Lễ báp-têm. Rite baptismal.

      


      Theo luật pháp Cựu Ước, người Do-thái để khỏi ô uế phải làm một lễ tinh sạch bằng nước, như chép trong Xuất Ê-díp-tô ký 29:4; 30:20; 40:12; Lê-vi ký 15:; 16:26, 28; 17:15; 22:4, 6; Dân số ký 19:8; Mác 7:3, 4. Song, lễ báp-têm là lễ đời Tân Ước. Người làm lễ báp-têm đầu tiên là Giăng, nên gọi là Giăng Báp-tít (Mác 1:4; 6:14, 24; 8:28; Lu-ca 7:20); ấy chỉ tỏ rằng vào nước Ðức Chúa Trời phải lìa tội lỗi, nên nói là lễ báp-têm ăn năn (Mác 1:4). Giăng thấy lễ báp-têm mà mình làm chưa trọn, bèn nói: "Có Ðấng quyền phép hơn ta, đến sau ta... Ngài sẽ làm lễ báp-têm cho các ngươi bằng Ðức Thánh Linh" (Mác 1:7-8). Vậy, sao Chúa Jêsus cũng chịu lễ báp-têm nơi Giăng (Mác 1:9)?
             1. Ấy tỏ ra Ngài tán thành việc làm của Giăng.
             2. Lấy sự chịu báp-têm làm lễ mở đầu chức vụ Ngài.
             3. Và tỏ Ngài gánh vác tội lỗi người đời.
       Chính Chúa Jêsus không làm lễ báp-têm, nhưng môn đồ Ngài làm (Giăng 4:2). Trong lời truyền sai mười hai Sứ đồ và bảy mươi môn đồ, Chúa không phán bảo họ làm báp-têm (Ma-thi-ơ 10:; Lu-ca 10:). Duy lúc Chúa sắp thăng thiên, Ngài mới dặn môn đồ nên nhơn danh Ðức Cha, Ðức Con và Ðức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho người nào tin (Ma-thi-ơ 28:19; Mác 16:16). Về sau Hội Thánh thường nhơn danh Chúa Jêsus mà làm báp-têm (Công vụ các sứ đồ 2:38, 41; 8:12, 16; 9:18; 10:48; 19:5; so I Cô-rinh-tô 1:13, 15). Vả, dùng lễ báp-têm để làm lễ theo đạo (I Cô-rinh-tô 12:13; Ga-la-ti 3:27). Phao-lô giảng đạo, không hay làm báp-têm (I Cô-rinh-tô 1:14-17); chẳng qua ở thành Phi-líp, Phao-lô làm báp-têm cho cả nhà Ly-đi và cả nhà người đề lao (Công vụ các sứ đồ 16:15-33); ở Cô-rinh-tô, Phao-lô làm phép báp-têm cho vài người thôi (I Cô-rinh-tô 1:14, 16).
       Lễ báp-têm có ba ý quan hệ:
             1. Tha tội (Công vụ các sứ đồ 2:38; I Cô-rinh-tô 6:11; so Hê-bơ-rơ 10:22; I Phi-e-rơ 3:21).
             2. Xác thịt tội lỗi bị tuyệt diệt, nhưng có sự sống mới; tức trong lễ báp-têm tín đồ được hiệp một với Chúa Jêsus trong sự chết và sự sống lại Ngài (Rô-ma 6:2-7; Cô-lô-se 2:12).
             3. Nương theo Chúa Jêsus, hiệp một với Hội Thánh (I Cô-rinh-tô 12:13; Ê-phê-sô 4:5; Ga-la-ti 3:27). Nhưng nếu không thật lòng hối cải tin Chúa, nhờ lời Ngài, thì dầu chịu lễ báp-têm cũng là vô ích (Ê-phê-sô 5:26 so Giăng 15:3; 17:17).
       Trong I Cô-rinh-tô 15:29, Phao-lô nói đến "vì kẻ chết chịu báp-têm". ý đó rất là khó hiểu. Có người nói: bấy giờ Hội Thánh có đặt lệ ai chưa chịu báp-têm mà chết đi, thì người sống có thể vì người ấy mà chịu thay. Song Phao-lô chỉ nhắc tới thói tục đó, chớ không hề nhận là phải.
       Tân Ước không chép về con nít chịu báp-têm. Mãi đến thế kỷ thứ II S.C. mới có người viết sách nói đến việc làm lễ báp-têm cho con nít. Trong đạo Ðấng Christ, có phái cho rằng: nếu không phải chính mình ăn năn tin Chúa, thì không thể chịu lễ báp-têm; vậy không cho phép con nít chịu lễ báp-têm. Song phái con nít chịu báp-têm thì cho rằng: Ðiều chép trong Tân Ước là việc sáng lập Hội Thánh, nên chỉ nói về người lớn thôi. Nhưng xem I Cô-rinh-tô 1:14, 16 và Công vụ các sứ đồ 16:15, 23 thấy cả nhà đều chịu báp-têm, thì tất trong đó cũng có con nít chịu nữa. Ðời Cựu Ước, cha con và cả nhà Áp-ra-ham đều chịu lễ cắt bì. Vậy, già trẻ đều được lựa vào giao ước Chúa lập hết. Thế thì, con nít cũng được ơn, chớ không phải chỉ riêng người già và người lớn được ơn thôi. Phao-lô chép trong I Cô-rinh-tô 7:14 rằng: "Con cái anh em nên chẳng sạch, song nay đều là thánh". Vì hết thảy đều thuộc giao ước ân điển. Chúa Jêsus phán: "Hãy để con trẻ đến cùng ta" (Mác 10:14). Lại phán: "nếu các ngươi không đổi lại và nên như đứa trẻ, thì chẳng được vào nước thiên đàng đâu" (Ma-thi-ơ 18:3). Nhơn đó mà suy, thì phải cho phép con nít chịu báp-têm. Song đối với hai vấn đề đó, đến nay mỗi phái vẫn giữ ý kiến riêng, ngân ngất như hai hòn núi đối ngọn nhau. Vấn đề đó không còn nữa khi con nít nào đã tỏ rõ thật hối cải, tin cậy Chúa Jêsus.
       Cũng xem bài Lễ Báp-têm.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.