu ấy là địa vị chung thì người đờn bà có ảnh hưởng rất lớn trong gia đình riêng của mình. Dường như chỉ coi sóc việc nội trợ, song người đờn bà cũng được hưởng một phần tự lập lớn (II Các-vua 4:8; Các Quan-xét 4:18; I Sa-mu-ên 25:14, v.v.). Trong Tân Ước, có nhiều lời răn dạy về bổn phận vợ và chồng đối với nhau (Ê-phê-sô 5:22,33; Cô-lô-se 3:18,19; Tít 2:4,5; I Phi-e-rơ 3:1-7). Việc bổn phận của người vợ trong gia đình rất nhiều và khác nhau: ngoài sự thu xếp công việc trong nhà, như nấu nướng, dầu hạng người sang trọng cũng vậy không trừ ai (Sáng-thế Ký 18:6; I Sa-mu-ên 13:8), người nữ còn phân phát vật thực trong bữa cơm (Châm-ngôn 31:15), may quần áo và lo dệt những thứ vải (Châm-ngôn 31:13,21,22), và muốn làm gương về sự hoạt động và khéo léo thì "chế áo lót và bán cùng giao đai lưng cho con buôn", như vậy, nàng mang sự giàu có từ nơi xa về nhà chồng (Châm-ngôn 31:14,24). Quyền người vợ theo luật pháp chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 21:10, tức là được đầy đủ "đồ ăn, đồ mặc và tình nghĩa". Trong Châm-ngôn 19:13; 21:9,19; 27:15; 31:10-31 chép người đờn bà tranh cạnh trái với người nữ tài đức có một ân tứ của Ðức Chúa Trời ban cho, là dường nào.
VII. Lệ định về việc ly dị.--
Xét sách Cựu Ước, việc hôn nhơn cũng có thể ly dị được (Lê-vi Ký 21:7,14; 22:13; Dân-số Ký 30:9). Quyền ly dị đó do người làm chồng nắm giữ (Sáng-thế Ký 21:14). Nếu muốn ly dị thì phải viết một tờ để, trao vào tay vợ mà cho ra (Phục-truyền Luật-lệ Ký 24:1). Duy có cớ như Phục-truyền Luật-lệ Ký 22:19 đã nói thì không được lìa bỏ nhau.
Vậy, có một vấn đề ích lợi nên bàn: Chúa Jêsus có ưng thuận, bất cứ trường hợp nào, sự tái hôn với người đã ly dị trong khi vợ hay chồng còn sống không? Hay là Ngài cho phép ly dị bởi cớ tích nào? Muốn trả lời câu hỏi ấy, phải nhờ những tài liệu chép trong Tân Ước, là lời do các môn đồ Chúa Jêsus sống trong phần thứ nhì của thế kỷ I S.C., cũng có một câu hỏi là: những tác giả hiểu Chúa Jêsus dạy về vấn đề nầy thế nào? Nếu chúng ta chỉ có sách Mác, Lu-ca và các thơ tín của Phao-lô thì chỉ có một lời đáp: Ðấng Christ không cho phép ly dị bất cứ duyên cớ gì (Mác 10:2; Lu-ca 16:18; Ga-la-ti 1:12; I Cô-rinh-tô 7:10). Cựu Ước cho phép chỉ là nhường bước như Chúa dạy, đến một nền phong tục thấp hèn và trái với nguyên ý Chúa về lễ hôn nhơn.
Ðịa vị của người đờn bà trong thời kỳ Cựu Ước đó. Ít ai muốn. Họ bị để chỉ vì một cớ tấm thường không xứng đáng và luật pháp không giúp đỡ gì. Hầu hết những quyền và đặc ân trên người chồng đều mất cả. Ðiều Chúa Jêsus phán quan thiệp đến sự ly dị, cốt binh vực quyền lợi cho người đờn bà trong đời Ngài hơn là chỉ nam cho người giải phóng như trong đời chúng ta. Chúa Jêsus không có ý bắt người đờn bà chịu một địa vị cực khổ và tôi mọi đâu. Cả đời Ngài chỉ là giải tỏ sự thấu hiểu người đờn bà và sự thương xót họ thôi (Patterson).
Có hai lời từ miệng Ðấng Christ phán, thuật lại bởi tác giả sách Tin lành thứ nhứt (Ma-thi-ơ 5:32; 19:9), dường như trái với lời dạy của Ngài trong Mác và Lu-ca. Ðây, dường như Ngài cho phép li dị vì cớ tà dâm ("vì cớ ngoại tình"), không có câu nào đi đôi với câu đó (so I Cô-rinh-tô 7:15), cho phép phân rẽ với một người tín đồ Ðấng Christ nếu bị người ngoại để bỏ. Tà dâm (ngoại tình) đây có ý nghĩa rộng hơn (Ô-sê 2:5; A-mốt 7:17; I Cô-rinh-tô 5:1). Ðối với người Giu-đa, ly dị kèm theo quyền tái hôn, và những chữ "làm cho vợ mình ra người tà dâm" (Ma-thi-ơ 5:32) tỏ rằng Chúa Jêsus đã cầm bằng người đờn bà đó như tái hôn. Vậy, theo phong tục Giu-đa xưa, có người tưởng nếu Ngài cho phép ly dị thì dường như cũng cho phép tái hôn nữa. Phương diện nầy, có sự ngoại trừ là tà dâm dẫn đến sự chia rẽ và mở đường cho sự tái hôn, nhưng đóng cửa cho sự hòa thuận lại, mà theo phương pháp của tín đồ Ðấng Christ thì bao giờ cũng có thể được (so Ô-sê; Giê-rê-mi 3:). Nên nhớ rằng trừ hai câu trong sách Ma-thi-ơ ra, thì luật lệ nhứt định nầy lấy làm khó lắm.
VIII. Ý nghĩa của lễ hôn nhơn thuộc linh.--
Sách Cựu Ước lấy việc nam nữ phối hiệp làm thí dụ về Chúa và người Y-sơ-ra-ên liên hiệp với nhau (Ê-sai 54:5; 62:5; Giê-rê-mi 3:14; Ô-sê 2:7,19,20). Vậy, nên người Y-sơ-ra-ên bội nghịch cùng Chúa, thờ tà thần thì ví như người phạm tội tà dâm (Ê-sai 50:1; 57:8; Giê-rê-mi 3:; 13:27; 31:32; Ê-xê-chi-ên 16:; 23:37; Ô-sê 4:12; 5:3). Song Chúa Giê-hô-va lại hội hiệp Y-sơ-ra-ên với Ngài như vợ ở dưới đất, còn Hội Thánh là vợ ở trên trời (Ê-sai 54:5; 62:4,5; Ô-sê 2:19; II Cô-rinh-tô 11:2; Khải-huyền 19:7; 21:2,9; 22:17). Sách Nhã-ca là một tác phẩm đầy hình bóng so sánh trực tiếp về hôn nhơn trong bộ Cựu Ước.
Trong Tân Ước, hình ảnh của Tân lang từ Ðức Giê-hô-va đặt trên Ðấng Christ (Ma- thi-ơ 9:15; Giăng 3:29), còn vợ mới thì đặt trên Hội Thánh. Thật vậy, Ðấng Christ đã lìa Chúa Cha vì yêu Hội Thánh và muốn cứu Hội Thánh khỏi thế gian hư mất, Ngài coi mẹ ở dưới đất không bằng vợ thuộc linh của Ngài (Lu-ca 2:48,49; 8:19-21; 11:27,28). Ngài sẽ lìa nhà Cha để làm trọn sự sum hiệp (Ma-thi-ơ 25:1-10). Chúa Cha cũng sửa soạn một tiệc cưới cho Con Ngài (Ma-thi-ơ 22:1-14). Phao-lô lấy sự so sánh nầy mà vẽ một bứa tranh về địa vị và bổn phận vợ chồng đối với nhau (Ê-phê-sô 5:23-32). Hội Thánh bội đạo được tả vẽ trong Khải-huyền 17:1-5; như sự tà dâm của thành Ba-by-lôn bí mật. Khi Hội Thánh phạm tội với thế gian, thế gian là đồ dùng cho Hội Thánh phạm tội thì cũng sẽ là đồ dùng để hình phạt Hội Thánh (Ê-xê-chi-ên 23:; Khải-huyền 18:1-5, 16-18).