Luân lý. Éthique.

       


      I. Tóm tắt luân lý người đời.--
       Luân lý là một ngành triết học luận về tánh cách và phép cư xử của người. Luân lý lo về đời sống và nhân cách người: về tánh nết bề trong, việc làm bề ngoài, và sự giao thiệp với xã hội. Nhà triết học Aristote là người thứ nhứt đặt tên cho khoa học nầy và làm thành học thuyết. Theo tiếng Hy-lạp, luân lý là "éthiká" từ "éthos", nghĩa là phong tục, thói tục, tánh hạnh, và giống tên la-tinh "mores", song ấy dường như hạn chế ý nghĩa đã nói trên.
       Người sống trước khi suy nghĩ; hành động trước khi xem xét tại sao. Khi bắt đầu hỏi đến các thói tục và thiết lập đã quen rồi để xét điều phải trái, nhờ đó người sửa đổi thái độ, ấy bắt đầu mới có luân lý. Luân lý không phải là đạo đức, song là sự suy tưởng về đạo đức. Khi Aristote, theo sau Socrate và Platon, dùng danh từ luân lý, ông không phải chú ý mô tả sự sống bề ngoài của người thôi, song cả đến những nguồn gốc hành động nữa, và những mục đích dẫn người vào con đường chính đáng. Luân lý có thể định nghĩa là một học thuyết về tính cách con người, và công dụng tỏ ra sự sống con người phải rèn luyện cách nào để đạt mục đích và mưu định. Vậy, luân lý là một mẫu mực so sánh điều phải trái, và có can thiệp với luật pháp để cai trị những sự quyết định dẫn dắt người vào trong công việc.
       Người dầu là một, song có thể chia cảm giác của bản ngã làm ba mặt khác nhau: trí thức, tình cảm và ý muốn. Ba điều đó hiệp với ba khoa học về tâm trí: siêu hình học (métaphysique) can thiệp với vũ trụ mà người là một phần tử ; tâm lý học (psychologie) can thiệp người với bổn tánh, tình hình và biến hóa của những sở năng và cảm giác trong trí người; và luân lý học (éthique) luận về người như một người tự chủ có ý muốn quyết định, hoạt động.
       Luân lý đặt trên nền tảng đoán định rằng người là một ngôi vị có bản quyền và bổn phận, vì cớ đó phải chịu trách nhiệm về mưu định cũng như về công việc. Luân lý không những chỉ luận người nói hoặc làm gì, song còn có điều đặc biệt hơn: là người nên thể nào và nên làm gì. Vậy "nên" là danh từ rất quan hệ trong luân lý học. Trong đời sống người "nên" gồm cả mục đích, phép tắc và duyên cớ hành động. Như vậy, vấn đề luân lý người đời chỉ cho người biết thế nào tìm được "điều thiện nhứt" của mình, là tó agathón của người Hy-lạp và summun bonum của triết học La-tinh.
       II. Tóm tắt luân lý đạo Ðấng Christ.--
             1. Như kể ở trên, luân lý người đời thường nhờ những vấn đề triết học và tâm lý học để lập các nguyên lý sự sống theo phương diện thế gian và tư tưởng người đời. Luân lý đạo Ðấng Christ khác với luân lý người đời vì ý nghĩa thuận hiệp với tôn chỉ đạo Ðấng Christ để lập các nguyên lý sự sống mà đời Ðấng Christ đã tỏ ra. Luân lý đạo Ðấng Christ là khoa học về cách cư xử để đạt tới mục đích tức là sống một đời thánh khiết hoàn toàn như Ngài. Vậy, luân lý đó luận đến những vấn đề về bổn tánh, những luật, và bổn phận thuộc một đời sống đạo đức có điều thiện nhứt cai quản. Ðời sống đạo đức đó, tín đồ tin rằng Ðấng Christ đã tỏ ra và dạy dỗ. Bởi đó, sự khải thị Ðức Chúa Trời bởi sự sống Ðấng Christ là một thiệt sự rất cần yếu, vì ấy phải cai quản sự sống và đặt một giá mới cho bổn phận và mục đích người. Vậy, luân lý đạo Ðấng Christ cao thượng hơn hết!
