Lòng người. Coeur humain.

    


      Vì thiếu những danh từ khác, Cựu Ước Hê-bơ-rơ chỉ dùng chữ "lòng" để chỉ những sở năng của trí thức và hợp lý người về sự tư tưởng, suy gẫm luận lý, tưởng tượng, v.v.... Song, nhờ Cựu Ước dịch ra tiếng Hy-lạp (Septante) và triết lý người Hy-lạp, Phao-lô trong các thơ mình can đảm bắt đầu dùng mấy danh từ mới thay chữ "lòng" đó. Trong số người chép Tân Ước có một vài người cũng làm vậy. Bởi thế, Tân Ước dùng mấy danh từ mới, như trí, tâm tình, sự hiểu biết, lương tâm, v.v... để chỉ những sở năng người về mặt thuộc linh và đạo đức. Dầu theo tâm lý học (psychologie) ngày nay dường như chưa dùng rất đúng, trừ ra lương tâm, song ấy tỏ ra vì những sự từng trải và suy gẫm về đạo Chúa trong Tân Ước có mở mang nhiều, nên có cần phải thêm mấy danh từ mới như thế.
       Song, nên nhớ rằng, mục đích Kinh Thánh lớn nhất là về phần thuộc linh và đạo đức của người, chớ không phải về phần trí thức và triết lý. Cũng nên nhớ nữa, những người chép Kinh Thánh có nhờ lời khải thị của Chúa (II Phi-e-rơ 1:20-21), để chép những lẽ thật về đạo và luân lý, không phải nhờ kết quả của luân lý đâu. Bởi vậy, những người đó không có ý nghiên cứu kỹ càng những sở năng của trí thức và đạo đức người, nên chỉ cần dùng ít danh từ về phần trí khôn trong đời sống người.
       Vả lại, giống như các dân tộc thời cổ, dân Hê-bơ-rơ tin mỗi một cơ quan như ruột, gan, tim v.v... trong thân thể người, về phần trí cũng có việc riêng; và khi nói đến các cơ quan đó, thì coi như là sở năng về trí người, đến nỗi có khi cũng đổi nghĩa ra bóng nữa. Cho nên, độc giả Kinh Thánh ngày nay phải hiểu ý người Do-thái xưa về những danh từ dùng chỉ về công việc của trí, để được hiểu đúng ý.
       I. Lòng và trí.-- Suốt cả Cựu Ước, chỉ dùng chữ "lòng" về trí người, hay là nói đúng hơn, lòng được kể là cơ quan duy nhứt của trí người, và mọi việc thuộc trí nữa. Những người chép Tân Ước còn coi như vậy, dầu có vài người dùng những danh từ khác về những mặt đặc biệt của trí người. Laidlaw viết: Về chữ lòng ít só sự cãi lẽ, và trong Kinh Thánh vẫn có một ý không thay đổi. Ðể suy xét ý nghĩa của lòng trong Kinh Thánh, phải bỏ ý nghĩa ngày nay tức là lòng chỉ có nghĩa bóng về nơi của tình cảm thôi. Như nói người "vô tâm" là người không tình cảm xứng đáng; song trong Kinh Thánh tức là người không có trí hiểu. "Người thông sáng" trong Gióp 34:10, 34, theo nguyên văn Hê-bơ-rơ tức là "người có lòng". Bởi vậy, khi đọc chữ lòng trong Kinh Thánh, thì dễ sai lầm theo ý nghĩa về tình cảm và bỏ qua ý nghĩa về tri thức hoặc đạo đức. Khi xưa, người Hê-bơ-rơ nói "người có lòng", ngày nay thì nói là "người trí thức". Thời cổ, người ta không biết óc là cơ quan để suy nghĩ. Chính Aristote cho rằng lòng làm công việc cơ quan đó. Ngày nay lòng và đầu có ý đối nhau để phân biệt giữa tình cảm và trí thức. Song đời xưa thì khác, vì tin lòng là cơ quan duy nhứt của mọi sự suy tưởng, ước muốn và tình cảm, là nơi hiệp lại mọi sở năng của trí người và nơi phát triển mọi công việc thuộc trí, cũng gọi là kho chứa mọi sự cảm động và là xưởng từ đó mọi việc xuất ra. Ý đó là bởi xưa ai cũng tin sự sống ở trong huyết, như chép trong Lê-vi ký 17:11, "sanh mạng của xác thịt ở trong huyết". Cho nên, Cựu Ước cấm ăn huyết, và dạy sự đổ huyết có công hiệu về lễ chuộc tội. Huyết chảy khắp các phần thân thể đem sự sống cho cơ thể, hoặc của thú vật hay người. Dầu Harvey năm 1615 S.C. mới tìm được phép tuần hoàn của huyết, nhưng thời cổ người ta đã biết lòng chứa huyết và là nơi tổng phát hành. Vậy nên sự sống ở trong huyết, nơi trung tâm của sự sống bởi huyết là lòng.
       Từ những ý kể trên, sanh ra ý nghĩa tâm lý học về lòng là nơi trung tâm của đời sống trí thức và đạo đức. Lòng vẫn khác với hồn vì chẳng hề chỉ về "người" như hồn, song coi là cơ quan của người. Hồn nhờ lòng mà làm việc, và bởi thế tỏ tư tưởng và ý định. Ngày nay, người ta nói trí là cơ quan của sự cảm biết, song Kinh Thánh vẫn coi lòng như làm công việc đó. Xin lấy mấy câu Kinh Thánh để minh chứng lẽ thật nầy:
             1. Lòng là cơ quan của tư tưởng và suy gẫm.-- "Ma-ri ghi nhớ mọi lời ấy và suy nghĩ trong lòng" (Lu-ca 2:19). Tư tưởng trong lòng nhiều người (Lu-ca 2:35). Bởi lòng thì được sự hiểu biết, dầu người lấy mắt thấy, tai nghe, song "bởi lòng nghĩ đến" (Ma-thi-ơ 13:15; I Cô-rinh-tô 2:9). Lòng là nơi luận lý và "nghĩ thầm" (Mác 2:6; Lu-ca 3:15; 9:46; 24:38). Phao-lô chép "lòng ngu dốt" can thiệp với người "lầm lạc trong lý tưởng hư không" (Rô-ma 1:21). Lòng có thể tin, như Chúa phán trong Mác 11:23 về người có đức tin, và Phao-lô cũng chép vậy (Rô-ma 10:10). Lòng là kho chứa những sự kỷ niệm (Lu-ca 2:51), và là nguồn sự tưởng tượng (Lu-ca 2:51). Lòng có thể trở nên chai lì (Mác 3:5; 6:52).
             2. Lòng là cơ quan của ý muốn.-- Có chép "cứ vững lòng" (Công vụ các sứ đồ 1:23), "tùy theo lòng đã định" (II Cô-rinh-tô 9:7), và "lấy lòng thật thà" (Công vụ các sứ đồ 2:46; Ê-phê-sô 6:5). Dân Y-sơ-ra-ên "nghiêng lòng về xứ Ai-cập" (Công vụ các sứ đồ 7:39), và vì cố ý nên Hê-bơ-rơ 3:8, 15 gọi là "cứng lòng". Trong Khải Huyền 17:17 thấy lòng và ý liên quan với nhau.
             3. Lòng là nơi các thứ tình cảm.-- Lòng là nơi trung tâm của sự xúc động và sợ hãi, như: "Lòng chớ bối rối và đừng sợ hãi" (Giăng 14:1, 27) và sự vui với sự buồn (Giăng 16:6, 22). Lòng là nơi của sự hối hận (Công vụ các sứ đồ 2:37), có thể sanh sự yêu thương (Mác 12:30; I Phi-e-rơ 1:22), ghen tương và phe đảng (Gia-cơ 3:14), và tham lam (II Phi-e-rơ 2:14). Phao-lô chép lòng là nơi của sự ham muốn làm nhục thân thể (Rô-ma 1:24), buồn bực (Rô-ma 9:2) hối cải (Rô-ma 2:5), muốn (Rô-ma 10:1), yêu thương (II Tê-sa-lô-ni-ca 3:5), bình yên (Phi-líp 4:7), v.v.... Bởi vậy, khi giảng đạo phải cẩn thận nhớ ý riêng của chữ lòng dùng trong Kinh Thánh như đã kể trên.
