Lễ Tiệc Thánh. La Sainte Cène.

      

      Nhan đề nầy mô tả công việc lớn làm trung tâm điểm của sự thờ phượng của Hội Thánh Ðấng Christ. Trong Tân Ước, I Cô-rinh-tô 11:20 gọi là Kuriakóndeípnon, tức "Bữa ăn của Chúa."
       I. Trật tự các việc lúc thiết lập Tiệc Thánh.-- Tiệc Thánh được thiết lập trong đêm Chúa Jêsus bị nộp, khi Chúa và các môn đồ cùng hội họp để ăn Lễ Vượt Qua (Ma-thi-ơ 26:19; Mác 14:16; Lu-ca 22:13). Bữa ăn Lễ Vượt Qua mà người Do-thái bấy giờ giữ theo thứ tự sau đây: 
       (1) Các người của một đoàn buổi tối hội hiệp lại ăn bữa với nhau và nằm nghiêng tựa trên các nệm (so Ma-thi-ơ 26:20; Lu-ca 22:14 và Giăng 13:23,25). Người gia trưởng hoặc người hành lễ khởi đầu tay cầm chén với một câu chúc phước: "Cho ngày và cho rượu," rồi người cùng mọi người khác đều uống bằng chén đó. 
       (2) Hết thảy mọi người có mặt kế đó rửa tay mình, và sự đó cũng có một lời chúc phước đặc biệt. 
       (3) Rồi trên bàn được bày ra với chiên con Lễ Vượt Qua, bánh không men, rau đắng, và món gọi là Charoseth, thứ nước chấm làm bằng trái chà là, vả, nho, và giấm, và dùng để kỷ niệm vôi hồ của sự tôi mọi tại Ai-cập. 
       (4) Trước nhứt, người hành lễ, rồi kế đến những người khác, chấm một miếng rau đắng vào trong món charoseth và ăn. 
       (5) Các món ăn sau đó được dẹp đi, và người ta đem đến một chén rượu thứ hai. Theo sau, có một khoảng thời gian, theo thuyết lý cho phép các con trẻ của người nhập Do-thái-giáo, là những người lấy làm lạ về sự khởi đầu lễ đó đặt những câu hỏi; kế đó người ta chuyền chén đi vòng quanh và uống khi giải nghĩa xong. 
       (6) Các món ăn lại được dọn ra lần nữa, người hành lễ nhắc lại những lời mở đầu bữa ăn Lễ Vượt Qua chính thức, đọc một lời cảm tạ nghiêm trang, theo sau tụng Thi Thiên 113: và 114:. 
       (7) Rồi đó, có sự rửa tay lần thứ hai, với một câu chúc phước ngắn như trước, và người hành lễ bẻ một trong hai ổ bánh hay bánh ngọt không men, và tạ ơn. Mỗi người cầm một phần bánh kèm với rau đắng, chấm vào Charoseth, và ăn. 
       (8) Sau đó, họ ăn thịt chiên con Lễ Vượt Qua, với bánh, v.v., tùy theo ý họ. Sau có lời chúc phước nữa, và một chén thứ ba, gọi đặc biệt là "chén phước lành," chuyền quanh bàn. 
       (9) Kế đó, có chén thứ tư, đọc Thi Thiên 115:-118:, sau có lời cầu nguyện; vậy ấy được gọi là chén của Hallel hoặc của bài ca. 
       (10) Kết luận, có thể có một chén thứ năm, miễn là có bài hát "Hallel lớn" (có lẽ là Thi Thiên 120:-138:).
       So sánh nghi lễ thâu góp từ các văn sĩ là các thầy Ra-bi với Tân Ước, quyết rằng ấy thật là lối làm chung trong đời Chúa ta, và bữa ăn mà Ngài cùng các môn đồ dự, hoặc chính là Lễ Vượt Qua, hoặc bữa tiên thường lễ đó, diễn ra cùng một lối đó,thì ta có thể chỉ ra, dầu không chắc chắn, những điểm của lối xưa truyền mà nhường cho sự thiết lập lễ mới.
