Lễ Vượt qua. Pâques.

      


      Tên nầy trong bản Hê-bơ-rơ là pesah, nghĩa là vượt qua; bản Hy-lạp dịch là pascha. Ấy là lễ lớn nhứt trong ba kỳ lễ trọng hàng năm của người Y-sơ-ra-ên cử hành vào tháng Nisan, từ ngày 14 đến 21. Ðây là những khúc chính mà Ngũ kinh trưng dẫn về lễ Vượt qua: Xuất Ê-díp-tô ký 12:1-51; 13:3-10; 23:14-19; 34:18-26; Lê-vi ký 23:4-14; Dân số ký 9:1-14; 28:16-25; Phục truyền luật lệ ký 16:1-6.
       I. Sự thiết lập và cử hành lễ Vượt qua lần thứ nhứt.--
       Khi dân sự lựa chọn sắp được đem ra khỏi xứ Ai-cập, có lời Chúa phán cùng Môi-se và A-rôn phải dạy dỗ cả hội chúng Y-sơ-ra-ên sửa soạn khởi hành bằng một lễ thuộc linh trọng thể. Vào ngày 10 tháng A-bíp, người đứng đầu trong mỗi gia đình phải lựa chọn trong bầy mình một chiên con hay dê con, con đực giáp năm, không tì vít. Nếu gia đình đó ít quá không ăn hết con chiên, thì được phép mời những người lân cận nhứt chung phần với. Ngày 14 tháng đó, người giết con chiên đang khi mặt trời lặn. Người đổ huyết vào một cái chậu, dùng một chồi kinh giới mà rảy lên trên hai cột cửa và trên mành cửa nhà. Người để cả con chiên mà quay, nhưng cấm không được đun nấu trong nước, cũng không được làm gãy một xương nào. Người ta ăn thịt với bánh không men và rau đắng. Chẳng một người nam nào không chịu cắt bì được dự lễ. Mỗi người phải thắt lưng mình, cầm một gậy nơi tay, chơn mang giày. Phải ăn hối hả, dường như phải đứng trọn buổi ăn. Số người dùng bữa phải tính rất sát hầu cho thịt chiên phải ăn hết, rủi có còn lại phải thiêu đi buổi sớm. Không một miếng nhỏ nào được đem ra khỏi nhà. Chúa chỉ cho Môi-se bảo cho dân sự biết mục đích Ðức Chúa Trời diệt con đầu lòng người Ai-cập, và tuyên bố lễ Vượt qua là một lệ định đời đời cho dân sự, cùng chỉ dẫn cho dân biết trật tự và thời hạn của kỳ lễ mai sau, cuối cùng truyền dân sự phải dạy cho con cháu ý nghĩa lễ đó, từ đời nọ qua đời kia. Khi sứ mạng truyền ra cho dân sự thì họ cúi đầu xuống mà thờ lạy. Chiên con đã chọn và bị giết trong ngày 14, huyết đã rảy, và tối ngày đó sau khi bắt sang ngày 15 thì ăn bữa lễ Vượt qua thứ nhứt. Nửa đêm các con đầu lòng của người Ai-cập bị hại. Vua và cả dân sự đó bấy giờ giục giã người Y-sơ-ra-ên đi ngay tức khắc, và sẵn lòng chu cấp cho sự đi đường. Trong sự khởi hành vội vàng như thế, chính ngày đó (Dân số ký 33:3), dân Y-sơ-ra-ên bọc những thùng nhồi bột đựng bột nhồi chưa men để làm của ăn cho ngày sau đó.
       II. Sự giữ lễ Vượt qua trong các thời kỳ sau.--
             1. Trong Xuất Ê-díp-tô ký 12: và 13: chẳng những có sự trưng dẫn riêng về lệ định cử hành lễ đó trong thời đại sau (Xuất Ê-díp-tô ký 12:2, 14, 17, 24-27, 42; 13:2, 5, 8-10), song cũng có mấy lễ chắc không định dùng và không thể dùng trong lễ Vượt qua đầu tiên. Những lời chú giải sau về lễ trong mấy sách luật, có điều đặc biệt thêm vào thay đổi sự thiết lập lễ đầu tiên (Lê-vi ký 23:10-14; Dân số ký 28:16-26; Phục truyền luật lệ ký 16:1-6). Bởi thế, người Do-thái có lý phân biệt một cách tỏ tường giữa "lễ Vượt qua trong xứ Ai-cập" và "lễ Vượt qua đời đời".
             2. Những điều sau đây là trật tự phải theo khi giữ lễ sau đó: vào ngày 14 tháng Nisan, phải bỏ ngoài nhà mọi dấu vết gì có men, và mỗi người Y-sơ-ra-ên không mắc bịnh hay không bị ô uế theo lễ nghi phải đến trước mặt Ðức Giê-hô-va tại nơi thánh, quốc dân mỗi người dâng tùy theo của mình có và phước Chúa ban cho (Phục truyền luật lệ ký 16:16, 17; Xuất Ê-díp-tô ký 23:15). Những đờn bà tin kính có khi cũng đến, như bà An-ne và bà Ma-ri (I Sa-mu-ên 1:7; Lu-ca 2:41-42). Khi mặt trời đang lặn, những chiên con bị giết và mỡ với huyết thì dâng cho các thầy tế lễ (II Sử ký 35:5-6). Sau để cả chiên con mà quay, ăn thịt đó với bánh không men và rau đắng, và không được để chút nào đến sáng. Nội đêm đó, sau khi bắt sang ngày 15 Nisan, thầy tế lễ xông mỡ và rảy huyết trên bàn thờ (II Sử ký 30:16; 35:11). Ngày 15 đó, sau khi qua đêm, có một cuộc nhóm họp thánh và cấm không được làm gì trừ ra sửa soạn đồ ăn cần dùng (Xuất Ê-díp-tô ký 12:16). Ngày đó và sáu ngày tới, có thêm vào của lễ hằng hiến: hai con bò tơ đực, một chiên đực, bảy chiên con giáp năm, và một con dê đực làm của lễ thiêu (Dân số ký 28:19-23). Nhằm ngày 16, "hôm sau ngày Sa-bát" (tức là sau ngày nhóm họp thánh), thầy tế lễ dâng bó lúa đầu tiên đưa qua đưa lại trước mặt Ðức Giê-hô-va, và dâng một con chiên đực làm của lễ thiêu, của lễ chay và lễ quán. Nội trong bốn ngày tới không có thay đổi gì trong kỳ lễ, trừ ra thêm của lễ thiêu và của lễ chuộc tội, và hạn chế vài thứ công việc. Ngày thứ bảy tức 21 tháng nisan, có sự nhóm họp thánh, và dường như ngày đó có vẻ trang nghiêm đặc biệt. Như các kỳ lễ khác, có vẻ vui trong cả tuần và dẹp mọi sự lo lắng một bên (Phục truyền luật lệ ký 27:7).
             3.       a) Chiên con lễ Vượt qua.--
       Sau lễ Vượt qua thứ nhứt tại xứ Ai-cập, không có chứng cớ chọn chiên con trước lúc cần đến. Trong kỳ lễ sau, có chứng cớ chắc chắn có khi không sắm sẵn trước ngày 14 (Lu-ca 2:7-9; Mác 14:12-16). Ðúng luật có phép chọn một con dê cũng được (Xuất Ê-díp-tô ký 12:5). Song tốt hơn là có chiên con. Chiên con phải không có tật, là chiên đực, và phải có giá trị một con hoàn toàn (Ma-la-chi 1:14). Người chủ gia đình hoặc người nào khác tinh sạch theo lễ nghi thì vác chiên con lên vai mang đến hành lang Ðền thờ (II Sử ký 30:17). Vì theo luật, chỉ tại nơi thánh của quốc dân mới có phép giết chiên con và dâng huyết với mỡ nó (Phục truyền luật lệ ký 16:2); tự nhiên, sau khi thành Giê-ru-sa-lem bị phá (70 S.C.), thì người Do-thái không còn dâng của lễ nầy nữa. Vậy, người Do-thái ngày nay giữ lễ mùa xuân nầy chỉ vỏn vẹn có lễ bánh không men.
                   b) Bánh không men.-- Bánh nầy làm bằng lúa mì, lúa miến, mạch nha, v.v..., song không phải bằng gạo hoặc kê. Dường như giống bánh biscuit khô, mỏng như người Do-thái nay thường dùng, làm bằng bột mì mịn nhứt.
                   c) Rau đắng và nước chấm.-- Theo sách Mishna, rau đắng (Xuất Ê-díp-tô ký 12:8), có thể là mấy thứ rau diếp và cây gai, song đều là đồ ăn quan hệ của người Ai-cập xưa. Nước chấm mà rau, bánh và thịt nhúng vào khi ăn (Giăng 13:26; Ma-thi-ơ 26:23) không có chép trong Ngũ kinh.
                   d) Bốn chén rượu nho.-- Trong Ngũ kinh, không chép dùng rượu nho trong lễ Vượt qua; song sách Mishna dạy cẩn thận dầu người nghèo nhứt trong Y-sơ-ra-ên cũng phải dự bị ít nhứt bốn chén rượu nho cho bữa ăn lễ Vượt qua. Lu-ca 22:17, 20 chép rõ dường như có hai chén. "Chén phước lành" (I Cô-rinh-tô 10:16) có lễ là chén thứ hai đó, và người ta thường coi là chén thứ ba trong bốn chén, sau chén đó có lời tạ ơn. Song khi so Lu-ca 22:20 (nguyên văn Hy-lạp "sau bữa ăn tối") với một khúc trong Talmud và tên đặt là "chén của Hallel", thì gợi ý ấy là chén thứ tư và cuối cùng.
                   đ) Bài Hallel.-- Luật pháp không nói đến sự hát thờ phượng Chúa lúc ăn lễ Vượt qua. Hallel là một danh từ vắn tắt của Ha-lê-lu-gia. Hallel gồm những Thi Thiên 113:-118:. Phần thứ nhứt là Thi Thiên 113:-114: hát trong bữa ăn, và phần thứ nhì là Thi Thiên 115-118: hát sau chén thứ tư. Ấy có lẽ là bài thơ thánh mà Chúa cùng các Sứ đồ hát (Ma-thi-ơ 26:30; Mác 14:26).
                   e) Cách và trật tự trong bữa ăn lễ Vượt qua.-- Theo lời truyền khẩu đáng tin của người Do-thái, thì sau đây là thói tục thường theo. Mọi công việc trừ vài nghề nghiệp thuộc sự sống hằng ngày, thì đình lại mấy giờ trước buổi chiều 14 Nisan. Theo luật pháp, không có phép ăn đồ ăn thường sau 12 giờ trưa. Không người nam nào ngồi vào bàn ăn nếu chưa chịu cắt bì, dầu thuộc dòng dõi Y-sơ-ra-ên nữa (Xuất Ê-díp-tô ký 12:48). Theo thói quen số người dự phần không được dưới mười người. Khi bữa ăn đã sửa soạn, gia đình ngồi quanh bàn, người cha của gia đình ngồi vào chỗ danh dự, có lẽ cao hơn các chỗ khác. Chắc những người Hê-bơ-rơ xưa thường ngồi theo lệ trong các bữa ăn thường. Chúa cùng các Sứ đồ cũng theo thói tục trong đời mình, nằm ngả một bên (Lu-ca 22:14).
       Khi đâu ngồi đấy, người ta rót chén rượu nho thứ nhứt, và người chủ gia đình cầu phước trên bữa tiệc với một phước đặc biệt trên chén đó. Người ta để rau đắng trên bàn và ăn một phần, hoặc nhúng vào nước chấm hoặc ăn không. Sau, đưa bánh không men cho mỗi người ăn, kế đến để chiên con trên bàn trước mặt người chủ gia đình. Trước khi ăn thịt chiên, người ta rót một chén nước nho thứ nhì, và con trai, theo Xuất Ê-díp-tô ký 12:26, xin cha cắt nghĩa ý nghĩa ngày lễ. Câu trả lời là giải nghĩa những sự đau thương của Y-sơ-ra-ên tại xứ Ai-cập, sự giải phóng cùng cắt nghĩa Phục truyền luật lệ ký 26:5, và sau đó hát phần thứ nhứt bài Hallel (Thi Thiên 113:-114:). Người ta cắt thịt chiên và ăn. Về sau, người ta rót và uống chén thứ ba, và khỏi ít lâu chén thứ tư cũng vậy, người ta hát phần thứ hai bài Hallel (Thi Thiên 115:-118:). Dường như thỉnh thoảng cũng uống chén thứ năm, song đó là thuộc các đời sau, và hát bài Hallel lớn là Thi Thiên 120:-138:. Những người quê mùa nhờ người tại thành Giê-ru-sa-lem dẹp sẵn cho họ trọ trong kỳ lễ. Nếu không có chỗ trong thành thì họ đóng trại ở ngoài, như những người viếng nơi thánh đạo Hồi hồi là Mécca ngày nay. Theo Josèphe, một lần trong đời Néron số người đến dự lễ là 2.700.000.
