Một tỉnh ở Tiểu A-si. Xem trong Công vụ các sứ đồ 14:11 chép "bằng tiếng Li-cao-ni" thì biết rõ dân cư nơi đó, trong đời Phao-lô, nói một thứ tiếng khác với tiếng Hy-lạp thường dùng. Không biết rõ tiếng đó có phải là một thổ ngữ Sy-ri hay là một thứ tiếng Hy-lạp đồi bại, vì ta thấy người Li-cao-ni rất quen biết thần thoại (mythologie) Hy-lạp.
Ðất Li-cao-ni phần nhiều là những cánh đồng khô khan, trơ trụi, không có nước tưới, và có nhiều hố muối. Vì người La-mã chưa nhất định địa giới các tỉnh trong xứ Tiểu A-si, nên chính trị Li-cao-ni có khi thuộc Cáp-ba-đốc, có khi thuộc Ga-la-ti. Khi Phao-lô và Ba-na-ba làm phép lạ giữa dân quê mùa đó, thì họ vội vàng đoán định rằng hai khách lạ đó là hai vị thần Mẹt-cu-rơ và Giu-bi-tê. Cho nên khi Phao-lô trả lời họ dường như cũng dùng một ngôn ngữ đơn sơ, chưa được hoàn toàn văn minh mà nói cho họ hiểu (Công vụ các sứ đồ 14:15-17). Ấy là tại thành Lít-trơ, nơi trung tâm miền đó. Xa hơn về phía Ðông là Ðẹt-bơ (câu 6) không xa con đường chính dẫn từ Si-li-si và bờ biển đến cánh đồng rộng là nơi trung tâm xứ. Giới hạn về phía Tây xứ Li-cao-ni là Y-cô-ni (câu 1), đi về phía An-ti-ốt của Bi-si-đi. Người La-mã có đắp một con đường rất tốt chia xứ làm hai. Trong cuộc lưu hành truyền đạo thứ nhứt, Phao-lô đã đi từ Tây sang Ðông, và trở về cũng bằng con đường đó (câu 21 so II Ti-mô-thê 3:11). Trong cuộc lưu hành thứ hai và thứ ba, Phao-lô có đến Li-cao-ni từ phía Ðông, và sau khi bỏ đó, lần thứ hai qua Trô-ách, lần thứ ba tới Ê-phê-sô (Công vụ các sứ đồ 18:23; 19:1). Nay đất nầy thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ.