I. Tên Pentékosté không phải dịch từ bản Ngũ kinh Hê-bơ-rơ, song về sau vì cớ có năm mươi ngày giữa lễ Vượt qua và lễ nầy thì mới đặt tên Hy-lạp đó. Lễ nầy cũng gọi là lễ mùa gặt hoặc lễ các tuần lễ, và có thể coi là phần phụ thêm của lễ Vượt qua. Lễ nầy xưa ăn trong một ngày, song người Do-thái ngày nay giữ tới hai ngày. Dân sự sau khi đã dâng trước mặt Chúa bó lúa đầu mùa trong ngày lễ Vượt qua, thì về nhà của mình mà gặt mùa đó, rồi trở lại để giữ lễ mùa gặt trước mặt Chúa.
II. Từ ngày 16 tháng Nisan, tính có bảy tuần lễ thôi, và ngày sau là ngày thứ năm mươi là ngày lễ Ngũ-tuần, nhằm ngày 6 tháng Sivan (chừng cuối tháng năm tây). Xem Xuất Ê-díp-tô ký 23:16; 34:22; Lê-vi ký 23:15-22; Dân số ký 28:26-31; Phục truyền luật lệ ký 16:9-12; II Macchabée 12:32; Công vụ các sứ đồ 2:1; 20:16; I Cô-rinh-tô 16:8). Thời gian giữa hai lễ đó gồm lại của mùa gặt ngũ cốc và mùa cuối cùng là lúa mì. Thời gian đó khởi sự từ khi "người ta bắt đầu tra lưỡi hái vào mùa gặt".
III. Lễ Ngũ tuần là ngày người Do-thái đem mùa màng về nhà; có lời khuyên dân sự nên cùng với gia đình vui vẻ trước mặt Ðức Giê-hô-va, kể cả tôi trai, tớ gái, người Lê-vi trong thành mình, khách lạ, kẻ mồ côi, người góa bụa, đều họp lại trong nơi Chúa đã chọn cho danh Ngài và dâng của lễ lạc ý từ tay mình cho Ðức Giê-hô-va (Phục truyền luật lệ ký 16:10-11). Ðặc sắc của lễ nầy là dâng hai ổ bánh bằng lúa đầu mùa, có pha men tức là cốt dùng làm đồ ăn thường.
Về phương diện nầy, trái hẳn với bánh không men của lễ Vượt qua, ngày lễ nầy có tánh cách gia đình và xã hội hơn, và tỏ lòng tốt đối với người nghèo như luật pháp dạy phải để lại cho họ được mót đầy đủ (Lê-vi ký 23:22). Cùng với ổ bánh có hai chiên con dâng làm của lễ thù ân, hết thảy đều dâng đưa qua đưa lại trước mặt Ðức Giê-hô-va và thuộc về thầy tế lễ, hai ổ bánh vì có men không được phép dâng trên bàn thờ. Còn con sinh khác là: một của lễ thiêu bằng con bò tơ, hai chiên đực tơ, bảy chiên con, với của lễ chay và lễ quán, cùng một con dê đực tơ làm của lễ chuộc tội (Lê-vi ký 23:18-19). Thổ sản của mùa không được phép ăn và trái đầu mùa nào cũng không được phép dâng cho đến chừng hai ổ bánh đã dâng xong trong ngày lễ Ngũ tuần. Cả lễ nghi nầy làm trọn sự dâng mùa gặt đã bắt đầu với lễ dâng bó lúa qua lại trong ngày lễ Vượt qua. Thời gian giữa hai lễ đó bao giờ cũng được coi như là mùa thuộc tôn giáo. Trong ba ngày lễ trọng, chỉ có lễ Ngũ tuần không phải chép như để kỷ niệm những biến động trong lịch sử của người Do-thái. Dầu vậy, cũng có ý đó vì luật pháp được ban cho nhằm ngày thứ năm mươi sau khi Y-sơ-ra-ên bỏ xứ Ai-cập (so Xuất Ê-díp-tô ký 12: và 19:). Trong kỳ xuất Ai-cập, dân sự được dâng cho Ðức Chúa Trời như là trái đầu mùa sống; tới núi Si-na-i, dân sự dâng mình cho Chúa như là một, dân ấy mới trọn vẹn.