       Về phần (1) hoặc cả (8) có thể trưng dẫn, những lời thứ nhứt và sự phân phát chén thứ nhứt (Lu-ca 22:17,18), về phần (2) hoặc (7), sự chấm miếng bánh (Giăng 13:26); về phần (7) hoặc một khoảng trong lúc hoặc sau khi (8), Sự phân phát bánh (Ma-thi-ơ 16:26; Mác 14:22; Lu-ca 22:19; I Cô-rinh-tô 11:23,24); về phần (9) hoặc (10) nguyên văn "sau bữa ăn tối" (Lu-ca 22:20) lễ tạ ơn, và sự chuyền chén vòng quanh bàn, có bài ca kết cuộc bữa.
       Các truyện trong bốn sách Tin lành tỏ ra các môn đồ nghe các lời bày tỏ ý nghĩa mới của việc đã quen từ xưa được cảm động biết dường nào! Họ bỏ qua hết cả nghi lễ Vượt qua, chỉ trừ những nghi lễ đã được đem vào Hội Thánh Ðấng Christ và tồn tại ở đó. Các sự cũ đang qua, và mọi sự đang trở nên mới. Họ trước đã chú trọng về bánh và rượu như là những điều kỷ niệm sự giải phóng khỏi xứ Ai-cập. Nay, Chúa phán cùng họ rằng họ dự phần những thức đó là "để nhớ" Chủ và Chúa yêu dấu vậy. Trước, lễ cũ thì giữ hằng năm. Nay không có luật về thời gian và sự làm luôn lễ mới nầy, là lễ được thế cho lễ xưa. Song có mạng lịnh nầy: "Hễ khi nào các ngươi uống, hãy làm điều nầy để nhớ đến ta" (I Cô-rinh-tô 11:25), gợi ý rằng càng làm lại luôn thì càng để nhớ một Ðấng mà chẳng nên quên vậy. Những lời "Nầy là thân thể ta" cho bánh không men một tánh cách mới. Trước môn đồ đã nghe lời dạy chép trong Giăng 6:32-58, nên nay dường đã được sửa soạn nhận lấy lời đó, mà không lấy làm lạ. Như vậy, các lời đó tỏ rằng bánh đã bẻ ra là chứng cớ về sự hiệp một chặt chẽ nhứt và sự khắc nhập với Chúa mình. Chén, "là sự giao ước mới trong huyết ta;" nhắc cho các môn đồ về lời tiên tri lạ lùng trong đó đã dự ngôn về giao ước mới (Giê-rê-mi 31:31-34).
