I. Trong Cựu Ước.--
Là cắt bỏ cái bì phía trước ở dương vật của người nam, là biểu hiện của sự ô uế (Phục truyền luật lệ ký 10:16; Giê-rê-mi 4:4) mà Ðức Chúa Trời chỉ định để làm dấu hiệu của giao ước Ngài với Áp-ra-ham và dòng dõi người (Sáng thế ký 17:10-14). Ý nghĩa lễ cắt bì cơ quan sinh dục tỏ ra sự ô uế là cố hữu trong người từ thuở sanh ra, và bởi cha mẹ truyền lại, làm hình bóng sự biệt mình khỏi điều ô uế của bản tánh xác thịt để có thể giao thông với Ðức Chúa Trời. Theo sử gia Hérodote, đời thái cổ người Ai-cập, Ê-thi-ô-bi và Sy-ri hay làm lễ đó, nhưng có lẽ chỉ nói đến những thầy tế lễ Ai-cập và người học đạo họ. Làm lễ cắt bì bằng dao đá thì đủ biết đã cổ lắm rồi (Xuất Ê-díp-tô ký 4:25; Giô-suê 5:2). Trong vòng các dân tại xứ Sy-ri, chỉ người Do-thái giữ lễ nầy để biệt riêng khỏi các dân Ca-na-an xung quanh mình. Nếu thật đã có trước đời Áp-ra-ham, nhưng lần thứ nhứt Ðức Chúa Trời thừa nhận là khi Ngài lập làm dấu hiệu của giao ước Ngài với Áp-ra-ham.
Cho nên, dầu Áp-ra-ham đã 99 tuổi cũng chịu lễ cắt bì, và phàm các trai đinh trong nhà Áp-ra-ham và Ích-ma-ên cũng đều chịu nữa (Sáng thế ký 17:10-14, 23-27). Chúa cũng phán bảo Môi-se lúc sắp sửa xuất Ê-díp-tô: phàm khách ngoại bang muốn giữ lễ Vượt qua phải chịu lễ cắt bì trước (Xuất Ê-díp-tô ký 12:48). Những thầy tế lễ Ai-cập có lẽ học theo lễ nầy lúc Giô-sép cầm quyền trên cả xứ Ai-cập và cưới con gái của thầy cả thành Ôn. Bởi lệ nầy, những người Y-sơ-ra-ên được coi là tinh sạch, và nên một nước thầy tế lễ (Xuất Ê-díp-tô ký 19:6; Phục truyền luật lệ ký 7:6-7). Trong Giê-rê-mi 9:25, dường như có sự phân biệt hai hạng: Y-sơ-ra-ên chịu cắt bì trong xác thịt, song không chịu cắt bì trong lòng, và các dân ngoại không chịu cắt bì cả trong xác thịt và trong lòng. Dân Y-sơ-ra-ên nếu sanh con trai, khi được 8 ngày thì phải làm lễ cắt bì cho, rồi mới đặt tên, như sau khi từ Ba-by-lôn về cũng làm khi làm lễ dâng con cho Chúa (Lê-vi ký 12:3; so Lu-ca 1:59; 2:21). Con trẻ nào không chịu cắt bì có thể bị "truất ra khỏi" (Sáng thế ký 17:14). Môi-se, vì vợ là Sê-phô-ra không bằng lòng, không cắt bì cho con mình thì Ðức Giê-hô-va thình lình phạt lúc đi đường; Sê-phô-ra vội vàng làm để cứu chồng (Xuất Ê-díp-tô ký 4:24-26).
Tại xứ Ai-cập, dân Y-sơ-ra-ên vẫn giữ lễ nầy, song sau khi ra khỏi đó, những người Y-sơ-ra-ên sanh ở đồng vắng đều không chịu cắt bì. Ấy vì họ đang bị hình phạt về tội vô tín, nên dường như đứng ngoài giao ước Ngài và không cần dấu hiệu đó (Giô-suê 5:5-6). Nhưng đến Ghinh-ganh, sắp vào xứ Ca-na-an, Giô-suê vâng theo Chúa làm lễ đó (Giô-suê 5:2-9). Ðến nay, người đạo Do-thái vẫn còn làm lễ nầy. Người A-rạp tức dòng dõi Ích-ma-ên, khi lên 13 tuổi, theo gương tổ phụ mình, và người đạo Hồi hồi đều giữ nữa.
II. Trong Tân Ước.--
Sự đau đớn của lễ cắt bì Cựu Ước so với lễ dâng con Tân Ước tỏ rõ sự khác nhau giữa giao ước của luật pháp nghiêm nhặt và sự yêu thương của Tin Lành. Chúa Jêsus chịu cắt bì, ấy tỏ ra Ngài làm trọn mọi điều luật pháp đòi, và tình nguyện chịu hình phạt của luật pháp đó trên chúng ta.