                   g) Bó lúa đầu mùa.-- Sự dâng một ô-me tức một bó lúa chỉ chép ở Lê-vi ký 23: 10-14. Tại đó truyền rằng khi dân Y-sơ-ra-ên tới xứ đã hứa, đến ngày 16 tháng đó, "hôm sau ngày Sa-bát" (tức ngày nhóm họp thánh), phải đem gié lúa đầu mùa gặt dâng cho thầy tế lễ đưa qua đưa lại trước mặt Ðức Giê-hô-va. Ấy là bó lúa mạch nha mà có hạt chín trước (II Các vua 4:42).
                   h) Chagigah.-- Chỉ có một chỗ trong Ngũ kinh chép những của lễ hằng hiến là Dân số ký 28:19-23, song có trưng dẫn trong Lê-vi ký 23:8. Ngoài những của lễ chung, còn có của lễ khác liên lạc với lễ Vượt qua và những ngày lễ trọng khác. Sách Talmud gọi là Chagigah, nghĩa là "sự vui vẻ". Ấy là của lễ thù ân tình nguyện bởi cá nhân. Con sinh đó có thể chọn trong bầy chiên hay đàn bò, hoặc đực hoặc cái, miễn là không tì vít. Người dâng của lễ đặt tay trên đầu con sinh và giết tại cửa nơi thánh. Huyết rảy trên bàn thờ, mỡ bộ lòng và trái cật thì thầy tế lễ đem xông. Ngực dâng cho thầy tế lễ làm của lễ đưa qua đưa lại và vai bên phải làm của lễ giơ lên (Lê-vi ký 3:1-5; 7:29-34). Còn gì lại thì người dâng cùng khách của mình được phép ăn trong ngày con sinh bị giết và ngày hôm sau nữa; song nếu đến ngày thứ ba phần nào còn lại phải đốt đi (Lê-vi ký 7:16-18). Sự ăn Chagigah là một sự vui chung trong các ngày lễ, nhứt là lễ Vượt qua.
                   i) Thả người tù.-- Nguyên gốc thói tục thả người tù vào dịp lễ Vượt qua (Ma-thi-ơ 27:15; Mác 15:6; Lu-ca 23:17; Giăng 18:39), thì không rõ của người La-mã hay người Hê-bơ-rơ xưa. Có người nói ấy là một thói tục La-mã nhằm ngày lễ Lectisternium (tức một lễ La-mã xưa có dọn tiệc trước các hình tượng trên ghế tràng kỷ), và các đời sau vào ngày sinh nhựt hoàng đế, hoặc là thói tục xưa của người Hê-bơ-rơ về lễ Vượt qua nên Phi-lát cho phép thả một người tù.
                   k) lễ Vượt qua thứ hai hoặc gọi là lễ Vượt qua nhỏ.-- lễ Vượt qua năm thứ hai trong nơi đồng vắng có vài người không được phép dự vì có đụng đến xác chết nên bị ô uế. Bởi vậy, họ đến hỏi Môi-se điều phải làm. Môi-se dạy họ phải lập một lễ Vượt qua khác giữ nhằm ngày 14 tháng sau cho người đã bị ngăn trở không được giữ ngày lễ Vượt qua 14 tháng Nisan (Dân số ký 9:11). Sách Talmud gọi là lễ Vượt qua nhỏ.
             1. Những kỳ giữ lễ Vượt qua chép trong Kinh Thánh.-- Ðối với lịch sử có bảy kỳ quan hệ:
                   (1). lễ Vượt qua thứ nhứt tại xứ Ai-cập (Xuất Ê-díp-tô ký 12:).
                   (2). Thứ nhứt tại đồng vắng (Dân số ký 9:).
                   (3). Giữ bởi Giô-suê tại Ghinh-ganh (Giô-suê 5:)
                   (4). Giữ bởi E-xơ-ra vào dịp phục hưng và sự thờ phượng của quốc dân (II Sử ký 30:). Lễ nầy hoãn đến tháng hai đúng với ngày giữ lễ Vượt qua nhỏ.
                   (5). Giữ bởi vua Giô-si-a, trong năm trị vì thứ XVIII của người (II Sử ký 35:).
                   (6). Giữ bởi E-xơ-ra sau khi từ Ba-by-lôn về (E-xơ-ra 6:).
                   (7). lễ Vượt qua cuối cùng trong đời sống Chúa.
       III. Bữa ăn tối cuối cùng.--
       Bữa ăn tối cuối cùng mà Chúa ăn với Sứ đồ nhằm ngày thứ năm, có phải là bữa ăn tối của ngày lễ Vượt qua thật không? Hay là bữa ăn lễ Vượt qua nhằm ngày sau là ngày Chúa bị đóng đinh? Ba sách Tin Lành đều quyết định bữa ăn tối cuối cùng là bữa ăn lễ Vượt qua (Ma-thi-ơ 26:17; Mác 14:1, 12; Lu-ca 22:7-8). Dầu Giăng không chép trái với ý nầy, nhưng có người tưởng trong mấy khúc Giăng dường như gợi ý bữa ăn lễ Vượt qua còn phải ăn ngày sau đúng ngày Chúa bị đóng đinh. Song ý chung ngày nay hiệp nhau là bữa ăn lễ Vượt qua là ngày 13 và Chúa bị đóng đinh ngày 14 tức ngày thứ sáu.
       "Trước ngày lễ Vượt qua" (Giăng 13:1), tức là phần sớm của bữa ăn lễ Vượt qua, Ngài tỏ ra cớ cứ yêu kẻ thuộc về mình cho đến cuối cùng. "Ðương bữa ăn tối" (câu 2) tỏ ra đã bắt đầu ăn. "Hãy mua đồ chúng ta cần dùng về kỳ lễ" (câu 29), ấy chỉ về những thực phẩm dùng trong bảy ngày ăn bánh không men. Chiên con bị giết ngày 14 và ăn sau khi mặt trời lặn tức bắt đầu qua ngày 15. Giăng 18:28 chép kẻ cầm quyền "không vào nơi trường án, cho khỏi bị ô uế, và cho được ăn lễ Vượt qua". Chắc có ý có thể cứ giữ lễ Vượt qua, dầu đã bị ngăn trở vì cớ việc Ðấng Christ, hay là có thể ăn lễ Chagigah. Cuối cùng Giăng 19:14 "Bấy giờ là ngày sắm sửa về lễ Vượt qua", thì được giải nghĩa trong Mác 15:42 là "hôm trước ngày Sa-bát" trong bảy ngày lễ Vượt qua, là ngày có sự nhóm họp thánh, là 15 tháng Nisan, không phải hôm trước ngày lễ Vượt qua. Giăng 19:31 cũng hiệp ý đó, và ngày Sa-bát, theo sau đó "là rất trọng thể" vì là ngày dâng ô-me tức là bó lúa đầu mùa, và tính đến ngày lễ Ngũ Tuần là 50 ngày. Song nên nhớ rằng theo lối tính của người Do-thái thì bữa ăn tối cuối cùng và sự Chúa bị đóng đinh xảy ra trong một ngày. Khúc III nầy là theo Fausset. Xem bài "Tiệc thánh".
       IV. Ý nghĩa của lễ Vượt qua.--
             1. Phải công nhận trong lễ Vượt qua, sự can thiệp với các mùa trong năm so với Lễ Ngũ Tuần và lễ Lều tạm là ít hơn; và sự can thiệp trong lễ Vượt qua với lịch sử người Do-thái là quan hệ và rõ ràng hơn. Vậy, trong lễ Vượt qua, nghề nông, tức dâng ô-me, chỉ giữ phần nhỏ mà thôi.
