Tiếng Hê-bơ-rơ là hĩdhãh từ nguyên gốc A-rạp, nghĩa là bẻ cong hay vặn; dịch ra theo tiếng Hy-lạp là "énigma". Theo lối Kinh Thánh dùng chỉ về một lời hoặc câu nói bóng mà nghĩa không thấy ngay nhưng phải suy nghĩ cẩn thận mới tìm được (Dân số ký 12:8; Châm Ngôn 1:6). Có lẽ là một thí dụ như Thi Thiên 49:4; 78:2, và đặt ra cốt chỉ để bắt người ta chú ý tìm tòi ý nghĩa; như vậy lẽ thật được rõ rệt và cảm hóa hơn, vì người đặt ra có ý giải nghĩa sau (Ê-xê-chi-ên 17:2-24); hay là đặt ra cho người ta đoán như câu đố của Sam-sôn và của Sa-lô-môn và Hi-ram mà Josèphe nói đến (Các quan xét 14:12-19). Câu đố của Sam-sôn là thể văn thơ, không phải thật là một câu đố vì người Phi-li-tin đó không thể nào tìm nghĩa được, ấy vì không biết những sự thật về nghĩa câu đố đó.
Các dân tộc đời xưa, nhứt là ở phương Ðông, đều ưa những câu đố. Người Hy-lạp, La-mã và Ai-cập cũng vậy. Một câu đố rất danh tiếng như đặt ra bởi một con sphinx (theo truyền khẩu Hy-lạp là một quái vật đầu đờn bà và thân sư tử), đã được sai đến để phá hoại xứ Thèbes: "Con vật nào buổi sáng đi bốn chân, buổi trưa hai chân, buổi chiều tà ba chân?" Có nhiều người không giải được, song OEdipus đáp là người: vì lúc còn bé bò hai tay, hai chân; lúc trưởng thành đi hai chân; và lúc già yếu dùng một cây gậy. Khi nghe lời giải đáp, con sphinx quăng mình xuống đất mà chết ngay!