       II. Lễ Tiệc Thánh trong đời các Sứ đồ.-- Về truyện tích mà Lu-ca thuật lại trong Công vụ các sứ đồ về đời sống các môn đồ đầu tiên tại Giê-ru-sa-lem, thấy cho lễ nầy một chỗ quan hệ, và câu nói đến lễ đó cũng vậy. Lu-ca mô tả các tín đồ đã chịu lễ báp-têm trong Hội Thánh như vẫn cứ vững vàng trong hoặc với sự dạy dỗ của các Sứ đồ, trong sự giao thông với các Sứ đồ và lẫn với nhau, và trong lễ bẻ bánh và sự cầu nguyện (Công vụ các sứ đồ 2:42). Ta không thể ngờ rằng ấy tỏ ra bữa ăn chính của mỗi ngày là một dịp cho môn đồ hội hiệp như anh em, trước hoặc sau bữa đó, họ "bẻ bánh" và "uống chén" để kỷ niệm trọng thể. Tiện đây, luận trước về ngôn ngữ và tư tưởng thuộc thời sau, có thể nói dường như bởi thế các môn đồ hằng ngày liên lạc Agapè (tiệc yêu thương) với lễ Tiệc Thánh. Lẽ tự nhiên, trong một xã hội có chừng mấy ngàn người, chắc phải có nhiều chỗ để hội họp. Hội chúng nhóm họp trong một nơi sau dần dần được gọi là "Hội Thánh," trong nhà người nầy hoặc người kia (Rô-ma 16:5,23; I Cô-rinh-tô 16:19; Cô-lô-se 4:15; Phi-lê-môn 2). Khi hội hiệp, tự nhiên chỗ tôn trọng được dành cho một trong các Sứ đồ, hoặc một trưởng lão đại diện Sứ đồ đó. Người đó có quyền đọc lời chúc phước và tạ ơn, là lời thường đọc trước và sau bữa ăn của người Do-thái mộ đạo. Bánh (miễn là người Do-thái tin đạo chẳng nghĩ rằng họ cứ giữ lễ Vượt qua mãi mãi) cũng là thứ họ thường dùng. Rượu (dường như là màu đỏ chung cả xứ Pha-lê-tin, Châm Ngôn 23:31), theo lối họ thường dùng, pha lộn với nước. Ít lâu, trước hoặc sau bữa ăn, họ lấy bánh và rượu, nói một lời hoặc làm một việc kia để chỉ rõ tính cách. Người mới tin đạo có cần vài lời giải nghĩa về ý và căn nguyên lễ đó. Còn gì xứng đáng và hòa hiệp hơn với những thói tục Lễ Vượt Qua là thuật lại điều đã xảy ra trong đêm thiết lập Lễ Tiệc Thánh nầy (I Cô-rinh-tô 11:23-27)? Hòa hiệp với lời thuật lại đó (như Công vụ các sứ đồ 2:42), cũng tự nhiên thêm những lời cầu nguyện cho chính họ và những kẻ khác. Sự vui mừng được tỏ ra trong các Thi Thiên và bài thơ thánh mà họ ngợi khen Ðức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 2:46,47; Gia-cơ 5:13). Sự tương tự Lễ Vượt Qua, tình cảm thường của người Do-thái, và sự thực hành của phe Essenes, có thể gợi ý tắm rửa một phần hoặc cả mình, để sửa soạn dự tiệc (Hê-bơ-rơ 10:22; Giăng 13:1-15). Một lúc trong bữa tiệc, những người có mặt tại đó, đờn ông ngồi riêng, phụ nữ ngồi riêng có đứng dậy, và lấy "cái hôn thánh" mà chào nhau (I Cô-rinh-tô 16:20; II Cô-rinh-tô 13:12).