       II. Lòng và tánh đạo đức.-- Theo Kinh Thánh, lòng là nguồn của đời sống đạo đức hoặc lương tâm người. Vậy, trong Tân Ước, lòng là danh từ có nghĩa bóng về cả tánh nết bề trong, nên không thể bớt ý nghĩa luân lý được. Laidlaw viết: "Về phần đạo đức, chỉ những sự vào lòng và xuất từ lòng, mới đáng lấy làm quí".
       Trong Cựu Ước, đạo đức nhờ việc bề ngoài nhiều, nên cách ăn ở phải nhờ luật pháp và khi phạm luật pháp phải dâng của lễ để được sạch tội. Song các tiên tri biết trước rồi sau phải nhờ tánh đổi mới để ăn ở một cách phải lẽ, nên chỉ đường đi. Ê-xê-chi-ên gọi tánh đạo đức đổi mới nầy là "lòng mới" và "thần mới" (Ê-xê-chi-ên 11:19; 18:31; 36:26), tức là nguyên lý của đời sống. Luân lý trong sự dạy dỗ của Chúa Jêsus có đặc sắc là bắt người ta chú trọng về sự cần thiết phải có lòng tốt bề trong. "Phước cho kẻ có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Ðức Chúa Trời" (Ma-thi-ơ 5:8). Dầu người bề ngoài không trách được, nhưng bởi tưởng tượng không thánh sạch và ham muốn có thể "trong lòng phạm tội tà dâm" (Ma-thi-ơ 5:28). Cách ăn ở là nhờ tánh nết, cũng tỏ ra đạo đức bề trong của người, như I Phi-e-rơ 3:4 chép "Hãy tìm kiếm sự trang sức bề trong giấu ở trong lòng". Lời nói từ lòng mà ra (Lu-ca 6:45), và mọi việc ác cũng thế (Mác 7:21).
       Những người chép Tân Ước cũng hiệp với sự dạy dỗ của Chúa về lòng. Như Hê-bơ-rơ 3:10 mô tả những người vẫn không phục Chúa là: "lòng chúng nó lầm lạc luôn"; và Công vụ các sứ đồ 8:21 chép về cá nhân phạm tội: "Lòng ngươi chẳng ngay thẳng trước mặt Ðức Chúa Trời". Gia-cơ 4:8 dạy: "Có ai hai lòng hãy làm sạch lòng đi". Phao-lô thường dùng chữ lòng ấy chỉ là một cách khác nói về "người bề trong" (II Cô-rinh-tô 4:16, v.v...); bởi đó, Phao-lô chỉ về tánh nết thật của người tự mình định làm, như: "ai trong lòng đã quyết định cách vững vàng, ...nấy cứ theo như mình đã quyết chí" (I Cô-rinh-tô 7:37). Cũng chép Chúa dò xét lòng người (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:4). Và có thể làm cho "lòng được vững vàng và thánh sạch" (I Tê-sa-lô-ni-ca 3:13). Khi xem Rô-ma 8:27; Ê-phê-sô 4:18; Cô-lô-se 3:22; II Ti-mô-thê 2:22, thấy lòng chỉ về tánh đạo đức.
       Ðiều cần nhứt về sự cải cách thật, ấy là phải bắt đầu từ trong lòng người. Theo Kinh Thánh, lòng là nguồn của đời sống đạo đức. Lòng người hư rồi, ấy vì cớ nguyên tội từ A-đam truyền lại. Cho nên việc Chúa cứu chuộc và cải cách người phải khởi sự trong lòng để người được lòng mới, tức là nguyên lý mới của đời sống, ấy bởi huyết Chúa làm sạch lòng khỏi tội, và quyền Ðức Thánh Linh làm cho người được tái sanh nên người mới trong Chúa.
       III. Lòng và sự từng trải thuộc linh.-- Lòng chẳng những là cơ quan của sự sống về phần thân thể, trí khôn và đạo đức, nhưng cũng là cơ quan của sự sống mầu nhiệm thuộc linh từ sự hiện diện Chúa tại đó. Cải cách đạo đức là điều kiện của sự được dựng nên lần nữa về phần thuộc linh. hai việc đó hiệp nhau trong sự hành động; và theo Tân Ước, lòng là nơi bề trong người có hai việc đó hoạt động bởi ơn điển của Chúa. Vậy, bởi đức tin, người phải dâng trọn vẹn đồn lũy bề trong của mình, tức là lòng, để Chúa có thể cứu rỗi và ban quyền phép đổi mới. Ấy là điều kiện cốt yếu của đạo Ðấng Christ. Phao-lô trong Công vụ các sứ đồ 15:9 cũng nhận biết là như thế: "Chúa biết lòng người, đã làm chứng cho, ...mà ban Ðức Thánh Linh... khiến cho lòng tinh sạch". Bởi đó, không cần phải nhờ lễ nghi bề ngoài của luật pháp nữa, song người nào tình nguyện nhường lòng thuộc linh và đạo đức phục Chúa có thể được cứu rỗi. Chính quyền phục Chúa như thế là nhờ "ơn Chúa ban cho trước", như chép về bà Ly-đi: "Chúa mở lòng cho người" (Công vụ các sứ đồ 16:14). Người nào đã mở lòng từng trải ơn Chúa đổi mới đó thì không cần phải nhờ những sự bề ngoài nữa, ấy vì có sự sống thuộc linh của Chúa ban cho gìn giữ lòng mình. Người đó có thể làm chứng rằng: "lòng nhờ ân điển được vững bền, ấy là tốt" (Hê-bơ-rơ 13:9). Những ơn phước nầy tới bởi ân điển Ðức Chúa Trời trong Ðấng Christ, vì người phải "tôn Ðấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình" (I Phi-e-rơ 3:15).
       Phao-lô dạy, lòng người có thể hiểu biết ngay những lẽ thiêng liêng bởi Ðức Thánh Linh được tỏ ra. Ðức Chúa Trời "đã làm cho sự sáng Ngài chói lòa trong lòng, đặng sự thông biết về vinh hiển..." (II Cô-rinh-tô 4:6). Ðể giữ lòng như thế, trong bài giảng trên núi, Chúa Jêsus khuyên phải giữ lòng thanh sạch, và vẫn giao thông trực tiếp với Ðức Chúa Trời để có thể ăn ở cách đạo đức thanh sạch. Ấy cũng làm cho rõ hơn lời dạy dỗ trong Cựu Ước về đời sống thuộc linh đạo đức là trong lòng người, và khi hiệp với Chúa thì đem người gần Ngài hơn. Phao-lô trong Rô-ma 10:8, 10 chứng rằng : "Ðạo trong lòng người", nên lòng đáp lại: "vì tin ở trong lòng mà được sự công bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu rỗi".
       Vậy, trong lòng có thần linh người hành động bởi sự hiện diện Thần Ðức Chúa Trời (Rô-ma 5:5). Lòng là nơi gặp gỡ của thần linh người và Ðức Thánh Linh. Trong lòng, Ðức Thánh Linh làm chứng chúng ta là con cái Chúa (Rô-ma 8:16), và tại đó kêu rằng "A-ba! Cha!" (Ga-la-ti 4:6). Khi người tái sanh bởi Ðức Thánh Linh, thì như Phao-lô chép trong II Cô-rinh-tô 1:22 "Ðức Chúa Trời lấy ấn mình mà đóng cho chúng tôi, và ban của tin Ðức Thánh Linh trong lòng chúng tôi".
       Hai bài cầu nguyện đặc biệt của Phao-lô trong thơ Ê-phê-sô 1:17-19; 3:16-19, tỏ ra cả việc Ðức Thánh Linh trong lòng tín đồ là thế nào. Phao-lô thấy kết quả thuộc linh bởi sự Chúa ngự trong lòng thật nhiều, nên chịu cảm động đến nỗi phải sốt sắng cầu Chúa: "ban thần trí của sự khôn sáng và của sự tỏ ra cho anh em để nhận biết Ngài, lại soi sáng con mắt của lòng anh em, hầu cho biết điều trông cậy về sự kêu gọi của Ngài là thế nào, sự giàu có của cơ nghiệp vinh hiển Ngài cho các thánh đồ là làm sao, và biết quyền vô hạn của Ngài đối với chúng ta có lòng tin là lớn dường nào". Phao-lô dùng "con mắt của lòng" để chỉ rõ tánh đổi mới và thánh khiết của người có linh tánh để hiểu biết cách thuộc linh lẽ thật Chúa. Lần thứ hai, Phao-lô cầu Chúa: "khiến anh em được quyền phép bởi Ðức Thánh Linh mà nên mạnh mẽ trong lòng; đến nỗi Ðấng Christ nhơn đức tin mà ngự trong lòng anh em; để anh em... được biết sự yêu thương của Ðấng Christ, là sự trổi hơn mọi sự thông biết, hầu cho anh em được đầy dẫy mọi sự dư dật của Ðức Chúa Trời".