"Không chịu cắt bì" được dùng về môi miệng (Xuất Ê-díp-tô ký 6:12, 30), về tai (Giê-rê-mi 4:4; 6:10), về lòng (Lê-vi ký 26:41 ; Phục truyền luật lệ ký 10:16; Công vụ các sứ đồ 7:51), có nghĩa làm dấu khỏi sự ô uế của bổn tánh xác thịt (Phục truyền luật lệ ký 30:6; Ê-sai 52:1). Những trái cây của người Ca-na-an cũng gọi là "không cắt bì", ấy vì coi là ô uế (Lê-vi ký 19:23). Dân Y-sơ-ra-ên thường nói "không chịu cắt bì" như một tiếng nhiếc móc chỉ về người ngoại bang (Sáng thế ký 34:14; Các quan xét 14:3; 15:18, v.v...). Trái lại, trong Tân Ước, "người chịu cắt bì" chỉ về tín đồ Do-thái trong Hội Thánh và dân tộc Do-thái (Ga-la-ti 2:8; Cô-lô-se 4:11).
Xét sách Tân Ước, Hội Thánh vì lễ cắt bì mà gây nên sự tranh luận (Công vụ các sứ đồ các Sứ-đồ 15:). Nghiên cứu ra, thì lễ cắt bì cốt ở trong lòng chớ không ở đòi hỏi bề ngoài (Rô-ma 2:28-29; Ga-la-ti 3:3). Người nào chịu cắt bì mà không giữ luật pháp thì khác gì với người chưa chịu. Còn người tin kính Ðấng Christ dầu không chịu cắt bì cũng không hại gì (Ga-la-ti 6:15); vì chính trong lòng người đó đã chịu cắt bì thật của Ðấng Christ, không phải bởi tay người, cũng không chỉ nguyên ở dương bì, song là cất bỏ tội lỗi xác thịt (cả tánh cũ với tội lỗi). Xem Cô-lô-se 2:11; Rô-ma 2:28-29.
Phao-lô cảnh cáo những tín đồ còn coi lễ cắt bì như có công đức thiêng liêng rằng những người đó "buộc phải giữ trọn cả luật pháp, và Ðấng Christ không bổ ích gì cho họ hết" (Ga-la-ti 5:2, 3 ,12). Phao-lô gọi đó là những kẻ chịu cắt bì giả (Phi-líp 3:23). Vậy, Phao-lô không chịu cho Tít làm lễ cắt bì, và là người Hy-lạp, còn Ti-mô-thê sanh ra là người Do-thái có tin Chúa, song cũng nên chịu cắt bì (Công vụ các sứ đồ 16:1, 3; Ga-la-ti 3:2-5). Ðạo Ðấng Christ không xen vào lễ nghi dân Do-thái (vì không còn nghĩa về tôn giáo nữa). Về phần người Do-thái nên giữ khi chính thể và đền thờ còn vững lập, song khi đã sụp đổ thì thói tục đó cũng đình chỉ. Bắt tín đồ ngoại bang chú trọng đến lễ cắt bì, ấy tức là coi thói tục đó cần yếu trong đạo Ðấng Christ. Ðối với người Do-thái mà phạm lễ cắt bì, ấy là không hiệp với sự yêu thương trong những vấn đề không cốt yếu, hầu cho trong mọi sự có thể dùng bất cứ cách nào để dẫn người đến cùng Chúa (I Cô-rinh-tô 9:22; Rô-ma 14:).
Tiến sĩ Scofield chú thích về lễ cắt bì:
Xuất Ê-díp-tô ký 4:24.-- Câu 25 giải nghĩa câu 24. Môi-se đã quên chính dấu làm nền tảng của giao ước Y-sơ-ra-ên với Ðức Giê-hô-va. Khi sắp giải cứu dân Y-sơ-ra-ên, Chúa nhắc lại rằng nếu một người Y-sơ-ra-ên không chịu lễ cắt bì sẽ bị truất khỏi giao ước. Xem Giô-suê 5:3-9.
Giô-suê 5:2.-- Lễ cắt bì là "dấu hiệu" của giao ước Chúa lập với Áp-ra-ham (Sáng thế ký 17:14; Rô-ma 4:11). "Sự xấu hổ của Ai-cập", là vì trong năm cuối cùng khi dân Y-sơ-ra-ên còn làm tôi mọi tại xứ Ai-cập, thì không lo đến dấu hiệu biệt riêng ra đó nữa (so Xuất Ê-díp-tô ký 4:24-26), và cứ bỏ qua trong lúc lưu lạc nơi đồng vắng. Trong Tân Ước, có sự tương tự với tín đồ là hiệp một với thế gian, không giữ địa vị mình đã đồng chết và đồng sống lại với Ðấng Christ cách tỏ tường (Rô-ma 6:2-11; Ga-la-ti 6:14-16). Ý thuộc linh của lễ cắt bì là tín đồ bởi Ðức Thánh Linh làm cho chết công việc chết của chi thể (Rô-ma 8:13; Ga-la-ti 5:16-17; Cô-lô-se 2:11-12; 3:5-10).
Sáng thế ký 17:14.-- Lễ cắt bì là dấu hiệu của giao ước. So Rô-ma 4:9-12.