Trong Xuất Ê-díp-tô ký 23:16 cũng gọi là "lễ mùa gặt", lễ thứ ba trong ba lễ trọng của người Hê-bơ-rơ, hạn kể từ ngày 15 đến 22 thánh Tisri. Mỗi người nam trong dân Y-sơ-ra-ên phải lên nơi thánh trước mặt Chúa để giữ lễ nầy, có đặt tên là Lều tạm vì cớ trong những ngày đó hay ăn ở tạm trong những lều.
I. Ðây là các khúc Ngũ kinh trưng dẫn lễ nầy: Xuất Ê-díp-tô ký 23:16; Lê-vi ký 23:34-36, 39-43; Dân số ký 29:12-38; Phục truyền luật lệ ký 16:13-15; 31:10-13. Trong Nê-hê-mi 8: có chép E-xơ-ra giữ lễ nầy.
II. Lễ nầy nhằm mùa thu, thóc lúa, nho và dầu cùng mọi bông trái của đất đã hái và thâu trữ rồi (Xuất Ê-díp-tô ký 23:16; Lê-vi ký 23:39; Phục truyền luật lệ ký 15:13-15). Chính lễ chỉ có bảy ngày thôi (Phục truyền luật lệ ký 16:15; Ê-xê-chi-ên 45:25). Song sau đó có ngày nhóm họp thánh đặc biệt vì có của lễ riêng, thường nói như ngày thứ tám (Lê-vi ký 23:36; Nê-hê-mi 8:18). Trong bảy ngày, người Y-sơ-ra-ên phải ở trong lều hay túp, kết bằng những nhành cây. Phải kiếm những nhành cây ô-li-ve, cây sim, tàu lá kè và những nhành cây rậm (Nê-hê-mi 8:15-16). Trong thành Giê-ru-sa-lem lều làm ở trên mái nhà, trong sân, trong hành lang Ðền thờ, và hai đường phố cửa Nước và cửa Ép-ra-im. Theo lời truyền khẩu của các thầy Rabbins, mỗi người Y-sơ-ra-ên thường buộc những nhành cây thành từng bó, cầm nơi tay gọi là lủlâb. Của lễ thiêu trong ngày lễ Lều tạm nhiều hơn trong ngày lễ nào khác. Mỗi ngày dâng hai con chiên đực, mười bốn chiên con, một dê đực làm của lễ chuộc tội. Ðiều đặc biệt hơn cả là số bò đực dâng tới bảy mươi con (Dân số ký 29:12-38). Song trong ngày thứ tám, "ngày cuối cùng là ngày trọng thể trong kỳ lễ" tức "atzereth" chỉ dâng một bò đực, một chiên đực và bảy chiên con. Ngày thứ tám đó là ngày nhóm hiệp thánh có sự nghiêm trang đặc biệt. Buổi sáng ngày đó, người Hê-bơ-rơ lìa bỏ lều hay túp, và dở hết thảy mà trở về nhà. Khi lễ Lều tạm nhằm năm Sa-bát, có đọc những đoạn luật pháp trước đờn ông, đờn bà, trẻ con và khách lạ (Phục truyền luật lệ ký 31:10-13). Ta thấy E-xơ-ra đọc luật pháp "mỗi ngày, từ ngày đầu đến ngày chót" (Nê-hê-mi 8:18).
III. Có hai điều đặc biệt trong luật lệ giữ lễ Lều tạm dường như Tân Ước có trưng dẫn còn Cựu Ước thì không nói đến. Ấy là lễ đổ nước ao Si-lô-ê, và sự chiếu sáng trong hành lang đờn bà. Mỗi người Y-sơ-ra-ên mặc bộ đồ lễ, đã làm những bó nhành cây (lulâb, trên chữ u có dấu ^), trước khi thôi kiêng ăn, trở về Ðền thờ, một tay cầm lủlâb, còn tay kia cầm trái chanh (trái tốt lành), vào giờ dâng của lễ hằng hiến buổi sáng. Những phần của lễ sắp đặt trên bàn thờ. Một trong các thầy tế lễ múc nước ao Si-lô-ê vào trong một bình vàng và mang vào trong hành lang bởi cửa Nước. Khi thầy tế lễ bước lên bực bàn thờ, thì có tiếng kèn thổi và dân sự kêu: "Các ngươi sẽ vui vẻ mà múc nước nơi các nguồn sự cứu" (Ê-sai 12:3). Ấy kỷ niệm nước từ hòn đá chảy ra nơi đồng vắng. Cũng có một ban hát Hallel và phất những tàu lá kè nhứt là đến câu 1, 25, 29 của Thi Thiên 118:. Ở trên bàn thờ, có gắn hai chậu bạc và lỗ nhỏ ở dưới. Nước nho thì đổ vào chậu ở phía Ðông, còn nước ao vào chậu ở phía Tây, từ đó có những ống dẫn đến khe Xết-rôn. Ðến tối cả đờn ông, đờn bà đều họp trong hành lang đờn bà để chung vui trong sự kéo nước ao Si-lô-ê. Cũng lúc đó, trong hành lang có hai trụ cao, mỗi trụ có bốn cái đền lớn. Những ngọn đèn đó thắp mỗi đêm trong kỳ lễ. Dường như hết thảy đều cho rằng lời Chúa phán: "Nếu người nào khát hãy đến cùng ta mà uống. Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh Thánh đã chép vậy" (Giăng 7:37-38), được gợi ý bởi sự đổ nước ao Si-lô-ê. Song về "ngày sau cùng, là ngày trọng thể trong kỳ lễ" khó quyết định là ngày thứ bảy của chính lễ Lầu Tạm, hay là ngày thứ tám theo sau, là ngày chót của các kỳ lễ hằng năm. Nếu thật như thế, lời trưng dẫn của Chúa chắc chỉ về một lễ ai cũng biết dầu chính lúc đó chưa tới. Chắc lời Chúa phán "Ta là sự sáng của thế gian" (Giăng 8:42) cũng được gợi ý bởi hai trụ có thắp những ngọn đèn lớn. Có người tin rằng, đến tảng sáng hôm sau, Chúa từ núi Ô-li-ve trở lại Ðền thờ, thấy các ngọn đèn lớn trên hai trụ cao đang tắt giữa hành lang, nên phán: "Ta là sự sáng soi thế gian" (Giăng 8:1, 2, 12). Như sự sáng thiên nhiên của mặt trời làm cho sự sáng nhân tạo ra vô ích, cũng vậy, dường như lời phán của Ngài có ý: Ta, là Mặt trời của sự công bình thay thế những ánh sáng hình bóng của các ngươi.