       Phao-lô cứ luận: khi trí khôn từng biết lẽ thật Chúa thì được yên ổn; và khi dùng tự do quyền Chúa ban cho thì được đắc thắng và bình tĩnh trong đời sống đạo đức. Kết quả là sự bình an. Những việc trí thức trong lòng, vì đã tìm lẽ thật, thì được thỏa nguyện; những việc đạo đức trong lòng, vì đã được nhơn lành, thì hòa hiệp nhau; và những tình cảm, vì sự yêu thương, thì được đầy trọn. Bởi vậy, "sự bình an của Ðức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Ðức Chúa Jêsus Christ" (Phi-líp 4:7). Cho nên Phao-lô khuyên rằng: "Nguyền xin sự bình an của Ðấng Christ cai trị trong lòng anh em" (Cô-lô-se 3:15); và nhờ Chúa làm cho "lòng anh em được vững vàng và thánh sạch" (I Tê-sa-lô-ni-ca 3:13), để "yên ủi lòng anh em, khiến anh em được bền vững trong mọi việc lành cùng mọi lời nói lành" (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:17); và soi dẫn lòng anh em đến sự yêu mến Ðức Chúa Trời, và sự nhịn nhục của Ðấng Christ. Khi cứ từng trải quyền Chúa trong mọi việc của lòng, như trí thức, ý muốn, và cảm biết, thì thấy kết quả là sự hiểu biết, quyền năng và bình an.
       IV. Trí và sự hiểu.-- Vì thêm ý nghĩa kể trên về lòng, nên Phao-lô nhận biết mình có cần danh từ đặc biệt để mô tả những việc suy tưởng và luận lý của trí khôn. Triết lý Hy-lạp đã đặt "Luận lý" (Raison) là sở năng rất cao thượng trong người để được hiểu cả lẽ thật với công đức. Theo ý hẹp triết lý đó, cơ quan của mọi sự suy tưởng và phán đoán đạo đức bằng tiếng Hy-lạp là "Nous", tức là "sự hiểu biết". Trong Cựu Ước Hy-lạp, cũng dùng "nous" để dịch chữ Hê-bơ-rơ lebh hay lebhabh, tức là lòng. Vì biết "nous" dùng như vậy, thì Phao-lô cũng dùng trong các thơ mình với mấy danh từ như thế nữa: như là sunesis (Ê-phê-sô 3:4; tức "sự hiểu biết"), dianoia (Ê-phê-sô 1:18 tức "biết"), v.v.... Ngoài các thơ Phao-lô, "nous" chỉ dùng trong Kinh Thánh một lần trong Lu-ca 24:25 và hai lần trong Khải Huyền 13:18; 17:9.
       Ý Phao-lô về "trí" người chưa tái sanh với những việc biết đạo đức thuộc trí đó, được tỏ ra trong Rô-ma 7:. Luật đạo đức cho trí biết tội, như trong câu 7 chép "tôi chỉ bởi luật pháp mà biết tội lỗi"; và trí vui phục luật pháp đó nữa (câu 22). Song tội trong xác thịt cai trị người bề trong, đến nỗi "có một luật khác giao chiến với luật trong trí mình, bắt mình phải làm phu tù cho luật của tội lỗi" (7:23). Bởi trí người biết tội, song cũng biết tự mình không bỏ được; như chép: "tôi lấy trí khôn phục luật pháp của Ðức Chúa Trời, nhưng lấy xác thịt phục luật pháp của tội lỗi" (7:25). Phao-lô chỉ cho biết "nhờ Ðức Chúa Jêsus Christ" (7:25), người có thể đắc thắng tội lỗi, và trong Rô-ma 8: Phao-lô tỏ ra nguyên lý của sự sống mới được bởi Ðức Thánh Linh, thì cung cấp các quyền thiếu trong trí người.
