Không có một danh từ nào quen biết mà lại khó định nghĩa hơn. Ấy vì ứng dụng trong mỗi phương diện của đời sống và tư tưởng, nên có nghĩa khác nhau có thể sắp đặt như sau:
1. Lẽ thật của sanh-lý học (ontologie)--Tức nghĩa đúng và đủ của sự sanh hoạt rất thiết thực. Theo nghĩa nầy, lẽ thật là một danh từ của siêu hình học, và được định nghĩa khác nhau theo lý thuyết của triết học nào công nhận. Kinh Thánh chẳng hề lấy ý nầy của lẽ thật làm quan hệ nhứt, trừ ra câu hỏi của Phi-lát (Giăng 18:38). Phi-lát hiểu sai nghĩa luân lý sâu nhiệm về lẽ thật Chúa vừa dùng, đến nỗi Chúa không đáp và Phi-lát dường không đợi lời đáp vì câu hỏi của người chỉ bởi thái độ khinh bỉ, nghi ngờ. Châm Ngôn 23:23, "chân lý" chỉ đúng nghĩa về những ý và sự đánh giá trong đời sống.
2. Lẽ thật hợp lý.-- Ấy tỏ ra sự can thiệp giữa người biết và điều người biết, và nhờ lối sắp đặt những ý theo một ý làm trung tâm hoặc gồm tóm hết. Lẽ thật theo ý nầy cần sự tương hiệp của những ý tưởng và những sự thật. Dầu trong Kinh Thánh có nghĩa nầy của lẽ thật song không phải là quan hệ nhứt, trừ sự ứng dụng thực hành trong Ê-phê-sô 4:21; I Giăng 2:4, 21.
3. Lẽ thật đạo đức.-- Ấy là sự hiệp nhau của sự tỏ ra bề ngoài với ý tưởng trong lòng. Ý nghĩa đầy đủ của lẽ thật là sự hiệp nhau của ý tưởng với sự thật, của sự phát biểu với tư tưởng và mưu định, và của thật hữu với tôn chỉ: ấy là ý nghĩa đặc biệt của chữ lẽ thật trong Kinh Thánh. Ðây, mục đích của tôn giáo là theo lẽ thật mà liên lạc người với Ðức Chúa Trời. Trong sự hiểu biết, người phải biết Ðức Chúa Trời và trật tự Ngài như thật có và tưởng có. Bởi công việc, trong sự từng trải mình, người phải tỏ ra ý nghĩa thật về Chúa mà Ngài đã ban cho. Lẽ thật một phần là nhận biết, một phần là tỏ ra bởi việc làm. Ðặc sắc rõ ràng của sự dạy dỗ Ðạo Ðấng Christ là ý muốn tỏ ra lẽ thật và làm ý muốn của Ðức Chúa Trời, ấy là thái độ cần có để hiểu biết lẽ thật. Lời Chúa dạy trong Giăng 7:17 hiệp với hết cả sự dạy dỗ trong Kinh Thánh. Ê-phê-sô 1:18 gợi ý về thái độ đúng để học hiểu là quan hệ, còn 4:18 tỏ kết quả của thái độ sai lầm vì dốt không biết lẽ thật cốt yếu.
4. Lẽ thật tôn giáo.-- Ấy là một danh từ thường dùng trong các sách hiện thời, song có khi lối dùng không hiệp với lẽ phải và Kinh Thánh. Mọi lẽ thật tự nhiên thuộc tôn giáo và chỉ có thể theo lối cạn cợt mà nói lẽ thật như là một ý biệt lập. Cũng vậy, chẳng hề có thể nói lẽ thật tôn giáo và lẽ thật khoa học phản đối nhau.
I. Cựu Ước luận về lẽ thật.--
Theo nguyên văn Hê-bơ-rơ, lẽ thật vốn chỉ một chữ ('emeth), ý là "bền vững" (Xuất Ê-díp-tô ký 17:12), bởi đó "bền lòng", "trung tín" v.v.... Sau lần lần dùng rộng nghĩa hơn, lẽ thật có ý chơn thật không càn bậy (Phục truyền luật lệ ký 13:14; Châm Ngôn 12:17). Phàm kẻ không thật và nói dối đều bị khép vào tội nặng (Ô-sê 4:1-2; Thi Thiên 59:12; Châm Ngôn 12:22). Sự chơn thật tỏ điều công bằng, ngay thẳng của quan án (Xuất Ê-díp-tô ký 18:21; Châm Ngôn 20:28; Ma-la-chi 2:6). Có khi bày tỏ đức tánh của Ðấng Mê-si (Thi Thiên 45:4; Ê-sai 42:3). Chơn thật chỉ về sự tin cậy người nầy với người kia, hoặc đức tin người đối với Chúa (II Các vua 20:3), hoặc chỉ về Ðức Chúa Trời không thất tín với người (Sáng thế ký 32:10; Phục truyền luật lệ ký 32:4; Thi Thiên 31:5). Lẽ thật cũng là ý Chúa bày tỏ cho loài người (Ða-ni-ên 8:12; 9:13); cũng chỉ về sự khôn ngoan (Châm Ngôn 23:23).