       Những dấu tích về sau thấy ở trong I Cô-rinh-tô và ấy tỏ ra có quan hệ. Bữa tiệc kỷ niệm không phải chỉ hạn chế cho các môn đồ riêng trước ở với Ðấng Christ, hoặc người Do-thái mới tin đạo mà họ đã nhóm lại tại Giê-ru-sa-lem. Nhan đề :chén phước lành" (I Cô-rinh-tô 10:16) đã được đem vào Hội Thánh Hy-lạp. Chữ đồng nghĩa, "chén của Chúa" (I Cô-rinh-tô 10:21), phân biệt chén đó với các chén khác thuộc bữa Agapè, hoặc tiệc yêu thương. Chữ "giao thông" lần lần từng bực mà đến ý nghĩa đặc biệt "Sự thông công." Sứ đồ cũng chỉ đến chức vụ riêng mình, như là bẻ bánh và chúc phước cho chén (I Cô-rinh-tô 10:16). Bàn trên có để bánh gọi là "Bàn của Chúa." Song sự thực hành bữa Agapè, cũng như giữ lễ kỷ niệm, được chuyển sanh thành Cô-rinh-tô, bởi đó có cần nói đến đặc biệt. Có sự xấu xa nổi lên, và cần phải ngăn ngừa ngay. Sự gặp gỡ của các bạn trong bữa ăn yêu thương, mà mọi người đem thực vật đến, là một thói quen của người Hy-lạp trong thời bấy giờ: và các hội tiệc có quan thiệp với phương pháp để giúp đỡ nhau hoặc bố thí cho kẻ nghèo khó. Bữa Agapè của hội mới đối với họ dường như là lễ như vậy, và bởi đó trở nên một sự mất trật tự, và làm hư mục đích của Hội Thánh về sự thiết lập lễ đó. Phải có gì làm phương thuốc chữa cho sự hư xấu ghê gớm đang lớn lên đó, Phao-lô không nói rõ. Sứ đồ dành lại các sự sắp đặt theo lệ trong cuộc thăm viếng hội đó sau. Ðang khi chờ đợi, Phao-lô đặt luật khiến có thể liên lạc bữa Agapè với Lễ Tiệc Thánh, mà khỏi sự ô uế. Các môn đồ phải ăn no, rồi mới đến dự Agapè. Họ cũng phải chờ đợi mọi người đến cả, chớ không phải mạnh ai nấy tranh cướp ồn ào (I Cô-rinh-tô 11:33,34). Dầu vậy, có một chỗ, thói tục hội Cô-rinh-tô dường như khác với hội Giê-ru-sa-lem. Sự nhóm hiệp dự Tiệc Thánh không phải là hằng ngày nữa (I Cô-rinh-tô 11:20,33). Những sự chỉ dạy trong I Cô-rinh-tô 16:2 gợi ý lập sự giữ lễ trong ngày thứ nhứt của tuần lễ. Sự họp lại tại Trô-ách cũng trong ngày đó (Công vụ các sứ đồ 20:7). Lần lần có sự thay đổi. Lễ Tiệc Thánh phân rẽ với Agapè, và cuối cùng không còn bữa Agapè nữa.
       Sự cử hành Lễ Tiệc Thánh vào buổi sáng được thế cho buổi chiều. Trong Công vụ các sứ đồ 20:11 chép chuyện tỏ ra sự thay đổi đó có thể xảy ra. Các môn đồ tại Trô-ách hội họp với nhau để bẻ bánh. Về giờ không chép nhứt định, song thấy bài giảng Phao-lô trễ đến tận quá nửa đêm, và có nói về các đèn nữa; ấy tỏ ra một thời gian muộn hơn giờ người Hy-lạp thường ăn bữa tối (deípnon). Kế đó, có sự dạy dỗ và cầu nguyện, gần hừng đông mới có sự bẻ bánh làm Lễ Tiệc Thánh, vì đó môn đồ đã họp lại. Nếu cuộc hội họp nữa đêm nầy được kể ra là một sự thực hành chung, nguyên vì tôn kính lệ định mà chính Ðấng Christ đã lập, thì có thể dễ hiểu bước sau là thế nào, tức chuyển sự hành lễ Tiệc Thánh mãi mãi sang giờ buổi sáng là giờ đúng với cuộc nhóm họp đó vậy.
       III. Lễ Tiệc Thánh sau thời các Sứ đồ đến nay.-- Ðến đây đã luận đến sự căn nguyên và ý nghĩa của Lễ Tiệc Thánh như tỏ trong Tân Ước và Hội Thánh các Sứ đồ lập. Song từ thời đó đến nay, trong mấy hội kia, đã thêm nhiều lễ nghi và ý nghĩa vào, đến nỗi khó phân biệt là chính lễ đơn sơ mà Chúa vốn đã lập. Khỏi mấy đời Hội Thánh đầu tiên cứ giữ lễ nầy như trong đời các Sứ đồ, dầu dần dần chỉ cho phép tín đồ họp lại riêng để giữ mà thôi. Vào cuối thế kỷ thứ III S.C., sự tin tưởng về lễ như của hy sinh lần lần được xướng lập. Bánh và rượu, lấy từ các lễ vật mà tín đồ dâng để dùng trong Tiệc yêu thương, được dâng cho Chúa bởi lời cầu nguyện của trưởng lão hoặc giám mục gọi là của hy sinh (Hy-lạp: phosphorai hay thusiai), lời cầu nguyện dâng lễ vật được gọi là eucharistia, trưởng lão hoặc giám mục được coi là thầy tế lễ, và cả lễ nầy được gọi là Eucharistia. Ðây, đủ chứng rằng, dầu vậy, các giáo phụ như Origène, Eusèbe ở Sê-sa-rê, Basil le Grand, Grégoire de Nazianzen, và nhiều giáo phụ khác, cứ lấy Lễ Tiệc Thánh cốt để kỷ niệm và làm hình bóng về sự chết của Chúa, và chỉ có nghĩa thuộc linh. Song có giáo phụ như Cyril, Grégoire de Nyssa, Chrysostome, và Jean Damascenus mở mang một thuyết lý mới, sau gọi là phép biến thể (transubstantiation). Augustin (354-430 S.C.), giáo phụ lớn, không biết gì về thuyết mới đó, cứ dạy rằng: đối với các tín đồ Lễ Tiệc Thánh là ơn phước, còn đối với người ngoại là sự rủa sả, và cần phải tin để giữ thật đúng. Paschasius Radbert (chết 865 S.C.) là người thứ nhứt lập phép biến thể cách đầy đủ. Berengarius ở Tours (chết 1088 S.C.) không chịu theo lẽ đạo đó thì bị đoán phạt. Ấy tỏ ra trong Hội Thánh vẫn có sự tranh luận luôn giữa nguyên ý của Lễ Tiệc Thánh và thuyết biến thể đó.
       1. Giáo hội La-mã.-- Như nói trên, giáo hội La-mã lấy "phép biến thể" lập lẽ đạo của Lễ Tiệc Thánh, tức bánh và rượu dùng trong lễ đó thay đổi. Người thứ nhứt dùng chữ "transubstantiation" là Hildebert ở Tours (chết 1134 S.C.) trong một bài giảng. Lẽ đạo về lễ Bữa ăn tối, cuối cùng được nhứt định, cùng với danh từ mới đó, bởi giáo hoàng Innocent III, ở Hội nghị Lateran 1215 S.C.. Hội nghị đó nhứt định rằng thân và huyết của Ðấng Christ thật chứa ở trong phép bí tích nơi bàn thờ, tức bánh biến thành thân thể và rượu thành huyết Ðấng Christ, bởi quyền năng Ðức Chúa Trời. Ấy là lẽ đạo của hội La-mã từ đó đến nay. Bánh và rượu được đổi thành thân và huyết thật của Ðấng Christ, bởi những lời Chúa phán lúc thiết lập. Khi thiết lập Lễ Tiệc Thánh, Ðấng Christ khiến các môn đồ Ngài trở nên thầy tế lễ, bởi đó chỉ một linh mục đã được phong chức mới có thể chủ tọa lễ nầy. Trong phép lạ của bí tích nầy, dầu bánh và rượu còn nguyên, nhưng được coi đã thành một thân thể khác thế cho. Thể chất mới đó là thân và huyết của Ðấng Christ giấu kín khỏi sự quan sát của người dưới hình thể bánh và rượu. Có sự hiện diện của Ðấng Christ trọn vẹn trong cả hai thứ, nên không cần phải dùng cả hai để được thông công. Theo ý hội La-mã tin, thì sự thông công với Ðấng Christ chính là phép biến thể, vì lẽ nầy thật là một của hy sinh hơn là phép biến tích như vậy, Lễ Tiệc Thánh gọi là Mi-sa trở nên một lễ chuộc tội. Lễ Mi-sa nuôi đức tin, giữ khỏi tội đáng chết thuộc linh, cất sự hình phạt đời nầy, hiệp một các tín đồ, cũng có quyền trên kẻ vắng mặt, và cả những người chết ở nơi luyện tội. Vậy, lễ Mi-sa đã trở nên chính nơi trung tâm của cả sự thờ phượng hội La-mã.
       2. Ý kiến Luther về Lễ Tiệc Thánh.-- Các nhà Cải chánh Hội Thánh chối bỏ lẽ đạo biến thể, sự tin tưởng lễ như một của hy sinh, sự thờ phượng "bánh thánh," sự giữ lại chén không cho uống, hiệu quả của lễ nầy cho người chết, hết thảy mọi tín điều của hội La-mã về lễ vậy. Quan niệm nguyên của Luther, bánh và rượu trong lễ là các dấu hiệu và ấn chứng sự tha tội, sau được thế vào bởi lẽ đạo "đồng thể" (consubstantiation). Cuộc cãi lẫy cay đắng với Carlstadt, nhứt là sự thất bại tại hội đồng Marburg, xô đẩy Luther vào số người tin lẽ đạo "đồng thể." Vào năm 1524, Luther lập lẽ đạo mình chống với Carlstadt, tức "thân của Ðấng Christ, tùy theo ý muốn và sự toàn năng của Ðức Chúa Trời và sự vô sở bất tại của thân đó, thật có sự hiện diện và bằng thể chất ở trong, ở với, và ở dưới lễ Bữa ăn tối, cũng như bổn thể Ngài ở trong thân người giống sự nóng ở trong sắt. Bởi đó, người không xứng đáng dự Tiệc Thánh thì chuốc lấy sự hủy diệt cho chính mình" (Bavinck). Ngày nay, hội gọi là Église Luthérienne vẫn tin như thế.
       3. Ý kiến Zwingli về Lễ Tiệc Thánh.-- Zwingli hiệp với Carlstadt trong cuộc biện luận với Luther. Người giải nghĩa lời Chúa "nầy là" như có ý "nầy thế cho," "nầy chỉ về," và trong thơ viết năm 1524 nói về lẽ đạo Luther là "một ý kiến chẳng những là quê mùa, mà lại vô đạo và viễn vông." Tóm lại, ý kiến Zwingli về lễ Tiệc Thánh là một hình bóng kỷ niệm sự thương khó và sự chết của Ðấng Christ, dầu không chối Ðấng Christ có hiện diện cho mắt của đức tin. Trái lại, người giữ lễ nhờ lời và đức tin được giao thông với Ngài một cách thuộc linh. Trong lễ Tiệc Thánh, tín đồ xưng nhận đức tin mình, tỏ ra đức tin đó có nghĩa gì cho mình và giữ để kỷ niệm sự chết của Ðấng Christ. Một phần rất lớn của Hội Thánh Cải chánh (Église Protestante) vô tình hay cố ý, công nhận ý kiến của Zwingli.