       Phao-lô so trí, như là sự hiểu biết hợp lý với thần linh người, lúc gặp những tình hình bất thường (I Cô-rinh-tô 14:14-15). Trong hai cầu nầy, tâm thần được dùng cách đặc biệt vì "chỉ về người bề trong dưới quyền cai trị của Chúa về phần thuộc linh và dạy dỗ". Ðể gầy dựng và yên ủi, dùng trí khôn và sự hiểu biết "dạy dỗ" thì trổi hơn dùng ơn thuộc linh "nói tiếng lạ" mà không ai hiểu; nên Phao-lô tóm kết lại: "Thà tôi lấy năm lời bằng trí khôn mình mà rao giảng trong Hội Thánh, để được dạy bảo kẻ khác, hơn là lấy một vạn lời bằng tiếng lạ" (I Cô-rinh-tô 14:19).
       Song, nếu trí khôn "không lo nhìn biết Ðức Chúa Trời", thì trở nên "hư xấu" (Rô-ma 1:29). Luận lý không cứu các dân ngoại khỏi cách xa Ngài, nên "họ theo sự hư không của ý tưởng mình, bởi sự ngu muội ở trong họ" (Ê-phê-sô 4:17-18). Trong các thơ sau chép lúc bị bỏ tù, Phao-lô tỏ ra không thể nhờ trí khôn được, ấy vì có thể bởi sự cãi lẫy, tìm lợi riêng, và có ý bỏ lẽ thật, mà hư đi (I Ti-mô-thê 6:5; II Ti-mô-thê 3:8; so Tít 1:15). Trái lại, người có thể "biến hóa bởi sự đổi mới của tâm tình" (Hy-lạp "nous"), và bởi Thần Chúa cũng có thể hiểu "ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Ðức Chúa Trời" (Rô-ma 12:2). Vậy, có thể nói tín đồ thuộc linh có "tâm tình Ðấng Christ" (I Cô-rinh-tô 2:16), và được đổi mới bởi ảnh hưởng tái sanh của Ðức Thánh Linh mà tín đồ đó nhận được như là "thần trí mình" (Ê-phê-sô 4:23).
       V. Lương tâm.-- Trong Tân Ước danh từ lương tâm vẫn có một ý và cách dùng đúng luôn. Ấy vì cớ khi đem dùng trong Tân Ước, thì đã có ý đầy đủ rồi. Trong bản Septante, chỉ dùng một lần có ý là "tư tưởng" (Truyền đạo 10:20). Trong Công vụ các sứ đồ 23:1; 24:16 (hai bài giảng của Phao-lô) có hai lần , trong các thơ Phao-lô có 21 lần, thơ Hê-bơ-rơ 5 lần, và I Phi-e-rơ 3 lần. Vậy, là một danh từ Phao-lô mượn của triết lý Hy-lạp, nhứt là phái Stoicisme, mà dùng riêng. "Nous" (trí hay là luận lý) chỉ về sự cảm biết của trí thức và đạo đức, song "lương tâm" chỉ dùng về sự cảm biết đạo đức mà thôi. Vậy, lương tâm rất xứng hiệp để bày tỏ sở năng trong người lấy đạo đức mà đoán xét cách ăn ở của người. Như Lightfoot viết: "...danh từ quan hệ nhứt của đạo đức, trổi hơn những danh từ khác về luân lý, suneidésis (Hy-lạp), tức lương tâm: quan án bề trong, hoàn toàn, cao cả đoán xét công việc của cá nhân. Trước Tân Cựu Ước đã có ý đó khi dùng chữ "lòng", song dùng một cách chung để gồm lại mọi việc của trí khôn; bởi thế có cần thêm một danh từ khác để chỉ về cơ quan đoán xét theo đạo đức. Vì "nous" (trí khôn) không đủ, nên dùng một danh từ có đủ ý về sở năng người tự xét mình về đạo đức, tức là lương tâm. Trong Công vụ các sứ đồ 23;1; 24:16, Phao-lô binh vực mình mà làm chứng rằng việc làm có hiệp với lương tâm mình. Nên chú ý, khi nói với dân Do thái, Phao-lô thêm: "ở trước mặt Ðức Chúa Trời", và với dân ngoại: "lương tâm không trách móc trước mặt Ðức Chúa Trời và trước mặt loài người". Phao-lô nói vậy, vì biết dân Do-thái với dân ngoại công nhận lương tâm có quyền đoán xét.
