I. Bằng tiếng Hê-bơ-rơ gọi là "Yõm hakippurĩm", là ngày lễ trọng thể mà cả dân sự Y-sơ-ra-ên kiêng ăn tỏ dấu buồn rầu về tội lỗi đã phạm trong một năm qua từ lễ chuộc tội năm ngoái. Chỉ có sự kiêng ăn trong ngày lễ nầy được lập theo luật pháp Môi-se. Lê-vi ký 16: tả cách giữ lễ, và 23:26-32 bảo rất rõ ràng tư cách của dân sự phải thế nào.
II. Lễ chuộc tội nhằm ngày 10 tháng VII (tisri) nghĩa là từ chiều ngày 9 cho đến chiều ngày 10 tháng đó, năm ngày trước lễ Lều tạm. Lễ sau nầy chỉ về sự yên nghỉ trong xứ làm cơ nghiệp của Y-sơ-ra-ên; vậy, trước khi được yên nghỉ phải có một lễ chuộc tội. Theo Lê-vi ký 25:9, năm hân hỉ vẫn bắt đầu với ngày lễ chuộc tội.
III. Những luật lệ phải giữ trong ngày lễ chuộc tội tả trong luật pháp như sau nầy. Dân sự phải giữ như một ngày Sa-bát rất trọng thể. Vào dịp nầy chỉ thầy tế lễ thượng phẩm có phép vào nơi chí thánh tức là mỗi năm một lần (so Hê-bơ-rơ 9: và 10: "Chúa Jêsus chỉ một lần dâng mình làm tế lễ để cất tội lỗi đi... một lần đủ cả"). Sau khi đã tắm mình và mặc áo thánh toàn bằng vải gai mịn trắng (chỉ về sự thánh khiết cần để được vào nơi Chúa hiện diện, Hê-bơ-rơ 12:14), thầy tế lễ thượng phẩm dẫn ra một con bò tơ đực để làm của lễ chuộc tội, mua bằng chính tiền của mình, về phần chính thầy tế lễ và gia đình người, với hai con dê đực tơ làm của lễ chuộc tội, và 1 con chiên đực làm của lễ thiêu, do tiền quĩ dân chúng trả, về phần dân sự. Kế đó, thầy tế lễ thượng phẩm đem hai con dê đực đến trước mặt Chúa tại nơi cửa hội mạc, đoạn bắt thăm: trên một thăm viết "về phần Ðức Giê-hô-va", còn một "về phần A-xa-sên". Thầy tế lễ dâng con bò tơ đực làm của lễ chuộc tội riêng cho mình và gia đình mình. Người lấy một phần huyết bò đực, bỏ đầy lư hương than lửa đỏ trên bàn thờ bằng đồng, tay cầm một vốc hương bột mà vào trong nơi chí thánh. Người bỏ hương trên lửa trước mặt Chúa, và ngọn khói hương bao phủ nắp thi ân. Ấy chỉ bóng về công đức Ðấng Christ xông hương các lời cầu nguyện của tín đồ lên như mùi hương trước mặt Ðức Chúa Trời (Khải Huyền 8:3-4). Người nhúng ngón tay mình vào huyết và rảy bảy lần trên nắp thi ân về phía Ðông, và rảy bảy lần về phía trước nắp thi ân (Lê-vi ký 16:14). Con dê đực trúng nhằm thăm "về phần Ðức Giê-hô-va", thì bị giết và thầy tế lễ rảy huyết trước nắp thi ân cũng như trước đã dùng huyết bò tơ. Từ trong nơi chí thánh đi ra, người làm sạch nơi thánh, rảy một phần huyết của cả bò tơ đực với dê đực trên bàn thờ xông hương (so 9:22-23). Vào lúc đó, trừ thầy tế lễ thượng phẩm, không ai có phép có mặt trong nơi thánh. Ấy chứng rằng Ðấng Mê-si có đặc quyền hành chức tế lễ và chức riêng của Ngài, và công việc chuộc tội Ngài là hoàn toàn trọn vẹn không cần thêm việc một người nào nữa (Hê-bơ-rơ 7:24; 9:12; 10:12-18).
Khi làm xong lễ tẩy sạch nơi chí thánh và nơi thánh, thầy tế lễ đặt tay trên đầu dê dực còn sống trúng nhằm thăm "về phần A-xa-sên", và xưng mọi tội lỗi của cả dân sự. Có một người chực sẵn vào việc dẫn con dê đó vào nơi đồng vắng, là nơi hoang vu, và thả nó ra. Sau đó, thầy tế lễ thượng phẩm trở lại vào nơi thánh, tắm mình lần nữa, mặc áo thường dùng để hành lễ, rồi dâng hai con sinh làm của lễ thiêu, một cho mình, một cho dân sự. Người cũng xông trên bàn thờ mỡ của hai con sinh làm của lễ thiêu, còn thịt thì mang ra đốt ngoài trại quân không ai được phép ăn. Người mang thịt ra cùng với người dắt con dê đực thả đi đều phải tắm mình và giặt áo khi xong việc rồi. Các của lễ thiêu phụ thuộc chép trong Dân số ký 29:7-11 là một con bò đực tơ, một con chiên đực, bảy con chiên con, và một con dê đực tơ.