             2. Luân lý đạo Ðấng Christ coi bổn tánh người đời cần phải được dựng nên mới. Vì tự mình không có quyền Chúa, nên luân lý người đời không thể đổi mới bổn tánh hư hoại của người được. Luân lý đạo Ðấng Christ cũng cho người biết nên cư xử thế nào, tới mục đích nào, tức là cho được biết Ðấng Christ hoàn toàn. Như Rô-ma 1:16 chép rằng: "Tin lành là quyền phép của Ðức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin". Vậy, điều cốt yếu của người đời phải tin theo Ðấng Christ và nhờ quyền Ðức Thánh Linh hành động trong mình để lòng được trong sạch, có thể cư xử xứng đáng mà tới mục đích Ðấng Christ đặt cho mình, tức trở nên thánh khiết hoàn toàn giống Ngài.
             3. Ban đầu, người được dựng nên theo hình ảnh Ðức Chúa Trời. Dầu sau người sa ngã phạm tội, nhưng bởi ơn Chúa, người vẫn có thể nhờ quyền đổi mới Chúa mà lấy lại sự đã mất trong vườn Ê-đen. Tiếc thay! Dầu nhiều người vẫn tìm cách lấy lại sự thánh khiết vốn có, song chẳng hề tìm được, ấy vì nhờ luân lý người đời không nhờ luân lý đạo Ðấng Christ như tỏ trong Kinh Thánh. Theo Sứ đồ Phao-lô, Ðấng Christ phải là mục đích của tín đồ vì là Ðấng "trong mọi vật đứng đầu hàng" (Cô-lô-se 1:18). Dầu người bởi đất mà ra, nhưng nhờ "Người thứ hai từ trời mà ra (Chúa Jêsus)," người thuộc về đất đó có thể "mang ảnh tượng của người thuộc về trời" (I Cô-rinh-tô 15:46-49). Vậy, nếu tín đồ hết lòng nhờ Ðức Thánh Linh hành động trong mình và ăn ở theo luân lý Kinh Thánh, đến ngày Chúa Jêsus tái lâm sẽ tới mục đích luân lý đó, tức được "giống như Ngài, vì sẽ thấy Ngài như vốn có thật vậy" (Giăng 3:2).
       Trong Kinh Thánh Tân, Cựu Ước dầu có dạy nhiều về luân lý đạo Ðấng Christ, nhưng không chép theo trật tự.
       III. Luân lý Cựu Ước.--
       Ai nấy đều có ý thức về đạo đức và có quyền tự do lựa chọn lành dữ. Dầu Sáng thế ký 3:5, không có danh từ "lương tâm" song bày tỏ ý đó trong sự "biết điều thiện và điều ác". Nên nhận biết đạo đức trong Cựu Ước hiệp một với đạo Chúa, chớ không biệt lập. Khi Ðức Chúa Trời ngự trong người ta: ai nấy đều thích được Ngài đẹp lòng và sợ Ngài nổi giận (Sáng thế ký 20:6; 39:9). Bởi vậy, hễ điều nào không hiệp với đạo Chúa là phạm tội với Ðức Chúa Trời. Vậy, giữ theo chơn lý cũng như giữ theo luân lý tức là kính sợ Ngài. Người đời Cựu Ước, phần nhiều có quan niệm về quốc gia, chớ ít có quan niệm về cá nhơn. Người cũng như một trong nhiều bộ phận của cơ thể nên có khi nhà hay họ mình phạm tội, mặc dầu mình vô tội cũng phải chịu phạt lây (Giô-suê 7:19-26). Cả nước Y-sơ-ra-ên được gọi là dân Ðức Chúa Trời. Phàm những việc cầu nguyện, dâng của lễ và kiêng ăn đều là việc thi hành trong khắp cả nước. Vì muốn cứu chuộc dân chúng mà hy sinh mạng mình, ấy là đức tính cao siêu hơn hết! (Xuất Ê-díp-tô ký 30: 31-32; Các quan xét 5:15-18). Cựu Ước nhiều lần nói đến giao ước: trái bỏ hay giữ theo giao ước, đó có thể dùng làm thước đo việc làm (Ô-sê 6:7; 8:1; A-mốt 3:1-3). Người nào giữ theo giao ước sẽ được thạnh vượng (Xuất Ê-díp-tô ký 24: 3, 7). Giữ mười điều răn tức là làm theo giao ước vậy (Xuất Ê-díp-tô ký 20:).