       Theo nghĩa lương tâm kể trên, trong Rô-ma 2:14-15 là hai câu làm mẫu mực trong Tân Ước của sự dạy về lương tâm, Phao-lô mở mang và dạy dỗ lẽ đạo mình về luân lý. Trong phần trước của thơ La-mã, Phao-lô đã mô tả sự hư hoại của dân ngoại, thật hiệp với lời Juvenal viết: "La-mã là cống dẫn cặn bã của các dân tộc". Sau Phao-lô răn dạy người về "sự phán xét của Ðức Chúa Trời" trên cả người Do-thái và người Hy-lạp, vì "Chúa không tây vị ai". Phao-lô cứ luận: "Vì người Do-thái đã có sự khải thị của luật pháp đạo đức từ Ðức Chúa Trời, nên bởi luật pháp đó, họ sẽ bị đoán phạt. Còn dân ngoại, dầu "vốn không có luật pháp", nhưng vì "tự nhiên làm những việc luật pháp, dạy biểu... cũng tự nên luật pháp cho mình. Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình". Vậy, Phao-lô luận rằng: dân ngoại vì không có luật pháp của Chúa, nên phải "tự tạo nên luật pháp cho mình", vì "tự nhiên làm những việc luật pháp dạy biểu", bởi thế làm chứng có một luật pháp trong nơi sâu nhiệm của bổn tánh đạo đức mình cai trị. Lương tâm và công việc nó ở khắp nơi cũng đều làm chứng như thế, nên không nghi ngờ được.
       Vậy, lương tâm làm chứng loài người thật cư xử theo luật đạo đức, và lương tâm đoán xét theo luật đó. Lương tâm không ban bố luật pháp, chỉ đoán xét theo mà thôi. Ðức Chúa Trời ban luật cho, lương tâm là quan án của Ngài trong người. Chúa có thể cho khắc luật pháp trên bảng đá, hoặc ghi tạc trên lòng, trên trí, và tánh hạnh đạo đức của người. Bất luận thế nào, lương tâm làm chứng cho luật, và bởi tư tưởng bênh vực hay cáo giác, thì đoán xét những công việc của người đã nhận luật đó. Bởi thế, lương tâm làm của tin về sự phán xét cuối cùng, là ngày Chúa sẽ "xét đoán những việc kín nhiệm của loài người" (Rô-ma 2:16).
       Song Phao-lô nhận biết lương tâm có hạn và có thể nguy hiểm. Thiếu sự biết ấy làm cho lương tâm yếu đi. Nhưng, tin Ðức Chúa Trời độc nhứt, là Cha và Ðức Chúa Jêsus Christ, ấy thêm cách vô hạn sự tự do và sức lực cho đời sống đạo đức. Tiếc thay, "chẳng phải mọi người đều có sự hay biết đó; ...thì lương tâm yếu đuối của họ bởi đó ra ô uế" (I Cô-rinh-tô 8:7). Không ăn ở xứng đáng thì làm cho trí khôn và lương tâm, như Tít 1:15 chép. Song le, khi lương tâm cai trị cách cư xử và khiến người vâng phục Chúa, thì được gọi là tinh sạch (II Ti-mô-thê 1:3; Hê-bơ-rơ 13:18). Tín đồ bội đạo là "kẻ có lương tâm đã lì" (I Ti-mô-thê 4:2), nguyên văn dịch: trong lương tâm người đó như bị đóng dấu bởi sắt nung đỏ. Trái lại, lương tâm có thể được dạy dỗ nhờ Ðức Thánh Linh soi sáng bởi Lời Chúa, và sự cầu nguyện (Rô-ma 9:1).