IV. Nghĩa bóng của lễ Ngũ tuần được tỏ rõ trong những ngày biến động xảy ra chép lại trong Công vụ các sứ đồ 2:. Lễ Vượt qua trước Ðấng Christ đã chết trên cây thập tự làm Chiên Con thật của lễ Vượt qua, và vì làm của lễ dâng cho Ðức Chúa Cha như thế, thì "Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ" (I Cô-rinh-tô 15:20). Các tín đồ nhóm tại Giê-ru-sa-lem trong ngày lễ Ngũ tuần sau, như người Y-sơ-ra-ên trước tại núi Si-na-i, chờ đợi "điều Cha đã hứa". Một lần nữa, Ðức Chúa Trời từ trời xuống trong ngọn lửa, để đổ ra Thánh Linh Ngài, là Ðấng ban cho sự hiểu biết thuộc linh về luật pháp Ngài. Những người tin Chúa vì lời giảng Phi-e-rơ ngày đó, là những trái đầu mùa thuộc linh mà Ðấng Christ đã nói trước với các môn đồ Ngài. Như ngày Chúa hiện ra ở trên núi Si-na-i là ngày sanh nhựt của dân tộc Do-thái, cũng vậy, ngày lễ Ngũ tuần đó là ngày sanh nhựt của Hội Thánh Ðấng Christ. Nếu lễ Ngũ tuần về phần tổ chức không liên quan với lễ nào khác, thì trong Cựu Ước không có gì bảo lãnh chắc chắn có nghĩa khác nữa; lễ đó chỉ như một lễ rất trọng thể mà Chúa đã chỉ định để dân sự tạ ơn Chúa vì đã trợ cấp đồ ăn rất cần cho mình được đầy đủ quanh năm. Nhưng lễ nầy như đã nói ở trên cũng liên lạc với lễ Vượt qua là lễ trọng hơn các lễ khác, vì tỏ ra một dân thật đã được chọn và biệt riêng ra khỏi các dân tộc khác. Vậy, ngày lễ Ngũ tuần không phải là một ngày đứng riêng một mình. Lễ nầy như là tóm kết cả kỳ lễ Ngũ tuần. Nếu sự dâng một ô-me tức bó lúa đầu mùa là một lời khẩn xin Chúa ban phước trên mùa gặt vừa mới bắt đầu và sự dâng hai ổ bánh cũng là một lời tạ ơn vì mùa gặt đã xong, mỗi lễ đó có ý nghĩa cao xa hơn bởi vì ô-me đó có dự phần thật về lễ Vượt qua. Lễ Ngũ tuần là ngày lễ cuối cùng của người Do-thái mà Phao-lô lo giữ (I Cô-rinh-tô 16:8), và sau ngày lễ thứ nhứt hằng năm mà Hội Thánh Ðấng Christ lập là ngày Pentecôte. Như tội tháp Ba-bên làm tản lạc mất sự hiệp một, trái lại bởi thần Ðức Chúa Trời đổ ra trong ngày lễ Ngũ tuần, các tín đồ "dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Ðức Thánh Linh" (Ê-phê-sô 4:3).
Tiến sĩ Scofield chú thích về lễ Ngũ tuần như sau nầy:
Lê-vi ký 23:16.-- Hình bóng lễ Ngũ tuần được ứng nghiệm khi Ðức Thánh Linh giáng xuống để lập Hội Thánh. Vì cớ đó, lễ đó còn dùng men, ấy chỉ về tội lỗi còn ở trong Hội Thánh (Ma-thi-ơ 13:33; Công vụ các sứ đồ 5:1, 10; 15:1). Nên chú ý, có chép dâng hai ổ bánh; không phải là một bó bằng những cành buộc không chặt, nhưng những mảy bột nhào dính với nhau kết thành một đoàn thể đều như nhau. Ðức Thánh Linh giáng xuống ngày Pentecôte hiệp các tín đồ làm thành một cơ quan là Hội Thánh (I Cô-rinh-tô 10:16-17; 12:12, 13, 20).