Người Hê-bơ-rơ cùng chung với các dân tộc đời xưa, quen biết hầu hết các thứ kim khí dùng trong sự chế luyện kim khí ngày nay, hoặc là sản vật bởi đất xứ đó, hoặc nhờ sự thông thương với người ngoại quốc. Lần thứ nhứt, Kinh Thánh mô tả xứ Ha-vi-la là xứ có nhiều vàng, và vàng xứ nầy rất cao (Sáng thế ký 2:11-12). Nhà nghệ sĩ thứ nhứt làm kim khí là Tu-banh-Ca-in, con của Lê-méc, "rèn đủ các thứ khí giới bén bằng đồng và bằng sắt (Sáng thế ký 4:22). Áp-ram rất giàu có súc vật, vàng và bạc (Sáng thế ký 13:2). Bạc là môi giới của thương mãi, còn vàng chỉ làm các đồ trang sức trong đời các tổ phụ. Thiếc có nói đến lần thứ nhứt giữa những của cướp được, khi người Ma-đi-an thất trận và Ba-la-am bị giết (Dân số ký 31:22); chỉ dùng làm hình bóng để làm cho ý rõ hơn trong bài ca của Môi-se (Xuất Ê-díp-tô ký 15:10). Không biết chắc người Hê-bơ-rơ có quen dùng thép (bản cũ tiếng Anh dùng chữ đó: II Sa-mu-ên 22:35; Gióp 20:24; Thi Thiên 18:34; Giê-rê-mi 15:12), Kinh Thánh quốc ngữ dịch là đồng, song đúng hơn là đồng bóng láng. "Sắt của phương Bắc" trong Giê-rê-mi 15:12, có nhiều nhà giải nghĩa tin là sắt cứng và trui bằng một phương pháp riêng, nên gần ngang với chất thiếc ngày nay; "gang thép" trong Na-hum 2:3, chắc là dao bằng thép sáng gài nơi các bánh xe trận xưa đến nghịch cùng Ni-ni-ve. Ngoài các thứ kim khí đơn giản, người Hê-bơ-rơ cũng còn dùng cách pha lộn đồng bóng láng và thiếc để làm đồng hun nữa.
Không biết xưa ở xứ Pha-lê-tin có dòng nước chứa vàng hoặc mỏ vàng nào. Người Hê-bơ-rơ nhờ miền Nam xứ A-ra-bi và sự thông thương với vịnh Ba-tư để được cung cấp vàng (Giô-suê 7:21 -- "nén" nghĩa nguyên văn: lưỡi). Trong thời cổ, vì dùng nhiều vàng vào việc làm các đồ trang sức và vật dụng trong nhà, thì đủ biết vàng dư dật là dường nào. Những của cướp được từ người Ma-đi-an bởi Y-sơ-ra-ên, khi Ba-la-am bị giết, là hoa tai và đồ nữ trang đáng giá 16.750 siếc lơ vàng (Dân số ký 31:48-54), hiện nay độ 750.000$00 (1945). Có 1.700 siếc lơ vàng trong các khoen đeo mũi mà đạo binh Ghê-đê-ôn giết người Ma-đi-an cướp được (Các quan xét 8:26), ấy độ 75.000 đồng bạc. Dầu nhiều song đáng tin vì xứ Ma-đi-an bấy giờ có nhiều dòng nước chứa vàng, hiện nay hết cả rồi; và như xứ người Mã-lai ngày nay, và người xứ Pérou đời Pizarre (1502-1548) thường mang hầu hết vàng trên mình. Trong đời Ða-vít, cướp trong cơn chiến trận được nhiều hơn nữa.
Dầu vàng là thường như vậy, mà chỉ bạc làm môi giới cho thương mãi. Việc mua bán thứ nhứt có chép rõ trong Kinh Thánh là khi Áp-ra-ham mua cánh đồng của Éc-rôn bằng 400 siếc lơ bạc (Sáng thế ký 23:16). Sự chan chứa của cải trong đời Sa-lô-môn là lớn đến nỗi bạc không có giá trị mấy, "người ta cho bạc ra thường như đá" (I Các vua 10:21, 27). Với vàng và bạc lấy được sau khi ra khỏi xứ Ai-cập không những chỉ đồ trang sức, song cả những đồ thường bằng kim khí, người ta dựng nên hội mạc trong đồng vắng.
Ðồng hoặc đúng hơn là đồng bóng láng, là sản vật căn bản của Pha-lê-tin, "đá xứ đó là sắt, và từ trong núi, người lấy đồng ra" (Phục truyền luật lệ ký 8:9; Gióp 28:2). Trong đời Sa-lô-môn, vì đồng quá nhiều nên số đồng dùng trong Ðền thờ không thể đánh giá được (I Các vua 7:47). Có đủ cớ tin rằng xưa không ai biết đồng tức là sự pha lộn đồng láng và kẽm. Không có nói đến kẽm, song thiếc thì ai cũng biết. Vì khó làm cho đồng bóng láng nguyên chất dẻo hơn để có thể giát mỏng, có lẽ ngày xưa đã biết cách bớt dưỡng khí khỏi đồng bóng láng để không rỉ (désoxydation), là thêm một ít thiếc
Khí giới (II Sa-mu-ên 21:16; Gióp 20:24; Thi Thiên 18:34) và áo giáp (I Sa-mu-ên 17:5; 6:38) làm bằng đồng bóng láng pha với thiếc, làm như vậy để có một lưỡi dao rắn và bén. Người Ai-cập hay dùng để cắt đá cát rất cứng. Sắt giống đồng bóng láng tìm thấy ở miền núi xứ Pha-lê-tin. Ngày nay, dân sự đào mỏ sắt ở miền Kerr Huneh, phía Nam trũng Zaharâni.