Lễ Báp-têm. Baptême (Tiếng Hy-lạp: Baptismos, nghĩa là nhúng xuống nước).

        


      Trong Cựu Ước.-- Trong đời Cựu Ước thường làm "các lễ rửa sạch" (Hê-bơ-rơ 9:10). Trước khi vào đền tạm, thầy tế lễ phải rửa mình và chân tay (Xuất Ê-díp-tô ký 30:17-21). Trong ngày lễ chuộc tội, thầy tế lễ thượng phẩm phải tắm (Lê vi ký 16:24), và những người bị ô uế, như người phung, người rờ đến thây chết v,v... cũng phải tắm (Lê vi ký 14:; 15:; 16:26-28; 17:15; 22:4-6). Trước khi dự lễ, dân dự phải tẩy uế, giữ mình thánh sạch (Xuất Ê-díp-tô ký 19:10; Giăng 11:55). Lễ phong chức thầy tế lễ thượng phẩm chia làm ba phần lớn: Tắm (Xuất Ê-díp-tô ký 29:4), xức dầu (Xuất Ê-díp-tô ký 40:12-15), và dâng của lễ (Lê vi ký 8:).
       Những người Do-thái tin theo Ðấng Christ, tự nhiên vượt qua những lễ thánh sạch của Cựu Ước kể trên cùng lễ Báp têm tạm của Giăng Báp-tít, mà đến lễ Báp têm của Ðấng Christ, sau lãnh Ðức Thánh Linh bởi lễ đặt tay (Công vụ các sứ đồ 8:12, 14:17). Những lễ thánh sạch của đời Cựu Ước đều có ý nghĩa thuộc linh (Thi Thiên 26:6; 51:2, 7; 73:13; Ê-sai 1:16; 4:4; Giê-rê-mi 4:14; Xa-cha-ri 13:1). Trước khi Ðấng Mê-si đến, vì theo lời truyền khẩu, số những lễ tẩy sạch được thêm nhiều (Mác 7:3, 4). Quan Phi-lát, người ngoại bang, cũng rửa tay, chỉ bóng mình vô tội về huyết Chúa Jêsus.
       Của Giăng Báp-tít.-- Giăng Báp-tít vâng lời Ðức Chúa Trời (Giăng 1:33) đến gọi dân Do-thái phải chịu phép "Báp-têm về sự ăn năn để được tha tội" (Lu-ca 3:3). Bởi đó, những người chịu Giăng làm lễ báp-têm tỏ ra quyết định biệt mình khỏi những tội đang làm ô uế mình, mà sẵn sàng tiếp rước Ðấng Mê-si; cũng xưng tội mình, bởi đức tin nhờ Ðấng Mê-si tha tội (Công vụ các sứ đồ 10:43). Khi ấy mọi người trông đợi Ðấng Mê-si đến, vậy có đông người chịu lễ báp têm ấy (Ma-thi-ơ 3:5, 6). Bởi Ðấng Mê-si, dân Do-thái mong rằng mình sẽ được giải cứu khỏi quyền nước La-mã (Ma-la-chi 3:1; 4:5, 6). Giăng Báp-tít giảng rằng: "Phải ăn năn vì nước thiên đàng đã đến gần" (Ma-thi-ơ 3:2), ấy chắc vì về Ða-ni-ên 2:44; 7:14. "Dân Do-thái vì không chịu ăn năn tội và vì từ bỏ Ðấng Mê-si, đã khiến xứ mình bị rủa sả". Bởi đó, dân Do-thái đã ngăn trở nước thiên đàng được tỏ ra; cũng như khi trước, vì không tin, dân Do-thái phải đợi chờ bốn mươi năm mới được vào xứ Ca-na-an.
       Lễ báp têm ấy chỉ có Giăng Báp-tít làm thôi. Trái lại, lễ báp têm của Ðấng Christ thì chính Ngài không làm (Giăng 4:2), nhưng nhờ các môn đồ làm. Vì vậy, giá trị của lễ báp têm không nhờ người làm, song nhờ Ðức Chúa Trời, là Ðấng truyền bảo. Lễ báp têm của Ðấng Christ cứ làm cho đến hết thời đại ân điển nầy (Ma-thi-ơ 28:19-20). Lễ báp têm của Giăng là bằng nước, song lễ báp têm của Ðấng Christ vừa bằng nước, vừa bằng Ðức Thánh Linh và vừa bằng lửa nữa (Giăng 7:39). Các môn đồ của A-bô-lô và Giăng Báp-tít ở Ê-phê-sô dầu biết về lễ báp têm của Giăng, song chưa biết về lễ báp têm của Ðấng Christ (Công vụ các sứ đồ 18:25; 19:1-7). Lễ Báp têm của Giăng là dấu hiệu bề ngoài chỉ về sự buồn bề trong vì tội; song bề trong không lãnh ơn thuộc linh như bởi lễ báp têm của Ðấng Christ. Giăng là tiên tri cuối cùng của luật pháp, nên khuyên phải ăn năn tội, tùy theo luật pháp; song lễ báp têm của Ðấng Christ là ấn chứng về đạo Tin Lành và sự đổi mới thuộc linh.