             2. Sự giải thoát khỏi Ai-cập là điểm khởi đầu thành lập dân tộc Hê-bơ-rơ. Từ địa vị làm tôi mọi người ngoại quốc, Y-sơ-ra-ên trở nên một dân tộc tự do chỉ cần phục tùng Ðức Giê-hô-va thôi. Sự xuất Ê-díp-tô được coi là sự sanh ra của dân tộc và lễ Vượt qua là lễ kỷ niệm ngày sanh nhựt đó. lễ Vượt qua là lễ kỷ niệm hằng năm của một dân sự dâng mình cho Ðấng đã giải cứu các con đầu lòng khỏi thiên sứ hủy diệt, hầu cho có thể biệt mình ra thánh cho Ngài.
             3.         a) Chiên con lễ Vượt qua là rất quan hệ trong lễ nầy. Những đặc sắc rất quan hệ của một con sinh được tỏ ra bởi chiên con đó. Chiên con đó được dâng trong nơi thánh (Phục truyền luật lệ ký 16:5-6); huyết rảy trên bàn thờ và mỡ được xông (II Sử ký 30:16; 35:11). Khi lấy Xuất Ê-díp-tô ký 12:27; 23:18; Dân số ký 9:7; Phục truyền luật lệ ký 16:2, 5 so với I Cô-rinh-tô 5:7 thì rõ con sinh đó làm hình bóng: "Vì Ðấng Christ là con sinh lễ Vượt qua của chúng ta, đã bị giết rồi". lễ Vượt qua như vốn lập tại xứ Ai-cập có thiếu mấy điều, ấy vì lúc đó chưa có chức tế lễ và chưa có hội mạc. Cho nên về sau khi có lập luật lệ đầy đủ thì sửa đổi mấy điều về lễ Vượt qua để hiệp với hoàn cảnh mới: như chủ gia đình giết con sinh tại nơi thánh thay vì nhà mình, huyết rảy trên bàn thờ thay vì cửa nhà, v.v.... Dầu vậy, chiên con lễ Vượt qua vẫn được coi là của lễ thù ân lớn của gia đình, và lễ tạ ơn vì dân tộc còn tồn tại và được gìn giữ (Xuất Ê-díp-tô ký 13:14-16). Nên chú ý, huyết rảy trên mành và hai bên cột cửa chẳng những là một dấu cho thiên sứ biết và khiến dân Y-sơ-ra-ên tin chắc chắn hơn, nhưng cũng là một việc của đức tin và sự vâng lời mà Chúa lấy ơn mà tiếp nhận. Huyết đó chỉ về Y-sơ-ra-ên được sạch tội khỏi những sự gớm ghê của dân Ai-cập, và bởi thế có ý nghĩa về sự rảy huyết theo luật pháp (Hê-bơ-rơ 9:22). "Ðừng làm gãy một cái xương nào" (Xuất Ê-díp-tô ký 12:46; Dân số ký 9:12 so Giăng 19:36) thật đã được ứng nghiệm về Ðấng Christ; ấy là hình bóng về sự duy nhứt trong gia đình, trong dân tộc, sự hiệp một của Ðức Chúa Trời với dân sự mà Ngài đã lập giao ước với.
                   b) Bánh không men.-- Dường có ý nhắc lại cho Y-sơ-ra-ên biết phải vội vàng xa lánh Ai-cập (Xuất Ê-díp-tô ký 12:34, 39), song Kinh Thánh không chép như thế. Chắc rất nên nhờ lời giải nghĩa Phao-lô trong I Cô-rinh-tô 5:6-8 để hiểu ý dùng bánh không men, tức "hãy giữ lễ, chớ dùng men cũ, chớ dùng men gian ác, độc dữ, nhưng dùng bánh không men của sự thật thà và của lễ thật". Vậy khi men dậy lên thì có sự phân tách, không còn sự hiệp một nữa. Cũng vậy bánh không men làm nghĩa bóng về sự không thay đổi và sự tinh sạch.
                   c) Rau đắng người Do-thái thường coi chỉ về những sự đau đớn, cay đắng mà dân Y-sơ-ra-ên đã chịu (Xuất Ê-díp-tô ký 1:14); song khi ăn với thịt cũng ngon, như chịu đau đớn theo ý Chúa cũng tốt.
                   d) Sự dâng ô-me là bó lúa đầu mùa, có lẽ có nghĩa bóng về dân Y-sơ-ra-ên dâng các con đầu lòng cho Chúa.