       Bởi đạo Ðấng Christ, tín đồ được một mẫu mực mới về cách cư xử, và một duyên cớ mới để vâng phục Chúa. vậy, đức tin (nhận và nhờ) có ảnh hưởng tốt trên lương tâm. "Bởi lòng tinh sạch, lương tâm tốt và đức tin thật mà sanh ra (I Ti-mô-thê 1:5), và lương tâm thanh sạch giữ lẽ mầu nhiệm của đức tin" (I Ti-mô-thê 3:9). Ấy vậy, đức tin và lương tâm liên lạc chặt chẽ, vì ai: "chối bỏ lương tâm đó, thì đức tin họ bị chìm đắm" (I Ti-mô-thê 1:19). Ðược biết ý muốn Ðức Chúa Trời trong Chúa Jêsus bao nhiêu, thì quyền và nơi có quyền đó của lương tâm cũng đều được thêm bấy nhiêu. Tín đồ "vâng phục các đấng cầm quyền trên mình... chẳng những vì sợ hình phạt mà thôi, nhưng cũng vì cớ lương tâm" (Rô-ma 13:1, 5).
       Nguyên lý là "vì cớ lương tâm" đó, cũng đoán xét nhiều việc không gồm lại trong sự phán xét luân lý, như là ăn và uống v.v.... Khi bởi "sự yêu thương làm gương tốt" (I Cô-rinh-tô 8:1) lương tâm cai trị, thì hay lo về ảnh hưởng việc làm đối với người khác, như: "mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích" (I Cô-rinh-tô 10:23). Như vậy, không cần cãi lẽ về vấn đề nên ăn uống lương thực đã cúng tế nữa. Chỉ là một vấn đề lương tâm, tín đồ phải quyết định, là lương tâm, chẳng những được soi sáng, và cũng đã trở nên mềm mại bởi sự yêu thương nữa. Vậy, "vì cớ lương tâm" không dám "làm gương xấu cho người Do-thái, người Hy-lạp, hay là Hội Thánh của Ðức Chúa Trời" (I Cô-rinh-tô 10:32). Ðạo Ðấng Christ sanh ra một cách cư xử theo lẽ thật, và mở mang tánh nết xứng hiệp với lương tâm và sự đáp lại của lương tâm làm chứng đạo đó là thật và đáng khen (II Cô-rinh-tô 1:12; 4:2; 5:11).
       Trong thơ Hê-bơ-rơ và I Phi-e-rơ vẫn dùng lương tâm chỉ về sở năng của sự phán xét theo đạo đức. Sự biết tội cũng được gọi là "lương tâm biết tội" (Hê-bơ-rơ 10:2); song vì là một sở năng của lòng nên có thể được sạch, vì: "lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu" (Hê-bơ-rơ 10:22). Theo lễ nghi dâng các lễ vật và hy sinh, "không có thể làm cho kẻ thờ phượng được vẹn lành về lương tâm", nhưng "huyết Ðấng Christ sẽ làm sạch lương tâm" (Hê-bơ-rơ 9:9, 14). Về mặt lương tâm là sự phán xét đạo đức theo luật Chúa, thì được tỏ rõ bởi I Phi-e-rơ 2:19, "lương tâm đối với Ðức Chúa Trời", hay là I Phi-e-rơ 3:21, "lương tâm tốt với Ðức Chúa Trời". Ấy như I Phi-e-rơ 3:16 chứng rằng , "cách ăn ở lành của anh em trong Ðấng Christ" sanh ra "lương tâm tốt".
       Khi ôn lại cách dùng lương tâm trong Tân Ước, như là một sở năng hoặc việc của "lòng", thì phải nhận biết dầu là danh từ mới trong Kinh Thánh, song tâm lý học phổ thông cũng nhận lương tâm làm chứng về Ðức Chúa Trời và sự khải thị của ý muốn Ngài. Lương tâm là sự cảm biết trách nhiệm người đối với Ðức Chúa Trời được tỏ ra đầy đủ để cho mọi người phải chịu trách nhiệm về việc mình làm. Lương tâm làm cho biết tội và làm chứng cho việc lành; song sự xét đoán nó theo mẫu mực đạo đức của người ta. Ðạo Ðấng Christ lo về sự làm sạch và cai trị lương tâm, cũng lập một mẫu mực mới của tánh nết người trong Ðấng Christ với một nguyên lý mới để dẫn dắt trong sự yêu thương.
       Phỏng theo "The Psychology of the New Testament"
       của M.SCOTT FLETCHER, M. A., B. Litt. (Oxon)

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.