       Của Ðấng Christ.-- Ðấng Christ chịu Giăng Báp-tít làm lễ báp têm để "Làm cho trọn mọi việc công bình" (Ma-thi-ơ 3:15). Người khác chịu lễ báp têm đó phải xưng tội mình, song Chúa là Ðấng vô tội đã chịu, vì Ngài đến để làm trọn luật pháp. Khi ấy Chúa ba mươi tuổi (Lu-ca 3:23), đúng tuổi mà các thầy tế lễ Lê-vi khởi làm chức vụ (Dân số ký 4:3; 23:30, 35, 39, 43, 47; I Sử ký 23:3). Như đã nói trên, trong đời Cựu Ước, lễ phong chức cho thầy tế lễ thượng phẩm có ba phần. Cũng vậy, lễ phong chức Chúa làm thầy tế lễ đời đời của chúng ta (Hê-bơ-rơ 7:38) có ba phần: Chịu lễ báp têm, xức dầu nghĩa là lãnh Ðức Thánh Linh, và dâng mình làm của lễ trên cây thập tự (Công vụ các sứ đồ 20:38)
       Của tín đồ.-- Mỗi tín đồ Ðấng Christ phải vâng lời Chúa mà chịu lễ báp têm của Ngài (Ma-thi-ơ 28:19; Mác 16:16, v,v..). Ai làm báp têm phải nhơn danh Ðức Cha, Ðức Con và Ðức Thánh Linh (Ma-thi-ơ 28:19). Báp têm đó làm chứng rằng: Tín đồ bởi sự ăn năn tội và đức tin đã hiệp làm một với Ðấng Christ; bởi sự chết Ngài họ đã được tha tội và bởi sự sống lại Ngài, họ đã được xưng là công bình; có Ðức Thánh Linh hành động trong lòng mình, đời mình trở nên người mới; nhận biết mình từ đó trở đi là thuộc về Ngài (Rô-ma 6:4; Ga-la-ti 3:27; Cô-lô-se 2:11, 12; I Phi-e-rơ 3:21).
       Ngay từ Hội Thánh đầu tiên các tín đồ đã có ý khác nhau về lối làm lễ báp têm. Dầu nguyên văn là tiếng Hy-lạp: Baptismos, nghĩa là "nhúng xuống nước", song trong Hội Thánh có mấy lối là:
       Nhúng mình xuống nước, lấy nước đổ hay rưới lên đầu, và lấy nước làm hình thập tự trên trán. Trong Kinh Thánh không mô tả rõ ràng phải làm cách nào, song "Ðức Chúa Jêsus đến cùng Giăng tại sông Giô-đanh, đặng chịu làm lễ báp têm" (Ma-thi-ơ 3:13); khi "gặp chỗ có nước...cả hai đều xuống nước, và Phi-líp làm lễ báp têm cho hoạn quan. Khi ở dưới nước lên, thì ..." (Công vụ các sứ đồ 9:36, 39); và để làm trọn ý nghĩa hình bóng về lễ báp têm đó, thì Phao-lô giải luận trong Rô-ma 6:3, 4; Cô-lô-se 2:12. Vậy, dầu khi dường như không tiện, song nhúng mình xuống nước mới thật đúng như Kinh Thánh dạy.
       Của con trẻ.-- Trong Cơ-đốc giáo (Hội Thánh) có nhiều chi hội dựa theo Ga-la-ti 3:15-29 mà luận rằng: Theo lời giao ước của Chúa với Áp-ra-ham, thì con trẻ bởi phép cắt bì dự phần với cha mẹ về lời giao ước ấy.-- Vì vậy, theo lời giao ước của Ðấng Christ, thì các Hội đó tin rằng các con cũng nên bởi lễ báp têm dự phần với cha mẹ về lời giao ước mới đó. Trong thời đại ân điển nầy, lễ báp têm đã lập thay vì phép cắt bì của thời đại luật pháp. Cho nên nếu có cha mẹ là tín đồ chịu trách nhiệm hứa lấy đạo Chúa mà nuôi dạy các con, thì nên làm lễ báp têm cho chúng. Họ lấy nước rưới trên trán trẻ con. Dầu vậy, có nhiều chi hội khác chỉ làm lễ báp têm cho con nào khi đủ tuổi để biết phân biệt phải trái, lại làm lễ dâng con cho Chúa chúc phước (Ma-thi-ơ 19:13; Lu-ca 18:15-17; Mác 10:13-16).
       Vì kẻ chết.-- Có người cắt nghĩa ý I Cô-rinh-tô 15:29 rằng: Có lẽ trong Hội Thánh đầu tiên, có nhờ Ma-thi-ơ 20:22, 23 mà làm một lễ hình bóng của lễ báp têm, là lễ dâng mình cho Chúa, để theo gương của các tín đồ chết vì Chúa. Hay là có lẽ, dầu nói lễ báp têm, song thật ra không làm gì cả, chỉ dùng "lễ báp têm" làm ý bóng mà thôi; cũng như trong I Cô-rinh-tô 10:1, 2 Phao lô chép: "Tổ phụ chúng ta đều đã ở dưới đám mây, đi ngang qua biển, chịu Môi-se làm lễ báp têm trong đám mây và dưới biển" (Ban đêm đám mây đó đổi nên lửa, chỉ bóng về lễ báp têm bằng nước và Ðức Thánh Linh". Nay ta thấy tín đồ chết, song vẫn có tín đồ mới kế chỗ trong đó, đến nỗi số tín đồ sẽ được trọn vẹn và Chúa tái lâm.
       Tiến sĩ Scofield dịch ra đại ý của I Cô-rinh-tô 15:29 nửa phần trên như sau nầy: "Bằng chẳng vậy, những người chịu lễ báp têm nhập vào Hội Thánh kế chỗ trống của những kẻ chết trong Hội Thánh sẽ làm chi?".


Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.