       4. Ý kiến của Calvin về lễ Tiệc Thánh.-- Quan niệm Calvin hướng về ý của Luther hơn là của Zwingli. Ðối với Zwingli, lễ Tiệc Thánh là một dấu hiệu, song đối với Calvin thì vừa là dấu hiệu, vừa là ấn chứng. Sự thật thông công với Ðấng Christ và những ơn của sự chết Ngài, được nhận bởi một đức tin sống, -- hết cả là đều chung của ý kiến Luther và Calvin. Lễ Tiệc Thánh vượt quá cả ý nghĩa kỷ niệm, vì cũng là một phương pháp để nhận ơn điển nữa. Calvin hiệp với Zwingli mà chối có sự hiện diện của Ðấng Christ hoặc về thân, địa phương, hoặc thể chất, trong lễ Tiệc Thánh. Song Calvin khác với Zwingli vì tin nghĩa lễ Tiệc Thánh vượt quá sự xưng nhận đức tin. Với Luther, Calvin luận rằng Ðấng Christ thật có hiện diện trong lễ, và chú trọng về sự hiệp một tín đồ cách mầu nhiệm với Ðấng Christ. Trong lễ, thấy cả các ơn của sự chết Ðấng Christ và cả ngôi vị vinh hiển Ngài nữa. Nhưng Ðấng Christ không ngự xuống trong lễ với tín đồ, song tín đồ được lên với Ngài trên trời. Ý trung tâm của Calvin là người dự lễ, bởi công việc của Ðức Thánh Linh được thông công cách thuộc linh với cả ngôi vị Ðấng Christ, và như vậy được nuôi nấng đến sự sống đời đời. Dầu quan niệm Calvin hơi lẫn lộn vì trung lập giữa Luther và Zwingli, song rõ ràng như sau nầy: (1) Ðấng Christ chỉ hiện diện cách thuộc linh trong Tiệc Thánh; (2) Bởi vậy, sự dự phần trong các ơn của lễ Tiệc Thánh phải là thuộc linh; mặc dầu là thật; (3) Chỉ các người nào thật bởi một đức tin sống có thể được giao thông trong lễ đó, và sự dự phần trong sự chết chuộc tội của Cứu Chúa được đóng ấn cho tín đồ, bởi sự dùng đến các dấu hiệu của lễ Tiệc Thánh.
       5. Ðối với hội anh em.-- Trong lễ Tiệc Thánh: a) Bánh bẻ ra chỉ về "thân thể của Ðấng Christ" (I Cô-rinh-tô 10:16) "bẻ ra vì các ngươi" (I Cô-rinh-tô 11:24, bản Anh cũ); bởi vậy, là hình bóng về của hy sinh. Lễ Tiệc Thánh kỷ niệm sự thương khó Ðấng Christ, và tín đồ dâng mình cùng chịu thương khó với Ngài. Lễ Tiệc Thánh cũng có nghĩa là nhờ Ðấng Christ được nuôi nấng, tức phải ăn thịt Ngài (Giăng 6:35,51,53,54). b) Chén chỉ về huyết Ðấng Christ (I Cô-rinh-tô 10:16; Giăng 6:53,54). Ấy là huyết của giao ước chỉ bóng về sự hiệp một người với Ðức Chúa Trời (Giăng 17:21) Jêsus là gốc nho, tín đồ là nhánh (Giăng 15:). Cùng một tâm trí, thần linh, sự sống, và yêu thương ở trong Ðức Chúa Trời và Ðấng Christ phải ở trong tín đồ.
       Tiến sĩ Scofield chú thích về sự thiết lập lễ Tiệc Thánh.
       Ma-thi-ơ 26:30.-- Trật tự của những biến động trong buổi tối khi ăn bữa tối Lễ Vượt Qua như sau nầy: 
             (1) Chúa và các Sứ đồ ngồi vào bàn; 
             (2) Sự cãi lẫy ai sẽ là lớn hơn: 
             (3) Rửa chơn; 
             (4) Chúa tỏ Giu-đa là kẻ phản bội; 
             (5) Giu-đa lui ra ngoài; 
             (6) Thiết lập bữa ăn tối; 
             (7) Những lời Chúa phán lúc còn ở trong phòng (Ma-thi-ơ 26:26-29; Lu-ca 22:35-38; Giăng 13:31-55; 14:1-31); lời Chúa phán từ khi bỏ phòng đến vườn Ghết-sê-ma-nê (Ma-thi-ơ 26:31-35; Mác 14:26-31; Giăng 15:-17); dường như bài cầu nguyện của Chúa như thầy cả thượng phẩm (Giăng 17:) là khi đã tới vườn rồi; 
             (8) Sự đau thương trong vườn; 
             (9) Chúa bị phản và bị bắt: 
             (10) Chúa Jêsus trước Cai-phe; Phi-e-rơ chối Chúa.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.