Chữ khen ngợi theo tiếng La-tinh pretium nghĩa là "giá" hay "giá trị". Có thể khen ngợi những vật không có giá trị, hoặc vì những cớ không đích đáng, song sự khen ngợi chính đáng là cốt bởi sự công nhận thành thật do lòng tin chắc là rất xứng đáng. Kiểu mẫu đó chép trong sách Khải Huyền khi thờ phượng Ðức Chúa Trời và Chiên Con, được soi dẫn bởi ý nghĩa Chúa thật đáng tôn thờ (Khải Huyền 4:11; 5:12).
Người có thể được lời khen hoặc của người hoặc của Ðức Chúa Trời. Trong Rô-ma 2:29; I Cô-rinh-tô 4:5, sự khen ngợi của Chúa chắc là công bình, vì Chúa kể là xứng đáng, song giá trị lời khen của người là nhờ ý và cớ của người khen đó. Có sự khen ngợi mà tự nó đã bị lên án (Lu-ca 6:26), bịt mắt lại bởi lòng vô tín (Giăng 5:44), hoặc không tôn vinh danh Chúa vì không cẩn thận dùng tiếng "nhơn lành" (Lu-ca 18:19). Có sự khen ngợi của loài người mà Chúa Jêsus khuyên các môn đồ nên tránh xa (Ma-thi-ơ 6:1-6; so Giăng 12:43; Ga-la-ti 1:10; I Tê-sa-lô-ni-ca 2:6). Một mặt khác, có sự ngợi khen theo tánh lý của linh hồn đối với sự công bình (Lu-ca 23:47), hoặc sự ngợi khen người làm lành bởi chính phủ (Rô-ma 13:3; I Phi-e-rơ 2:14), hoặc bởi khắp các Hội Thánh tại đều đã làm vì đạo (II Cô-rinh-tô 8:18). Phao-lô hợp lời khen ngợi cùng các đức hạnh làm một sự giúp đỡ cho đời sống thánh mà trí tín đồ nên nghĩ đến (Phi-líp 4:8).
Ðại ý sự khen ngợi chép trong Kinh Thánh là cốt dành riêng cho Ðức Chúa Trời. Mọi vật dựng nên, không những thiên sứ, cơ binh trên trời, người tin kính ở đời mà cả đến những sanh vật hèn hạ không cảm biết hoặc cử động đều ngợi khen Ngài (Thi Thiên 103:20; Khải Huyền 5:11; Thi Thiên 19:1-4; 148:1-10; Khải Huyền 5:13). Thiếu điều đó tức là không trả lại sự vinh hiển thuộc về Chúa (Thi Thiên 50:23), nhắm mắt không xem dấu của sự hiện diện Ngài (Ê-sai 40:26), quên ơn thương xót Ngài (Phục truyền luật lệ ký 6:12), và không biết cảm ơn Ngài (Lu-ca 6:35). Vậy, muốn tránh các tội đó, phải hết sức luyện tâm tình và thói quen khen ngợi Ngài. Nên phải tỉnh thức (Thi Thiên 57:8; 103:1), có lòng hướng về Chúa (Thi Thiên 57:7; 108:1), suy gẫm công việc lạ lùng Ngài (77:11), nhớ ơn Ngài nhứt là sự ban Con Một (II Cô-rinh-tô 9:15; so Rô-ma 8:31; I Giăng 3:1).
Ðối với chúng ta, Ngài có ơn nhơn lành là nuôi nấng, gìn giữ xác thịt và cứu rỗi linh hồn chúng ta (Thi Thiên 107:; II Cô-rinh-tô 1:3). Song ngợi khen Chúa chẳng những tỏ ra ngoài miệng, mà lại nảy ra từ lòng nữa (Ê-sai 29:13; Ma-thi-ơ 15:8; Mác 7:6). Người Giu-đa có sách Thi Thiên cổ còn để đến ngày nay, tổng đề sách đó là "sách khen ngợi", để bày tỏ đại ý trong sách nguyên văn Thi Thiên 22:3 như vầy: "Duy Chúa là thánh. Ngài ngự ở giữa sự khen ngợi của Y-sơ-ra-ên". Công việc Chúa tỏ ra, không phải chỉ là hiệu quả của quyền phép và sự khôn ngoan Ngài, song cũng bày tỏ sự yêu thương Ngài đối với cá nhơn, dân tộc, Hội Thánh; công việc đó trở nên ơn lành, và sự ngợi khen Ngài đổi thành sự tạ ơn vậy (Thi Thiên 34:; 103:; Ê-phê-sô 1:3; I Phi-e-rơ 1:3).
