Lao-đi-xê. Laodicée.

       

      Vốn tên là Diospolis, rồi đổi là Rhoas sau hết là Lao-đi-xê. Một thành lớn, giàu thạnh ở cõi A-si và là kinh đô của Phi-ri-gi. Thành nầy ở trong trũng bên sông Méandre, gần thành Cô-lô-se ở Tiểu A-si, do một vua dòng Seleucides là Antiochus II xây dựng từ năm 200 T.C.. Ðặt là Lao-đi-xê tức là lấy tên vợ vua đó. Khoảng năm 65, 66 S.C., nó cùng các thành Cô-lô-se và Hi-ê-ra-bô-li đều bị phá hủy vì cơn động đất. Có người rủ nhau đứng lên dựng lại, song đến ngày nay cũng đã đổ nát rồi.
       Hội Thánh Lao-đi-xê chừng do bạn đồng sự của Phao-lô sáng lập; có lẽ là Ê-pháp-ra lập nên (Cô-lô-se 1:7; 4:12-13). Thơ Phao-lô gởi cho Hội Cô-lô-se phải đưa cho Hội Lao-đi-xê đọc, và thơ khác gởi cho Hội Lao-đi-xê cũng phải gởi cho Hội Cô-lô-se đọc nữa. Trong I Cô-rinh-tô 5:9 nói đến một thơ khác, nay không còn; chắc có Ðức Thánh Linh chỉ có ý dùng thơ đó để dạy sự cần tạm thời của một Hội kia mà thôi. Vậy, thấy các thơ tín của Phao-lô được đọc chung trong các Hội Thánh như có quyền ngang với các sách Tin Lành và Cựu Ước. Phao-lô có đến thăm viếng Hội Lao-đi-xê không, không được biết chắc.
       Lao-đi-xê là Hội Thánh chép cuối cùng trong số bảy Hội Thánh trong cõi A-si đều tiếp một quyển sách rất trọng yếu sau khi Chúa lên trời (Khải Huyền 1:11; 3:14). Thiên sứ của Hội Lao-đi-xê có lẽ là A-chíp mà Phao-lô 30 năm trước khuyên nên chăm chỉ làm xong chức việc mình (Cô-lô-se 4:17). Thái độ "hâm hẩm" nếu chỉ tạm là một bước tấn tới thì được; song cứ như vậy mãi mà tưởng thế là bình yên, thì nguy hiểm và có hại (Khải Huyền 3:17). Sự nguy hiểm là chểnh mảng về đạo lý: có đủ đạo để ru ngủ lương tâm song không đủ cứu được linh hồn; cứ đứng giữa hai quan niệm (I Các vua 18:21; II Các vua 17:41; Ê-xê-chi-ên 20:39; Ma-thi-ơ 6:24). Hai suối nước: một nóng, tại Hi-ê-ra-bô-li và một lạnh gần Lao-đi-xê chắc gợi ý đến sự so sánh nầy. Thành Lao-đi-xê giàu có vì sản xuất nhiều len nỉ. Nghèo về phần vật chất hay giúp phần thuộc linh (Ma-thi-ơ 6:25-34) như hai hội Si-miệc-nơ và Phi-la-đen-phi; giàu về phần vật chất hay ngăn trở phần thuộc linh (Ô-sê 12:8) như hai hội Sạt-đe và Lao-đi-xê. Trong thơ Cô-lô-se cũng đạt cho hội Lao-đi-xê, Phao-lô dạy có thể tìm trong người nào "mọi sự quí báu về khôn ngoan thông sáng", dầu Lao-đi-xê tưởng mình đầy đủ rồi, vì nói "ta giàu, ta nên giàu có rồi không cần chi nữa" (Khải Huyền 3:17). Phao-lô trong sự cầu nguyện phấn đấu khó khăn để hội Ê-phê-sô và hội Lao-đi-xê được giải thoát khỏi sự dạy dỗ của các giáo sư đạo Do-thái: là người liên lạc tà giáo théosophie (thông thần luận) phương Ðông và sự thờ thiên sứ với sự tu khổ hạnh người Do-thái và giữ ngày lễ mặt trăng mới hoặc ngày Sa-bát. Hai Hội cũng tự xưng mình hiểu biết rõ hơn thế giới các thần, và đến gần địa vị tinh sạch và thông minh thiên thượng mà đạo Tin Lành dạy dỗ (Cô-lô-se 2:8-9, 16-23). Hội Thánh ngày nay trước khi Chúa tái lâm, nên tự hỏi mình: "địa vị thuộc linh có giống như Lao-đi-xê xưa không?"
       Ðến năm 166 S.C., giám đốc Hội Thánh Lao-đi-xê tên là Sagaris chết vì đạo. Khoảng năm 350 S.C., giáo hội nghị nhóm tại thành nầy và công nhận Kinh Thánh. Ngày nay chỉ còn mấy vòm và phần của một diễn đài, nơi đó gọi là Denishu.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.