IV. Có nhiều sự bàn luận về nghĩa chữ A-xa-sên. Các quan niệm rất đáng chú ý là:
1. Có người coi là chỉ về chính con dê đực. Các nhà giải nghĩa xưa có ý đó và tưởng chỉ về con dê đực bị dắt ra ngoài thả đi, song nếu theo ý đó khó cắt nghĩa rõ Lê-vi ký 16:10, 26.
2. Có người cho A-xa-sên là tên nơi mà con dê bị đem đến.
3. a) Gesenius cho rằng ấy là một vị tà thần phải có của lễ bằng dê đực để ở yên.
b) Song người khác coi như là một vị ác thần hay là chính ma quỉ.
4. Một lời giải nghĩa ít bị phản đối nhứt, dầu không được hoàn toàn, thì coi A-xa-sên là chỉ về thăm "bị đuổi đi cách hoàn toàn".
V. Khi xem xét ý nghĩa của những lễ đặc biệt trong ngày lễ chuộc tội, thấy có ba đặc điểm rõ ràng:
1. Quần áo trắng của thầy tế lễ thượng phẩm.
2. Sự đi vào trong nơi chí thánh.
3. Con dê đực bị đuổi đi.
Tác giả thơ Hê-bơ-rơ (9:7-25), dạy về đặc điểm thứ nhứt và thứ nhì. Chính thầy tế lễ thượng phẩm, là người đã tắm sạch và mặc áo trắng là hình bóng bề ngoài tốt nhứt mà người còn sống có thể giới thiệu ngay trong chính mình người, Ðấng Chí thánh sẽ làm cho dân sự được tinh sạch và rửa sạch mọi tội lỗi đi (so I Giăng 1:7; Khải Huyền 1:6). Song về phần con dê đực bị đuổi ấy là một vấn đề khó giải nghĩa hơn. Ai nấy đều thừa nhận rằng nó bị đuổi đi nghĩa là mang tội lỗi của dân sự đi xa cách khỏi mặt Ðức Giê-hô-va (so Thi Thiên 103:12; Mi-chê 7:19; Ê-sai 38:17; 43:25). Nếu nhớ có chép hai con dê đực đó là hai phần của một của lễ chuộc tội, thì sẽ thấy cả hai chỉ bày tỏ một hình bóng: con dê đực bị giết bày tỏ việc dâng của lễ tức phó sự sống mình vì những người khác "về phần Ðức Giê-hô-va" (ấy chỉ về Chúa Jêsus chết thế và gánh tội cho thế gian); còn con dê đực mang gánh nặng tội lỗi đi để "dời đi cách hoàn toàn" chỉ về ảnh hưởng sạch tội của đức tin trong của lễ đó.
Ðối với tín đồ Ðấng Christ, ngày lễ chuộc tội ví như ngày "Vendredi Saint" của Cựu Ước theo ý rất cao nhưng hạn chế của ngày đó. Ngày lễ chuộc tội cũng như Hội mạc, phương pháp tế lễ, luật pháp, chỉ chứa những bóng của các điều tốt lành trong tương lai, chớ không phải chính những điều đó (Hê-bơ-rơ 10:1), chỉ là "kiểu mẫu" của sự thật (Hê-bơ-rơ 9:24). Chính Ðấng Christ vào trong nơi thánh, chẳng phải bởi tay người làm ra, tức là vào chính trong trời và hiện ra trước mặt Ðức Chúa Trời, dâng mình chỉ một lần làm tế lễ để cất tội lỗi đi (Hê-bơ-rơ 9:23). Bởi thế, mục đích Cựu Ước về những sự tế lễ, trước nhứt về ngày lễ chuộc tội theo ý bóng rất cao, đã được ứng nghiệm đầy đủ trong Ðấng Christ, nên những sự tế lễ đó đã bị bỏ qua nữa. Vậy, hy vọng tín đồ ngày nay giống hư một cái neo (Hê-bơ-rơ 6:19) thấu vào bên trong cái màn theo nghĩa bóng rất cao, tức là trên trời.