II. Tân Ước luận về lẽ thật.--
Theo nguyên văn Hy-lạp: alẽthos, Lu-ca 21:3; Giăng 6:14; 7:40; I Tê-sa-lô-ni-ca 2:13; ontõs, I Cô-rinh-tô 14:25; pistos, I Ti-mô-thê 3:1 có ý nghĩa là "thật" và dùng nhiều trong ba sách Tin Lành đầu và sách Công vụ các sứ đồ. Trong Ma-thi-ơ 22:16 có sự ứng dụng rộng hơn dầu cho lời dua nịnh của người Pha-ri-si giả hình (Xem Mác 12:14; và Lu-ca 20:21) là "lẽ thật". Ðể chứng rõ ý chữ "thật" đó nên nói chơn thật, phải ăn ở chơn thật, chớ nói dối (Ê-phê-sô 4:25), nhứt là phải lấy lòng yêu thương mà nói ra (Ê-phê-sô 4:15).
1. Phao-lô hằng lấy hai chữ lẽ thật để bày tỏ ý chỉ của Chúa tuyên bố cho người, tức tỏ rõ trong lương tâm người (Rô-ma 1:18-25). Lẽ thật là lời bày tỏ Tin lành của Chúa Jêsus Christ (II Cô-rinh-tô 4:2; Ga-la-ti 3:1-5), cũng là Tin Lành nữa (Ê-phê-sô 1:13; Ga-la-ti 2:5, 14; 4:16; 5:7; Cô-lô-se 1:5). Lẽ thật chép trong hai thơ Ti-mô-thê và Tít dường như là các điều tin kính trong qui tắc của Hội Thánh (I Ti-mô-thê 3:15; II Ti-mô-thê 2:15; 3:7-8; 4:4; Tít 1:14). Các sách trong Tân Ước cũng đồng một ý đó (Hê-bơ-rơ 10:26; Gia-cơ 1:18; I Phi-e-rơ 1:22; II Phi-e-rơ 1:12).
2. Giăng coi lẽ thật là một nghĩa cốt yếu đặc biệt. Xin coi luôn cả sự sống và sự sáng chép trong sách Tin Lành Giăng. Ðại ý sách đó là cắt nghĩa kỹ lẽ thật Chúa Jêsus đã bày tỏ và phương pháp Ngài dùng để bày tỏ. Ý nghĩa lẽ thật theo Giăng là sự thật rất mực của Ðức Chúa Trời vậy (Giăng 8:40, 45, 46). Chúa Jêsus là Con một của Cha (Giăng 1:18), sanh ra vì lẽ thật, muốn làm chứng cho lẽ thật (Giăng 18:37). Vậy nên Ngài có đầy lẽ thật và lẽ thật do Ngài mà đến (Giăng 1:14, 17). Lẽ thật đã trở nên xác thịt, được ứng nghiệm trong Chúa Jêsus nên Ngài tức là lẽ thật (14:6). Ngài ban lẽ thật cho môn đồ (8:31). Sau khi lên trời Ngài ban Thần lẽ thật cho môn đồ để ở cùng họ luôn (14:17). Lẽ thật có thể buông tha tín đồ (8:32), khiến nên thánh (17:17-19), giúp giữ điều răn, và khiến họ lấy lòng chơn thật yêu người (I Giăng 2:4; 3:18-19). Vậy, tín đồ chẳng những biết lẽ thật thôi cũng nên tin (Giăng 8:32, 45, 46), và làm theo nữa (Giăng 3:21; I Giăng 1:6; II Giăng 4; III Giăng 4). Phàm người làm theo lẽ thật không dối trá (I Giăng 1:6; 2:4, 21), thuộc về lẽ thật ắt giữ lời Ðấng Christ dạy (Giăng 18:37). Vả, Thần lẽ thật sẽ dẫn môn đồ vào mọi lẽ thật (Giăng 16:13).