IV. Có nhiều điều chỉ dẫn trong sách Mishna về kích thước và cách cất những lều. Không được thấp hơn mười gang, hoặc cao hơn hai mươi cu-đê. Lều đó phải tự đứng thẳng, không cần vật chi chống đỡ ngoài, hay là ở dưới chỗ trú của một tòa nhà đồ sộ nào, hoặc một cây nào. Lều đó không được lợp bằng da, hoặc bất cứ thứ vải nào, song chỉ toàn bằng nhánh cây hoặc một phần bằng chiếu sậy. Ðồ đạc trong lều thì rất tầm thường. Bàn thờ trang hoàng trong bảy ngày bằng những búp liễu, mà mỗi người Y-sơ-ra-ên đến hành lang phải đem theo. Ðã nói đến điều đáng chú ý là lắm của lễ. Ngoài những của lễ đó, của lễ chagigah hoặc của lễ thù ân riêng cũng dâng nhiều hơn các ngày lễ khác.
V. Dầu hết thảy những ngày lễ quanh năm của người Hê-bơ-rơ toàn là những kỳ vui vẻ, song lễ Lều tạm có sự đặc biệt là vui hơn cả. Lều có những lulâb làm cho quang cảnh ban ngày trong thành phố thêm vui, ban đêm có đèn đuốc, âm nhạc, những cuộc nhóm họp vui vẻ trong hành lang của Ðền thờ cũng làm tăng thêm vẻ cho ngày lễ.
VI. Mục đích quan hệ của lễ Lều tạm có chép rõ trong Xuất Ê-díp-tô ký 23:16 và Lê-vi ký 23:43. Ấy là sự tạ ơn Chúa về mùa màng, kỷ niệm dân Y-sơ-ra-ên ăn ở trong các trại trải qua kỳ lưu lạc trong đồng vắng. Một mặt, lễ nầy có liên quan với lễ Vượt qua tức là lễ thuộc tháng A-bíp và với lễ Ngũ-tuần là lễ mùa màng; một mặt khác, có liên quan với lễ Vượt qua là lễ kỷ niệm lớn nhứt hằng năm của sự giải cứu khỏi tay thiên sứ hủy diệt và sự hà hiếp của người Ai-cập. Song tự nhiên có sự liên lạc với sự vui vẻ nầy vì đã được sự tự do, nay thêm một sự vui nữa là dân sự Chúa cũng đã được cư xử tại xứ Ca-na-an, nên lời hứa Chúa đã được ứng nghiệm cách hoàn toàn hơn. Bởi điểm tột bực nầy của phước lành là lập nơi trung tâm của sự thờ phượng quốc gia trong Ðền thờ tại Giê-ru-sa-lem. Vì đó nên lễ Lầu tạm được cử hành cách long trọng vào dịp khánh thành Ðền thờ Sa-lô-môn (I Các vua 8:2, 65), sau khi E-xơ-ra xây lại đền thờ (Nê-hê-mi 8:13-18), và lần thứ ba khi Judas Macchabée đánh đuổi người Sy-ri và lập lại sự thờ phượng tại Ðền thờ (II Macchabée 10:5-8).
Tiến sĩ Scofield chú thích về lễ Lều tạm rằng:
Lê-vi ký 23:34-44.-- Lễ Lều tạm, giống như Tiệc thánh cho Hội Thánh, có hai ý: kỷ niệm và tiên tri. Kỷ niệm về sự cứu chuộc khỏi Ai-cập (câu 43); tiên tri về sự yên nghỉ của Nước cho dân Y-sơ-ra-ên sau khi nhóm hiệp và được lập lại, là khi lễ nầy sẽ kỷ niệm lần nữa, chẳng những cho Y-sơ-ra-ên mà cũng cho các dân tộc nữa (Xa-cha-ri 14:16-21).