       Xét mười điều răn có thể chia làm hai đại cương:
             1. Kính mến Ðức Chúa Trời.
             2. Yêu người lân cận.
       Ðiều răn sau rốt có quan hệ đến lòng người, khiến chúng ta nghĩ đến mười điều răn đều quan hệ đến trong lòng mình vậy (Lê-vi ký 19:17-18; Phục truyền luật lệ ký 6:5-6; Thi Thiên 139:; Rô-ma 7:14). Bổn phận người ta là phải có đạo đức, lễ nghi (Xuất Ê-díp-tô ký 20:-23:). Các tiên tri thường trách dân khinh lờn đạo đức (Ê-sai 1:11-17; Ô-sê 6:6; A-mốt 5:21). Người ta lại càng nên thương kẻ điếc, người mù (Lê-vi ký 19:14), xót kẻ góa bụa, mồ côi, giúp hạng nghèo khó, yêu khách lạ (Phục truyền luật lệ ký 10:18-19; 15:7-11; 24:17-22; Gióp 31:16-21, 32; Thi Thiên 41:1); lại nên hiếu thảo với cha mẹ, kính trọng người già cả (Xuất Ê-díp-tô ký 20:12; Phục truyền luật lệ ký 5:16; Lê-vi ký 19:32), dạy dỗ con nít (Xuất Ê-díp-tô ký 12:29; 13:8). Ngoài ra, còn có vài luật lệ về việc thương xót súc vật (Xuất Ê-díp-tô ký 23:11; Lê-vi ký 25:7; Phục truyền luật lệ ký 22:4, 6; 25:4; Thi Thiên 104:11-12; Châm Ngôn 12:10; Giô-na  4:11). Lại có nói về đức tốt của đờn bà (Châm Ngôn 3:1), của vua chúa (II Sa-mu-ên 23:3-4), và của thầy tế lễ, v.v.. (Ma-la-chi 2:5-7). Và, ai trái giao ước thì phải bị phạt; ai theo giao ước thì được thưởng. Nhưng Ðức Chúa Trời, ngoài sự công bình ra, cũng ban ơn và thương xót dân Ngài nữa (Phục truyền luật lệ ký 7:8; Ô-sê 11:1; 14:4), tức Ngài vẫn tha thứ kẻ trái nghịch luật pháp cách tỏ tường (Thi Thiên 25:6; 103:8; Ê-sai 63:9; Giê-rê-mi 3:12). Vậy nên, có nhiều người dầu không được thưởng cũng vui lòng thờ phượng Chúa.
       IV. Luân lý Tân Ước.-- Chúa phán: "Các ngươi đừng tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri; ta đến không phải để phá, song để làm trọn" (Ma-thi-ơ 5:17; Rô-ma 3:31). Mở ra rất nhiều chân lý mới (Ma-thi-ơ 11:11; 13:17, 35, 52; Mác 2:21-22; Giăng 13:34; Ê-phê-sô 2:15; Hê-bơ-rơ 10:27; Khải Huyền 2:17; 3:12; 5:9). Tân Ước hằng nói mọi người đều có tội, vì cội rễ điều ác của người rất sâu; cần phải khuyên họ nên ăn năn đổi lỗi. Vậy, chức vụ đặc biệt của Ðức Thánh Linh là làm cho người ta hối cải (Giăng 16:8). Phải có phương pháp cứu rỗi khác thường để cứu rỗi hết thảy, như tìm kiếm một chiên bị lạc mất trong bầy chiên vậy (Lu-ca 15:4-7). Ðấng Christ chữa bệnh cũng là chữa lành hết thảy (Lu-ca 4:40). Song, Tân Ước xử đoán người ta là chú trọng về trong lòng (Ma-thi-ơ 5:21-22). Ý đó cũng giống với Cựu Ước (Thi Thiên 51:17). Người ta có quan hệ với xã hội lắm: mình không tha thứ người ta thì Chúa cũng không tha thứ mình (Ma-thi-ơ 6:14-15; 18:23-35). Ai không hòa thuận với anh em mình, nấy không thể thờ phượng Chúa được (Ma-thi-ơ 5:23-24). Yêu thương là chứng cớ được tái sanh (I Giăng 5:1). Vả, ai nấy cần phải giúp đỡ người khác (Ma-thi-ơ 25:41-45). Kinh Thánh cũng luận đến bổn phận làm vợ, chồng, cha ,mẹ, con cái, chủ, tớ (Ê-phê-sô 5:22-6:9; Cô-lô-se 3:18-4:1), và trách nhiệm đối với Hội Thánh (Rô-ma 14:-15:; Ga-la-ti 6:1-2; I Cô-rinh-tô 13:-15:), đối với nhà nước (Mác 12:14-17; Rô-ma 13:1-7; I Ti-mô-thê 2:1-2). Vả, người ta phải có đức tin để làm cội gốc cho mọi tánh nết (II Phi-e-rơ 1:5; Rô-ma 5:1-2; I Cô-rinh-tô 13:; Hê-bơ-rơ 11:). Trừ món đạo đức thượng cổ ra, còn có ba điều cốt yếu là đức tin, sự trông cậy và tình yêu thương để thay đổi đường lối đời xưa mà bù vào chỗ thiếu thốn. Lại có Ðức Thánh Linh làm cho người ta được tái sanh (Giăng 3:3, 6; 8:36; 15:1-10). Lắm kẻ xưa bị người ta coi khinh là kẻ hèn hạ cũng có thể nhờ đức tin mà trở nên thánh đồ (Mác 2:16-17; Lu-ca 7:47; 15:; 19:8-9; 23:42; I Cô-rinh-tô 6:11; Ê-phê-sô 2:1-7).