             4. Không có lễ khác trong luật pháp có những hình bóng đầy đủ rõ ràng bằng lễ Vượt qua. Nên thấy trong sự dạy dỗ và những lễ Hội Thánh dùng đến nhiều. Sự giải nghĩa đầu nhứt về những hình bóng của lễ Vượt qua là Ðấng Christ đã chết trong khi đang giữ lễ đó, và theo ý định Ðức Chúa Trời, Chiên Con thật của Ðức Chúa Trời là Con sinh mà bởi sự vâng lời đã làm cho ứng nghiệm chính chữ của luật pháp. Vậy, đủ biết tuần lễ thánh của Hội Thánh và lễ Pâque thật kỷ niệm những thiệt sự lớn của lễ Vượt qua.
       Tiến sĩ Scofield chú thích về lễ Vượt qua:
       Lê-vi ký 23:5.-- lễ Vượt qua nầy kỷ niệm, và tỏ rõ sự cứu chuộc là nền tảng của mọi ơn phước. Về nghĩa bóng chỉ về "Ðấng Christ là con sinh lễ Vượt qua của chúng ta, đã bị giết rồi" (I Cô-rinh-tô 5:7).
       Xuất Ê-díp-tô ký 12:11.-- lễ Vượt qua là hình bóng về Ðấng Christ là Ðấng cứu chuộc chúng ta (Xuất Ê-díp-tô ký 12:1-28; Giăng 1:29; I Cô-rinh-tô 5:6-7; I Phi-e-rơ 1:18-19).
             1. Chiên con phải không tì vít gì, và giữ bốn ngày trước để thử có thật như vậy (12:3, 5, 6). Vậy, đời sống trước công chúng của Chúa cũng bị thử bởi sự dò xét của kẻ thù để làm chứng về sự thánh khiết Ngài (Lu-ca 11:53-54; Giăng 8:46; 18:38).
             2. Chiên con bị thử như vậy rồi phải bị giết (Xuất Ê-díp-tô ký 12:6; Giăng 12:24; Hê-bơ-rơ 9:22).
             3. Huyết phải được dùng đến (Xuất Ê-díp-tô ký 12:7). Ấy hiệp với sự nhận lấy bởi đức tin của từng người, và trái với sự nhận lấy chung (Giăng 3:36).
             4. Huyết dùng đến như vậy tự mình là đủ, không cần thêm gì vì che chở bởi sự phán xét cách trọn vẹn (Xuất Ê-díp-tô ký 12:13; I Giăng 1:7; Hê-bơ-rơ 10:10, 14).
             5. Lễ nầy nghĩa bóng Ðấng Christ là bánh của sự sống, hiệp với bữa ăn tối kỷ niệm (Ma-thi-ơ 26:26-28; I Cô-rinh-tô 11:23-26). Giữ lễ Vượt qua là một bổn phận và một ơn riêng, song không phải là một điều kiện của sự yên ổn. Thật ra, người Y-sơ-ra-ên không ăn bánh không men trong chính tối đó, nhưng được bảo tồn khỏi sự đoán phạt trên các con đầu lòng (Xuất Ê-díp-tô ký 12:34-39).
       Ma-thi-ơ 26:20.-- Trật tự của những biến động trong bữa tối khi ăn bữa ăn tối lễ Vượt qua như sau nầy:
             1. Chúa và các Sứ đồ ngồi vào bàn.
             2. Sự cãi lẫy ai sẽ là lớn hơn.
             3. Rửa chơn.
             4. Chúa tỏ Giu-đa là kẻ phản bội.
             5. Giu-đa lui ra ngoài.
             6. Thiết lập bữa ăn tối.
             7. Những lời Chúa phán lúc còn ở trong phòng (Ma-thi-ơ 26:26-29; Lu-ca 22:35-38; Giăng 13:31-35; 14:1-31).
             8. Lời Chúa phán từ khi bỏ phòng đến vườn Ghết-sê-ma-nê (Ma-thi-ơ 26:31-35; Mác 14:26-31; Giăng 15:; 16:; 17:); dường như bài cầu nguyện của Chúa như thầy tế lễ thượng phẩm (Giăng 17:) là khi đã tới vườn rồi.
             9. Sự đau thương trong vườn.
             10. Chúa bị phản và bị bắt.
             11. Chúa Jêsus trước Cai-phe; Phi-e-rơ chối Chúa.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.