Kết luận về việc riêng của thầy tế lễ thượng phẩm trong ngày lễ chuộc tội. Làm lễ chuộc tội:
1. Cho chính mình và gia đình mình.
2. Cho nơi thánh và mọi đồ vật tại đó.
3. Cho bàn thờ của lễ thiêu ở ngoài.
4. Cho cả dân sự.
Theo phần Yoma (ngày lễ chuộc tội) trong Mishna (sách tóm lại cả lệ luật Hê-bơ-rơ làm ra hai thế kỷ S.C), thì biết rằng trong ngày lễ chuộc tội, thầy tế lễ thượng phẩm tắm mình năm lần và lau mình mười lần. Bốn lần người vào nơi chí thánh (coi như là một lần theo Hê-bơ-rơ 9:7):
1. Với lư đựng hương.
2. Với huyết bò đực.
3. Với huyết dê đực.
4. Sau tế lễ buổi chiều đem lư hương ra ngoài (so Lê-vi ký 16:12, 14, 15).
Rồi sau người xưng tội ba lần: cho mình, gia đình mình và cho Y-sơ-ra-ên. Mười lần người xưng danh Giê-hô-va; 43 lần rảy huyết; và đọc mấy khúc Cựu Ước nữa. Khi bắt thăm, người thò cả hai bàn tay vào một hộp, mỗi tay rút một lá thăm trong lúc có hai con dê đực đứng hai bên mình. Thăm trong tay nào thì trúng nhằm con dê bên đó; nếu tay phải rút thăm "về phần A-xa-sên" thì ấy là một triệu chứng tốt. Người lấy một miếng vải đỏ điều có hình cái lưỡi mà buộc vào con dê đực bị đuổi. Sách Gémara nói miếng vải điều lúc đó phải đổi ra trắng làm một dấu rằng Ðức Chúa Trời nhận của lễ chuộc tội. Ấy thí dụ: "Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết" (Ê-sai 1:18). Trong 40 năm trước khi Giê-ru-sa-lem bị phá hủy 70 S.C., cứ theo lời truyền khẩu, phép lạ đó xảy ra. Ấy thật là vì dường như truyền khẩu người Hê-bơ-rơ làm chứng về Ðấng Mê-si: chức vụ Ngài đúng 40 năm trước Giê-ru-sa-lem bị phá, vậy, hình bóng không cần vì Ðấng ứng nghiệm đã đến.
Tiến sĩ Scofield có chú thích về sự chuộc tội như sau nầy:
Xuất Ê-díp-tô ký 29:33.-- Nguyên văn Hê-bơ-rơ "chuộc tội" là "kaphar", ý nghĩa là "che phủ". Bản Anh dịch "kaphar" là "atonement" (nghĩa thần đạo dùng là: công việc đền bồi tội lỗi để cho người hòa thuận lại cùng Ðức Chúa Trời), không dịch đúng với tiếng Hê-bơ-rơ, song chỉ là sự giải nghĩa riêng của dịch giả. Trong Kinh Thánh, của lễ theo luật pháp "che đậy" tội lỗi của kẻ dâng tế lễ, và bảo toàn sự tha tội của Ðức Chúa Trời; theo các dịch giả bản Anh có ý làm cho Ðức Chúa Trời và kẻ có tội hiệp làm một. Song những của lễ Cựu Ước không có làm như vậy. "Vì huyết của bò đực và dê đực không thể cất tội lỗi đi được" (Hê-bơ-rơ 10:4). Của lễ người Y-sơ-ra-ên chỉ về sự xưng tội và thú nhận mình vì cớ tội đó đáng chết; và Ðức Chúa Trời "che phủ" (bỏ qua theo Rô-ma 3:25) tội lỗi họ vì trộng đợi của lễ hy sinh của Ðấng Christ. Cuối cùng của lễ Ðấng Christ đã "bỏ qua các tội phạm trước kia, trong buổi Ngài nhịn nhục" (Rô-ma 3:25; Hê-bơ-rơ 9:15). Bản Anh không dùng tiếng Atonement trong Tân Ước.
Lê-vi ký 16:6.-- Những của lễ theo sách Lê-vi chỉ "che phủ" tội lỗi của Y-sơ-ra-ên cho đến và trong khi còn trông đợi thập tự, song không thể cất tội lỗi đi được" (Hê-bơ-rơ 10:4). Ấy là những tội lỗi "phạm trước kia" (được "che đậy" bởi của lễ theo sách Lê-vi trong khi chờ đợi) mà Ðức Chúa Trời "đã bỏ qua" (Rô-ma 3:25), vì dầu "bỏ qua" song sự công bình Ðức Chúa Trời không hề được đền bồi, cho đến khi Ðấng Christ trên thập tự đã "làm của lễ chuộc tội". Vậy, thật bởi thập tự giá chớ không phải bởi các của lễ theo sách Lê-vi khiến cho hiệp một (atonement). Các của lễ Cựu Ước, vì nghĩa bóng về thập tự nên Chúa có thể cứ nhịn nhục chịu một dân sự mắc tội lỗi. Các của lễ đó, đối với người dâng, thì xưng rằng người đó biết mình đáng chết và tỏ ra đức tin người nữa; đối với Ðức Chúa Trời, chỉ là những "bóng" (Hê-bơ-rơ 10:1), "còn hình thì ở trong Ðấng Christ" (Cô-lô-se 2:17).
Lê-vi ký 23:26-32.-- Ngày lễ chuộc tội như đã tả trong Lê-vi ký 16: song đây chú ý về sự buồn bực và ăn năn của Y-sơ-ra-ên. Nói cách khác, đây có chú ý về phần tiên tri vì thấy rồi sau Y-sơ-ra-ên sẽ ăn năn sau khi đã trở về xứ mình tùy theo giao ước Pha-lê-tin chép Phục truyền luật lệ ký 30:1-10 trước sự tái lâm của Ðấng Mê-si và sự lập nước. Nên xem sự liên quan giữa "sự thổi kèn" trong Giô-ên 2:1 với sự "kiêng ăn, khóc lóc và buồn rầu" chép trong câu 12 sau đó. Xa-cha-ri 12:10-13 liên quan với Xa-cha-ri 13:1 cũng vậy. Về phần lịch sử "suối" ở Xa-cha-ri 13:1 "mở ra" lúc Ðấng Christ chết trên thập tự song bị người Do-thái trong đời đó và các đời sau đều chối bỏ. Sau dân Y-sơ-ra-ên đã thâu họp lại từ các nước tan lạc thì suối đó sẽ "mở ra" cho dân Y-sơ-ra-ên cách linh nghiệm.
Lê-vi ký 16:5.-- Thầy tế lễ thượng phẩm dâng hai con dê đực về phần mình không có nghĩa bóng về Ðấng Christ (Hê-bơ-rơ 7:26-27). Vậy, về nghĩa bóng nơi trung tâm là hai con dê đực và thầy tế lễ thượng phẩm. Về nghĩa bóng:
1. Thầy tế lễ thượng phẩm làm mọi việc (Hê-bơ-rơ 1:3 "Con... làm xong sự sạch tội"), dân sự chỉ đem của lễ đến thôi (Ma-thi-ơ 26:47; 27:24-25).
2. Con dê đực bị giết "về phần Ðức Giê-hô-va" là một mặt của sự chết Ðấng Christ làm phu phỉ sự thánh khiết và sự công bình của Ðức Chúa Trời như tỏ ta trong luật pháp (Rô-ma 3:24-26), và cũng chuộc tội.
3. Con dê đực để sống nghĩa bóng về một mặt của công việc Ðấng Christ cất tội lỗi ta khỏi mặt Ðức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 9:26; Rô-ma 8:33-34).
4. Thầy tế lễ thượng phẩm vào trong nơi chí thánh nghĩa bóng về Ðấng Christ vào chính trong trời với huyết Ngài cho ta (Hê-bơ-rơ 9:11-12). Huyết Ngài đã làm cho nơi Ðức Chúa Trời ngự đáng lẽ là một ngai đoán xét trở nên một "ngôi ơn phước" và một "nắp thi ân". Về phần tín đồ, là các thầy tế lễ của giao ước mới, có một điều Y-sơ-ra-ên chẳng hề có, tức là một bức màn xé hai (Ma-thi-ơ 27:51; Hê-bơ-rơ 10:19-20). Vì vậy, tín đồ nhờ huyết Ngài mà vào nơi Chúa ngự là nơi chí thánh để thờ phượng và lãnh ơn phước (Hê-bơ-rơ 4:14-16; 10:19-22).
Sự chuộc tội của Ðấng Christ, nhờ nghĩa bóng các của lễ đời Cựu Ước, cần những điều nầy:
1. Phải thay thế, tức của lễ chết thay thế người dâng.
2. Tôn trọng luật pháp chớ không trốn tránh, tức mỗi của lễ chết là sự hanh hình theo án của luật pháp.
3. Sự vô tội của Ðấng gánh tội lỗi tín đồ được tỏ ra trong mỗi con sinh, tức không có tì vít gì.
4. Công hiệu của việc chuộc tội Ðấng Christ được tỏ ra:
a) Trong lời hứa "tội người đã phạm đã được tha" (Lê-vi ký 19:22); và
b) Trong của lễ thù ân, tức là tỏ sự giao thông, là đặc ân rất cao trọng của tín đồ.