Lời thề. Serment.

       



      Lời cầu xin Ðức Chúa Trời chứng kiến sự thật của lời nói hoặc có tánh cách thắt chặt của lời hứa (Sáng thế ký 21:23; 31:53; Ga-la-ti 1:20; Hê-bơ-rơ 6:16). Phạm đến lời thề tức là phạm đến Ðức Chúa Trời (II Sử ký 36:13; Ê-xê-chi-ên 17:13,18). Có khi chỉ vua hay một vật thánh khác mà thề (Sáng thế ký 42:15; II Sa-mu-ên 11:11; Ma-thi-ơ 5:33; 23:16-22). Ðức Giê-hô-va đoái để chứng quyết lời hứa Ngài với tổ phụ bởi lời thề bằng chính mình Ngài (Sáng thế ký 22:16; Hê-bơ-rơ 6:13,20). Người ta thường giơ tay lên hướng về Ðức Chúa Trời mà thề (Sáng thế ký 14:22; Ê-xê-chi-ên 20:5,6; Khải Huyền 10:5), song có khi thề bằng cách đặt tay lên đùi người mà mình hứa với (Sáng thế ký 24:2; 47:29), có lẽ như là một sự yêu cầu của dòng dõi, từ ngang lưng ra để giữ lời thề và báo thù sự phạm đến. Lời thề có khi được nói ra ở trước bàn thờ (I Các vua 8:31). Áp-ra-ham cho A-bi-mê-léc bảy chiên con làm chứng về lời thề (Sáng thế ký 21:27-31). Một lời thề có khi trọng thể hơn vì giết một con vật, chia làm hai phần; và đi qua giữa các phần đó (15:8-18). Mỗi bên thề nguyện phải nguyện rằng mình sẽ chịu số phận thiệt thòi nếu trái với giao ước. Bởi luật Môi-se, trong vài việc tra xét về tư pháp kia, một người chứng minh là vô tội buộc phải thề với Chúa (Xuất Ê-díp-tô ký 22:11; Dân số ký 5:19-22). Người nào thề một lời hay hứa nguyện với Ðức Chúa Trời buộc phải làm trọn lời hứa, người nữ cũng vậy, nếu là một gái đồng trinh người cha không rút lại lời thề của nàng khi đã thề, và nếu đã cưới gả thì chồng cũng không ngăn trở. Nếu là một đờn bà góa hoặc bị để thì lời thề vẫn phải giữ nguyên (Dân số ký 30:). Nếu người nào thề dối bởi danh Ðức Chúa Trời chơn thật, thì làm ô uế danh Ngài (Lê-vi ký 6:3; 19:12; so Ê-sai 48:1; Giê-rê-mi 12:16; Ma-la-chi 3:5); và không một ai trong bất cứ tình cảnh nào được thề bởi một tà thần (Giô-suê 23:7). Người được khen trong Thi Thiên 15:4 là người không thay đổi, dầu rằng đã thề mà có hại cho mình. Chúa ta không chịu cho dùng lời thề, cả đến có ý định tốt nhứt cũng không nên, và Ngài tuyên bố rằng điều gì ngoài sự "phải phải không không" là từ ma quỉ (Ma-thi-ơ 5:33-37). Ngài giảng bài trên núi và sửa lại những sự hư hoại của luật pháp mà thầy thông giáo đã đem vào; và giữa những sự xem xét khác, Ngài lên án sự thề trong khi giao thông thường giữa người với người. Song lời thề trước tòa án, là hợp pháp, vì là Ðức Chúa Trời lập nên (Xuất Ê-díp-tô ký 22:11), và chính Ðấng Christ không ngần ngại mà trả lời khi thấy thầy tế lễ thượng phẩm thề mà hỏi (Ma-thi-ơ 26:63). Các Sứ đồ cũng công nhận lời thề là hợp pháp, vì họ xin Ðức Chúa Trời làm chứng điều mà mình nói là thật (II Cô-rinh-tô 11:31; Ga-la-ti 1:20). Sự lầm lỗi có thể sanh ra bởi một lời thề liều lĩnh được minh chứng bởi lời thề của vua chư hầu Hê-rốt, làm cho vua phải trái với ý muốn mình mà giết Giăng Báp Tít (Ma-thi-ơ 14:3-12).
       Kinh Thánh chép Ðức Chúa Trời cũng chỉ vào Ngài mà thề (Sáng thế ký 22:16; Dân số ký 14:28; Ê-xê-chi-ên 17:19; Giê-rê-mi 44:26; 49:13; A-mốt 6:8). Song lời thề của Ngài đời đời không thay đổi (Thi Thiên 110:4; 132:11; Phục truyền luật lệ ký 4:31; Hê-bơ-rơ 7:21). Còn lời thề của người ta phần nhiều hay dối trá hoặc trái phạm (Giê-rê-mi 5:2; Ê-xê-chi-ên 16:59; 17:18).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.