       Chúa nói rõ rằng luật pháp Môi-se có sự thiếu thốn (Ma-thi-ơ 5:21-48; Mác 10:2-9). Giê-rê-mi và Ê-xê-chi-ên cũng chỉ trích vài chỗ chép trong Cựu Ước là không hiệp lẽ: như Xuất Ê-díp-tô ký 20:5; Giê-rê-mi 31:29-30; Ê-xê-chi-ên 18:2, 3, 19, 20. Có thói tục cưới nhiều vợ và nuôi tôi mọi, vậy mà luật pháp không hề ngăn trở, chẳng qua chỉ có chương trình cải lương lần lần thôi (Xuất Ê-díp-tô ký 21:2-11; Lê-vi ký 25:42-49; I Sử ký 2:34-35; Châm Ngôn 17:2). Song, có nhiều việc nữa, xét ra, không hiệp với lương tâm tin Chúa của chúng ta (Xuất Ê-díp-tô ký 22:18-20; 31:14-15; 35:2; Lê-vi ký 20:27; Dân số ký 15:32-36; 31:; Phục truyền luật lệ ký 13:5; 17:1-7; 18:20; 21:10-14; II Sa-mu-ên 21:1-9). Những việc đó ở Cựu Ước, chẳng qua để răn người sau đừng bắt chước và đừng lằm bằm Ðức Chúa Trời.
       Luận đến luân lý của Tân Ước, có người nói rằng lời dạy quí báu trên núi quyết không thể làm theo được. Nhưng Chúa phán cần phải làm theo như vậy (Ma-thi-ơ 7:24-27). Xét kỹ ra, đừng nên cho lời Chúa là luật lệ chết! Chúa phán dạy môn đồ nên nhờ cậy Ðức Thánh Linh giúp đỡ. Còn môn đồ càng nên ghi nhớ lời Chúa, giữ lấy và làm theo, thì sẽ làm đẹp lòng Chúa mà bước lên một địa vị trọn lành. Có người nói: Tân Ước chẳng cấm việc nuôi tôi mọi phải không? Ðáp: thì giờ chưa đến! Bấy giờ Hội Thánh hết gặp cơn bắt bớ không sức đâu dựa vào chính trị nữa! Việc trước hết của hội đó là truyền rộng Tin lành, phấn hưng Hội Thánh, mới có thể lần lần sửa đổi những thói xấu được. Trong năm hột giống do Chúa gieo ra cũng có nhiều thứ phải đợi đến vài trăm năm rồi mới trở nên cây lớn và chắc vậy. Ví bằng tin Ðức Chúa Trời là Ðức Chúa Cha, thì chắc sẽ cải lương lần lần được hết thảy tật xấu, thói hư về xã hội và về chính trị, và ắt sẽ làm các nước đều bỏ được binh bị, thôi chiến tranh, hưởng phước hòa bình lâu dài. Kìa câu: "Nước Cha được đến, Ý Cha được nên, ở đất như trời" đã bao gồm được hết thảy mọi sự cải lương ở trong đó, không sót chút nào rồi. Coi vậy, thì luân lý đạo Ðấng Christ thật là trọn vẹn không tì vít. 

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.