Sự ngợi khen Chúa thật trước nhứt là một sự cảm động bề trong, tức sự vui vẻ ở trong lòng (Thi Thiên 4:7; 33:21), một thứ âm nhạc cho tâm thần và hồn (Thi Thiên 103:1; Lu-ca 1:46), không lời nào tả được (Thi Thiên 106:2; II Cô-rinh-tô 9:15), sự phát tiếng ca hát tự nhiên là do sự cảm động mạnh mẽ, miệng là cơ quan làm việc đó (Thi Thiên 51:15). Ai nghe người khác ngợi khen Chúa cũng muốn hát theo (Thi Thiên 40:10). Tâm thần ngợi khen là tâm thần ca hát, tỏ ra khi dâng con sinh (Lê-vi ký 7:13), hoặc làm chứng (Thi Thiên 66:16), khi cầu nguyện (Cô-lô-se 1:3). Khi Chúa làm đầy lòng người bằng sự ngợi khen Ngài, thì đặt bài ca mới nơi miệng người (Thi Thiên 40:3). Cuối cùng, trong cả Tân, Cựu Ước, tâm thần ca hát sanh ra cách ngợi khen chung. Ðầu tiên, sự ngợi khen của Y-sơ-ra-ên chỉ là sự vui bật ra tiếng hát lẫn tiếng kêu và sự nhảy múa, có tiếng hòa của kèn và chập chỏa không được thanh tao mấy (Xuất Ê-díp-tô ký 15:20; II Sa-mu-ên 6:5, 14). Sau Y-sơ-ra-ên có sách Thi Thiên, một thầy Nhạc chánh thạo nghề huấn luyện kẻ ca hát (E-xơ-ra 2:41; Nê-hê-mi 7:44), và các nhạc sĩ khéo (Thi Thiên 42:; 49:; v.v...). Tiếng ngợi khen Ðức Chúa Trời trên Si-ôn đầy vẻ đẹp thánh khiết, trang nghiêm (Thi Thiên 29:2; 96:9).
Trong các nhà hội Giu-đa, khi thờ phượng thường hát Thi Thiên. Họ lại tuyên đọc một bài tổng văn về sự ngợi khen Chúa là khác. Trong đó có một bài Chúa Jêsus hằng dùng mỗi khi đến nhà hội thờ phượng Chúa. Sách Tin lành hằng chép mỗi khi Chúa Jêsus tỏ quyền phép diệu kỳ, thì dân sự ngợi khen Ðức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 9:8; Mác 2:12; Lu-ca 5:25; 7:16; v.v...). Vậy, đủ chứng rằng trong sự thờ phượng, lối ngợi khen quả là tự nhiên rồi. Bài thơ thánh mà Chúa hát với môn đồ sau lễ Tiệc thánh cũng dùng trong lễ Vượt qua. Trong các thơ tín còn khuyên cứ dùng các Thi Thiên cổ trong sự thờ phượng Chúa (I Cô-rinh-tô 14:26; Ê-phê-sô 5:19). Nguyên sự phát tiếng ca hát là một ơn tứ tỏ ra trong lời nói (I Cô-rinh-tô 14:15-17). Phao-lô cũng phân biệt thơ thánh và các bài ca thuộc linh với Thi Thiên (Ê-phê-sô 5:19; Cô-lô-se 3:16). Trong nhà ngục tại thành Phi-líp, Phao-lô và Si-la hát thơ thánh (Công vụ các sứ đồ 16:25). Tác giả các thơ tín cũng hằng ngợi khen Chúa Jêsus là con Ðức Chúa Trời, là Ðấng Cứu Thế (II Ti-mô-thê 4:18; II Phi-e-rơ 3:18; I Phi-e-rơ 4:11; Hê-bơ-rơ 13:21; Khải Huyền 1:6).